Bức tranh kinh tế xã hội tỉnh Quảng trị có nhiều “gam màu” sáng
Kinh tế ổn định và tiếp tục phát triển
Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2017 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng – an ninh năm 2018 của tỉnh Quảng Trị cho thấy, tình hình kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Trị năm 2017 đã có những chuyển biến tích cực, dự báo có 22/22 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 2.398 tỷ đồng, bằng 100% dự toán địa phương và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2016.
Một số chỉ tiêu đạt được kết quả nổi bật trong năm qua, như sau: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, sản xuất phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2017 đạt 17.781 tỷ đồng, tăng 7,02% so với năm 2016 (vượt kế hoạch đề ra). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 3.618 tỷ đồng (tăng 3,3%); khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 4.222 tỷ đồng (tăng 10,6%); khu vực dịch vụ đạt 9.015 tỷ đồng (tăng 7,01%). GRDP bình quân đầu người đạt 39,24 triệu đồng, tăng 7,8% so với năm 2016.
TP. Đông Hà ngày nay
Cụ thể, tại khu vực công nghiệp – xây dựng, năm 2017, UBND Tỉnh đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt Đề án tái cơ cấu các ngành công nghiệp, khuyến khích đổi mới, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường... Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp có nhiều thuận lợi nhờ giá nguyên vật liệu và lãi suất ngân hàng ổn định. Tăng trưởng khu vực công nghiệp xây dựng năm 2017 ước đạt 11%, tăng cao so với cùng kỳ các năm trước.
Về thị trường bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng năm 2017 tại Quảng Trị được ghi nhận khá sôi động. Trong năm, với việc tổ chức thành công nhiều sự kiện chính trị, văn hóa quan trọng trên địa bàn tỉnh thu hút lượng khách khá lớn. Môi trường biển đã phục hồi, sản lượng hải sản khai thác tăng khá, hoạt động kinh doanh dịch vụ tại các điểm du lịch biển nhộn nhịp trở lại. Dự kiến năm 2017 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 25.000 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm trước và đạt 100% kế hoạch năm 2017. Cùng với đó, hoạt động kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh năm 2017 vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.
Doanh thu vận tải năm 2017 ước đạt 1.193,8 tỷ đồng, tăng 7,51% so với năm. Các ngành dịch vụ khác, như: tín dụng - ngân hàng, công nghệ - thông tin, truyền thông, khoa học- công nghệ, bảo hiểm, y tế, giáo dục... cũng phát triển khá, góp phần đáng kể vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ...
Thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm
Cũng trong năm 2017, tỉnh Quảng Trị đã tập trung tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của Tỉnh. Cùng với đó, công tác thu hút đầu tư được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm. Đổi mới công tác xúc tiến và vận động đầu tư nên đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2017 ước đạt 12.688 tỷ đồng, tăng 14,33% so với năm trước.
Năm qua, UBND tỉnh Quảng Trị đã cấp phép đầu tư cho 48 dự án, với tổng vốn đăng ký trên 4.789 tỷ đồng… Hiện tại, nhiều dự án đang tiến hành các thủ tục đầu tư theo quy định để sớm triển khai thực hiện và giải ngân. Trong đó, có một số dự án lớn, như: Nhà máy điện gió Hướng Phùng 1, Thủy điện La Tó, Thủy điện Hướng Phùng, Đầu tư xây dựng mở rộng nhà máy sửa chữa đóng tàu Cửa Việt...
Một số chỉ tiêu về kinh tế của Quảng Trị trong năm 2018 - Tốc độ tăng trưởng kinh tế (theo GRDP) đạt trên 7-7,5% so với năm 2017, trong đó: nông - lâm - ngư nghiệp tăng 3-3,5%; công nghiệp - xây dựng tăng 10-10,5%; dịch vụ tăng 8-8,5%. - GRDP bình quân đầu người đạt 40-42 triệu đồng. - Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 13.000-14.000 tỷ đồng. - Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn: 2.597 tỷ đồng, trong đó: thu nội địa 2.295 tỷ đồng, thu xuất nhập khẩu 302 tỷ đồng ; - Tổng chi ngân sách địa phương: 7.672,531 tỷ đồng. - Sản lượng lương thực có hạt 26 vạn tấn. - Diện tích trồng mới và tái canh cây công nghiệp dài ngày 700 ha (trong đó: Cà phê: 150 ha, Cao su: 500 ha; Hồ tiêu: 50 ha) - Trồng mới rừng tập trung: 5.500- 6.000 ha, trong đó cây phân tán đạt 2,5 triệu cây. - Sản lượng thuỷ hải sản đạt 32.000 tấn. - Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới là 41-42,7% (có thêm 8-10 xã đạt chuẩn nông thôn mới. - Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 27.000 tỷ đồng. |
Như vậy, lũy kế đến thời điểm hiện tại, các khu công nghiệp, khu chế xuất có 134 dự án đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký đầu tư là 20.250 tỷ đồng, trong đó 89 dự án đã đi vào hoạt động (Cụ thể, tại Khu Công nghiệp Nam Đông Hà là 18 dự án; Quán Ngang: 11 dự án; Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo: 52 dự án; Khu Kinh tế Đông Nam: 8 dự án); Có 45 dự án đang triển khai đầu tư xây dựng, gồm: Khu Công nghiệp Nam Đông Hà có 13 dự án; Quán Ngang 7 dự án; Khu Công nghiệp Tây Bắc Hồ Xá: 5 dự án; Khu Kinh tế - Thương mại đặc biệt Lao Bảo là 8 dự án; Khu Kinh tế Đông Nam: 13 dự án...
Hiện tại, tỉnh Quảng Trị có 02 dự án ODA được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư với tổng vốn là 67,75 triệu USD (tương đương 1.490 tỷ đồng). Có 25 dự án ODA đang triển khai thực hiện với tổng vốn là: 5.301 tỷ đồng. Đến nay các dự án ODA đã giải ngân hơn 668 tỷ đồng, gấp 1,4 lần so với năm 2016 và bằng 60,2% kế hoạch 2017 được các cấp có thẩm quyền giao (668,059 tỷ đồng/1.108,841 tỷ đồng) . Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 dự án FDI có hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 44,654 triệu USD, giải quyết việc làm cho khoảng 800-1.000 lao động. Tỉnh cũng đã vận động được 35 dự án và viện trợ phi dự án với tổng giá trị cam kết là 7.156.494 USD.
Áp dụng 8 nhóm giải pháp chính để đạt được các mục tiêu năm 2018
Năm 2018 là năm bản lề có ý nghĩa quyết định việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Chính vì vậy, định hướng của tỉnh Quảng Trị đề ra là thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cao hơn so với năm 2017. Đồng thời, Tỉnh tiếp tục thực hiện nhiệm vụ tái cơ cấu các ngành kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh. Thực hiện tốt các mục tiêu an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao đời sống nhân dân.
Cùng với đó, tỉnh Quảng Trị cũng tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và tái cơ cấu các ngành kinh tế. Mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm giữ vững chủ quyền quốc gia, an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp trong năm 2018 như sau:
Một là, tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo đảm ổn định các cân đối vĩ mô và kiểm soát lạm phát; Tích cực tìm các giải pháp thúc đẩy phát triển sản xuất, nuôi dưỡng và tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương.
Hai là, đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn với nâng cao chất lượng, hiệu quả, năng suất lao động. chú trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng; đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ theo hướng sản xuất hàng hóa; xây dựng thương hiệu cho sác sản phẩm nông nghiệp. Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp năng lượng, du lịch sinh thái, du lịch biển.
Ba là, tiếp tục thực hiện 3 đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 – 2020.
Bốn là, tiếp tục thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển doanh nghiệp. Tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Khu kinh tế Đông Nam.
Năm là, thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực gắn với phát triển thị trường. Huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Thực hiện tốt các chính sách giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân; phát triển giáo dục, y tế và các phúc lợi xã hội ở nông thôn. Huy động vốn đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Sáu là, tiếp tục tổ chức điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện. Triển khai động bộ, thống nhất công tác cập nhật, chỉnh lý biến động đất đai, hồ sơ địa chính trên hệ thống cơ sở dữ liệu đã xây dựng. Giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng.
Bảy là, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Thực hiện tốt Luật Phòng, chống tham nhũng và Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, chú trọng công tác thanh tra phát hiện tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như công tác cán bộ, quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản công. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan phòng, chống tham nhũng.
Tám là, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, chủ động hội nhập quốc tế. Giữ vững và phát huy các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống; tích cực mở rộng phạm vi quan hệ hợp tác với tỉnh, các nước trên Hành lang kinh tế Đông - Tây và các nước trong khu vực ASEAN./.
Bình luận