Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần "nới" chính sách thị thực để hút khách du lịch
Năng lực cạnh tranh của ngành còn thấp
Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam – ViEF 2018, sáng ngày 6/12, Ban Nghiên cứu Phát triển kinh tế tư nhân của Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính phối hợp với Báo điện tử Việt NamExpress tổ chức Diễn đàn Cấp cao Du lịch Việt Nam với chủ đề Du lịch Phát triển du lịch Việt Nam chất lượng, bền vững - Tầm nhìn 2030.
Phát biểu khai mạc, ông Trương Gia Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân nhấn mạnh: “Du lịch có tác động lan tỏa, ảnh hưởng gián tiếp đến 22% GDP của Việt Nam. Có thể thấy rõ sự phát triển thần kỳ của ngành du lịch Việt Nam trong 3 năm vừa qua”.
Mặc dù vậy, ông Trương Gia Bình cũng bày tỏ sự lo lắng cho ngành công nghiệp không khói của nước nhà trong các năm tiếp theo.
“Trong 42 năm, chúng ta chỉ xây dựng thêm 2 sân bay mới. Nếu không thay đổi vấn đề này, thì ngưỡng khách của chúng ta đã đến giới hạn”, ông Bình nói.
Ông Trương Gia Bình cũng bày tỏ sự lo lắng cho ngành công nghiệp không khói của nước nhà
Đánh giá một cách cụ thể hơn về những hạn chế của ngành du lịch Việt Nam, ông John Lindquist - Cố vấn Cấp cao BCG, Thành viên Hội đồng Cơ quan Du lịch Vương quốc Anh chỉ rõ, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất thế giới, khoảng 17% trong năm 2018, tương đương với Thái Lan. Mặc dù vậy, so với Thái Lan, lượt khách du lịch đến Việt Nam chỉ bằng 1/3.
Đó là chưa kể, trung bình khách quốc tế đến Việt Nam ở lại 9,5 ngày, trong khi ở lại Thái Lan 9,6 ngày. “Tuy số lượng ngày không chênh lệch nhiều, nhưng số tiền chi tiêu của khách đến Việt Nam chỉ là 96 USD mỗi ngày, còn ở Thái Lan con số này lên đến 163 USD”, đại diện BCG nói.
Hơn nữa, Việt Nam là một trong những nước có chương trình miễn thị thực thấp nhất ở Đông Nam Á, với 24 quốc gia được miễn. Trong khi so với Thái Lan, con số này là 120.
Một hạn chế khác đó là năng lực sân bay của Việt Nam. 2 sân bay lớn nhất là Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã quá tải, chưa thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng du lịch hiện tại và tương lai. Bối cảnh đó đòi hỏi sự cần thiết trong việc mở rộng và tăng cường công suất của sân bay.
Điều đáng buồn là, theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Việt Nam xếp hạng thấp (80/136 quốc gia) về hiệu quả marketing và xây dựng thương hiệu.
Cần tự do hóa chế độ visa cho khách du lịch
Để phát triển du lịch bền vững và nâng cao trải nghiệm cho du khách, đại diện BCG đề xuất, cần tài trợ hiệu quả và bền vững cho công tác xây dựng thương hiệu để có thể nâng cao nhận thức và động lực ghé thăm Việt Nam. Con số 2 triệu USD hiện nay của Việt Nam cho công tác xây dựng thương hiệu và xúc tiến là quá nhỏ bé, cần nâng từ 20-25 triệu USD trở lên.
Một giải pháp khác, theo ông John Lindquist, cần tự do hóa chế độ visa cho khách du lịch. Thực tế tại nhiều quốc gia cho thấy, chính sách visa nới lỏng giúp thúc đẩy tăng trưởng du lịch inbound. Cụ thể, từ khi chính sách miễn visa của Indonesia mở rộng từ 45 đến trên 160 quốc gia trong năm 2015, tổng lượt khách đến quốc gia này đã tăng 50%. Hay như tại Ấn Độ, 2 năm sau khi nước này mở rộng visa du khách điện tử cho hơn 100 quốc gia, tăng trưởng lượt đến so với cùng kỳ năm trước lên gấp 3 lần. Đặc biệt, ở Nhật Bản, giai đoạn 2013-2018 sau khi xứ sở hoa anh đào nới lỏng chính sách visa, tổng lượt khách đến đã tăng 22 triệu.
Mặt khác, xây dựng mạng lưới các văn phòng du lịch tại nước ngoài. Hiện nay, các tổ chức du lịch quốc gia dẫn đầu đều có mạng lưới các văn phòng ở hơn 15 quốc gia để quản lý các mối quan hệ B2B và thực hiện các hoạt động như quản lý truyền thông xã hội tại địa phương, quan hệ công chúng, marketing người tiêu dùng, thương mại và du lịch.
Đồng tình với ý kiến trên và chia sẻ kinh nghiệm của Singapore, Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Du lịch Singapore, ông Chang Chee Pey cho biết, ngành du lịch nước nay đã phát triển mạnh mẽ trong thập niên qua, đặc biệt là 3 năm gần đây. Nắm bắt được xu hướng của người tiêu dùng, Tổng cục Du lịch Singapore đã mở rộng thị trường thông qua thành lập các văn phòng đai diện du lịch. Hiện nay nước này đã thành lập 21 văn phòng đại diện du lịch trên thế giới.
“Nếu cần một lời khuyên để chia sẻ cho đối tác Việt Nam, thì điều quan trọng là thành lập mạng lưới các văn phòng du lịch trên thế giới để nắm bắt thông tin thị trường, từ đó giúp đất nước có thể xây dựng chiến lược marketing phù hợp”, theo ông Chang Chee Pey.
Ở một góc độ khác, ông Craig Douglas – Phó Chủ tịch Tập đoàn Lodgis Hospitality Group cho rằng, nguồn vốn FDI giúp thúc đẩy phát triển du lịch, mang tới tri thức, giáo dục và chuyên môn, tạo nhiều cơ hội việc làm, cải thiện quy chuẩn và chất lượng ngành… từ đó thúc đẩy tăng trưởng GDP và nâng cao vị thể điểm đến Việt Nam để cạnh tranh với các điểm đến khác.
Để thu hút đầu tư nhiều hơn vào du lịch, cần chú trọng bảo vệ, quảng bá và phát triển các nguồn lực, cải thiện chính sách về visa. Mặt khác, tiếp tục cải thiện và ban hành các chính sách pháp luật liên quan đến đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, cũng như các điều kiện kinh doanh ưu đãi…
Nhấn mạnh tác động của instagram và truyền thông xã hội, ông Brent Hill – Giám đốc Marketing Hội đồng Du lịch Nam Úc cho biết, mỗi năm, Adelaide - thủ đô và thành phố lớn nhất bang Nam Úc chi 2 triệu USD chỉ để cho hoạt động truyền thông, tiếp thị trên công cụ tìm kiếm. Mặt khác, Adelaide cũng giới thiệu những trải nghiệm tốt nhất, những dịch vụ đã được chọn và sẵn sàng cho quốc tế; sử dụng các siêu sao như Huỳnh Hiểu Minh (Trung Quốc) và Masterchef Úc Judge Gary Mehigan làm đại sứ du lịch.
Ông Brent Hill – Giám đốc Marketing Hội đồng Du lịch Nam Úc
Vì vậy, vị đại diện Hội đồng Du lịch Nam Úc gợi ý, cần sự hiện diện của tiếp thị xã hội và tiếp thị số - hiện là nơi khách du lịch tìm kiếm thông tin. Đồng thời, Việt Nam nên sử dụng đại sứ quốc tế để thúc đẩy quá trình định hướng tiếp thị và hành trình du lịch./.
Bình luận