Sáng 28/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng kết tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự và có bài phát biểu quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự tổng kết ngành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: VGP

Với vị trí, vai trò là cơ quan tham mưu tổng hợp, chiến lược của Đảng và Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp, cơ chế, chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng các kịch bản tăng trưởng, tranh thủ thời cơ phục hồi và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế đất nước; không ngừng nỗ lực, quyết tâm, phấn đấu hoàn thành một khối lượng công việc lớn, quan trọng có tác động đến sự phát triển KTXH của đất nước.

Trong năm 2024, Bộ đã kịp thời nghiên cứu, theo dõi, đánh giá và dự báo sát tình hình để từ đó tích cực tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp có cơ sở khoa học và thực tiễn, có trọng tâm, đủ độ sâu và linh hoạt, phù hợp với yêu cầu trong ngắn hạn và trung hạn nhằm thực hiện mục tiêu phát triển KTXH, tăng trưởng kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, liên kết vùng, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp.

Theo Quyết định số 53/QĐ-TTg ngày 15 tháng 01 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao thực hiện 61 đề án trên tổng số 345 đề án giao cho các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ - là Bộ có số lượng đề án được giao nhiều nhất (chiếm gần 18%). Đến nay, Bộ đã cơ bản hoàn thành các đề án, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình công tác.

Trong năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền: 02 Luật, 05 Nghị quyết của Quốc hội, 09 Nghị định của Chính phủ (và 08 Nghị định đã trình Chính phủ), 14 Thông tư, 08 Nghị quyết của Chính phủ, 06 Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; làm cơ quan thường trực hoặc giữ vai trò chủ trì, đầu mối tổng hợp của 07 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo Quyết định số 1006/QĐ-TTg ngày 19 tháng 9 năm 2024, 26 đoàn công tác của Thành viên Chính phủ về tình hình sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu tại các địa phương theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2023, 06 Hội đồng điều phối vùng và nhiều Ban Chỉ đạo khác; làm thường trực Hội đồng thẩm định và đã tổ chức thẩm định 04 quy hoạch tỉnh, 02 Chương trình mục tiêu quốc gia, 03 dự án quan trọng quốc gia, 39 chương trình, dự án lớn thuộc thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thành và trình cấp có thẩm quyền nhiều đề án, báo cáo lớn, đã ban hành gần 14.000 văn bản liên quan đến các lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư…

Đặc biệt, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật luôn được Bộ Kế hoạch và Đầu tư xác định là nhiệm vụ trọng tâm và xuyên suốt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thể hiện vai trò tiên phong, chủ động đề xuất cải cách, đổi mới hướng tới mục tiêu tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao hiệu quả phân bổ, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh cải cách, nhất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, tăng năng suất lao động, phát triển các mô hình kinh tế mới…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự tổng kết ngành Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Cùng dự có lãnh đạo Quốc hội, các Bộ ngành cơ quan trung ương và địa phương. Ảnh: VGP

Thông qua các báo cáo trình Thường trực Chính phủ, Chính phủ tại các Phiên họp Chính phủ thường kỳ, Bộ đã tham mưu, kiến nghị nhiều chính sách, giải pháp về hoàn thiện thể chế; tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần cải cách thể chế trong từng bộ, ngành, địa phương; chủ động tham mưu cho các cơ quan trong việc thay đổi tư duy làm luật, đó là từ quản lý sang quản lý kiến tạo cho sự phát triển; từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”; phân cấp phân quyền một cách triệt để theo hướng “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”; luật là luật khung chỉ quy định những vấn đề chung, còn những vấn đề cụ thể thì giao Chính phủ quy định.

Đặc biệt, Bộ đã tham mưu Chính phủ chỉ đạo Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống pháp luật do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban; tập trung rà soát, đề xuất phương án xử lý các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp thực tiễn, tháo gỡ dứt điểm khó khăn, vướng mắc để sửa đổi, bổ sung ngay các văn bản theo thẩm quyền và báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8; tham mưu Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng ban, Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những công việc quan trọng, liên ngành để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án, bao gồm các dự án sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn đầu tư tư nhân trong nước, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn vốn khác nhằm phát huy hiệu quả của các dự án.

Trong năm 2024, Bộ đã hoàn thành nhiệm vụ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua 5 Nghị quyết; 2 luật (Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu); Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và nghiên cứu để tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi Luật Doanh nghiệp, xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế.

Trong đó, Luật Đầu tư công (sửa đổi) đã xác định 05 nhóm chính sách lớn theo tinh thần đột phá, cải cách trong quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư công, tháo gỡ ngay các vướng mắc, điểm nghẽn; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính chủ động cho bộ, ngành, địa phương; cắt giảm, đơn giản hóa trình tự, thủ tục; đồng bộ, thống nhất với quy định tại các Luật, Nghị quyết của Quốc hội đã ban hành và luật hóa một số cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được áp dụng và phát huy hiệu quả, nhằm nâng cao hiệu quả khai thác, quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại; đồng thời cá thể hóa, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện gắn với nâng cao năng lực thực thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu đã xác định 09 nhóm chính sách lớn theo tinh thần tập trung sửa đổi những quy định có mâu thuẫn, đang gây vướng mắc để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh; đồng thời, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp với các điều ước, cam kết quốc tế của Việt Nam.

Bên cạnh đó, trong năm 2024, Bộ đã tham mưu, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 09 Nghị định và nhiều Nghị quyết, Công điện, Chỉ thị, Quyết định phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành. Các văn bản do Bộ Kế hoạch và Đầu tư tham mưu ban hành đều có chất lượng, bám sát chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, dựa trên căn cứ khoa học, sát với yêu cầu thực tiễn và phù hợp với thông lệ quốc tế./.