Nhiều nỗ lực

Xác định xúc tiến đầu tư là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, quyết định sự thành công của việc thu hút đầu tư, nên trong năm 2016, tỉnh Bình Định đã tổ chức nhiều hội nghị xúc tiến đầu tư, như: Tổ chức Ngày Hội đồng hương Bình Định lần thứ III - Xuân Bính Thân 2016 tại TP. Hồ Chí Minh; tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Bình Định lần thứ III - năm 2016...

Bên cạnh đó, để tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, Tỉnh còn nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, bằng việc ban hành các chính sách, như: Kế hoạch số 27/KH-UBND, ngày 15/06/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020; ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Đồng thời, UBND Tỉnh đã cam kết với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong năm 2016, Tỉnh đã tổ chức buổi Đối thoại giữa lãnh đạo Tỉnh với các doanh nghiệp trên địa bàn. Đây là sự kiện được tổ chức nhằm giúp lãnh đạo UBND Tỉnh trực tiếp lắng nghe các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh phản ánh, đề đạt ý kiến, qua đó có biện pháp kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

TP. Quy Nhơn, Bình Định về đêm

Nhờ đó, trong năm 2016, cả Tỉnh có 08 dự án FDI được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký 30,16 triệu USD. Theo đó, lũy kế đến hết năm 2016, Bình Định có 65 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký 475,99 triệu USD, gồm 56 dự án 100% vốn nước ngoài và 09 dự án liên doanh. Trong đó, tại Khu Kinh tế Nhơn Hội và các khu công nghiệp trên địa bàn Tỉnh đã thu hút được 22 dự án với tổng vốn đăng ký là 285,56 triệu USD.

Về thu hút đầu tư trong nước, năm 2016, Tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) cho 18 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 3.227 tỷ đồng. Trong đó, có 12 dự án sản xuất chế biến nông lâm sản, 02 dự án sản xuất vật liệu xây dựng (gạch không nung, ống cống bêtông), 01 dự án xây dựng chung cư thu nhập thấp, 03 dự án làm dịch vụ khách sạn, giải trí và 01 dự án.

Trong năm 2016, số lượng doanh nghiệp thành lập mới của Tỉnh ước khoảng 770 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký ước khoảng 3.310 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân 4,3 tỷ đồng/doanh nghiệp, tăng 20% về số doanh nghiệp đăng ký và giảm 22,2% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế đến cuối năm 2016, trên địa bàn Tỉnh có khoảng 5.550 đang hoạt động, với tổng vốn đăng ký 51.250 tỷ đồng, vốn đăng ký bình quân 9,23 tỷ đồng/doanh nghiệp.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp

Để tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, trong năm 2017, Bình Định sẽ thực hiện đồng bộ các biện pháp sau:

Một là, tiếp tục rà soát, điều chỉnh một số quy hoạch, tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật, hoàn chỉnh thủ tục đầu tư để triển khai thực hiện cho việc phát triển ngành công nghiệp tại Khu Kinh tế Nhơn Hội; Khu Công nghiệp, Đô thị và Dịch vụ Becamex - Bình Định; Khu Công nghiệp Nhơn Hòa; Khu Công nghiệp Bình Nghi; Khu Công nghiệp Long Mỹ (giai đoạn 2)...

Hai là, đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển một số ngành công nghiệp cơ khí, công nghiệp nhựa, sản xuất thiết bị nông, lâm, thủy hải sản và phụ tùng thay thế... kết hợp nhiều trình độ công nghệ, ưu tiên công nghệ cao, công nghệ sạch, tiêu tốn ít nguyên liệu, năng lượng, thân thiện với môi trường.

Ba là, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư để triển khai các dự án, nhất là các dự án trọng điểm, dự án đầu tư mới đã đăng ký và cấp phép đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp. Tiếp tục chỉ đạo rà soát các cơ chế chính sách hiện có, bổ sung một số cơ chế, chính sách mới cùng với triển khai thực hiện chính sách của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, nhất là đối với các mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu.

Bốn là, tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các cơ sở sản xuất đang hoạt động, thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất sản phẩm sang nhóm sản phẩm có thị trường và dễ dàng trong tiêu thụ hơn nhằm phát huy tốt công suất, máy móc thiết bị, tăng trưởng ở mức hợp lý về giá trị sản xuất công nghiệp, nhất là các sản phẩm chủ lực... nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu.

Năm là, ưu tiên tín dụng cho sản xuất, chế biến nông sản, hàng xuất khẩu, cho công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa. Thúc đẩy sự hợp tác giữa các doanh nghiệp liên quan và ngân hàng. Đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là về thuế, hải quan, đất đai, thành lập, giải thể doanh nghiệp... tạo thuận lợi và giảm chi phí cho sản xuất, kinh doanh./.