Bộ Công Thương bãi bỏ Thông tư 37, gỡ khó cho các DN dệt may
Cụ thể, Thông tư số 37/2015, ngày 30/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may được bãi bỏ bởi Thông tư 23/2016/TT-BCT ban hành ngày 12/10/2016, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26/11/2016.
Việc bãi bỏ Thông tư 37 nhằm giảm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp dệt may
Những sản phẩm dệt may không thuộc phạm vi điều chỉnh của Thông tư này gồm: sợi, vải mộc chưa qua xử lý hoàn tất; Hàng miễn trừ ngoại giao, hàng trong túi lãnh sự, tài sản di chuyển, quà biếu, quà tặng trong định mức miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại Quyết định số 31/2015, ngày 04/08/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Đối tượng áp dụng của Thông tư 37 là tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu sản phẩm dệt may tiêu thụ trên thị trường Việt Nam; tổ chức Bộ Công Thương chỉ định và ủy quyền tham gia hoạt động kiểm tra nhà nước với hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.
Cũng theo Thông tư 37, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước đối với sản phẩm dệt may sản xuất trong nước, việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may sản xuất trong nước thực hiện theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa; Trình tự, thủ tục kiểm tra được thực hiện theo quy định tại Điều 20, Thông tư số 48/2011/TT-BCT.
Việc thực hiệm kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may nhập khẩu được thực hiện với các hình thức: kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm, kiểm tra hồ sơ và kiểm tra xác suất.
Việc bãi bỏ Thông tư 37 được coi là hợp lý bởi việc kiểm tra theo Thông tư này có thủ tục khá phức tạp, mất nhiều thời gian và chi phí của doanh nghiệp dệt may./.
Bình luận