ThS. Nguyễn Vi Lê

Trường Đại học Thương mại

Email: vilenguyen@tmu.edu.vn

Tóm tắt

Với sự phát triển, hiện đại hóa năng lượng toàn cầu, khi các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ ngày càng trở nên cạn kiệt, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, buộc các quốc gia trên thế giới phải đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng sạch và bền vững hơn. Đứng trước thực tế đó, năng lượng tái tạo (NLTT) ra đời và đang được xem là giải pháp, là xu hướng tất yếu của ngành năng lượng trên thế giới. Phát triển nguồn NLTT đang dần chiếm vị trí quan trọng trọng sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước, do lợi ích to lớn trong việc tận dụng tối đa nguồn thiên nhiên vô tận (như gió, mặt trời…), cũng như góp phần giảm tác động của hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu. Bài viết khái quát xu hướng phát triển NLTT trên thế giới và chỉ ra tiềm năng cũng như thực trạng phát triển trong phát triển lĩnh vực này ở Việt Nam, từ đó đề xuất một số khuyến nghị liên quan.

Từ khóa: năng lượng tái tạo; năng lượng sạch; phát triển bền vững

Summary

With the development and modernization of global energy, fossil fuel sources such as coal and oil are becoming increasingly depleted, causing serious environmental pollution, which forces countries around the world to strongly restructure energy industry towards cleaner and more sustainable. In this context, renewable energy was born and is being considered a solution and an inevitable trend in the global energy industry. Development of renewable energy is gradually occupying an important position in sustainable economic development in countries because of its great benefits in making the most of endless natural resources (such as wind, solar) as well as contribution to reducing the impact of greenhouse effect and climate change. The article summarizes the trend of developing renewable energy in the world, points out the potential and reality of renewable energy in Vietnam, thereby proposing a number of recommendations.

Keywords: renewable energy, clean energy, sustainable development

GIỚI THIỆU

Năng lượng đã đóng một vai trò quan trọng trong đời sống của con người. Cuộc cách mạng công nghiệp đầu tiên diễn ra vào cuối thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19 đã thúc đẩy quá trình sản xuất và sử dụng năng lượng. Quá trình công nghiệp hóa đã làm tăng nhu cầu năng lượng trên thế giới, đặc biệt là NLTT. NLTT được biết đến là năng lượng sinh ra từ những nguồn liên tục, theo chuẩn mực của con người là vô hạn như: năng lượng mặt trời, gió, mưa, thủy triều, sóng và các tầng địa nhiệt. Nguyên tắc cơ bản của việc sử dụng NLTT là tách một phần từ các quy trình diễn biến liên tục để áp dụng vào lĩnh vực kỹ thuật.

NLTT là năng lượng được tạo ra các nguồn hình thành liên tục, có thể coi là vô hạn, như: gió, mưa, năng lượng mặt trời, sóng biển, thuỷ triều, địa nhiệt… NLTT còn được biết đến là năng lượng sạch hoàn toàn hay năng lượng tái sinh. Trong bối cảnh chống biến đổi khí hậu và phát triển nền "kinh tế xanh" đang là những ưu tiên hàng đầu đối với nhiều quốc gia trên thế giới, NLTT ngày càng được chú trọng. Vì vậy, Việt Nam cần phải phát triển nhanh hơn nữa NLTT, vừa tạo thế cạnh tranh trong thời kỳ “kinh tế xanh”, vừa là điểm then chốt để đạt mục tiêu “phát triển bền vững” của đất nước và cải thiện được môi trường, khí hậu bảo vệ sức khỏe người dân về lâu dài.

XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN NLTT TRÊN THẾ GIỚI

Tại thị trường EU

Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, theo số liệu nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), châu Âu là khu vực đi đầu trong việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng theo hướng xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển nguồn năng lượng sạch.

Năm 2023, NLTT chiếm xấp xỉ 20% cơ cấu sản xuất năng lượng của toàn châu Âu. Trong giai đoạn 2023-2027, châu Âu dự kiến lắp đặt 129 GW điện gió, trong đó 98 GW triển khai trên lãnh thổ các nước thuộc Liên minh EU[1]. Với quyết tâm mạnh mẽ trong việc chuyển đổi hướng đi ngành năng lượng, châu Âu đặt mục tiêu sẽ tăng tỷ trọng nguồn NLTT và năng lượng sinh học lên 60% vào năm 2030 và tăng cường công suất điện gió ngoài khơi lên gấp 25 lần vào năm 2050, để đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon năm 2050.

Tại thị trường Mỹ

Trong nghiên cứu "Triển vọng NLTT" do Cơ quan Thí nghiệm NLTT quốc gia (NREL) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ 2] tiến hành cho thấy, Mỹ là một trong những nước sản xuất NLTT lớn nhất thế giới, đi tiên phong trong lĩnh vực này, có thể sản xuất điện năng phần lớn từ NLTT vào năm 2050. Hầu hết các nhà máy nhiệt điện than và nhà máy điện hạt nhân sẽ ngừng hoạt động vào năm 2030 và những nhà máy còn lại sẽ hoạt động đến năm 2050. Theo nghiên cứu này, Mỹ có thể sản xuất ra 80% điện năng từ NLTT bằng công nghệ hiện có, bao gồm turbine gió, điện quang mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sinh học, địa nhiệt và thủy điện. Sự phát triển mạnh mẽ của ngành NLTT thay thế dần cho năng lượng sử dụng hóa thách đang diễn ra quốc gia đi đầu nền kinh tế thế giới, càng cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế phải gắn liền với việc phát triển năng lượng bền vững, an toàn.

Tại thị trường Trung Quốc

Trung Quốc đã có một lịch sử phát triển rất ấn tượng về sử dụng NLTT cho phát triển nông thôn với một số chương trình lớn nhất thế giới, như: thủy điện nhỏ, bếp cải tiến và khí sinh học.

Theo tổng kết của Chương trình môi trường Liên hợp quốc về NLTT, năm 2004, Trung Quốc mới đầu tư vào lĩnh vực này là 3 tỷ USD, nhưng đến năm 2015 đã tăng lên 103 tỷ USD, vượt qua cả Hoa Kỳ là 44,1 tỷ USD và chiếm khoảng 36% đầu tư của các nước trên toàn thế giới. Trong tổng kết kế hoạch 5 năm từ 2016-2020, tổng đầu tư Trung Quốc vào ngành công nghiệp này đã lên đến hơn 360 tỷ USD. Theo thống kê của Cục Quản lý năng lượng quốc gia Trung Quốc (NEA), năm 2021 tổng sản lượng điện từ các nhà máy năng lượng mặt trời và năng lượng gió đạt 11% trong tổng sản lượng tiêu thụ điện cả nước, cao hơn năm 2020 (9,7%), mục tiêu sẽ đạt 16,5% vào năm 2025. Chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng tỷ trọng của nhiên liệu tái tạo trong tiêu thụ năng lượng sơ cấp lên khoảng 25% vào năm 2030 (IEA, 2023).

TIỀM NĂNG KHAI THÁC NLTT TẠI VIỆT NAM

Là nền kinh tế có độ mở lớn, chịu sự ràng buộc trên nhiều phương diện bởi thị trường quốc tế, Việt Nam chịu ảnh hưởng không nhỏ từ xu hướng chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Sự cấp thiết của chuyển dịch sang NLTT không chỉ do những tác động bên ngoài, mà ngay trong nước cũng có những điều kiện thuận lợi để phát triển. Thực tế cho thấy, Việt Nam là quốc gia hội tụ những đặc điểm địa lý, khí hậu lý tưởng cho việc sản xuất các loại NLTT. Vị trí địa lý có đường biển dài, thời tiết của khu vực nhiệt đới nhận được lượng nhiệt mặt trời tương đối lớn… là tiềm năng rất lớn để Việt Nam xây dựng và phát triển ngành công nghiệp NLTT, như: nhà máy năng lượng mặt trời, nhà máy năng lượng gió.

Việt Nam được xem là một quốc gia có tiềm năng rất lớn về năng lượng mặt trời, đặc biệt ở các vùng miền Trung và miền Nam. Trung bình, tổng bức xạ năng lượng mặt trời ở Việt Nam dao động từ 4,3-5,7 triệu kWh/m2. Ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung bộ số giờ nắng khá cao, đạt từ 2.000-2.600 giờ/năm, bức xạ mặt trời trung bình 150 kcal/m2 chiếm khoảng 2.000-5.000 giờ/năm, với ước tính tiềm năng lý thuyết khoảng 43,9 tỷ TOE (Hồng Cẩm, 2017).

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, Việt Nam là nước có tiềm năng gió lớn nhất trong 4 nước khu vực, với hơn 39% tổng diện tích của Việt Nam được ước tính là có tốc độ gió trung bình hàng năm lớn hơn 6m/s, ở độ cao 65m, tương đương với tổng công suất 512 GW. Đặc biệt, hơn 8% diện tích Việt Nam được xếp hạng có tiềm năng gió rất tốt (tốc độ gió ở độ cao 65m 7-8 m/giây), có thể tạo ra hơn 110 GW. Với những ưu đãi về điều kiện thiên nhiên như vậy, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu là phát triển 2.000 MW điện gió vào năm 2025 và 6.000 MW vào năm 2030 (Linh Chi, 2024).

Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng sinh khối. Các nguồn nhiên liệu chính của sinh khối gồm có gỗ, phế thải - phụ phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi, rác thải đô thị và các chất hữu cơ khác. Theo tính toán của Viện Năng lượng Việt Nam, tổng nguồn sinh khối vào khoảng 118 triệu tấn/năm, bao gồm khoảng 40 triệu tấn rơm rạ, 8 triệu tấn trấu, 6 triệu tấn bã mía và trên 50 triệu tấn vỏ cà phê, vỏ đậu, phế thải gỗ... Trong đó, tiềm năng sinh khối gỗ năng lượng lên đến gần 25 triệu tấn, tương đương với 8,8 triệu tấn dầu thô (N.L, 2022).

Riêng tiềm năng năng lượng sinh khối phụ phẩm nông nghiệp của nước ta gồm rơm, rạ, trấu, bã mía và các loại nông sản khác lên đến gần 53,5 triệu tấn, tương đương với 12,8 triệu tấn dầu thô. Ðặc biệt, nguồn năng lượng này sẽ liên tục được tái sinh và tăng trưởng đều đặn trong vòng 30 năm (Khánh Linh, 2020). Theo Chiến lược phát triển NLTT của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thì Chính phủ đặt mục tiêu tới năm 2025, tỷ trọng điện năng sản xuất từ điện sinh khối khoảng 1,2% và năm 2030 là 2,1%.

Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam là một trong số 14 nước trên thế giới đứng đầu về tiềm năng thủy điện. Với thủy điện hiện nay Việt Nam có trên 120.000 trạm thủy điện, có tổng công suất ước tính đạt khoảng 300 MW. Lợi thế đường biển dài theo chiều dọc đất nước, nên Việt Nam có nhiều tiềm năng khai thác năng lượng gió, tổng tiềm năng ước đạt 513.360 MW (Hà Lan, 2021). Các khu vực đang được khai thác điện gió và có nhiều tiềm năng tập trung chủ yếu ở vùng duyên hải miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên, như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu… và các đảo.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN NLTT TẠI VIỆT NAM

Kết quả đạt được

Trong những năm trở lại đây, sự phát triển NLTT tại Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến đáng kể. Theo Cơ quan NLTT Quốc tế (IRENA), trong năm 2023, tổng công suất sản xuất NLTT của Việt Nam đạt 21,6 GW (Vân Nguyễn, 2024). Trong đó, năng lượng mặt trời chiếm hơn một phần ba tổng công suất nguồn NLTT lắp đặt tại Việt Nam.

Nhiều “ông lớn” trong ngành năng lượng cũng đã nhắm đến thị trường Việt Nam. Trong đó, các nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời được đầu tư xây dựng và phát triển nhằm đáp ứng tiềm năng lẫn nhu cầu sử dụng điện mặt trời ngày càng tăng cao.

Điển hình như First Solar, đây là nhà sản xuất mô-đun năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng nổi tiếng đến từ Mỹ cũng đã đầu tư vào Việt Nam. Tập đoàn đang có 2 nhà máy tại huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh với tổng số vốn đầu tư 830 triệu USD (theo công bố của First Solar) trong 1,2 tỷ USD vốn cam kết đầu tư. Tại Bắc Giang, Tập đoàn JA Solar Investment (Hong Kong) Limitted đang thực hiện đầu tư 3 dự án tại các KCN Quang Châu và KCN Việt Hàn với tổng vốn đầu tư đăng ký là 589 triệu USD; đến tháng 4/2023 đã có 2 dự án đi vào hoạt động ở KCN Quang Châu. Một số dự án năng lượng mặt trời quy mô lớn và dự án ở phân khúc thương mại và công nghiệp (C&I) lớn Việt Nam đang sử dụng hệ thống giải pháp năng lượng từ Trina Solar, như: nhà máy điện mặt trời nổi Đầm Trà Ổ công suất 51MW ở tỉnh Bình Định và nhà máy điện mặt trời trên mặt đất Vĩnh Long công suất 49MW gần mũi phía nam của Việt Nam. Mới đây, Công ty VinFast và Công ty Cổ phần Năng Lượng Xanh ON Energy thuộc Tập đoàn KTG công bố ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm đẩy mạnh ứng dụng pin lưu trữ năng lượng cho hệ thống điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam. Theo thỏa thuận hợp tác, ON Energy sẽ trở thành nhà phân phối chính thức các sản phẩm hệ thống pin lưu trữ năng lượng của VinFast với thương hiệu VinFast Energy (Vân Nguyễn, 2024).

Một số vấn đề đặt ra

Lĩnh vực NLTT tại Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng cũng đang đặt ra một số vấn đề. Hạ tầng lưới điện quốc gia là thách thức đối với tăng trưởng trong lĩnh vực NLTT. Hạ tầng truyền dẫn không theo kịp tốc độ tăng trưởng công suất gây ra sự kìm hãm. Việc các dự án NLTT phát triển nhanh đã gây ra quá tải lưới điện. Các nhà máy điện gió và năng lượng mặt trời ở nhiều tỉnh sẽ phải giảm sản lượng để duy trì sự ổn định của lưới điện.

Bên cạnh đó, thách thức lớn nhất đối với phát triển NLTT nằm ở vốn đầu tư và khả năng thu xếp vốn của chủ đầu tư, trong đó, rào cản tài chính là yếu tố cản trở việc thực hiện một dự án kinh tế do thiếu tiếp cận với nguồn tài chính phù hợp. Cùng với đó là việc chưa có những tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hệ thống điện mặt trời, điện gió.

Năng lực và trình độ công nghệ trong nước còn hạn chế, thiếu cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế thiết bị. Tỷ lệ nội địa hóa công nghệ ngành năng lượng thấp, thiếu cơ chế hỗ trợ và thúc đẩy nội địa hóa công nghệ.

Bên cạnh đó, việc phát triển NLTT thời gian qua cũng đã bộc lộ một số bất cập trong công tác quy hoạch, quản lý đầu tư xây dựng và khai thác các dự án điện gió điện mặt trời; phát triển chưa đồng bộ với hệ thống truyền tải dẫn đến nghẽn mạch phải giảm phát.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Việc chuyển dịch năng lượng cần được quan tâm trên 4 lĩnh vực: Sự sẵn có của các nguồn năng lượng; khả năng tiếp cận các nguồn năng lượng ở các vùng miền; khả năng chi trả của người dân và sự chấp nhận các loại năng lượng tại các địa phương, người dân. Với mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng, cung cấp năng lượng với chi phí chấp nhận được và thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường của Việt Nam với cộng đồng quốc tế, Việt Nam cần tích hợp một cách hài hòa và có lộ trình việc phát triển công nghệ NLTT, với khuyến khích thúc đẩy công nghệ hiệu quả năng lượng để thực hiện chuyển dịch năng lượng thành công ở Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam cần lưu ý các vấn đề sau:

Thứ nhất, bám sát tình hình và các xu hướng trên thế giới, đặc biệt là nhận diện sự cạnh tranh giữa các nước, hình thành trật tự thế giới mới, kịch bản toàn cầu hóa chậm lại trong thời gian tới, những diễn biến tại Bắc Cực vốn nhiều tài nguyên chưa được khai thác, nguy cơ gia tăng căng thẳng tại Biển Đông.

Thứ hai, Việt Nam cần tích cực tham gia các tiến trình chống biến đổi khí hậu, phát triển hệ sinh thái xanh toàn cầu, bao gồm chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch, giảm mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động của biến đổi khí hậu, khuyến khích người dân có lối sống trách nhiệm với môi trường.

Thứ ba, để thực hiện mục tiêu trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), Việt Nam cần khoảng 135 tỷ USD từ nay cho đến năm 2030 và sau đó cần thêm 500 tỷ USD cho giai đoạn 2030-2050. Thông qua đó có thể khẳng định rằng, nhu cầu vốn là một thách thức không nhỏ khi doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu ở quy mô nhỏ và vừa, khó huy động nguồn đầu tư dồi dào cho các công trình năng lượng dài hạn. Do vậy, việc thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là yếu tố cần thiết cho các công trình tại Việt Nam.

Thứ tư, Chính phủ cần sớm phê duyệt các kế hoạch thực hiện quy hoạch làm cơ sở cho việc triển khai các dự án năng lượng. Bên cạnh đó, các Quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia cho NLTT cũng cần sớm ban hành để có cơ sở áp dụng, thực hiện. Đồng thời xem xét nghiên cứu xây dựng và trình ban hành Luật Năng lượng tái tạo. Cùng với đó là việc nên có các cơ chế về giá cho các loại hình NLTT, nâng cao năng lực và trình độ công nghệ, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ.

Thứ năm, phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện; thực hiện đầu tư phát triển điện lực cân đối giữa các vùng, miền trên cơ sở sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng sơ cấp của mỗi vùng, miền; hạn chế tối đa việc xây dựng mới các đường dây truyền tải điện liên miền. Ngoài ra, việc tăng cường việc liên kết lưới điện với các nước trong khu vực cũng cần phải được thực hiện nhằm hỗ trợ phát triển NLTT trong nước có hiệu quả./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Hà Lan (2021), Việt Nam lọt Top 10 nhà đầu tư phát triển NLTT thế giới, truy cập từ https://kinhtemoitruong.vn/viet-nam-lot-top-10-nha-dau-tu-phat-trien-nang-luong-tai-tao-the-gioi-61034.html.

2. Hồng Cẩm (2017), Tiềm năng phát triển năng lượng sạch của Việt Nam, truy cập từ https://tapchimoitruong.vn/chuyen-muc-3/Ti%E1%BB%81m-n%C4%83ng-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-n%C4%83ng-l%C6%B0%E1%BB%A3ng-s%E1%BA%A1ch-c%E1%BB%A7a-Vi%E1%BB%87t-Nam-19882

3. IEA (2023), Renewable Energy Market Update: Outlook for 2023 and 2024, retrieved from https://iea.blob.core.windows.net/assets/63c14514-6833-4cd8-ac53-f9918c2e4cd9/RenewableEnergyMarketUpdate_June2023.pdf.

4. Khánh Linh (2020), Giải pháp nào phát triển năng lượng sinh khối?, truy cập từ https://diendandoanhnghiep.vn/giai-phap-nao-phat-trien-nang-luong-sinh-khoi-181602.html.

5. Linh Chi (2024), Thúc đẩy phát triển điện gió ngoài khơi của Việt Nam, truy cập từ https://baophapluat.vn/thuc-day-phat-trien-dien-gio-ngoai-khoi-cua-viet-nam-post506520.html.

6. N.L (2022), Nhà máy điện sinh khối Hậu Giang: Tiềm năng từ đối tác uy tín, truy cập từ https://baodautu.vn/nha-may-dien-sinh-khoi-hau-giang-tiem-nang-tu-doi-tac-uy-tin-d180346.html.

7. Thủ tướng Chính phủ (2023), Quyết định số 500/QĐ-TTg, ngày 15/5/2023 phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

8. Vân Nguyễn (2024), Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng trong phát triển NLTT, truy cập từ https://vneconomy.vn/viet-nam-van-con-nhieu-tiem-nang-trong-phat-trien-nang-luong-tai-tao.htm.


  1. https://www.erav.vn/tin-tuc/t14526/xu-huong-toan-cau-phat-trien-nang-luong-tai-tao.html

[2] https://www.evn.com.vn/userfile/User/giangtcdl/files/2023/12/Camnangsanxuatdien.pdf

Ngày nhận bài: 8/5/2024; Ngày phản biện: 15/5/2024; Ngày duyệt đăng: 22/5/2024