Xu hướng thu hút FDI công nghệ cao vào Việt Nam
Nhiều năm qua, nhất là giai đoạn từ sau năm 2019 đến nay, khi Bộ Chính trị chính thức ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đã có tính chọn lọc hơn, tập trung vào những lĩnh vực công nghệ cao, những ngành mang tính chất mũi nhọn và có tính lan tỏa.
Dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đã có tính chọn lọc hơn, tập trung vào những lĩnh vực công nghệ cao, |
Dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đã có tính chọn lọc hơn
Theo thống kê, dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam đã có tính chọn lọc hơn, tập trung vào các lĩnh vực công nghệ xanh, sạch và đi vào những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn.
Điển hình là nhiều dự án FDI chất lượng cao, như: sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, sản xuất chip đã tới đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử như Tập đoàn Amkor đầu tư 1,6 tỷ USD vào Khu công nghiệp Yên Phong 2 (Bắc Ninh) để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp và thử nghiệm vật liệu, thiết bị bán dẫn. Đây cũng là nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Amkor (đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 10/2023).
Trước đó, tháng 9/2023, Hana Micron Vina (Hàn Quốc) - doanh nghiệp sản xuất và gia công bảng vi mạch tích hợp sử dụng cho điện thoại di động và các sản phẩm điện tử thông minh khác - cũng đã chính thức khánh thành nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Công ty Hana Micron Vina tại Khu công nghiệp Vân Trung, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Đây là dự án sản xuất chất bán dẫn đầu tiên tại miền Bắc. Lãnh đạo Hana Micron Vina cho biết đến năm 2025, công ty có kế hoạch tăng tổng mức đầu tư lên trên 1 tỷ USD, doanh thu hàng năm dự kiến đạt 800 triệu USD và tạo ra 4.000 việc làm cho người lao động Việt Nam.
Công ty Luxshare - ICT Việt Nam, thuộc tập đoàn đa quốc gia Luxshare - ICT của Trung Quốc, tháng 11/2023 đã đầu tư thêm 330 triệu USD để mở rộng nhà máy sản xuất tại Bắc Giang, nâng tổng số vốn của công ty này tại tỉnh Bắc Giang lên 504 triệu USD. Luxshare - ICT là nhà sản xuất Airpods và nhiều thiết bị khác cho Apple. Luxshare - ICT ngoài ra cũng đầu tư vào Nghệ An 290 triệu USD với hai dự án là Luxshare ICT 1 trị giá 140 triệu USD và Luxshare 2 trị giá 150 triệu USD tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An (Hưng Nguyên), để sản xuất linh kiện điện tử.
Một tập đoàn công nghệ khác là Quanta - tập đoàn lớn về sản xuất thiết bị máy tính của Đài Loan (Trung Quốc) - trong năm 2023 cũng đã ký với tỉnh Nam Định thỏa thuận phát triển dự án sản xuất và gia công máy tính xách tay và máy tính để bàn tại Khu công nghiệp Mỹ Thuận (huyện Mỹ Lộc) với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 120 triệu USD.
Tại Hải Phòng, tháng 6/2023, tỉnh này đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh tăng vốn cho dự án Nhà máy LG Innotek Hải Phòng giai đoạn 2023 - 2025 với số vốn 1 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư của dự án lên hơn 2 tỷ USD, để xây dựng nhà máy V3 sản xuất modul camera xuất khẩu; tạo thêm 2.600 việc làm cho người lao động, lợi nhuận dự kiến đạt 400 triệu USD/năm và nộp ngân sách khoảng 100 tỷ đồng/năm. Tập đoàn LG là nhà đầu tư lớn nhất tại Hải Phòng với tổng vốn đầu tư 7,24 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn FDI toàn thành phố (tính tới thời điểm giữa năm 2023).
Như vậy, với các dự án lớn được triển khai trong năm 2023, cùng với các Tập đoàn công nghệ vào Việt Nam trước đó như Intel, Samsung,… cho thấy việc thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ cao và thúc đẩy chuyển giao công nghệ tại Việt Nam đã và đang đạt được những kết quả tích cực.
Thủ tướng và Chủ tịch NVIDIA chứng kiến ký kết và trao Thoả thuận giữa Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng - đại diện Chính phủ Việt Nam và ông Jay Puri, Phó Chủ tịch Điều hành Phụ trách Hoạt động Toàn cầu NVIDIA - Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Việt Nam là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao
Nhiều chuyên gia cho rằng từ thực tiễn dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong thời gian qua, có thể thấy đã xuất hiện xu thế mới, theo đó vốn FDI tập trung vào các lĩnh vực công nghệ xanh, sạch và đi vào những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao như sản xuất chip, chất bán dẫn. Đây chính là những điểm tích cực của dòng vốn FDI vào Việt Nam trong những năm gần đây.
Ngày 5/12/2024 là một ngày đáng nhớ đối với ngành bán dẫn của Việt Nam khi thỏa thuận hợp tác giữa NVIDIA - Tập đoàn thiết kế, sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới và Chính phủ Việt Nam đã được ký kết. Đây là thành quả sau hơn 1 năm kể từ cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và ông Jensen Huang, Chủ tịch NVIDIA. Theo thỏa thuận, NVIDIA sẽ thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI), được gọi là VRDC (Vietnam Research and Development Center), cùng với Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam.
Việc chính thức ký thỏa thuận hợp tác cho thấy quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Chủ tịch Jensen Huang trong việc biến Việt Nam thành "ngôi nhà thứ hai của NVIDIA", cũng như sự tin tưởng vào tiềm năng phát triển của nước ta. Nhiều ý kiến nhận định, NVIDIA lựa chọn Việt Nam chắc chắn sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa đối với thu hút các nhà ĐTNN trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ cao nói riêng và ĐTNN nói chung đến Việt Nam trong thời gian tới.
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 11/2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế tin tưởng và đánh giá cao triển vọng tăng trưởng của nước ta, cam kết đầu tư và gắn bó lâu dài, đồng hành cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Từ niềm tin và mong muốn gắn bó như vậy dẫn đến các thỏa thuận hợp tác, trong đó hợp tác giữa Chính phủ và Tập đoàn NVIDIA gần đây là một điển hình.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến 30/11/2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà ĐTNN đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án ĐTNN ước đạt khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Điều đáng lưu ý là, tổng vốn đầu tư đăng ký tiếp tục tăng nhẹ (1%) so với cùng kỳ. Vốn đầu tư mới và điều chỉnh 11 tháng đều tăng cả về số lượng dự án mới/lượt dự án điều chỉnh vốn cũng như vốn đầu tư mới/tăng thêm. Trong đó, vốn đầu tư điều chỉnh vẫn duy trì được mức tăng tương đối cao (tăng 40,7%) so với cùng kỳ. Riêng tháng 11 ghi nhận tổng lượng vốn đầu tư khá lớn so với các tháng trong năm với gần 4,12 tỷ USD, chiếm 13,1% tổng vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng.
Nhiều dự án lớn ở các lĩnh vực bán dẫn, năng lượng (sản xuất pin, tế bào quang điện, thanh silic), sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng được đầu tư mới và tăng vốn trong 11 tháng.
Thông tin tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 11/2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, về đầu tư, các nhà đầu tư và chuyên gia nước ngoài đều đánh giá, khi thị trường đầu tư thế giới ảm đạm, thì ĐTNN vào Việt Nam vẫn rất tốt. Đây là động lực rất quan trọng cho tăng trưởng của Việt Nam trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, về chính sách, tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu 2024 (Luật sửa 4 Luật). Trong đó, đã thông qua quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 15/1/2025.
Đây là quy định mới, mang tính đột phá, áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao… tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”. Theo đó, nhà đầu tư được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong thời hạn 15 ngày và không phải thực hiện một số thủ tục để được cấp giấy phép trong lĩnh vực xây dựng, phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường (dự kiến rút ngắn thời gian thực hiện dự án khoảng 260 ngày).
Theo đó, từ ngày 15/1/2025, nhà đầu tư đề xuất thực hiện dự án đầu tư đáp ứng điều kiện quy định về Thủ tục đầu tư đặc biệt tại Luật sửa 4 Luật có thể đăng ký đầu tư theo quy định mới. Bên cạnh đó, kể từ ngày 15/1/2025, các dự án công nghệ cao đang hoạt động, nếu đáp ứng điều kiện theo quy định cũng có thể lựa chọn áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt để rút ngắn thời gian triển khai thực hiện dự án.
Hiện Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật sửa 4 Luật đã được Bộ KH&ĐT lấy ý kiến, để kịp thời quy định chi tiết các nội dung mới, trong đó có thủ tục đầu tư đặc biệt, bảo đảm có hiệu lực đồng thời với thời điểm có hiệu lực của Luật.
Cùng với đó, Luật sửa 4 Luật quy định Chính phủ thành lập Quỹ Hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu và nguồn hợp pháp khác để ổn định môi trường đầu tư, khuyến khích, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư. Những chính sách hỗ trợ mới này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định sẽ gia tăng lợi thế cạnh tranh của Việt Nam./.
Bình luận