Bộ KHĐT giải đáp một số vướng mắc xung quanh Luật Hỗ trợ DNNVV
Thứ trưởng Đặng Huy Đông phát biểu tại hội thảo |
Cho vay DNNVV, không thể giống cho vay đại gia nghìn tỷ
Tại phiên thảo luận dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào ngày 06/10/2016 vừa qua, đã có nhiều ý kiến bất đồng về hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa theo quy định của Luật. Vấn đề này cũng đốt nóng hội thảo, bởi các ý kiến đều xoáy vào trách nhiệm của các ngân hàng khi không cho doanh nghiệp vay vốn bằng các tài sản thế chấp từ bất động sản và tài sản hình thành trên bất động sản.
“Có một thực tế là, mặc dù các chính sách về hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đã có từ lâu, nhưng các doanh nghiệp vẫn không tiếp cận được với tín dụng do vướng phải những quy định về tài sản thế chấp”, GS, TS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đặt vấn đề. Vì vậy, ông Mại cho rằng, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần quy định cách tiếp cận tín dụng khác cho khối doanh nghiệp này, như: thay vì thế chấp bằng bất động sản, thì có thể thế chấp bằng động sản.
“Không thể áp dụng thế chấp bằng bất động sản, mà phải thế chấp bằng động sản, như: chứng từ, hợp đồng mua bán, sở hữu trí tuệ, thương hiệu... đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Bởi các doanh nghiệp này không có nhiều bất động sản, nếu có, thì cũng đã thế chấp lần đầu với ngân hàng”, GS, TS. Nguyễn Mại nhấn mạnh.
Phản đối ý kiến của GS, TS. Nguyễn Mại, bà Đặng Thị Điểm, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp, cũng phải có cách để giảm rủi ro và có quy định riêng.
"Về quan điểm thế chấp bất động sản cho vay vốn là ngân hàng phải có quyền xem xét cho vay làm sao bảo toàn vốn. Không tổ chức cá nhân nào can thiệp đến hoạt động của các tổ chức tín dụng nên nhận loại tài sản thế chấp nào là quyền của ngân hàng", bà Điểm nói.
Mặc dù đồng tình với ý kiến của bà Điểm, tuy nhiên Thứ trưởng Đặng Huy Đông cũng lưu ý: "Chúng tôi không bắt ngân hàng làm bằng mọi giá, nhưng phải có trách nhiệm quan tâm phê duyệt hồ sơ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa, không thể giống cho đại gia nghìn tỷ".
Làm rõ hơn nữa về quy định hỗ trợ tín dụng trong dự thảo Luật, Thứ trưởng Đông cho biết: "Dự thảo Luật đầu tiên đã yêu cầu các ngân hàng thương mại dành tối thiểu 30% vốn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng sau đó, có tranh luận nên rút lại, chỉ khuyến khích".
Hiện nay, đã có một số ngân hàng nước ngoài quan tâm đến khối doanh nghiệp nhỏ và vừa và tung ra nhiều chương trình vay vốn không cần thế chấp bằng bất động sản cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Do đó, các ngân hàng thương mại trong nước cũng “không nên chọn cái dễ thì làm, cái khó thì bỏ”, mà cần phải vươn ra để tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa vay vốn, bởi khối doanh nghiệp này cũng vô cùng tiềm năng khi chiếm đến 97% tổng doanh nghiệp cả nước.
Ngược lại, về phía doanh nghiệp nhỏ và vừa, Thứ trướng Đông nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp cũng phải vươn lên để cố gắng đáp ứng những yêu cầu cơ bản của ngân hàng khi vay vốn”.
Sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hỗ trợ và có ưu tiên
Về vấn đề hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong bối cảnh nguồn lực Nhà nước có hạn, Thứ trưởng Đông khẳng định: “Không có chuyện hỗ trợ tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà sẽ có chọn lọc và có ưu tiên”. Trên nguyên tắc này, dự thảo Luật đã được thiết kế với 2 phần quan trọng nhằm thu hẹp đối tượng hỗ trợ:
(1) Các nội dung hỗ trợ cơ bản của Luật (Chương II, từ Điều 7 đến Điều 18), bao gồm: các quy định về gia nhập và rút khỏi thị trường, tiếp cận tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, đào tạo, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Đây là những hỗ trợ cơ bản, thiết yếu đối với tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, không hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc bao cấp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà những hỗ trợ cơ bản này thực hiện chủ yếu thông qua tạo cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho các doanh nghiệp.
(2) Các chương trình hỗ trợ trọng tâm (Chương III, từ Điều 19 đến Điều 32) là hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo; hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành và các chương trình khác do Chính phủ quy định phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển và điều kiện ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ. theo ước tính, đối tượng tham gia chương trình trọng tâm mỗi năm không lớn, nhưng sẽ có tác động tích cực tới sự phát triển của doanh nghiệp, khuyến khi các doanh nghiệp thực hiện các ý tưởng mới, phát triển và thương mại hóa sản phẩm có tính sáng tạo, ứng dụng cao, ưu việt về giá cả và chất lượng, tạo giá trị gia tăng và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế.
“Những quy định đã thu hẹp đối tượng thụ hưởng và căn cứ vào điều kiện của ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ để lựa chọn đối tượng hỗ trợ cho phù hợp”, Thứ trưởng Đông nhấn mạnh.
Làm rõ thắc mắc về việc hỗ trợ có ảnh hưởng nhiều đến ngân sách nhà nước, Thứ trưởng khẳng định: “Trước mắt, việc giảm thuế này có thể làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn, nhưng về dài hạn đây được xem như là một khoản đầu tư để nuôi dưỡng nguồn thu, tăng mức độ tích lũy của doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có điều kiện tích lũy, và phát triển thành quy mô lớn”.
Về việc các quy định hỗ trợ trong Luật có vi phạm các cam kết và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hay không?, ông Lê Văn Khương, Cục Phát triển Doanh nghiệp - Thành viên Tổ soạn thảo Luật khẳng định, các quy định trong Luật không vi phạm các điều ước quốc tế.
Ông Khương lý giải, các biện pháp hỗ trợ tại Luật này không phải là trợ cấp bị cấm sử dụng, như: trợ cấp xuất khẩu, hoặc trợ cấp thay thế nhấp khẩu, cũng không phải là trợ cấp riêng biệt (chỉ dành cho một hoặc một nhóm doanh nghiệp hay ngành, lĩnh vực) có khả năng bị áp dụng các biện pháp về chống trợ cấp.
Luật sẽ không hỗ trợ trực tiếp, hoặc bao cấp doanh nghiệp
Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Ban Pháp chế VCCI, mục tiêu của việc xây dựng Luật là thay đổi tư duy “từ quản lý sang phục vụ”. Tuy nhiên, trong Luật quy đinh, Nhà nước là chủ thể cung cấp dịch vụ kinh doanh và như vậy có Nhà nước có làm thay doanh nghiệp tư nhân hay không?
Thêm vào đó, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa do ủy ban nhân dân các tỉnh, hiệp hội doanh nghiệp tự bỏ vốn thực hiện mà không cần dùng đến ngân sách nhà nước thì có cần phải xin phê duyệt của các cơ quan nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa theo khoản 3, điều 20 hay không? Bởi, như thế thì sẽ làm chậm đi quá trình hỗ trợ của các chương trình này.
Trả lời những thắc mắc này, Thứ trưởng Đông cho biết, trong Luật không có quy định nào về việc Nhà nước là chủ thể cung cấp dịch vụ kinh doanh, mà Nhà nước chỉ là chủ thể tạo môi trường dẫn dắt các hệ sinh thái hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Luật chỉ tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ cho DNNVV |
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh về tư tưởng của Luật, đó là: “Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ không hỗ trợ tài chính trực tiếp hoặc bao cấp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, mà sẽ thực hiện hỗ trợ chủ yếu thông qua việc tạo cơ chế chính sách và điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa”.
Thứ trưởng Đông cũng cho biết, về việc lấy ý kiến cơ quan trung ương về các chương trình hỗ trợ, dự thảo Luật không đặt ra điều kiện bắt buộc đối với những cơ quan tự nguyện bỏ vốn ra thực hiện. Điều 5, Dự thảo Luật quy định, việc thực hiện hỗ trợ sử dụng nguồn lực ngoài nhà nước được thực hiện theo quy định, mô hình và phương thức của các tổ chức, cá nhân tài trợ. Nhưng nếu như các cơ quan này muốn được hỗ trợ về chính sách, như: giảm thuế, miễn thuế… thì cần phải lấy ý kiến của cơ quan quản lý.
Luật áp dụng phương pháp một luật sửa nhiều luật
Trước những thắc mắc về việc Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có tương thích với các luật khác hay không?, Thứ trưởng Đông cho biết, Luật đã áp dụng phương pháp một luật sửa nhiều luật để đảm bảo tính đồng bộ và thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật trong hệ thống pháp luật. Để làm việc này, cơ quan soạn thảo đã có báo cáo rà soát đánh giá để đảm bảo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đây cũng là một trong những quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình xây dựng Luật.
Ví dụ như: Đối với Luật Đầu tư, dự thảo Luật quy định, doanh nghiệp, tổ chức đầu tư, kinh doanh chuỗi quốc gia phân phối sản phẩm (khoản 2, điều 14) và cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (điều 18), khu làm việc chung cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (điều 28) được miễn, giảm tiến thuế đất, tiền sử dụng đất, thuế sử dụng đất như áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư. Để quy định này có hiệu lực đồng bộ với pháp luật về đầu tư, Chính phủ kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung khoản 1, điều 16, Luật Đầu tư, như sau: “đầu tư kinh doanh chuỗi quốc gia phân phối sản phẩm; đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”.
Hay như Luật Các tổ chức tín dụng: Quy định tại dự thảo Luật phù hợp với Luật các tổ chức tín dụng. các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận vốn thông qua thiết kế điều kiện, quy trình, thủ tục cho vay đơn giản, phù hợp với đặc điểm, quy mô doanh nghiệp.
Các khoản vay hỗ trợ của Chính phủ để hỗ trợ các ngân hàng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa theo định hướng và mục tiêu phát triển của Nhà nước được sử dụng từ ngân sách nhà nước để cấp bù lãi suất và các hình thức hỗ trợ khác. Điều này đảm bảo không can thiệp hoặc ảnh hưởng đến hoạt động của các ngân hàng (phù hợp với Điều 8, Luật Các tổ chức tín dụng). Việc hỗ trợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa này được thực hiện phù hợp với điều kiện ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ./.
Trước đó, trên cơ sở góp ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên thảo luận dự án Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa diễn ra vào ngày 06/10/2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chỉnh sửa để trình lên Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Theo đói, Dự thảo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa gồm 6 chương với 45 điều. Các nội dung hỗ trợ cơ bản của Luật (Chương II, từ Điều 7 đến Điều 18), bao gồm: các quy định về gia nhập và rút khỏi thị trường, tiếp cận tín dụng, tài chính, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, đào tạo, ươm tạo và cung cấp dịch vụ hỗ trợ. Các chương trình hỗ trợ trọng tâm (Chương III, từ Điều 19 đến Điều 32) là hỗ trợ chuyển đổi từ hộ kinh doanh; hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo; hỗ trợ tham gia cụm liên kết ngành và các chương trình khác do Chính phủ quy định phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển và điều kiện ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ. |
Bình luận