Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổ chức kiểm tra hoạt động đấu thầu
Đây là các quy định nhằm cụ thể hóa các quy định tại Điều 125, 126 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, ngày 26/06/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và Điều 95, 96 Nghị định số 30/2015/NĐ-CP, ngày 17/03/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Theo đó, việc kiểm tra hoạt động đấu thầu được thực hiện theo cơ chế độc lập và phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền kiểm tra được quy định tại khoản 3, Điều 125 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, đảm bảo tránh chồng chéo, trùng lắp khi thực hiện kiểm tra.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tổ chức kiểm tra hoạt động đấu thầu trên phạm vi cả nước. Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm giúp UBND cấp tỉnh chủ trì, tổ chức kiểm tra hoạt động đấu thầu tại địa phương.
Dự thảo quy định rõ, thời gian kiểm tra trực tiếp tại cơ sở của một đơn vị được kiểm tra không quá 05 ngày làm việc. Trong thời hạn tối đa là 30 ngày kể từ ngày kết thúc kiểm tra trực tiếp tại cơ sở của đơn vị được kiểm tra, Đoàn kiểm tra phải có Báo cáo kiểm tra.
Trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu, tuỳ theo mức độ vi phạm, người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền kiểm tra quyết định biện pháp xử lý ngay trong Kết luận kiểm tra hoặc chỉ đạo việc chuyển hồ sơ, tài liệu cho cơ quan thanh tra hoặc cơ quan điều tra đối với trường hợp cấu thành tội phạm quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự để xử lý theo quy định.
Trên cơ sở kết luận kiểm tra, người đứng đầu đơn vị được kiểm tra chỉ đạo đơn vị được kiểm tra thực hiện kết luận kiểm tra theo hướng: Khắc phục ngay đối với những tồn tại, sai sót có thể khắc phục được trong dự án, gói thầu đang thực hiện; Chấn chỉnh hoạt động đấu thầu đối với các dự án, gói thầu khác; Báo cáo danh sách các tổ chức, cá nhân có liên quan đã bị xử lý theo quy định của pháp luật trong trường hợp có hành vi vi phạm pháp luật về đấu thầu; Báo cáo phản hồi về tình hình thực hiện kết luận kiểm tra gửi cơ quan có thẩm quyền kiểm tra trong thời hạn quy định tại kết luận kiểm tra.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng nêu rõ cơ chế xử lý đối với việc không thực hiện kết luận kiểm tra. Theo dự thảo, tổ chức, cá nhân thuộc đơn vị được kiểm tra và tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện kết luận kiểm tra mà không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ, không kịp thời thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp cấu thành tội phạm theo quy định của pháp luật về hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật./.
Bình luận