Các địa phương vẫn có trách nhiệm quản lý thị trường!
Phối hợp đấu tranh chống gian lận thương mại
Đại biểu Lý Tiết Hạnh nêu vấn đề: “Trước đây, để thực hiện chức năng quản lý thị trường trên địa bàn thì các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì đều có chi cục quản lý thị trường giao địa phương trực tiếp quản lý và chỉ đạo dưới sự chỉ đạo chuyên môn của Bộ Công Thương. Nay theo mô hình tổ chức mới, các chi cục quản lý thị trường cấp tỉnh trước đây thì trở thành các cục quản lý thị trường trực thuộc Tổng cục và đặc biệt ở một số khu vực thì có vài tỉnh mới có 1 cục quản lý thị trường.
Vậy tôi xin hỏi Bộ trưởng, chính quyền địa phương còn có trách nhiệm trong quản lý thị trường trên địa bàn nữa hay không và nếu có thì lực lượng chuyên trách nào sẽ giúp chính quyền thực hiện nhiệm vụ này và bên cạnh đó, đặc thù công tác quản lý thị trường thì luôn gắn với địa bàn thì với mô hình tổ chức mới thì có khó khăn gì hay là có ảnh hưởng gì đến hiệu quả công tác phối hợp xử lý hay không?”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Lý Tiết Hạnh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, không phải vì thay đổi mô hình từ chi cục ở địa phương thành cục của Tổng cục thuộc Bộ Công Thương mà chính quyền địa phương không còn trách nhiệm với công tác quản lý thị trường.
“Tôi xin nhấn mạnh, việc thành lập Tổng cục Quản lý thị trường về bản chất chỉ là sự thay đổi mô hình quản lý. Công tác quản lý thị trường không tách rời với chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng trên địa bàn. Biên chế công chức của quản lý thị trường trên địa bàn vẫn giữ nguyên”, Bộ trưởng nói.
Đồng thời, nhiệm vụ chính của quản lý thị trường vẫn gắn liền và phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và chống gian lận thương mại của tỉnh. Tại địa bàn, quản lý thị trường vẫn là lực lượng nòng cốt thực hiện phòng, chống, xử lý các hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu; sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm; hành vi vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm và gian lận thương mại. Trong công tác đảng, Tỉnh ủy là cấp trên, chỉ đạo cấp ủy cục quản lý thị trường thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.
Đồng thời, theo Quyết định số 19/2016/QĐ-TTg, ngày 6/5/2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế về trách nhiệm và quan hệ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thì Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm toàn diện trong việc chỉ đạo và tổ chức công tác đấu tranh chống gian lận thương mại trên địa bàn, địa phương mình trực tiếp quản lý. Quan hệ phối hợp hoạt động đấu tranh với gian lận thương mại giữa các bộ ngành và UBND các tỉnh/thành phố tuân thủ đúng pháp luật, đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao; đảm bảo hỗ trợ lẫn nhau, tránh sơ hở, chồng chéo trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Hiện nay, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến và tới đây sẽ ký kết với 63 UBND các tỉnh/thành phố Quy chế phối hợp giữa Bộ Công Thương và UBND các tỉnh/thành phố trong công tác đấu tranh chống gian lận thương mại để đảm bảo hiệu quả công tác phối hợp.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: LĐO)
Về phương hướng sắp tới, Bộ trưởng cho biết, với mô hình tổ chức lực lượng quản lý thị trường mới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh và đổi mới phương thức hoạt động, cách thức tổ chức thanh tra, kiểm soát thị trường để đạt hiệu quả cao hơn.
Trước mắt, Bộ Công Thương tập trung ổn định tổ chức của lực lượng quản lý thị trường để không làm gián đoạn hoạt động chuyên môn ở 63 địa phương. Ngay từ ngày chính thức đi vào hoạt động, Tổng cục Quản lý thị trường đã giảm được 162 đội quản lý thị trường ở địa phương theo hướng sắp xếp, sáp nhập các Đội Quản lý thị trường cấp huyện thành các đội quản lý thị trường liên huyện theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ (trước ngày 12/10/2018, cả nước có 681 đội quản lý thị trường, từ ngày 12/10/2018 chỉ còn 519 Đội).
Trong thời gian tới, dự báo hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau. Do vậy, để góp phần bảo đảm thị trường ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh và quyền lợi người tiêu dùng, Bộ Công Thương sẽ điều chỉnh, sửa đổi bổ sung cũng như xây dựng mới hạ tầng chính sách, văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý thị trường cho phù hợp với mô hình tổ chức mới cũng như tình hình mới.
Đồng thời, đẩy mạnh số hóa, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành và công tác kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng quản lý thị trường…
Cho biết thêm về chủ trương “đẩy mạnh số hoá trong công tác quản lý thị trường”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, với đặc thù phải xử lý nhanh, chính xác, kịp thời của quản lý thị trường thì chỉ có ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, số hóa các hoạt động thì mới đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn hiện nay.
Trong đó, 2 nhiệm vụ Bộ Công Thương ưu tiên triển khai ngay trong nửa đầu năm 2019 gồm:
Một là, Bộ Công Thương sẽ xây dựng và triển khai hệ thống chứng từ điện tử hàng hóa đi đường. Hệ thống này sẽ cho phép thương nhân lựa chọn phương thức chứng từ điện tử thay cho chứng từ giấy. Với chứng từ điện tử, quản lý thị trường sẽ kiểm tra trên mạng; giải quyết được bất cập về vấn đề chứng từ giấy theo hàng cho doanh nghiệp cũng như tránh được gian lận thương mại, không thể quay vòng được như chứng từ giấy.
Hệ thống này nhằm khắc phục tình trạng hiện nay theo quy định, nếu hàng hóa vận chuyển trên đường không có bộ chứng từ, hóa đơn bằng giấy chứng minh nguồn gốc sẽ là vi phạm và bị xử phạt. Đây là một bất cập lớn kéo dài nhiều năm qua vì bộ chứng từ gốc chỉ có một, trong khi hàng hóa có thể không được vận chuyển trên cùng một chuyến hoặc cùng một lúc.
Hai là, Bộ Công Thương sẽ tiến hành “số hoá” công tác báo cáo kiểm tra, xử phạt sẽ giúp Bộ theo dõi tức thời cũng như sẽ công khai các hành vi vi phạm, đặc biệt sẽ giúp cảnh báo các hành vi gian lận thương mại, hàng giả trên cả thị trường; giúp người dân, doanh nghiệp sớm nhận dạng hành vi vi phạm, sản phẩm bị làm giả kịp thời; từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quản lý nhà nước nói chung cũng như công tác quản lý thị trường nói riêng.
Không có lợi ích nhóm trong xử lý dự án thua lỗ
Trong phiên chất vấn chiều cùng ngày, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) thông tin, trước đây đã từng chất vấn về các dự án thua lỗ thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương, mặc dù Chính phủ và Bộ Công Thương đã triển khai, chỉ đạo xử lý nhưng đến nay tiến độ còn khá chậm, ví dụ như dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2.
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh dẫn văn bản kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo trong quý I/2018 phải tiến hành thoái vốn nhà nước khỏi dự án này nhưng đến nay đã sang quý IV/2018 vẫn chưa làm được. “Vậy nguyên nhân chậm trễ do đâu? Có lợi ích nhóm trong việc cố tình kéo dài việc thoái vốn để trục lợi không?”, đại biểu Sinh nêu câu hỏi.
Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định: "Không có lợi ích nhóm trong xử lý dự án thua lỗ".
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết: “Chúng tôi khẳng định không có lợi ích nhóm ở bất kỳ hoạt động nào trong xử lý vướng mắc, tồn tại của các dự án này”.
Lý do thoái vốn nhà nước chậm mặc dù Chính phủ đã có chỉ đạo thoái vốn khỏi Tổng Công ty Thép Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công Thương giải thích do khoản bảo lãnh của Tổng Công ty Thép Việt Nam với Công ty Gang thép Thái Nguyên trong dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2 với khoản vay là hơn 1.800 tỷ đồng của VietinBank.
“Nếu như chúng ta tiến hành thoái vốn ra khỏi dự án này thì gây thiệt hại lớn cho tài sản của nhà nước vì Tổng Công ty Thép Việt Nam đã cam kết bảo lãnh với khoản vay này và phải giải quyết được khoản vay này thì mới có thể tiến hành thoái vốn”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Về việc xử lý các cá nhân sai phạm liên quan đến 12 dự án thua lỗ, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, cả 12 dự án đều đã được xử lý đồng bộ, toàn diện các khía cạnh, trong đó có rà soát tính pháp lý và xem xét trách nhiệm.
Có 4 dự án đã được chuyển cơ quan công an điều tra, đến nay đã khởi tố 2 dự án và tiếp tục điều tra các dự án khác có dấu hiệu vi phạm pháp luật như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, Nhiên liệu sinh học Bình Sơn; có nhiều cá nhân bị tạm giam phục vụ cho việc điều tra.
Cùng với việc khẳng định không có việc bao che cho sai phạm, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị Tổng Thanh tra Chính phủ và Bộ Công an cung cấp thêm thông tin liên quan đến hoạt động thanh tra, điều tra đối với cá nhân vi phạm pháp luật./.
Bình luận