Vay tối đa 70% tổng mức đầu tư dự án

Theo Dự thảo, các dự án đầu tư phát triển công nghiệp môi trường sẽ được ưu tiên vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước tối đa 70% tổng mức vốn đầu tư của dự án (không bao gồm vốn lưu động), nhưng không quá 15% vốn điều lệ thực có của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Mức vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước do Tổng giám đốc Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định. Đồng thời, được ưu tiên vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài khác từ hệ thống các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước thông qua các chương trình, dự án hạn mức tín dụng hoặc hợp phần tín dụng được tài trợ bằng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi.

Ngoài ra, doanh nghiệp công nghiệp môi trường được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10% cho phần thu nhập từ hoạt động công nghiệp môi trường trong suốt thời gian hoạt động. Đối với doanh nghiệp công nghiệp môi trường mới thành lập kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 5 năm tiếp theo.

Các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được mà tổ chức để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng với thuế suất 0%. Trong khi đó, thuế suất nhập khẩu các loại vật tư, linh kiện, thiết bị nhập khẩu để sản xuất, chế tạo thiết bị, sản phẩm bảo vệ môi trường và các máy móc, thiết bị bảo vệ môi trường trong nước chưa sản xuất được áp dụng mức thuế suất nhập khẩu bằng không hoặc mức thuế suất sàn trong các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Được Nhà nước ưu tiên sử dụng

Theo đó, các các máy móc, thiết bị bảo vệ môi trường có khả năng sản xuất trong nước sẽ được Nhà nước sử dụng. Chủ đầu tư các dự án có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước có trách nhiệm ưu tiên sử dụng máy móc, thiết bị trong nước có khả năng sản xuất, chế tạo được khi thực hiện các gói thầu xây lắp và mua sắm hàng hóa, chỉ tổ chức đầu thầu quốc tế khi sản phẩm, vật tư, thiết bị sản xuất, chế tạo trong nước không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của gói thầu.

Sản phẩm từ hoạt động tái chế chất thải, máy móc, thiết bị bảo vệ môi trường sản xuất, chế tạo trong nước được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, triển lãm, quảng bá sản phẩm. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ bảo vệ môi trường quốc gia có trách nhiệm dành một phần vốn để hỗ trợ kinh phí cho hoạt động này.

Bên cạnh đó, dự án phát triển ngành công nghiệp môi trường sử dụng công nghệ khuyến khích đầu tư được hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần chi phí chuyển giao công nghệ, mua bản quyền thiết kế, mua phần mềm, đào tạo nguồn nhân lực từ nguồn vốn của Quỹ Bảo vệ môi trường quốc gia và các nguồn quỹ khác. Các Bộ, ngành trong phạm vi quản lý nhà nước của mình có trách nhiệm xác định và công bố danh sách công nghệ khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo thiết bị bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm môi trường, tái chế chất thải.

Ngoài ra, các dự án phát triển ngành công nghiệp môi trường sẽ được hưởng một số ưu đãi về đất đai, như: Được Nhà nước giao đất sạch để thực hiện dự án (đất đã hoàn thành giải phóng mặt bằng); Trong quá trình lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm căn cứ vào quỹ đất của địa phương bố trí đủ quỹ đất cho các dự án phát triển ngành công nghiệp môi trường trên địa bàn..../.