Giải mã “Thương hiệu” Đồng Nai trên bản đồ FDI tại Việt Nam
Thương hiệu “Đồng Nai” trong thu hút FDI
Với chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc và xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn, Đồng Nai đã trở thành địa phương thuộc top đầu thu hút FDI của cả nước.
Năm 2022, Đồng Nai cấp mới 48 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 491,55 triệu USD (bằng 90,5% về số dự án và tăng 27,8% về vốn đăng ký cấp mới so với cùng kỳ). Tổng vốn đăng ký cấp mới và dự án tăng vốn FDI đến năm 2022 đạt khoảng 1,141 tỷ USD, bằng 93,6% so với cùng kỳ.
Đến năm 2023, thu hút FDI trên địa bàn tỉnh đạt gần 1,23 tỷ USD, tăng trên 11% so với kế hoạch năm (1,1 tỷ USD). Trong đó, có 81 dự án cấp mới với tổng vốn đăng ký trên 467 triệu USD; 94 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung trên 761 triệu USD.
Kết thúc 11 tháng của năm 2024, thu hút FDI vào Đồng Nai đạt 1,67 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ, đứng thứ 8 cả nước. Các dự án thu hút mới chủ yếu thuộc các ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử; cơ khí chế tạo; dệt; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn… Đặc biệt, không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động; đảm bảo các tiêu chí về công nghệ tiên tiến; phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh.
Đồng Nai xếp thứ 8 cả nước về thu hút FDI |
Lũy kế đến nay, số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn Tỉnh là 1.685 dự án với số vốn 35,15 tỷ USD.
Những bí quyết tạo nên Thương hiệu “Đồng Nai”
Đồng Nai nằm ở trung tâm vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam - vùng kinh tế phát triển năng động nhất Việt Nam, tiếp giáp với các tỉnh, thành phố lớn, như: TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu. Tỉnh hầu như không có bão lụt, động đất, cao độ bình quân trên 50 m nên không ngập nước. Địa chất tốt, thuận lợi cho việc xây dựng công trình với chi phí thấp.
Thời gian qua, Tỉnh đã và đang phát triển đồng bộ cơ sở vật chất hạ tầng, đảm bảo nhu cầu sử dụng điện, nước, thông tin liên lạc của nhà đầu tư một cách ổn định. Tỉnh có hệ thống giao thông thuận tiện với nhiều tuyến đường huyết mạch quốc gia đi qua, như: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 20, Quốc lộ 51, Quốc lộ 56; đuờng cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; tuyến đường sắt Bắc - Nam; chỉ cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất 30 km, gần cụm cảng Sài Gòn, cụm cảng Thị Vải - Vũng Tàu, cụm cảng Đồng Nai…; sân bay Long Thành đang trong quá trình thi công xây dựng.
Toàn tỉnh hiện có 34 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích đất hơn 11,5 ngàn ha. Trong đó 31 khu công nghiệp đang hoạt động, 1 khu công nghiệp đang xây dựng hạ tầng và thu hút đầu tư; 1 khu công nghiệp được thành lập trong tháng 7/2023, đang thực hiện công tác quy hoạch xây dựng khu công nghiệp Long Đức 3 và 1 khu công nghiệp vừa được thành lập trong tháng 9/2024 là khu công nghiệp Bàu Cạn - Tân Hiệp.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư tỉnh Đồng Nai |
Nhiều doanh nghiệp đánh giá, đầu tư vào các khu công nghiệp của Đồng Nai rất thuận lợi vì Tỉnh nằm ở khu vực đầu mối giao thông của vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ, đường thủy, đường sắt và tới đây là đường hàng không rất thuận lợi. Hàng hóa sản xuất tại Đồng Nai có thể vận chuyển đi các địa phương khác trong cả nước và xuất khẩu sẽ rút ngắn được thời gian, chi phí vận chuyển.
Bên cạnh những ưu thế về vị trí, hạ tầng, chính quyền tỉnh Đồng Nai luôn quan tâm hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư. Đồng Nai luôn quan tâm hỗ trợ nhà đầu tư từ lúc bắt đầu đến Đồng Nai đầu tư cho đến quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Công tác thu hút, quản lý, sử dụng và giải ngân nguồn vốn FDI để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội được các cấp ủy đảng và chính quyền tỉnh Đồng Nai thường xuyên chỉ đạo thực hiện. Hàng năm, Tỉnh ủy, HĐND, UBND Tỉnh ban hành các nghị quyết, quyết định về các chỉ tiêu, kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội Tỉnh, trong đó đánh giá vai trò đóng góp quan trọng của thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, từ đó xác định các giải pháp, nhiệm vụ để đẩy mạnh hơn việc thu hút nguồn vốn đầu tư, quản lý, sử dụng và giải ngân FDI, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, hàng năm, UBND Tỉnh cũng chỉ đạo các sở, ban ngành xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư nước ngoài tại các thị trường tiềm năng, nơi có nhiều nhà đầu tư có tiềm lực về vốn, công nghệ cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm để giới thiệu đến Đồng Nai đầu tư sản xuất, kinh doanh. Tỉnh quan tâm xây dựng kế hoạch và tổ chức các hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, hội nghị giao thương giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài để tăng cường nắm bắt thông tin nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo sự kết nối chặt chẽ giữa chính quyền với nhà đầu tư và giữa các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài kết nối hợp tác sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm.
Mặt khác, Tỉnh còn tổ chức đối thoại, lấy ý kiến doanh nghiệp thường niên và coi đây là cơ hội rất quan trọng để doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc gì kiến nghị, đề xuất với chính quyền địa phương. Tùy theo từng kiến nghị, đề xuất, mà các cơ quan chức năng, chính quyền Tỉnh sẽ giải quyết theo thẩm quyền, đảm bảo hài hòa, thuận lợi cho quá trình đầu tư của các doanh nghiệp.
Sau đại dịch Covid-19, Đồng Nai là một trong những tỉnh đi đầu của Việt Nam thực hiện tốt việc hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động: giảm phí đóng bảo hiểm, gói hỗ trợ cho doanh nghiệp vay tiền lãi suất thấp, hỗ trợ phòng trọ cho công nhân.../.
Bình luận