Bộ trưởng Chu Ngọc Anh: Tập trung rà soát lại, tái cơ cấu chuỗi nghiên cứu khoa học, công nghệ
Khắc phục tình trạng “đề tài nghiên cứu bỏ ngăn kéo”
Trước câu hỏi của của Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) về tình trạng hàng năm ngân sách nhà nước bỏ ra bao nhiêu tiền cho việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học và có hay không tình trạng đề tài nghiên cứu khoa học bỏ ngăn kéo? Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, "Bỏ ngăn kéo" là cách nói ví von, chúng tôi rất trăn trở về việc này. Đồng thời, Bộ trưởng cũng mong các đại biểu chia sẻ, bởi một số đặc thù khoa học có độ trễ, rủi ro, có những nghiên cứu cơ bản chỉ phục vụ công ích...
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội |
“Để giải quyết được một các hệ thống tình trạng "đề tài nghiên cứu bỏ ngăn kéo", Bộ tập trung rà soát lại, tái cơ cấu chuỗi nghiên cứu khoa học, công nghệ”, Bộ trưởng cho biết.
Đối với việc đề tài khoa học xã hội không gắn với ứng dụng như phản ảnh của Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Bộ trưởng cho biết, qua rà soát, làm việc, phối hợp, hiện nay các tỉnh, thành tập trung nghiên cứu vào những vấn đề trọng tâm nhất của tỉnh, các đề tài khoa học, xã hội đang xoay hướng nghiên cứu rất mạnh.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Tất Thắng về đẩy mạnh ứng dụng, nghiên cứu, khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực khoa học, xã hội và nhân văn, Bộ trưởng cho biết, khoa học xã hội nhân văn thời gian qua đã có những biến chuyển. Trong đó, nhiều công trình nghiên cứu đã được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế và thời gian tới sẽ có những thay đổi.
“Bộ sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để tăng cường sức đóng góp của khoa học xã hội nhân văn trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh nói.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cũng nhận trách nhiệm của Bộ trong quản lý nghiên cứu khoa học.
“Thời gian tới sẽ tăng cường thực hiện các quy định của pháp luật về đăng ký, lưu giữ và công bố kết quả nghiên cứu khoa học; công khai minh bạch xử lý trùng lặp; hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia; tăng cường kiểm tra rà soát ngày từ khâu đăng ký đề tài để tránh trùng lặp”, Bộ trưởng cho biết.
Thương mại hóa các kết quả nghiên cứu
Tại buổi chất vấn, đại biểu Phùng Đức Tiến đặt câu hỏi đề nghị Bộ trưởng cho biết cơ chế, chính sách trong thời gian tới giúp cho các viện, trường đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu?
Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, một hạn chế xuyên suốt thời gian qua là chậm thương mại hóa các kết quả nghiên cứu. Trong thời gian tới bên cạnh hoàn thiện các cơ chế, chính sách, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ đẩy mạnh liên kết giữa các cơ sở nghiên cứu với doanh nghiệp để đẩy mạnh quá trình này.
Thực tế cho thấy, dù các cấp, các ngành đều quan tâm đưa khoa học, công nghệ vào sản xuất, nhưng vẫn thiếu khâu quan trọng là cơ chế, chính sách để thương mại hóa các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ. Khẳng định hiện cơ chế, chính sách để thúc đẩy đưa khoa học công nghệ vào sản xuất đã được thay đổi và tập trung rõ nhất tại Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013, tuy nhiên, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng chỉ rõ, quá trình triển khai thi hành Luật hiện hành vẫn đang thiếu đi sự quan tâm của doanh nghiệp, cũng như cơ chế, chính sách để hỗ trợ quá trình thương mại hóa kết quả nghiên cứu.
“Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu, được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm, ủng hộ về quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức Bộ Khoa học và Công nghệ không chỉ nghiên cứu khoa học, mà còn thúc đẩy đổi mới, sáng tạo bao gồm cả thương mại hóa kết quả nghiên cứu, ý tưởng nghiên cứu, để giúp tổ chức, cá nhân khởi nghiệp, sáng tạo”, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết.
Đề cập đến vai trò của khoa học là lực lượng sản xuất trực tiếp trong việc năng suất lao động và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế, đại biểu Bùi Sỹ Lợi đề nghị Bộ trưởng cho biết, những giải pháp cơ bản để góp phần nâng cao năng suất, chất lượng của tăng trưởng nền kinh tế đất nước?
Trả lớn vấn đề này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, trong thời gian tới, cần tập trung mọi điều kiện từ nội lực, tức là từ các kết quả nghiên cứu phục vụ cho đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh, vào 4 nhóm đối tượng. Cụ thể là: (1) nhóm doanh nghiệp dẫn dắt công nghệ, tạo điều kiện để có cơ sở để triển khai nghiên cứu công nghệ; (2) đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, phải nhanh chóng nhận chuyển giao khoa học công nghệ để ứng dụng; (3) nhóm doanh nghiệp chưa tiếp nhận chuyển biến kết quả nghiên cứu chuyển giao công nghệ; (4) các doanh nghiệp khởi điểm sáng tạo, hiện số lượng này đang tăng nhanh./.
Bình luận