XUC TIEN DAU TU
Ông Hứa Quốc Hưng, Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (đứng thứ 4 từ trái sang phải) trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư vào KCN Đông Nam, huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh

PV: Thưa ông, nhân dịp đánh dấu chặng đường 30 năm hình thành và phát triển của các KCX và KCN TP. Hồ Chí Minh, xin ông cho biết đôi nét về những kết quả nổi bật mà các KCX và KCN Thành phố đã đạt được trong chặng đường vừa qua?

Trưởng ban Hứa Quốc Hưng: Sau 30 năm xây dựng và phát triển, các KCX, KCN Thành phố đã đạt những kết quả nhất định, hoàn thành sứ mệnh của giai đoạn đầu phát triển, về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đặt ra về mục tiêu thu hút vốn, phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, thúc đẩy xuất khẩu, đô thị hóa vùng đất nông nghiệp lạc hậu.

Những kết quả trên có công lao đóng góp không mệt mỏi của tập thể cán bộ, công chức, viên chức Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh (Ban Quản lý) cùng toàn thể các doanh nghiệp, người lao động trong các KCX, KCN trên địa bàn Thành phố. Đây là niềm vinh dự và tự hào to lớn nhằm khích lệ, tiếp sức cho Ban Quản lý, các doanh nghiệp và người lao động trong các KCX, KCN tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hơn nữa để đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Thành phố nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian tới.

Trong giai đoạn đầu thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986, Chính phủ (lúc đó là Hội đồng Bộ trưởng) chủ trương triển khai thí điểm một mô hình kinh tế, nhằm thực hiện chủ trương phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, mở cửa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế, xã hội đất nước. Với sự quyết đoán của Chính phủ, cùng với tinh thần cố gắng nỗ lực của TP. Hồ Chí Minh, mô hình KCX đầu tiên của cả nước - KCX Tân Thuận được thành lập vào ngày 25/11/1991 tại TP. Hồ Chí Minh. Trong 4 năm thí điểm mô hình này (từ năm 1992 đến năm 1996), TP. Hồ Chí Minh thành lập thêm 2 KCX, đó là KCX Linh Trung 1 và KCX Linh Trung 2.

Thực hiện chủ trương phát triển KCX, KCN và chuyển từ thí điểm phát triển sang theo hướng tạo thuận lợi cho xây dựng các cơ sở công nghiệp mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước, trong giai đoạn 1997-2003, Thành phố đã mở rộng, tìm kiếm quỹ đất phát triển công nghiệp, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài, thành lập thêm 10 KCN mới với tổng diện tích là 1.519 ha.

Giai đoạn 2004-2010, Thành phố và các công ty xây dựng, kinh doanh hạ tầng KCN hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào KCN, xây dựng hạ tầng xã hội phục vụ người lao động.

Giai đoạn từ năm 2011 đến nay, Thành phố tiếp tục phát triển và hoàn thiện các KCN theo chiều sâu, thu hút đầu tư có sự tập trung về chất và lượng, với các dự án có hàm lượng công nghệ cao, ít thâm dụng lao động. Trong giai đoạn này, Thành phố thành lập thêm 6 KCN mới và mở rộng thêm 5 KCN với tổng diện tích 2.600 ha; nâng dần tỷ trọng, giá trị thu hút đầu tư nước ngoài, tăng năng suất lao động và triển khai các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng đất.

Sau 30 năm xây dựng và phát triển với biết bao khó khăn, thách thức, đến nay ,TP. Hồ Chí Minh có 3 khu chế xuất và 14 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 3.900 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 81%.

Các KCX, KCN của Thành phố về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu đặt ra về mục tiêu thu hút vốn đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết việc làm, du nhập kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, nâng cao giá trị xuất khẩu, từng bước tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước, qua đó góp phần thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế, xã hội của Thành phố phát triển theo hướng chuyển đổi vùng nông nghiệp lạc hậu thành khu đô thị - công nghiệp phát triển.

Lũy kế đến tháng 9/2022, các KCX, KCN Thành phố đã thu hút được 1.674 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 12,5 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư FDI chiếm tỷ trọng 45%.

Bình quân hàng năm, các KCX, KCN thu hút hơn 260 triệu USD vốn FDI (các năm gần đây từ 550-600 triệu USD), chiếm tỷ trọng 58% vốn FDI của Thành phố trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp; giá trị xuất khẩu đạt 7 tỷ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố; nộp ngân sách nhà nước hơn 22.000 tỷ đồng, chiếm 6% thu ngân sách Thành phố (không kể dầu thô).

Các KCX, KCN đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của Thành phố; trong đó tính riêng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 18%.

Cùng với đó, công tác xây dựng lực lượng chính trị tại các KCX, KCN Thành phố thời gian qua đã ghi nhận những thành tích đáng tự hào. Đảng ủy Ban Quản lý đã từng bước xây dựng và phát triển lực lượng chính trị, cùng doanh nghiệp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động, góp phần hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

Từ chỗ rất ít tổ chức đảng và đảng viên trong các KCX và KCN Thành phố (nhất là trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước chỉ có 7 chi bộ và 87 đảng viên lúc mới thành lập năm 1997), đến nay, Đảng bộ Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố đã phát triển lớn mạnh cả về bề rộng lẫn chiều sâu, là Đảng bộ cấp trên cơ sở có chính quyền cùng cấp với 15 chi bộ, đảng bộ cơ sở; 189 chi bộ trực thuộc và 1.974 đảng viên.

Công đoàn các KCX và KCN Thành phố đã thành lập được 801 tổ chức công đoàn ở các doanh nghiệp, với hơn 208.000 đoàn viên; thành lập 286 tổ chức Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh với hơn 4.400 đoàn viên.

PV: Ông có thể cho biết nguyên nhân quan trọng nào giúp các KCX, KCN Thành phố gặt hái được những thành công đáng khích lệ trên?

Trưởng ban Hứa Quốc Hưng: Có được những kết quả tích cực trên là do Ban Quản lý đã nhận được sự chỉ đạo của Chính phủ; của các bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với sự chỉ đạo sát sao của Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, việc tạo điều kiện của chính quyền các cấp; các cơ quan, đơn vị và nhà đầu tư, công nhân và người lao động trong các KCN, KCX cùng phối hợp hoạt động; cộng với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Ban Quản lý qua các thời kỳ luôn tận tâm, tận lực lao động hết lòng vì sự phát triển của các KCX, KCN nói riêng và kinh tế - xã hội của Thành phố nói chung.

Theo Trưởng Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh Hứa Quốc Hưng, trong giai đoạn phát triển mới, các KCX, KCN TP. Hồ Chí Minh cần tập trung chuyển đổi theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chuyển dịch cơ cấu đầu tư trong KCX, KCN thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường; xây dựng mô hình các KCN mới, đặc biệt là KCN chuyên ngành, góp phần từng bước hiện thực hóa quan điểm, tầm nhìn của Bộ Chính trị về vị trí, vai trò của TP. Hồ Chí Minh trong vùng Đông Nam Bộ, là thành phố hiện đại, thông minh, năng động sáng tạo; là nơi thu hút nhân tài, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của vùng Đông Nam Bộ.

Về cơ chế quản lý nhà nước, tôi cho rằng một trong những yếu tố quan trọng góp phần quyết định cho sự phát triển lớn mạnh của các KCX, KCN ở TP. Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung là áp dụng hiệu quả cơ chế quản lý “Một cửa, tại chỗ”. Cơ chế này ra đời và vận hành lần đầu tiên cùng với sự ra đời và phát triển của KCX Tân Thuận. Lần đầu tiên trong phạm vi cả nước, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho cơ quan quản lý đặc thù ở địa phương là Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh con dấu quốc huy và chỉ đạo các bộ ủy quyền cho Ban Quản lý để xử lý tại chỗ những vấn đề phát sinh tại KCX.

Với những bước tiến đột phá trong thu hút đầu tư vào các KCX và KCN tại TP. Hồ Chí Minh, cơ chế quản lý “Một cửa, tại chỗ” đã được nhân rộng, áp dụng rộng rãi và trở thành nguyên tắc hoạt động của các Ban Quản lý KCX, KCN và KKT trong cả nước từ đó đến nay.

Trong 30 năm qua, Ban Quản lý đã thực hiện tốt cơ chế quản lý “Một cửa, tại chỗ”, giải quyết các thủ tục hành chính một cách nhanh chóng, làm thay đổi phong cách quản lý ngày càng tiên tiến hơn; đảm bảo tập trung, thống nhất đầu mối trong quản lý, hoàn thiện cung cách phục vụ, tạo được uy tín lớn đối với các nhà đầu tư.

DÂY CHUYỀN SẢN XUẤT
Dây chuyền sản xuất tại Nhà máy của Công ty TNHH Sản xuất First Solar Việt Nam trong KCN Đông Nam, TP. Hồ Chí Minh

PV: Được biết, bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, trong quá trình phát triển các KCX và KCN Thành phố vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh trong các KCN, KCX. Xin ông chia sẻ góc nhìn về vấn đề này?

Trưởng ban Hứa Quốc Hưng: Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, việc phát triển nhanh chóng các KCX và KCN trên địa bàn Thành phố thời gian qua đã bộc lộ một số hạn chế do nhiều nguyên nhân, cụ thể:

Thứ nhất, chất lượng, hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCX, KCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu; chưa thu hút được nhiều dự án có quy mô vốn đầu tư lớn, công nghệ tiên tiến, hàm lượng chất xám, giá trị gia tăng cao và có tính chất lan tỏa; đa số các dự án có quy mô vốn nhỏ.

Nguyên nhân là do giai đoạn đầu phát triển, tiêu chí “lấp đầy” được đặt lên hàng đầu để giải quyết “bài toán” về lao động thất nghiệp; tiếp cận với công nghệ, nguồn vốn và trình độ quản lý từ nước ngoài, nên chưa có sự chọn lọc dự án đầu tư; tính hấp dẫn của KCX, KCN Thành phố giảm về các mặt như: Chính sách ưu đãi, kết cấu hạ tầng đồng bộ, giá cho thuê lại đất, nguồn nhân lực; khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nên thiếu quỹ đất lớn.

Thứ hai, hiệu quả sử dụng đất chưa cao. Tỷ suất thu hút đầu tư trung bình trên 1 ha đất công nghiệp đã cho thuê đạt 6,23 triệu USD. Tỷ lệ này tuy có gia tăng qua các thời kỳ, nhưng vẫn tương đối thấp so với tiềm năng và lợi thế của Thành phố.

Thứ ba, mô hình phát triển của các KCN chậm được đổi mới. Các KCN chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Liên kết, hợp tác trong KCX, KCN và giữa các KCX, KCN với nhau và giữa KCX, KCN với khu vực bên ngoài còn hạn chế, mức độ nội địa hóa còn thấp. Thiếu các KCN chuyên ngành, chuyên môn hóa.

Thứ tư, hạ tầng phục vụ KCN còn thiếu đồng bộ. Một số KCN được thành lập giai đoạn đầu thiếu các công trình hạ tầng xã hội phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của công nhân, do KCN không quy hoạch đủ đất dành cho các dự án dịch vụ, hạ tầng phúc lợi xã hội. Do đó, hạ tầng xã hội tại các KCX, KCN chưa đáp ứng được nhu cầu của hơn 71% lao động nhập cư đến từ các tỉnh. Hệ thống giao thông kết nối đến các KCX, KCN mặc dù có cải thiện, nhưng chưa được quy hoạch và đầu tư xây dựng đồng bộ so với sự phát triển của các KCX, KCN.

Thứ năm, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư. Chương trình giảng dạy tại các trường còn mang nặng tính lý thuyết, chậm đổi mới, nội dung đào tạo chưa gắn với nhu cầu thực tiễn. Nhiều lao động đã được đào tạo qua trường lớp, nhưng khi được tuyển dụng, doanh nghiệp vẫn phải đào tạo lại.

Thứ sáu, mô hình quản lý theo cơ chế “Một cửa, tại chỗ” tuy được phát huy và nhân rộng nhưng còn nhiều bất cập, quy định về KCX, KCN mới chịu sự điều chỉnh ở cấp nghị định, chưa được thể chế hóa ở cấp luật; vị trí, chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Ban Quản lý KCN chưa rõ ràng, ổn định, nhất quán, chưa được phân cấp đầy đủ và đủ căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện chủ trương cải cách thủ tục hành chính theo mô hình “Một cửa, tại chỗ” của Chính phủ. Các văn bản quy phạm pháp luật quản lý chuyên ngành không thống nhất với quy định chức năng, nhiệm vụ của Ban Quản lý.

PV: Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về KCX và KCN trên địa bàn Thành phố, theo ông, Ban Quản lý sẽ triển khai những mục tiêu và các giải pháp quan trọng nào để tiếp tục hỗ trợ phát triển toàn diện và bền vững các KCX, KCN trên địa bàn Thành phố?

Trưởng ban Hứa Quốc Hưng: Sau 30 năm hình thành và phát triển, có thể nói các KCX, KCN của Thành phố đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử trong việc đặt nền móng đầu tiên cho cho việc thu hút FDI vào Thành phố và cả nước, thúc đẩy sự phát triển đô thị ở các khu vực xung quanh và hình thành hành lang pháp lý trong suốt quá trình hoạt động.

Trong bối cảnh đất nước ngày càng hội nhập sâu rộng hơn vào nền kinh tế thế giới và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra rất nhanh trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là giai đoạn hiện nay nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang trên đà phục hồi sau đại dịch, đang đặt ra cho các KCX, KCN của Thành phố phải đổi mới. Tôi cho rằng trong thời gian tới, chúng ta cần thực hiện hiệu quả các nội dung sau đây:

Tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu; giảm công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai, tăng các ngành công nghiệp thâm dụng công nghệ.

Tập trung xây dựng mới các KCN theo các mô hình KCN chuyên ngành như: Công nghiệp dược, công nghệ thông tin, điện tử, cơ khí chế tạo… gắn với chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo nhằm phát triển bền vững các KCX, KCN.

Tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư bình quân trên 1 ha đất: Từ trung bình 6,23 triệu USD/ha lên 15 triệu USD/ha vào năm 2025.

Nâng cao năng suất lao động và trình độ chuyên môn kỹ thuật của công nhân, người lao động trong các KCX và KCN.

Để đạt được những mục tiêu trên, Ban Quản lý cần tập trung xây dựng và triển khai hiệu quả các giải pháp then chốt trong thời gian tới, đó là:

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư: Xây dựng tiêu chí sàng lọc, lựa chọn dự án đầu tư vào các KCX, KCN phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của Thành phố.

Tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý và lộ trình chuyển đổi KCN hiện hữu sang KCN sinh thái, KCN công nghệ cao và KCN chuyên ngành thông qua đổi mới công nghệ.

Thứ hai, chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật cao đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển dịch cơ cấu đầu tư: Phối hợp chặt chẽ với các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường dạy nghề trên địa bàn Thành phố xây dựng kế hoạch, chương trình đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với định hướng phát triển công nghiệp và nhu cầu của doanh nghiệp.

Thứ ba, hoàn thiện mô hình cơ chế quản lý “Một cửa, tại chỗ”: Đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức, các tổ chức chính trị trong việc quản lý, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp KCX, KCN đóng trên địa bàn.

TÒA NHÀ
Nhà xưởng cao tầng tại KCX Tân Thuận, TP. Hồ Chí Minh

PV: Theo ông, để góp phần nâng cao vai trò, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước trong các KCX, KCN của Thành phố nói riêng và các KCN, KKT của cả nước nói chung, chúng ta cần có những cơ chế, chính sách hữu hiệu nào trong thời gian sắp tới?

Trưởng ban Hứa Quốc Hưng: Từ thực tiễn quá trình xây dựng và phát triển các KCX, KCN trong 30 năm qua, Ban Quản lý mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tiếp tục duy trì và phát huy hơn nữa cơ chế “Một cửa, tại chỗ” để đơn giản các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư, giải quyết nhanh những vấn đề phát sinh tại KCX, KCN, tạo ra sức hút mạnh cho nguồn vốn đầu tư vào KCX, KCN.

Tăng cường phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước đối với KCX, KCN trên các lĩnh vực quản lý nhằm xây dựng Ban Quản lý trở thành cơ quan “đầu mối, tại chỗ” ở địa phương, thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với KCX, KCN, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Cũng như các Ban Quản lý KCN, KCX, KKT trong cả nước, chúng tôi mong muốn về lâu dài Chính phủ và các bộ có chủ trương nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành Luật Khu kinh tế để thống nhất chính sách, chủ trương, điều hành và quản lý đối với hệ thống các KCX, KCN, KKT trong cả nước./.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Ông!