Bộ Công Thương: Nỗ lực cung ứng điện đầy đủ cho phát triển kinh tế - xã hội
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Công Thương, diễn ra vào chiều ngày 18/5/2023, cung cấp thêm thông tin về việc khi nào giá điện sẽ được điều chỉnh tiếp để bù lỗ cho EVN, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, “về lộ trình tiếp theo, chúng tôi tuân thủ nghiêm túc theo Quyết định số 24, trong đó, nêu rõ ở điều kiện nào xem xét và điều chỉnh mức giá”.
Ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) |
Nói thêm về việc cung ứng điện mùa nắng nóng và mùa khô, ông Nguyễn Việt Hòa cho biết, hiện nay, các hồ thủy điện đang ở mực nước khai thác giảm dần, nhiều hồ về mực nước chết, gây khó khăn cho vận hành, cung ứng điện.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị vận hành, cung ứng nhiên liệu than, khí cho phát điện. Cụ thể, trong tháng 5/2023, Bộ Công Thương đã họp với các tập đoàn liên quan để nỗ lực cung ứng điện đầy đủ cho phát triển kinh tế, xã hội.
Các đơn vị đều nỗ lực hết sức cung ứng nhiên liệu cho phát điện. Bộ Công Thương trước đó đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương khắc phục sự cố tổ máy, sẵn sàng huy động trở lại.
Để bảo đảm tốt nhất nguồn cung điện, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp ngay từ đầu năm, trong đó, tập trung bảo đảm cung ứng nguồn nhiên liệu, than, khí cho phát điện; đôn đốc thực hiện nghiêm các kế hoạch về cung cấp điện Bộ Công Thương đã phê duyệt; tập trung khắc phục sự cố, cùng những giải pháp liên quan đến tiết kiệm điện…
Về huy động các nguồn năng lượng tái tạo, đại diện Cục Điều tiết điện lực cho biết, tính đến ngày 18/5, Bộ đã thống nhất giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió, điện mặt trời đã được Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các chủ đầu tư thống nhất. Trên cơ sở đó, khi các chủ đầu tư đáp ứng đầy đủ quy định thì sẽ huy động lên lưới. Giá tạm thời chỉ là một yếu tố để đáp ứng tiêu chí về huy động nguồn điện lên lưới.
Tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng trao đổi về việc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ liên quan đến việc thực hiện quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình điện theo quy hoạch VII và điều chỉnh.
Về việc này, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định, Bộ Công Thương sẽ thực hiện theo đúng kết luận của Thanh tra Chính phủ và những quy định chung.
Liên quan tới triển khai Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, theo quy định của Luật Quy hoạch, danh mục dự án quan trọng được ưu tiên phát triển của ngành điện đã có trong Quyết định 500 mà Chính phủ đã ban hành. Theo đó, bên cạnh các dự án nhiệt điện than, Việt Nam sẽ phát triển các dự án khí trong nước, khí tự nhiên nhập khẩu, các dự án thủy điện vừa và lớn cũng như các dự án lưới điện từ 220kV trở lên…
Cũng theo Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, với các dự án không phải dự án được ưu tiên, Bộ Công Thương sẽ xây dựng kế hoạch triển khai và trình Chính phủ phê duyệt.
Bộ cũng sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách như Luật Điện lực sửa đổi, xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp. Bộ Công Thương sẽ khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ Chính phủ giao để thực hiện Quy hoạch điện VIII./.
Bình luận