Năm 2024, kỳ vọng đạt mục tiêu thu hút 39-40 tỷ USD vốn FDI
Hiện nay, khu vực kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) không chỉ là một trụ cột quan trọng cho sự phát triển kinh tế, mà còn là động lực thúc đẩy cải cách, đổi mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa.
Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. |
Thu hút FDI 11 tháng đầu năm: Tiếp tục xu hướng tích cực
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp (GVMCP) của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt gần 31,4 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt khoảng 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Cụ thể: Vốn đăng ký cấp mới có 3.035 dự án mới được cấp phép (tăng 1,6% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt gần 17,39 tỷ USD (tăng 0,7% so với cùng kỳ). Vốn đăng ký điều chỉnh có 1.350 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 12,9% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt hơn 9,93 tỷ USD (tăng 40,7% so với cùng kỳ). Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 3.029 lượt (giảm 7% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt gần 4,06 tỷ USD (giảm 39,7% so với cùng kỳ).
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt gần 20,2 tỷ USD, chiếm gần 64,4% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 8,7% so với cùng kỳ. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 5,63 tỷ USD, chiếm hơn 17,9% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 89,1% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là các ngành bán buôn bán lẻ; sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt gần 1,37 tỷ USD và hơn 1,12 tỷ USD. Còn lại là các ngành khác.
Xét về số lượng dự án, bán buôn, bán lẻ là ngành dẫn đầu về số dự án mới (chiếm 35,3%) và số lượt giao dịch GVMCP (chiếm 42,4%). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu về số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 64,4%).
Đã có 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 11 tháng năm 2024. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 9,14 tỷ USD, chiếm hơn 29,1% tổng vốn đầu tư, tăng 53,7% so với cùng kỳ 2023. Hàn Quốc đứng thứ hai với hơn 3,89 tỷ USD, chiếm 12,4% tổng vốn đầu tư, giảm 9% so với cùng kỳ. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản,…
Xét về số dự án, Trung Quốc là đối tác dẫn đầu về số dự án đầu tư mới (chiếm 28,3%); Hàn Quốc dẫn đầu về số lượt điều chỉnh vốn (chiếm 22,4%) và GVMCP (chiếm 25,0%).
Các nhà ĐTNN đã đầu tư vào 55 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 11 tháng năm 2024. Bắc Ninh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,04 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ. Tiếp theo là Quảng Ninh với hơn 2,29 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 26,3% so với cùng kỳ. TP Hồ Chí Minh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD, chiếm gần 7,3% tổng vốn đầu tư cả nước. Tiếp theo lần lượt là Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương…
Nếu xét về số dự án, TP Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 42,3%), số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 14,7%) và GVMCP (chiếm 70,9%). Trong 11 tháng năm 2024, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài 151 dự án mới và 22 lượt điều chỉnh vốn đầu tư. Tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đạt gần 598,7 triệu USD (tăng 51,6% so với cùng kỳ).
Các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 16 ngành. Trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ (chiếm 33,5% vốn); công nghiệp chế biến, chế tạo (chiếm 18,2% vốn); sản xuất phân phối điện (chiếm 15,8%). Còn lại là các ngành khác.
Có 31 quốc gia, vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam trong 11 tháng năm 2024. Các nước thu hút đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Indonesia (23%); Lào (26,8%); Ấn Độ (15%);…
Lũy kế đến tháng 11 năm 2024, Việt Nam đã có 1.813 dự án đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư Việt Nam hơn 22,5 tỷ USD. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng (31,2%); nông, lâm nghiệp, thủy sản (15,1%). Các địa bàn nhận đầu tư của Việt Nam nhiều nhất lần lượt là Lào (25%); Campuchia (13%); Venezuela (8,1%);…
Dự kiến năm 2024: Khả năng đạt mục tiêu đặt ra
Thực tế cho thấy, thu hút FDI của Việt Nam vẫn còn nhiều rào cản, cụ thể, vẫn còn một số tồn tại đã được chỉ ra từ lâu nay như thủ tục hành chính phức tạp, chi phí logistics cao, thiếu lao động chất lượng cao... Đơn cử, về việc tuyển dụng lao động ở Việt Nam, ông Bruno Jaspaert, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho biết, các doanh nghiệp phản ánh lao động Việt Nam thiếu hụt các kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết, tỷ lệ nghỉ việc cao. Trong khi đó, chuyên gia nước ngoài gặp thách thức về quy trình xin visa, giấy phép lao động phức tạp, quy định lao động nghiêm ngặt và chi phí liên quan cao…
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phải cạnh tranh với các đối thủ “nặng ký” trong khu vực. Các quốc gia như: Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia..., đều đang đẩy mạnh chính sách thu hút đầu tư nước ngoài với nhiều ưu đãi hấp dẫn và thế mạnh riêng.
Đặc biệt, Ấn Độ đã nổi lên như một đối thủ lớn của Việt Nam trong việc thu hút FDI. Những lo ngại này gia tăng sau khi CEO Tim Cook của Apple thăm Ấn Độ vào đầu năm ngoái và công bố những khoản đầu tư đáng kể. Hay Indonesia gần đây ghi nhận sự bùng nổ dòng vốn FDI khi Chính phủ siết chặt xuất khẩu một số khoáng sản thô như nickel... Nhiều nhà phân tích cho rằng, Indonesia là “Saudi Arabia của kim loại EV” vì quốc gia này có nhiều khoáng sản cần thiết cho pin xe điện.
Trong khi đó, Malaysia liên tiếp thu hút các dự án hàng tỷ USD về trung tâm dữ liệu, AI, điện toán đám mây của những ông lớn như Google, Oracle…
|
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa đặc biệt trong cải cách môi trường kinh doanh để có thể tiếp tục trở thành điểm đến hấp dẫn của dòng vốn FDI. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, Chính phủ luôn quyết liệt hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư, xử lý tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng. Đặc biệt, Việt Nam rất quyết tâm trong thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao. Để thúc đẩy, Việt Nam đã và đang xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho doanh nghiệp công nghệ cao; trong đó, có việc áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Dự báo Trần Quốc Phương cho biết, qua khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, niềm tin của nhà đầu tư FDI vẫn đang rất tích cực, thể hiện mong muốn tiếp tục đầu tư vào nước ta. Do vậy, có thể kỳ vọng thu hút FDI cả năm 2024 có thể đạt ở mức 39 - 40 tỷ USD, cao hơn so với cùng kỳ năm 2023.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, nhiều tổ chức tài chính quốc tế đánh giá cao, lạc quan về thu hút FDI của Việt Nam nhờ vào các yếu tố: chiến lược đa dạng hóa cung ứng đầu tư; tăng trưởng kinh tế Việt Nam có nhiều triển vọng, tác động tích cực đến chiến lược đầu tư của các nhà đầu tư và yếu tố nền tảng. Mặc dù gặp nhiều biến động từ các yếu tố bên ngoài, tuy nhiên chỉ số CPI của Việt Nam vẫn duy trì dưới mức 4%, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Ông Victor Ngo, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định, Việt Nam đang trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất đối với FDI. Dự kiến của Cục Đầu tư nước ngoài, đến hết năm 2024, vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Chính phủ đã ban hành Nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này về đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đầu tư tạo tài sản cố định, sản xuất sản phẩm công nghệ cao. Đây sẽ là bước đột phá mới trong việc giữ ổn định nguồn FDI hiện có và tạo hành lang rộng mở cho việc thu hút các nguồn FDI trong tương lai./.
Bình luận