Đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới thu hút đầu tư nước ngoài vào khu công nghiệp, khu kinh tế Bắc Trung Bộ
Nguyễn Mai Hường, Lê Vũ Sao Mai, Trần Thị Thanh Tâm, Trần Thị Hồng Lam
Nguyễn Thị Bích Liên, Lương Thị Quỳnh Mai, Thái Thị Kim Oanh
Trần Thị Thanh Thủy, Nguyễn Thị Tiếng, Cao Thị Thanh Vân
Trường Đại học Vinh
Tóm tắt
Với các cơ chế, chính sách thông thoáng, cởi mở, đồng hành của các địa phương, cùng với điều kiện về cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực dồi dào…, trong những năm gần đây, Bắc Trung Bộ (BTB) trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT). Tuy nhiên, bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư vẫn còn một số hạn chế nhất định. Trên cơ sở đánh giá thực trạng các yếu tố ảnh hưởng tới thu hút đầu tư nước ngoài vào các KCN, KKT khu vực BTB, bài viết kiến nghị một số giải pháp nhằm cải thiện các yếu tố này, đưa BTB thành một trong những động lực phát triển kinh tế của cả nước.
Từ khóa: thu hút đầu tư, các yếu tố ảnh hưởng, khu vực Bắc Trung Bộ
Summary
With open, transparent, and supportive mechanisms and policies from localities, along with infrastructure conditions and abundant human resources, in recent years, the North Central region has become an attractive investment destination for investors in industrial parks and economic zones. However, there are still some limitations in attracting investment. Based on an assessment of the current situation of factors affecting foreign investment attraction in industrial parks and economic zones in the North Central region, this article recommends some solutions to improve these factors, making the North Central region one of the driving forces for economic development in the country.
Keywords: investment attraction, influencing factors, the North Central region
GIỚI THIỆU
Khu vực BTB có tiềm năng và điều kiện thuận lợi có thể phát triển kinh tế KCN, KKT, từ đó phát triển ngành công nghiệp. Kết quả phát triển công nghiệp khu vực BTB thời gian qua đạt khá, chỉ số phát triển công nghiệp luôn lớn hơn 100%, thể hiện sự tăng trưởng qua các năm [6]. Nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, thu hút đầu tư vào các KCN, KKT trong khu vực BTB, thì việc tìm hiểu thực trạng và khuyến nghị một số giải pháp nhằm cải thiện các yếu tố ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài vào khu vực này là cần thiết.
THỰC TRẠNG CÁC YẾU TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN THU HÚT ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI VÀO KCN, KKT KHU VỰC BTB
Nguồn nhân lực
BTB là vùng có dân số đông với số dân là 18.297,7 nghìn người (năm 2022), chiếm 11,5% dân số cả nước và đứng thứ 5 trong 7 vùng của nước ta. Bên cạnh đó, Vùng có nguồn lao động dồi dào, với 12.344,7 nghìn người (năm 2022) chiếm 61,6% tổng số dân của Vùng và 11,9% so với cả nước. Trình độ học vấn của lực lượng lao động trong Vùng đang tăng nhanh. Những chính sách thu hút lao động trình độ chuyên môn cao và lực lượng trẻ mới ra trường đang được lưu tâm sẽ tạo thêm nguồn lao động có chất xám cho ngành công nghiệp. Các dự án lớn ở các KCN, KKT trong khu vực cơ bản đang trong giai đoạn bắt đầu triển khai, đã và sẽ cần đến một lực lượng lao động rất lớn. Theo thống kê sơ bộ của các tỉnh BTB, nhu cầu lao động cho các dự án đến năm 2025 lên đến 691 nghìn người, năm 2030 là 850 nghìn người. Ðây được xem là cơ hội lớn để giải quyết nguồn nhân lực tại chỗ cho các tỉnh trong khu vực - nơi có dân số đông, khoảng 10 triệu người với hơn 56% trong độ tuổi lao động. Bên cạnh cơ hội là thách thức lớn đặt ra, đó là vấn đề đào tạo cơ bản qua các trường lớp (ít nhất là trường nghề), có kinh nghiệm thực tế, lẫn ý thức tác phong làm việc và sức khỏe… của số lao động này.
Cơ sở hạ tầng
Vùng BTB có tổng chiều dài đường sắt là 682 km, đóng vai trò quan trọng trong việc giao lưu kinh tế, đặc biệt là vận chuyển các loại hàng công nghiệp cung cấp nguyên liệu cho các KCN và hàng hóa từ các KCN ra thị trường trong Vùng cũng như của cả nước. Dọc bờ biển vùng BTB hiện có 13 địa điểm cảng và cầu cảng. BTB đóng vai trò cửa ngõ giao lưu kinh tế - xã hội với các vùng phía Bắc và phía Nam đất nước. Trong Vùng hiện có 4 sân bay, trong đó có 1 sân bay quốc tế (Phú Bài) và 3 sân bay địa phương (Vinh, Đồng Hới, Thọ Xuân). Sân bay quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên - Huế) cấp 4D theo tiêu chuẩn quốc tế, là sân bay lớn của khu vực miền Trung. Các tuyến đường hàng không đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phục vụ nhu cầu đi lại của con người, tạo thuận lợi cho nguồn lao động có chuyên môn kỹ thuật trong nước và nước ngoài đến làm việc tại các KCN. Ngoài ra, vùng BTB đã tạo thành một mạng lưới điện thống nhất như lưới điện 220 kV nằm trong mạng Thanh Hóa - Vinh - Hà Tĩnh - Đồng Hới và Đông Hà - Huế - Đà Nẵng. Hầu hết các KCN, dịch vụ, dân cư… đều bám dọc các quốc lộ huyết mạch, các vùng nông thôn trù phú.
Tính liên kết vùng
Các tỉnh vùng BTB nhìn chung khi xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho giai đoạn 2025-2030 chưa có tầm nhìn toàn vùng, tự các địa phương xây dựng và trình Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Điều đó làm hạn chế đến hiệu quả và phát triển bền vững. Các KKT khu vực BTB phân bố gần nhau như KKT Nghi Sơn (Thanh Hóa) với Cụm công nghiệp Bắc Nghệ An (Nghệ An) gần nhau, được gọi là vùng kinh tế Nam Thanh - Bắc Nghệ và có những đặc điểm đầu tư gần giống nhau. KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh) và KKT Hòn La (Quảng Bình) cách nhau bởi đèo Ngang về đường bộ, nhưng ở đường biển chỉ cách nhau có mũi Độc; KKT Chân Mây - Lăng Cô (Thừa Thiên Huế) và KCN Liên Chiểu (Đà Nẵng) cũng chỉ cách nhau bởi mũi Sơn Trà và hòn Sơn Trà. Đầu tư dàn trải thiếu hiệu quả trong đầu tư xây dựng cảng. Các cảng biển miền Trung phân bố đều khắp các tỉnh từ Bắc xuống Nam, song hiện mới khai thác được 50%-60% công suất. Đáng lưu ý là các KKT phải có cảng nước sâu phục vụ cho phát triển các KKT đó, nhưng ngoại trừ cảng Đà Nẵng, phần lớn các cảng nhỏ, năng lực và trình độ chuyên môn hạn chế, thị trường giới hạn trong phạm vi địa phương.
Chất lượng dịch vụ công
Các thủ tục hành chính được niêm yết công khai tại bộ phận một cửa, bên cạnh đó còn được công khai trên cổng thông tin điện tử của Ban quản lý KKT và các KCN tạo điều kiện tiếp cận rộng rãi và thực hiện thủ tục nhanh chóng đối với các nhà đầu tư. Trong quá trình tham gia thẩm định trình phê duyệt chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, đa số các ngành, đơn vị đều có ý kiến tham gia đầy đủ, đúng thời gian, tuy nhiên, có những dự án vẫn còn nhiều đơn vị không tham gia đúng hạn hoặc ý kiến tham gia chung chung, không nêu rõ quan điểm của ngành về lĩnh vực quản lý dẫn đến việc khó khăn trong quá trình xem xét, đánh giá dự án.
Chính sách đầu tư
Để hỗ trợ thu hút FDI vào vùng BTB, các cấp quản lý Trung ương đã ban hành nhiều chính sách, như: Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 03/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng BTB và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó yêu cầu rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch ngành, lĩnh vực của toàn vùng theo hướng khai thác tối đa mọi tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh, thành phố và của cả vùng; bảo đảm sự phát triển gắn kết, hài hòa giữa các tỉnh, thành phố tạo thành không gian kinh tế vùng liên hoàn, hợp lý; Quyết định số 162/2007/QĐ-TTg, ngày 19/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động của KKT cửa khẩu Cầu Treo, tỉnh Hà Tĩnh, trong đó quy định các ưu đãi đầu tư cho các dự án ở KKT này; Quyết định số 158/2007/QĐ-TTg, ngày 09/10/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quản lý tổng hợp dải ven biển vùng BTB và Duyên hải Trung Bộ đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, trong đó yêu cầu lồng ghép và phối hợp một cách hiệu quả các chương trình, kế hoạch, dự án, kể cả các dự án FDI, đang triển khai hoạt động hoặc đã được phê duyệt liên quan đến dải ven biển vùng BTB; Nghị quyết số 13/NQ-CP, ngày 07/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về định hướng, giải pháp thu hút và quản lý vốn FDI trong thời gian tới…
Đến nay, việc quy hoạch phát triển và thu hút FDI vào vùng BTB của Chính phủ chủ yếu đặt trong quy hoạch chung của toàn vùng BTB và Duyên hải miền Trung. Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 1447/QĐ-TTg, ngày 16/9/2009, phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ đến năm 2025 và tầm nhìn sau năm 2025. Ngoài ra, Chính phủ còn ban hành các quyết định về công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội vùng BTB theo hướng xây dựng mục tiêu cho từng tiểu vùng: Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung trong đó có tỉnh Thừa Thiên Huế; tiểu vùng BTB (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị); khu vực miền núi phía Tây của các tỉnh, thành phố trong Vùng. Việc quy hoạch phát triển các khu kinh tế gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của từng địa phương...
Nhìn chung, chỉ đạo phát triển kinh tế vùng được Chính phủ quan tâm hơn trong thời gian gần đây thể hiện qua tần xuất dày đặc các văn bản pháp luật chế định các hoạt động kinh tế ở Vùng này.
Lợi thế ngành đầu tư
Điều kiện tự nhiên là một lợi thế để Vùng phát triển các ngành nghề đầu tư phù hợp. Điều kiện tự nhiên thuận lợi là yếu tố ảnh hưởng tích cực đến các ngành nghề trong KKT, như: khai thác cảng biển nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế, hệ thống KCN, dịch vụ hậu cần, khu đô thị, khu du lịch trong KKT. Bên cạnh đó, điều kiện về khí hậu thời tiết ở các tỉnh BTB nếu thuận lợi sẽ giúp giảm thiểu được tối đa những thiệt hại và tạo ra các điều kiện thuận lợi cho KCN, KKT; khí hậu thuận lợi, nước biển ấm phù hợp cho các nguồn lợi thủy, hải sản ở các tỉnh BTB sinh sôi, phát triển phong phú và nhiều loại có trữ lượng lớn, phục vụ nhu cầu phát các ngành công nghiệp chế biến thủy, hải sản.
Ngược lại, khi điều kiện tự nhiên không thuận lợi sẽ là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động trong KCN, KKT ở các tỉnh BTB. Với địa hình hẹp về chiều ngang; hệ thống cơ sở hạ tầng lạc hậu; BTB là vùng chịu nhiều ảnh hưởng của thiên tai, nhất là bão, áp thấp nhiệt đới Tây Thái Bình Dương, kèm theo đó là ngập lụt gây ra những thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản; thiên tai thường diễn ra nhanh, bất thường gây ra những ảnh hưởng tiêu cực trực tiếp tới việc mở rộng quy hoạch và các dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh; phân bố các loại tài nguyên khoáng sản thường ở những nơi có địa hình đồi núi dốc, giao thông không thuận tiện, chịu ảnh hưởng của thời tiết nhất là vào mùa mưa bão gây khó khăn trong khai thác, vận chuyển; nhiều nguồn tài nguyên thủy, hải sản bị khai thác quá mức; tài nguyên du lịch khai thác, phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch đồng bộ. Do vậy, những yếu tố tác động tiêu cực từ điều kiện tự nhiên ở các tỉnh BTB đến KCN, KKT cần được nhìn nhận và đánh giá chính xác để có biện pháp hạn chế những tổn thất gây ra.
Tiềm năng, thế mạnh biển của các tỉnh BTB cũng là lợi thế để phát triển các ngành nghề đầu tư. Với chiều dài đường bờ biển khoảng 632,04 km, BTB là vùng biển có nhiều tài nguyên khoáng sản, hải sản, du lịch biển phong phú và đa dạng, nhiều loại trữ lượng lớn; cùng với hệ thống các cảng biển nước sâu; đây cũng là nơi có nhiều vũng, vịnh, bãi biển trải dài có tiềm năng phát triển du lịch ở các địa phương nhiều bãi biển đẹp. Khi các tiềm năng, thế mạnh về biển của các tỉnh BTB được khai thác hiệu quả sẽ là yếu tố thức đẩy góp phần hình thành các ngành sản xuất, kinh doanh trong KKT, như: lọc hóa dầu; công nghiệp chế biến hải sản; hậu cần kinh tế biển; trung tâm thương mại, du lịch biển; trung tâm dịch vụ cảng biển, cảng trung chuyển quốc tế của khu vực miền Trung và cả nước.
Chi phí đầu vào
Chi phí đầu vào là một trong những nhân tố tác động đến thu hút FDI vào các KCN, KKT ở BTB, bao gồm: chi phí nhân công; chi phí thuê mặt bằng; chi phí sử dụng điện nước, cước vận tải, viễn thông; chi phí đầu vào cho sản xuất, kinh doanh. Hiện nay, UBND các tỉnh của khu vực BTB đã đưa ra một số biện pháp đặc thù để thu hút đầu tư và hỗ trợ phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, quy định các nội dung hỗ trợ, như: giảm chi phí quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh đối với các dự án thuộc lĩnh vực tỉnh khuyến khích đầu tư; giảm chi phí lập hồ sơ đề xuất dự án đầu tư trực tiếp thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư trên địa bàn tỉnh; giảm chi phí lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư trực tiếp thuộc lĩnh vực khuyến khích đầu tư của tỉnh. Những hỗ trợ này phần nào tạo điều kiện giảm thiểu chi phí, giúp các nhà đầu tư muốn đầu tư vào KCN, KKT ở khu vực BTB.
Các tỉnh khu vực BTB là những trung tâm vận tải hàng hóa lớn nhất khu vực BTB. Với sự phát triển của các KCN, KKT, cảng biển và hệ thống giao thông, khu vực này đang trở thành điểm nóng về logistics và vận tải hàng hóa, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực và quốc gia. Vì vậy, hoạt động vận tải để lưu thông hàng hóa ngày càng thuận lợi giúp giảm thiểu chi phí vận chuyển, đó là một nhân tố động lực tạo sức hút từ nhà đầu tư nước ngoài vào khu vực BTB.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, áp lực với chi phí sản xuất tăng nhanh cũng một phần làm hạn chế thu hút đầu tư vào KCN, KKT ở khu vực BTB. Giá đất sản xuất công nghiệp liên tục tăng cao, riêng từ năm 2023 đến nay đã tăng khoảng 15%. Trong thời gian tới, giá cho thuê đất công nghiệp vẫn sẽ tiếp tục tăng do nguồn cung đất KCN mới khan hiếm trong giai đoạn 2024-2025. Vì vậy, giá đất tăng lên cao ảnh hưởng đến chi phí đầu vào, chi phí đầu tư, kéo theo giá dịch vụ cũng gia tăng. Theo ước tính của Bộ Công Thương, giá thuê đất công nghiệp và chi phí xây dựng tại các KCN, KKT ở khu vực BTB nói riêng hay Việt Nam nói chung gần bằng với Thái Lan và Malaysia, thậm chí có một số vùng, đất thuê thậm chí cao hơn. Do đó, đánh giá chi phí đất tại một số tỉnh ở khu vực BTB tăng nhanh khiến nhà đầu tư mới gặp khó khăn để cân đối tài chính, đảm bảo giá và tính cạnh tranh của sản phẩm đầu ra.
Hòa nhập sản xuất và giao thương quốc tế
Thời gian qua, chính quyền địa phương các tỉnh khu vực BTB đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án xúc tiến thương mại cấp quốc gia cho các tỉnh trong khu vực. Qua đó, thúc đẩy giao lưu kinh tế thương mại giữa các tỉnh trong Vùng với cả nước và nước ngoài; tạo cơ hội để các tổ chức, doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm.
Ngành công thương 6 tỉnh đã tăng cường các hoạt động kết nối thông tin giữa các tỉnh trong nước và các tổ chức xúc tiến thương mại; đa dạng hóa các loại hình xúc tiến thương mại, nhất là xúc tiến thương mại thị trường nước ngoài, đồng thời đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại. Cùng đó, chuyển mạnh cơ cấu xuất khẩu cả về mặt hàng và thị trường, chú trọng phát triển theo chiều sâu; khai thác mở rộng thị trường đã ký kết hiệp định thương mại tự do. Song song với đó, khuyến khích đầu tư kho bãi hàng hóa, khai thác hiệu quả KKT cửa khẩu, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại biên giới. Nổi bật tại hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại 6 tỉnh khu vực BTB năm 2023 đã có 8 nhà phân phối, doanh nghiệp xuất khẩu ký kết biên bản hợp tác tiêu thụ sản phẩm của 40 nhà cung cấp khu vực BTB [2].
MỘT SỐ HẠN CHẾ
Bên cạnh những lợi thế để thu hút đầu tư nước ngoài vào các KCN, KKT, vùng BTB còn một số hạn chế nhất định. Cụ thể:
(i) Chất lượng nguồn lao động còn hạn chế, số lao động qua đào tạo của Vùng chỉ chiếm 15,9%, thấp hơn mức bình quân cả nước. Các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài vẫn chủ yếu sử dụng lao động kỹ thuật cao và chuyên gia từ nước ngoài. Vì vậy, thiếu nguồn cán bộ có chuyên môn kỹ thuật và đang chủ yếu là lao động phổ thông. Thiếu đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật đầu ngành.
(ii) Hạ tầng cơ sở chủ yếu đang trong quá trình xây dựng và chưa đồng bộ, quá trình giải phóng mặt bằng diễn ra chậm làm hạn chế khả năng thu hút đầu tư. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các khu chức năng đang đầu tư, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng. Việc thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, các dự án lớn của nhà đầu tư chiến lược và chuyển giao công nghệ còn hạn chế, chưa tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
(iii) Liên kết các địa phương trong khu vực còn lỏng lẻo, phát triển dàn trải ảnh hưởng đến đầu tư các ngành mũi nhọn, các lĩnh vực đột phá. Hiện chưa có một cơ chế đặc thù nào cho các vùng kinh tế lãnh thổ nói chung và cho vùng BTB nói riêng. Những công trình địa phương đầu tư, do hạn chế về nguồn vốn và chủ yếu trông chờ từ ngân sách, nên đầu tư dàn trải, manh mún, năng lực khai thác thấp, chưa kể không đủ vốn buộc phải giãn hoặc dừng thi công khiến đã lãng phí lại càng lãng phí hơn.
Nguyên nhân của hạn chế
- Địa bàn quản lý KCN, KKT ở khu vực BTB khá rộng, nên công tác chỉ đạo, điều hành có lúc chưa kịp thời theo tiến độ đề ra. Hiệu quả công tác phối hợp giữa ban với các sở, ngành, chính quyền địa phương và đơn vị liên quan có lúc còn chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao.
- Công tác bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng nhiều dự án tiếp tục khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân chủ yếu từ phía người dân và do các quy định về bồi thường hỗ trợ liên tục thay đổi làm nảy sinh các vấn đề phức tạp khi thực hiện.
- Hệ thống đào tạo, dạy nghề của các tỉnh ở khu vực BTB còn nhiều yếu kém, bất cập. Hầu như chưa có tỉnh nào trong khu vực triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và chính sách thu hút nhân tài một cách hiệu quả.
KHUYẾN NGHỊ MỘT SỐ GIẢI PHÁP
Nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào các KCN, KKT khu vực BTB một cách hiệu quả, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường và đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, KKT, trong đó phát huy tối đa các hình thức hợp tác công - tư
Đa dạng hóa nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, KKT gồm vốn ngân sách nhà nước, vốn của các chủ đầu tư, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, các quỹ đầu tư và các nguồn vốn khác. Khuyến khích thành lập các công ty cổ phần đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN, KKT để huy động vốn từ các thành phần kinh tế khác nhau. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các hạng mục cơ sở hạ tầng phù hợp với năng lực tài chính và kinh nghiệm của từng doanh nghiệp, gồm: đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước, hệ thống xử lý nước thải, hệ thống đường giao thông, hệ thống truyền tải điện, thông tin liên lạc…, trên cơ sở đảm bảo các tiêu chí đồng bộ.
Thu hút và lựa chọn các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng nước ngoài (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài) là những doanh nghiệp có kinh nghiệm và năng lực tài chính vào đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, KKT.
Huy động vốn góp ứng trước của các doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư, sản xuất, kinh doanh trong các KCN, KKT để đầu tư cơ sở hạ tầng và cho họ hưởng một số ưu đãi. Với hình thức này, các địa phương sẽ có vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi về giá thuê đất trong quá trình hoạt động.
Hai là, đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại hóa cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài KCN, KKT
Đầu tư xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống giao thông, hệ thống cung cấp điện, nước, hệ thống thông tin liên lạc… Hệ thống giao thông phải đảm bảo thuận lợi cho việc lưu thông hàng hóa trong và ngoài KCN, KKT và đến cảng sông, cảng biển, nhà ga, cảng hàng không… được thuận tiện, giảm bớt chi phí vận chuyển.
Chú trọng đầu tư hệ thống cảng biển, bởi giao thông đường biển là phương thức tốt nhất giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư giảm được chi phí đầu vào trong lĩnh vực sản xuất. Chính quyền địa phương cũng như cơ quan quản lý các cấp cần tìm ra biện pháp để trọng tải tàu thuyền vận chuyển hàng hóa được tăng thêm. Ngoài ra, cũng nên chú ý đến các phương thức vận chuyện hàng hóa bằng đường bộ, đường hàng không hay đường sắt sao cho tận dụng được hết những tài nguyên sẵn có ở khu vực BTB.
Ba là, liên kết xây dựng đồng bộ mạng lưới hạ tầng kỹ thuật khu vực BTB
Để phát triển mạng lưới cơ sở hạ tầng kỹ thuật khu vực BTB, các tỉnh cần liên kết xây dựng những tuyến đường bộ xuyên vùng, các địa phương cần phối hợp chặt chẽ để xây dựng và nâng cấp, mở rộng những tuyến đường liên tỉnh nối các KCN, KKT của các tỉnh.
Lập kế hoạch chung trong việc xây dựng các tuyến vận chuyển hành khách, hàng hóa liên tỉnh, nâng cấp các cảng sông, cảng biển, cảng hàng không, nhà ga…, nhằm đảm bảo tính nhất quán và sự bổ trợ trong các kế hoạch xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho sự phát triển KCN, KKT nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của cả khu vực BTB nói chung.
Hệ thống giao thông trong các KCN, KKT, cũng như từ KCN, KKT đến các cảng và hệ thống giao thông liên tỉnh, liên vùng phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp cần được đầu tư và có tính kết nối cao; nâng cấp hệ thống mạng lưới điện, hệ thống cấp thoát nước trong các KCN, KKT; có sự hỗ trợ trong xây dựng các nhà máy xử lý chất thải công nghiệp.
Bốn là, lựa chọn ngành nghề đào tạo phù hợp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp hiện tại và tính đến xu hướng thay đổi ngành nghề trong tương lai
Các địa phương cần xác định đúng mục tiêu đào tạo, số lượng, chất lượng, ngành nghề… Mục tiêu đào tạo phải xuất phát từ nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp hoạt động trong các KCN, KKT hiện tại và trong tương lai.
Năm là, hoàn thiện chính sách đãi ngộ lao động để nâng cao chất lượng nhân lực
Bên cạnh các hoạt động đầu tư đào tạo nhân lực, việc hoàn thiện chế độ đãi ngộ cũng cần được quan tâm để các doanh nghiệp có thể giữ chân những người lao động giỏi và tạo động lực để người lao động cống hiến, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.
Cần xây dựng chế độ tiền lương hợp lý, phù hợp với điều kiện thực tế của doanh nghiệp, địa phương. Việc đánh giá lao động cần khách quan, đúng với năng lực của người lao động.
Thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động.
Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động thông qua việc tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, du lịch nghỉ dưỡng… để nâng cao sức khỏe cho người lao động./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cao Tấn Huy (2019), Các yếu tố tác động đến thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài: Nghiên cứu vùng Kinh tế Đông Nam bộ, Luận án tiến sĩ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
2. Hàn Đăng (2023), Kết nối giao thương, xúc tiến thương mại 6 tỉnh BTB, truy cập từ https://baothuathienhue.vn/kinh-te/ket-noi-giao-thuong-xuc-tien-thuong-mai-6-tinh-bac-trung-bo-129096.html
3. Lê Như Quỳnh (2022), Chính sách thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Việt Nam đến năm 2030, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Thương mại.
4. Nguyễn Quỳnh Thơ (2017), Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, Luận án tiến sĩ, Học viện Ngân hàng.
5. Nguyễn Trang Nhung (2019), Dự báo hiệu quả của các đặc khu tại Việt Nam nhìn từ kinh nghiệm của Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam, Luận văn thạc sĩ, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright.
6. Phạm Thị Oanh, Nguyễn Thị Hồng Hạnh (2023), Kinh nghiệm thu hút vốn FDI tại Singapore và bài học cho Việt Nam, Tạp chí Tài chính, kỳ 1, tháng 6/2023.
7. Tổng cục Thống kê (2023), Niên giám Thống kê năm 2022, Nxb Thống kê.
Ngày nhận bài: 29/8/2024; Ngày phản biện: 15/9/2024; Ngày duyệt đăng: 29/11/2024 |
Bình luận