Tin cậy và kỳ vọng

Theo báo cáo Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) vào ngày 8/1 vừa qua, niềm tin của các doanh nghiệp châu Âu đang hoạt động tại Việt Nam tăng trong quý IV/2023. Chỉ số BCI đạt 46,3 điểm, tăng 2,8% so với quý III/2023. Mức độ lo lắng của doanh nghiệp cũng giảm từ 9% xuống 5%, đồng thời có khoảng 29% doanh nghiệp tự đánh giá triển vọng “xuất sắc” và tốt. Đây là những tín hiệu hết sức tích cực trong bối cảnh kinh tế còn nhiều thách thức, mở ra năm 2024 đầy triển vọng.

Nhận định về chỉ số BCI mới nhất này, Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit khẳng định, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam đang ngày càng tăng. Ông nhấn mạnh: “Chắc chắn xu hướng tích cực đang diễn ra. Mặc dù chúng ta vẫn còn một chặng đường dài để phục hồi hoàn toàn, nhưng các doanh nghiệp đang cảm thấy lạc quan hơn. Cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tin rằng, chúng ta đã vượt qua thời kỳ kinh tế được cho là đầy thách thức và khó khăn nhất".

Các nhà đầu tư nước ngoài tăng cao niềm tin đối với môi trường đầu tư Việt Nam
Ông Gabor Fluit, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam phát biểu

Niềm tin về môi trường đầu tư của Việt Nam không chỉ đến từ các doanh nghiệp châu Âu, mà các nhà đầu tư từ các quốc gia khác cũng đặc biệt tin cậy và kỳ vọng vào hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.

Theo ghi nhận từ Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (Jetro), số lượng doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu môi trường đầu tư Việt Nam luôn ở mức cao. Khảo sát do Jetro thực hiện tháng 8/2023 ghi nhận, có 56,7% doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới; con số này cao hơn mức trung bình của ASEAN (47,5%).

Ở một diễn biến khác, tình hình đầu tư nước ngoài từ Đức vào Việt Nam có những dấu hiệu tích cực, phản ánh niềm tin ngày càng tăng của các doanh nghiệp Đức vào thị trường Việt Nam. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ ngày 1/1/2023 đến ngày 20/11/2023, tổng vốn đăng ký vào thị trường Việt Nam của nhà đầu tư Đức là khoảng 410 triệu USD, trong đó phần lớn tập trung vào ngành xây dựng/vật liệu xây dựng. Lũy kế cho đến nay, các nhà đầu tư Đức đã đầu tư vào Việt Nam 460 dự án, vốn đăng ký 2,66 tỷ USD. Theo khảo sát, 91% doanh nghiệp Đức có ý định tiếp tục đầu tư hoặc mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Ngoài ra, có khoảng 40% doanh nghiệp đang có kế hoạch tăng lao động.

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư FDI

Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của Việt Nam trong thời gian qua bước đầu đã đạt được những kết quả hết sức khả quan. Năm 2023 ghi nhận vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm qua. Tình hình thu hút FDI tăng mạnh vào đầu năm 2024. Ngay trong tháng đầu tiên của năm mới 2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt hơn 2,36 tỷ USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tín hiệu hết sức khả quan, là cơ sở để giữ vững niềm tin về một năm đón sóng mạnh mẽ từ dòng vốn FDI vào Việt Nam.

Theo ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh như: Ổn định kinh tế vĩ mô; thực hiện 3 đột phá chiến lược; hoàn thiện thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực… Đặc biệt, đối với yếu tố hạ tầng, Chính phủ đã đưa ra các biện pháp quyết liệt nhằm tăng tốc độ giải ngân đầu tư công, dồn sức thực hiện các hạ tầng chiến lược, các tuyến liên tỉnh, tuyến đường nối cảng, sân bay.

Các khu kinh tế, khu công nghiệp - Điểm dừng chân hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài

Bên cạnh các hành động quyết liệt từ Chính phủ, điểm sáng trong môi trường đầu tư của Việt Nam là ghi nhận sức hấp dẫn đến từ các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) tại các địa phương.

Các KKT, KCN đã và đang hội tụ đầy đủ tiềm năng thu hút FDI với hạ tầng công nghiệp đồng bộ, hiện đại, tiện ích hỗ trợ đa dạng, chính sách đầu tư cởi mở, hệ thống giao thông trong khu vực được đầu tư đồng bộ… Do đó, các KTT, KCN ở Việt Nam đã và đang trở thành khu vực trọng điểm trong thu hút FDI.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến nay cả nước có 416 KCN đã thành lập tại 61/63 tỉnh, thành phố, trong đó có 296 KCN đã đi vào hoạt động. Các KCN, KKT trong cả nước đã thu hút được hơn 11.200 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt trên 231 tỷ USD. Các doanh nghiệp trong KCN, KKT đóng góp khoảng 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, đồng thời đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho khoảng trên 4,15 triệu lao động trực tiếp.

Hướng đến mục tiêu đưa Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất mới của thế giới, các KCN, KKT Việt Nam đã chủ động đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, đáp ứng được đa dạng ngành nghề, đặc biệt là các ngành công nghệ cao.

KCN Phước Đông được thành lập từ năm 2009 với tổng diện tích 2.838 ha, hiện là KCN có quy mô lớn nhất Tây Ninh. Đến nay, KCN Phước Đông thu hút được hơn 50 nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đầu tư đạt 6 tỷ USD.

Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của KCN Phước Đông đạt 7,4 tỷ USD. Các sản phẩm cho thuê tại KCN Phước Đông gồm: Đất công nghiệp cho thuê (từ 10.000 m2), kho xưởng xây sẵn cho thuê (từ 2.000 m2), nhà xưởng xây theo yêu cầu.

Điển hình như tại KCN Phước Đông, tỉnh Tây Ninh, trước đây KCN này chủ yếu cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại đất để phát triển cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay KCN Phước Đông đã năng động triển khai xây dựng thêm hệ thống nhà xưởng, nhà kho xây sẵn, diện tích lớn, phù hợp với nhiều ngành nghề để đáp ứng tối đa nhu cầu của các nhà đầu tư. Để tối đa hóa không gian sản xuất, nhà xưởng, KCN Phước Đông không thiết kế cột ở giữa, chiều cao thông thủy và tải trọng sàn lớn. Bên cạnh đó còn tích hợp sẵn văn phòng 2 tầng và hệ thống phòng cháy chữa cháy đạt tiêu chuẩn Việt Nam. Đây là loại hình nhà xưởng được rất nhiều nhà đầu tư ưa chuộng nhờ tính linh hoạt, chi phí hợp lý và nhanh chóng đưa vào vận hành.

Bên cạnh đó xu thế phát triển khu phức hợp công nghiệp, đô thị, thương mại hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn sống cao đã được nhiều KCN ứng dụng. Mô hình này cũng được ứng dụng tại KCN Phước Đông. Song song với việc phát triển hạ tầng sản xuất, KCN cũng chú trọng phát triển hệ thống nhà ở, tiện ích dân cư như: trường học, cơ sở y tế, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí, khu thể thao… mang đến một môi trường sống tiện nghi, sáng tạo, hiện đại và năng động. Nhờ vậy, KCN Phước Đông thu hút được hơn 60.000 lao động đến sinh sống và làm việc. Đồng thời giúp Phước Đông trở thành KCN có tiềm năng thu hút đầu tư bậc nhất Tây Ninh.

Các nhà đầu tư nước ngoài tăng cao niềm tin đối với môi trường đầu tư Việt Nam
Nhà xưởng KCN Phước Đông, tỉnh Tây Ninh có không gian sản xuất rộng, thích hợp với nhiều loại ngành nghề

Với sự tin tưởng của các doanh nghiệp quốc tế vào môi trường đầu tư tại Việt Nam, cùng những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương của Việt Nam, năm 2024 được kỳ vọng là một năm bứt phá về tăng trưởng FDI của Việt Nam, các KCN, KKT của Việt Nam tiếp tục trở thành điểm dừng chân lý tưởng của các nhà đầu tư FDI./.

Các nhà đầu tư nước ngoài tăng cao niềm tin đối với môi trường đầu tư Việt Nam
Toàn cảnh KCN Phước Đông, tỉnh Tây Ninh