Thị trường mỹ phẩm thuần chay tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức
Bùi Thị Hà Thu, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM, Email:bth.thu@hutech.edu.vn,
Nguyễn Quỳnh Lâm, Trường Đại học Công nghệ TP.HCM
Tóm tắt
Nghiên cứu phân tích thực trạng và tiềm năng phát triển của thị trường mỹ phẩm thuần chay tại Việt Nam trong bối cảnh xu hướng tiêu dùng xanh ngày càng gia tăng. Với sự hỗ trợ từ chính sách nhà nước, tiềm năng xuất khẩu và sự phát triển của thương mại điện tử, ngành mỹ phẩm thuần chay có nhiều cơ hội để mở rộng. Tuy nhiên, các doanh nghiệp trong lĩnh vực này vẫn phải đối mặt với những thách thức đáng kể, như: nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế, giá thành sản phẩm cao, nguồn cung nguyên liệu chưa ổn định, sự cạnh tranh từ các thương hiệu quốc tế và yêu cầu chứng nhận phức tạp. Từ đó, nghiên cứu đưa ra một số kiến nghị cho các nhà quản trị góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển thị trường mỹ phẩm thuần chay của Việt Nam.
Từ khóa: mỹ phẩm thuần chay, tiêu dùng xanh, xu hướng tiêu dùng, Việt Nam
Summary
The study analyzes the current situation and growth potential of Vietnam's vegan cosmetics market in the context of the increasing green consumption trend. With government policy support, export potential, and the rapid development of e-commerce, the vegan cosmetics industry has significant opportunities for expansion. However, businesses in this sector still face considerable challenges, including limited consumer awareness, high product costs, unstable raw material supply, competition from international brands, and complex certification requirements. Based on these insights, the study provides recommendations for business managers to enhance competitiveness and promote the sustainable development of Vietnam’s vegan cosmetics market.
Keywords: Vegan cosmetics, green consumption, consumer trends, Vietnam
ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngày nay, mỹ phẩm thuần chay đang dần khẳng định vị thế trong thị trường mỹ phẩm nhờ vào sự quan tâm ngày càng lớn từ người tiêu dùng. Trong bối cảnh nhận thức về môi trường, sức khỏe và đạo đức tiêu dùng ngày càng cao, khách hàng chú trọng hơn đến các sản phẩm không chứa thành phần từ động vật và không thử nghiệm trên động vật.
Theo Grand View Research (2021), thị trường mỹ phẩm thuần chay toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 6,3% mỗi năm từ 2022 đến 2030. Nguyên nhân chính cho sự tăng trưởng này đến từ sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng, khi ngày càng nhiều khách hàng ưu tiên các sản phẩm có nguồn gốc minh bạch, thân thiện với môi trường và không thử nghiệm trên động vật. Cùng quan điểm này, nghiên cứu của Prophecy Market Insights (2020) cho thấy, giá trị thị trường mỹ phẩm thuần chay toàn cầu đã đạt 14,3 tỷ USD vào năm 2019 và dự kiến tăng lên 25,3 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng hàng năm 5,9%. Sự phát triển của mỹ phẩm thuần chay còn được thể hiện qua sự bùng nổ của các sản phẩm mới. Theo báo cáo của Marketing Week, số lượng mỹ phẩm thuần chay ra mắt thị trường đã tăng 175% trong năm 2019 (Hammett, 2019).
Tại Việt Nam, xu hướng tiêu dùng bền vững cũng đang ngày càng được quan tâm. Theo dữ liệu từ Statista (2024), doanh thu từ thị trường mỹ phẩm thiên nhiên tại Việt Nam dự kiến đạt 62,23 triệu USD vào năm 2025. Dù tiềm năng lớn, mỹ phẩm thuần chay vẫn là một thị trường tương đối mới tại Việt Nam, với số lượng thương hiệu nội địa phát triển trong lĩnh vực này còn hạn chế. Hơn nữa, nhận thức của người tiêu dùng về mỹ phẩm thuần chay chưa thực sự phổ biến, khiến việc mở rộng thị trường gặp không ít thách thức.
Do vậy, nghiên cứu phân tích thị trường mỹ phẩm thuần chay tại Việt Nam, đánh giá các cơ hội và thách thức, mà ngành này đang đối mặt sẽ nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, giúp doanh nghiệp khai thác thị trường hiệu quả và hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách trong việc thúc đẩy sự phát triển tiêu dùng bền vững ở Việt Nam.
ĐẶC ĐIỂM CỦA MỸ PHẨM THUẦN CHAY
Tính chất của mỹ phẩm thuần chay
Thuật ngữ “thuần chay” đang ngày càng trở nên phổ biến hơn trên toàn thế giới, nó không chỉ là một chế độ ăn kiêng, một niềm tin, mà trở thành một lối sống được nhiều người lựa chọn. Do đó, những người theo xu hướng lối sống “xanh” sẽ ưu tiên sử dụng mỹ phẩm thuần chay.
Hiện nay không có định nghĩa pháp lý chính thức nào về chủ nghĩa thuần chay trên toàn thế giới, nhiều tổ chức vẫn cố gắng chuẩn hóa các sản phẩm thuần chay để cung cấp một lựa chọn an toàn cho cộng đồng thuần chay (Le, 2019). Theo Callahan (2019), mỹ phẩm thuần chay là sản phẩm loại bỏ các chất có nguồn gốc từ động vật khi tạo ra các công thức. Còn theo Šimkutė (2021), mỹ phẩm thuần chay được sản xuất mà không sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc từ động vật hoặc bất kỳ dẫn xuất nào của chúng, mà được thay thế bằng các thành phần có nguồn gốc thực vật hoặc các nguyên liệu khác. Ngoài ra, V-Label International - một tổ chức chứng nhận thuần chay có uy tín thuộc Hiệp hội Thuần chay Châu Âu (European Vegetarian Union - EVU) cũng đề cập đến sản phẩm “thuần chay” là những sản phẩm không có nguồn gốc từ động vật, cũng như không sử dụng bất kỳ thành phần hoặc phụ gia liên quan đến động vật trong quá trình sản xuất (V-Label International).
Thực tế, mỹ phẩm “thuần chay” không đồng nghĩa với mỹ phẩm “không thử nghiệm trên động vật” và ngược lại (Ethical Elephant, 2023). Mặc dù mỹ phẩm thuần chay không chứa thành phần từ động vật hoặc có nguồn gốc từ động vật, nhưng vẫn có thể bị thử nghiệm trên động vật trong phòng thí nghiệm trước khi được đưa ra thị trường. Ngược lại, mỹ phẩm không thử nghiệm trên động vật (cruelty-free) không cho phép bất kỳ hình thức thử nghiệm nào trên động vật trong quá trình sản xuất, nhưng vẫn có thể chứa thành phần từ động vật. Tuy nhiên, một số sản phẩm mỹ phẩm có thể vừa thuần chay vừa không thử nghiệm trên động vật, tức là không chứa thành phần từ động vật và không bị thử nghiệm trên động vật, mà hoàn toàn được làm từ thực vật. Trên bao bì mỹ phẩm, khách hàng có thể tìm thấy các chứng nhận thuần chay và không thử nghiệm trên động vật nếu doanh nghiệp đã đăng ký chứng nhận.
Vai trò của mỹ phẩm thuần chay
Mỹ phẩm thuần chay ngày càng được ưa chuộng không chỉ bởi những người theo lối sống thuần chay, mà còn bởi những khách hàng quan tâm đến sức khỏe, môi trường và đạo đức tiêu dùng. Có thể khái quát một số vai trò quan trọng của mỹ phẩm thuần chay như sau:
Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, giảm nguy cơ kích ứng da do thành phần hoàn toàn từ thiên nhiên, an toàn và lành tính. Mỹ phẩm thuần chay không chứa các hóa chất tổng hợp tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe khi sử dụng lâu dài.
Thân thiện với môi trường, quá trình sản xuất mỹ phẩm thuần chay ít gây ô nhiễm hơn vì không liên quan đến chăn nuôi động vật - một ngành gây phát thải khí nhà kính lớn. Hơn nữa, sản phẩm thuần chay thường sử dụng bao bì thân thiện với môi trường, dễ phân hủy hoặc tái chế, giảm thiểu rác thải nhựa.
Góp phần bảo vệ động vật. Mỹ phẩm không sử dụng nguyên liệu từ động vật, giúp hạn chế khai thác và bóc lột động vật trong ngành công nghiệp mỹ phẩm. Nhiều sản phẩm thuần chay cũng đạt chứng nhận cruelty-free (không thử nghiệm trên động vật), góp phần ngăn chặn tình trạng thử nghiệm tàn nhẫn trên động vật trong phòng thí nghiệm.
Đáp ứng xu hướng tiêu dùng. Xu hướng tiêu dùng xanh và bền vững đang phát triển mạnh, đặc biệt ở giới trẻ. Mỹ phẩm thuần chay đáp ứng nhu cầu này, giúp người tiêu dùng có lựa chọn phù hợp với lối sống thân thiện với môi trường. Các thương hiệu mỹ phẩm thuần chay đang ngày càng mở rộng, mang đến nhiều lựa chọn hơn về chất lượng và giá cả cho khách hàng.
Tạo cơ hội phát triển cho doanh nghiệp. Thị trường mỹ phẩm thuần chay đang tăng trưởng nhanh chóng, việc đầu tư vào sản phẩm này không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng tập khách hàng, mà còn nâng cao hình ảnh thương hiệu, gắn liền với các giá trị đạo đức và trách nhiệm xã hội. Ngoài ra, việc đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về mỹ phẩm an toàn, không gây hại đến động vật và môi trường giúp doanh nghiệp tăng khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững trong dài hạn.
Như vậy, mỹ phẩm thuần chay không chỉ mang lại lợi ích cho sức khỏe con người, mà còn góp phần bảo vệ động vật và môi trường. Đây là xu hướng tiêu dùng hiện đại, mở ra nhiều cơ hội phát triển bền vững cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp.
CƠ HỘI PHÁT TRIỂN CỦA MỸ PHẨM THUẦN CHAY TẠI VIỆT NAM
Ngành mỹ phẩm tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, với sự gia tăng đáng kể trong nhận thức của người tiêu dùng về các sản phẩm thân thiện với môi trường và không thử nghiệm trên động vật. Mỹ phẩm thuần chay không chỉ là một xu hướng toàn cầu, mà còn mở ra nhiều cơ hội tiềm năng tại thị trường Việt Nam. Những cơ hội cụ thể giúp mỹ phẩm thuần chay phát triển và mở rộng tại Việt Nam có thể kể đến như:
Sự chuyển dịch sang tiêu dùng xanh
Xu hướng sống xanh và bền vững đang ngày càng phổ biến trên toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực làm đẹp, khi người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe cá nhân và tác động của sản phẩm lên môi trường. Theo nền tảng MarketGlass, ngành công nghiệp mỹ phẩm thuần chay được dự báo sẽ đạt giá trị 21,4 tỷ USD vào năm 2027, với phân khúc mỹ phẩm chăm sóc cá nhân tăng trưởng ở mức 5,6% mỗi năm (Vegan Food and Living, 2021). Không nằm ngoài xu hướng này, tại Việt Nam, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm “xanh” cũng gia tăng mạnh mẽ nhờ ý thức bảo vệ môi trường và lựa chọn lối sống lành mạnh (VnEconomy, 2023a). Tuy nhiên, thị trường mỹ phẩm thuần chay trong nước vẫn còn nhiều dư địa phát triển khi số lượng sản phẩm còn hạn chế, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp khai thác tiềm năng này và tạo dấu ấn trong ngành công nghiệp làm đẹp bền vững.
Chính sách hỗ trợ từ Chính phủ
Chính phủ Việt Nam đang tích cực khuyến khích phát triển các doanh nghiệp theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường. Bộ Công Thương đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm không chứa hóa chất độc hại và thúc đẩy nghiên cứu về các sản phẩm làm đẹp hữu cơ. Cụ thể, Bộ đã thực hiện Dự án “Áp dụng hóa học xanh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ tăng trưởng xanh, giảm thiểu việc phát thải và sử dụng các hóa chất POPs, hóa chất nguy hại”, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc giới thiệu và áp dụng hóa học xanh, khuyến khích doanh nghiệp hạn chế sản xuất và sử dụng các hóa chất nguy hại, hướng đến phát triển các phương pháp cũng như quá trình sản xuất thân thiện với môi trường và sức khỏe con người (Minh, 2022).
Thêm vào đó, Cục Quản lý Dược có Công văn 2365/QLD-MP, ngày 09/7/2024, cập nhật các quy định mới về các chất sử dụng trong mỹ phẩm đã bổ sung căn cứ kiểm soát hóa chất trong mỹ phẩm nhằm hướng tới một thị trường mỹ phẩm sạch hơn, an toàn hơn. Đây cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp phát triển kinh doanh mỹ phẩm thuần chay.
Tiềm năng xuất khẩu
Không chỉ phát triển trong nước, mỹ phẩm thuần chay của Việt Nam còn có tiềm năng lớn để xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Theo Mordor Intelligence (2023), nhu cầu đối với mỹ phẩm thuần chay đang tăng mạnh tại châu Âu và Bắc Mỹ, mở ra cơ hội cho các thương hiệu Việt Nam mở rộng thị phần quốc tế.
Việt Nam sở hữu nguồn nguyên liệu thiên nhiên dồi dào, bao gồm: tinh dầu dừa, nghệ, trà xanh, nha đam, rau má, gấc, sâm Ngọc Linh… hoàn toàn có thể đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về mỹ phẩm thuần chay (VCCI, 2023). Hơn nữa, với lợi thế chi phí sản xuất thấp hơn so với các nước phát triển, Việt Nam không chỉ có thể trở thành nhà cung cấp lớn, mà còn có cơ hội trở thành trung tâm sản xuất mỹ phẩm thuần chay cho thị trường toàn cầu.
Thương mại điện tử thúc đẩy tiêu dùng
Sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và mạng xã hội đang thay đổi cách người tiêu dùng mua sắm mỹ phẩm. Ngày càng nhiều người lựa chọn các nền tảng trực tuyến để tìm kiếm và mua sản phẩm, đặc biệt là thế hệ trẻ - nhóm khách hàng quan tâm đến xu hướng làm đẹp bền vững. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các thương hiệu mỹ phẩm thuần chay trong việc tiếp cận thị trường và xây dựng thương hiệu mà không cần phụ thuộc vào hệ thống cửa hàng vật lý truyền thống. Theo báo cáo của trình duyệt Cốc Cốc, có 31% người tiêu dùng lựa chọn nền tảng trực tuyến là kênh mua sắm phổ biến nhất cho các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp và cá nhân (Brands Vietnam, 2024). Với sự bùng nổ này, thương mại điện tử không chỉ trở thành một kênh phân phối quan trọng mà còn giúp thương hiệu mỹ phẩm thuần chay mở rộng độ phủ và gia tăng niềm tin từ khách hàng. Các nền tảng mạng xã hội, như: TikTok, Facebook, Instagram hỗ trợ doanh nghiệp kết nối trực tiếp với người tiêu dùng thông qua nội dung sáng tạo, đánh giá sản phẩm thực tế, livestream và chiến dịch marketing với KOLs. Nhờ đó, thương hiệu mỹ phẩm thuần chay có thể tận dụng xu hướng này để thúc đẩy nhận diện thương hiệu và gia tăng doanh số trong bối cảnh thị trường ngày càng cạnh tranh.
Tóm lại, với xu hướng tiêu dùng xanh, sự hỗ trợ từ chính phủ, tiềm năng xuất khẩu và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, mỹ phẩm thuần chay có nhiều cơ hội để phát triển tại Việt Nam. Các doanh nghiệp trong ngành cần tận dụng những lợi thế này để mở rộng thị phần, đồng thời chú trọng đến chất lượng sản phẩm và chiến lược marketing để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
THÁCH THỨC ĐỐI VỚI PHÁT TRIỂN MỸ PHẨM THUẦN CHAY
Bên cạnh những cơ hội phát triển mạnh mẽ, thị trường mỹ phẩm thuần chay tại Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức đáng kể như sau:
Nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế
Tại Việt Nam, khái niệm mỹ phẩm thuần chay (vegan cosmetics) vẫn còn khá mới mẻ, dẫn đến nhiều nhầm lẫn giữa mỹ phẩm thuần chay, mỹ phẩm hữu cơ (organic) và mỹ phẩm thiên nhiên (natural). Sự thiếu nhận thức này khiến nhiều khách hàng gặp khó khăn trong việc lựa chọn sản phẩm, đồng thời tạo cơ hội cho các thương hiệu chưa thực sự thuần chay nhưng vẫn sử dụng chiến lược tiếp thị "xanh" để thu hút người tiêu dùng (greenwashing). Ngoài ra, thói quen tiêu dùng của nhiều người Việt vẫn ưu tiên các sản phẩm có hiệu quả nhanh, chứa các thành phần hóa học đặc trị thay vì mỹ phẩm thuần chay vốn cần thời gian dài để phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, ý thức về môi trường và quyền lợi động vật tại Việt Nam chưa phổ biến như ở các nước phát triển. Điều này khiến mỹ phẩm thuần chay chưa được xem là nhu cầu thiết yếu, mà chỉ thu hút một nhóm khách hàng quan tâm đến xu hướng làm đẹp bền vững.
Giá thành cao hơn so với mỹ phẩm thông thường
Mỹ phẩm thuần chay yêu cầu quy trình sản xuất và nguyên liệu đạt chuẩn, dẫn đến chi phí cao hơn so với mỹ phẩm thông thường. Các thành phần thảo dược thiên nhiên phải được trồng trọt và chăm sóc kỹ lưỡng để đảm bảo dược tính tối ưu, đòi hỏi sự đầu tư lớn về thời gian và công sức từ khâu vườn ươm đến thu hoạch. Bên cạnh đó, quá trình sản xuất mỹ phẩm thuần chay phải tuân thủ các tiêu chuẩn nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng, làm gia tăng chi phí. Chính vì vậy, giá thành của các sản phẩm này thường cao hơn, khiến nhiều khách hàng, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và thấp, khó tiếp cận.
Hạn chế về nguồn cung nguyên liệu và sản xuất
Việt Nam có lợi thế về nguồn dược liệu phong phú, nhưng để đảm bảo chất lượng nguyên liệu, việc trồng trọt và chăm sóc phải tuân theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt (không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc động vật; không sử dụng sinh vật biến đổi gen (GMO-free);…). Do đó, việc duy trì nguồn cung ổn định là một thách thức lớn, đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược dài hạn. Ngoài ra, việc kết hợp an toàn giữa các thành phần thảo dược và hoạt chất trong sản phẩm cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để đảm bảo hiệu quả và an toàn cho người dùng. Hiện nay, nguồn cung nguyên liệu thuần chay trong nước vẫn chưa thực sự đa dạng và ổn định, trong khi số lượng nhà máy đạt tiêu chuẩn sản xuất mỹ phẩm thuần chay còn hạn chế, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng nhu cầu thị trường.
Cạnh tranh từ các thương hiệu nước ngoài
Thị trường mỹ phẩm thuần chay tại Việt Nam đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các thương hiệu quốc tế. Các tập đoàn mỹ phẩm lớn đến từ châu Âu, Mỹ và Hàn Quốc không chỉ có lợi thế về danh tiếng, mà còn sở hữu chiến lược marketing mạnh mẽ, hệ thống phân phối rộng khắp và nguồn lực tài chính dồi dào. Những thương hiệu này dễ dàng thu hút khách hàng Việt Nam nhờ uy tín lâu năm, công nghệ sản xuất tiên tiến và chiến dịch quảng bá bài bản. Bên cạnh đó, các thương hiệu mỹ phẩm giá rẻ từ Trung Quốc cũng đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, đặc biệt là phân khúc bình dân. Theo VnEconomy (2023b), các sản phẩm mỹ phẩm từ Trung Quốc có mức giá phù hợp với thu nhập của phần đông người tiêu dùng trong nước, khiến các thương hiệu nội địa càng gặp nhiều thách thức hơn trong việc xây dựng thị phần.
Tiêu chuẩn, quy trình chứng nhận phức tạp và chi phí cao
Việc đạt được các chứng nhận thuần chay quốc tế về sản phẩm thuần chay, như: Vegan Trademark (UK); Certified Vegan (Mỹ); V-Label Vegan (EU) hay các chứng nhận không thử nghiệm trên động vật (Leaping Bunny của Cruelty Free International – Global và PETA Cruelty-Free của (Mỹ) đòi hỏi doanh nghiệp phải đáp ứng hàng loạt tiêu chí nghiêm ngặt. Các yêu cầu này bao gồm: kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng, đảm bảo không có thành phần từ động vật hoặc bị thử nghiệm trên động vật, cũng như quy trình sản xuất phải tuân thủ các tiêu chuẩn khắt khe về môi trường và đạo đức. Quy trình xin chứng nhận đòi hỏi nhiều thời gian và tốn kém về chi phí. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, chi phí này có thể trở thành gánh nặng lớn, làm giảm khả năng cạnh tranh so với các thương hiệu lớn có tiềm lực tài chính mạnh.
Sự hoài nghi về hiệu quả sản phẩm
Một số người tiêu dùng vẫn còn nghi ngờ về hiệu quả của mỹ phẩm thuần chay, đặc biệt là trong các dòng sản phẩm đặc trị như chống lão hóa hay trị mụn. Nguyên nhân chính là do mỹ phẩm thuần chay tuân thủ tiêu chuẩn nghiêm ngặt, không sử dụng thành phần có nguồn gốc động vật và hạn chế các hoạt chất tổng hợp mạnh thường thấy trong mỹ phẩm truyền thống. Thay vào đó, chúng sử dụng các chiết xuất thực vật có tác dụng tương tự nhưng, có thể cần thời gian lâu hơn để phát huy hiệu quả rõ rệt. Ngoài ra, uy tín của các doanh nghiệp mỹ phẩm thuần chay tại Việt Nam vẫn chưa cao. Một số thương hiệu cam kết sản phẩm đạt tiêu chuẩn thuần chay nhưng không thực hiện đúng, dẫn đến sự hoài nghi từ khách hàng. Điều này đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp trong việc xây dựng lòng tin, đòi hỏi họ phải tăng cường truyền thông, công bố các nghiên cứu khoa học chứng minh hiệu quả sản phẩm, minh bạch trong quy trình sản xuất và đạt được các chứng nhận uy tín để khẳng định chất lượng.
MỘT SỐ HÀM Ý QUẢN TRỊ
Để khai thác hiệu quả tiềm năng thị trường và vượt qua rào cản, sự cạnh tranh gay gắt từ thương hiệu quốc tế và các tiêu chuẩn chứng nhận phức tạp, các doanh nghiệp cung ứng mỹ phẩm thuần chay tại Việt Nam cần có chiến lược phát triển bền vững, kết hợp giữa đổi mới sản phẩm, tối ưu hóa chi phí, xây dựng thương hiệu và mở rộng kênh phân phối. Theo đó, trong nghiên cứu này để giúp doanh nghiệp mỹ phẩm thuần chay nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển vững chắc trong bối cảnh thị trường đầy tiềm năng, nhưng cũng không kém phần thách thức xuất, một số hàm ý quản trị được đề xuất như sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức và giáo dục người tiêu dùng. Doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược truyền thông rõ ràng, tập trung vào việc giải thích sự khác biệt giữa mỹ phẩm thuần chay, hữu cơ và thiên nhiên, giúp khách hàng hiểu đúng về sản phẩm. Đồng thời, việc đẩy mạnh nội dung giáo dục thông qua mạng xã hội, website và các chiến dịch quảng bá sẽ giúp người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về lợi ích của mỹ phẩm thuần chay đối với sức khỏe và môi trường. Bên cạnh đó, hợp tác với KOLs/KOCs trong lĩnh vực làm đẹp hoặc thông qua khách hàng sử dụng sản phẩm để chia sẻ trải nghiệm thực tế, góp phần tăng cường độ tin cậy và thúc đẩy xu hướng sử dụng sản phẩm thuần chay.
Thứ hai, cải thiện giá cả và khả năng tiếp cận sản phẩm. Doanh nghiệp cần tối ưu hóa chi phí sản xuất bằng cách hợp tác với các nhà cung cấp nguyên liệu trong nước nhằm giảm chi phí nhập khẩu, đồng thời đầu tư vào công nghệ sản xuất tiên tiến nhằm hạ giá thành sản phẩm để mở rộng thị trường và tăng khả năng cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc phát triển các dòng sản phẩm đa dạng với mức giá phù hợp cho nhiều phân khúc khách hàng, đặc biệt là phân khúc tầm trung, sẽ giúp mở rộng tệp người dùng. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tận dụng các chương trình ưu đãi, như: giảm giá, gói combo hay chính sách khách hàng thân thiết để tăng khả năng tiếp cận và khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm.
Thứ ba, xây dựng chuỗi cung ứng nguyên liệu bền vững. Doanh nghiệp cần đầu tư vào vùng nguyên liệu nội địa bằng cách phát triển các khu trồng thảo dược đạt chuẩn, giúp đảm bảo nguồn cung ổn định và giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, từ đó tối ưu chi phí và chủ động hơn trong sản xuất. Đồng thời, việc hợp tác chặt chẽ với nông dân và các doanh nghiệp xanh sẽ góp phần xây dựng chuỗi giá trị bền vững, đảm bảo chất lượng sản phẩm và nâng cao tính minh bạch trong toàn bộ quá trình sản xuất, đáp ứng xu hướng tiêu dùng có trách nhiệm và yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Thứ tư, đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu. Doanh nghiệp cần nghiên cứu và tuân thủ các tiêu chuẩn, như: Vegan Trademark, Certified Vegan, Leaping Bunny… nhằm đáp ứng yêu cầu khắt khe của các thị trường lớn, như: Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, đồng thời nâng cao uy tín thương hiệu. Bên cạnh đó, việc tận dụng lợi thế chi phí sản xuất thấp không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì mức giá cạnh tranh, mà còn tạo cơ hội tiếp cận nhiều phân khúc khách hàng hơn, đặc biệt trong bối cảnh thị trường mỹ phẩm thuần chay ngày càng phát triển. Ngoài ra, tham gia các hội chợ và triển lãm quốc tế sẽ là bước đi chiến lược để doanh nghiệp mở rộng mạng lưới đối tác, quảng bá sản phẩm và khẳng định vị thế của thương hiệu Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Thứ năm, ứng dụng thương mại điện tử và công nghệ số. Doanh nghiệp cần đẩy mạnh hiện diện trên các nền tảng thương mại điện tử, như: Shopee, Lazada, TikTok Shop, đồng thời tối ưu hóa website chính thức nhằm mở rộng tệp khách hàng và gia tăng doanh số. Song song đó, xây dựng chiến lược marketing số toàn diện bằng cách kết hợp content marketing, livestream bán hàng và quảng cáo trên Google, Facebook, Instagram sẽ giúp nâng cao mức độ nhận diện thương hiệu và thúc đẩy hành vi mua sắm. Ngoài ra, ứng dụng công nghệ AI và Big Data trong phân tích hành vi tiêu dùng sẽ cho phép cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng, giúp doanh nghiệp đề xuất sản phẩm phù hợp, tăng tỷ lệ chuyển đổi và cải thiện lòng trung thành của khách hàng.
Thứ sáu, xây dựng uy tín thương hiệu và lòng tin từ khách hàng. Doanh nghiệp cần chú trọng minh bạch thông tin sản phẩm bằng cách công khai rõ ràng thành phần, chứng nhận và quy trình sản xuất để tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng. Đồng thời, việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công bố kết quả kiểm nghiệm lâm sàng sẽ giúp chứng minh hiệu quả của mỹ phẩm thuần chay, nâng cao uy tín thương hiệu. Bên cạnh đó, cải thiện bao bì theo hướng thân thiện với môi trường và chuyên nghiệp không chỉ thu hút khách hàng, mà còn thể hiện cam kết phát triển bền vững. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tham gia tài trợ cho các tổ chức nghiên cứu về môi trường nhằm thúc đẩy các sáng kiến xanh và nâng cao hình ảnh thương hiệu có trách nhiệm với cộng đồng. Cuối cùng, nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng sự hài lòng và giữ chân người tiêu dùng lâu dài.
Thứ bảy, tăng cường hội nhập bằng việc tham gia sâu vào thị trường vào thị trường mỹ phẩm quốc tế. Doanh nghiệp cần đạt các chứng nhận quốc tế, như: Vegan Trademark, Certified Vegan hay Leaping Bunny để tăng cường khả năng xuất khẩu và xây dựng uy tín thương hiệu. Tuy nhiên, chi phí chứng nhận cao có thể là rào cản lớn, do đó, chính phủ nên có các chính sách ưu đãi về tài chính và thuế để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình này. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tranh thủ sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến và hợp tác với các viện nghiên cứu nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng vượt trội. Việc này không chỉ nâng cao vị thế của thương hiệu Việt, mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành mỹ phẩm xanh và bền vững trong nước./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Brands Vietnam (2024). Cốc Cốc khám phá xu hướng tiêu dùng trong thị trường chăm sóc sắc đẹp và cá nhân, truy cập từ https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/344045-coc-coc-kham-pha-xu-huong-tieu-dung-trong-thi-truong-cham-soc-sac-dep-va-ca-nhan.
2. Callahan, C. (2019), What is vegan skin care and is it better for you? Truy cập từ https://www.today.com/style/what-vegan-skin-care-it-better-you-t151466.
3. Cục Quản lý Dược (2024), Công văn 2365/QLD-MP, ngày 09/7/2024 về cập nhật quy định các chất sử dụng trong mỹ phẩm.
4. Ethical Elephant (2023), Cruelty-free vs. vegan: Understanding the differences and why they matter, retrieved from https://ethicalelephant.com/cruelty-free-vs-vegan/.
5. Grand View Research (2021), Vegan cosmetics market size, share & trend analysis report, retrieved from https://www.grandviewresearch.com/industry-analysis/vegan-cosmetics-market.
6. Hammett, E. (2019). Vegan beauty: How conscious consumers are driving innovation in ethical cosmetics, Marketing Week, retrieved from https://www.marketingweek.com/how-conscious-consumers-are-driving-vegan-beauty/.
7. Le, T. (2019), Vegan trend in consumer buying behavior, Oulu: Oulu University of Applied Sciences. Bachelor’s thesis, retrieved from https://www.theseus.fi/bitstream/handle/10024/261114/LE_THUY_VEGAN_TREND.pdf?sequence=2&isAllowed=y.
8. Minh, P. D. (2022), Áp dụng hóa học xanh tại Việt Nam - Giảm thiểu việc sử dụng và phát thải các hóa chất hữu cơ khó phân hủy, truy cập từ https://tapchimoitruong.vn/chuyen-muc-3/ap-dung-hoa-hoc-xanh-tai-viet-nam--giam-thieu-viec-su-dung-va-phat-thai-cac-hoa-chat-huu-co-kho-phan-huy-26964?utm_source=chatgpt.com.
9. Mordor Intelligence (2023), Thị trường mỹ phẩm thuần chay - Phân tích quy mô, thị phần và xu hướng theo sản phẩm, kênh phân phối và triển vọng khu vực, truy cập từ https://www.mordorintelligence.com/vi/industry-reports/vegan-cosmetics-market
10. Prophecy Market Insights (2020), Global vegan beauty products market is estimated to be US$ 25.4 billion by 2029 with a CAGR of 5.9% during the forecast period, retrieved from https://www.globenewswire.com/news-release/2020/07/09/2060099/0/en/Global-Vegan-Beauty-Products-Market-is-estimated-to-be-US-25-3-Billion-by-2029-with-a-CAGR-of-5-9-during-the-forecast-period.html.
11. Statista (2024), Natural cosmetics - Vietnam. Statista, retrieved from https://www.statista.com/outlook/cmo/beauty-personal-care/cosmetics/natural-cosmetics/vietnam.
12. Šimkutė, N. (2021), What exactly are vegan cosmetics? L’Officiel, retrieved from https://www.lofficielusa.com/beauty/what-are-vegan-cosmetics-beauty-makeup-products.
13. VCCI News (2023), Cơ hội từ thị trường 119 tỷ USD ngành làm đẹp và chăm sóc cá nhân trên toàn cầu, truy cập từ https://vccinews.vn/news/50997/%E2%80%9Cdai-duong-xanh%E2%80%9D-xuyen-bien-gioi-co-hoi-tu-thi-truong-119-ty-usd-nganh-lam-dep-va-cham-soc-ca-nhan-tren-toan-cau.html.
14. Vegan Food and Living (2021), New report indicates global vegan cosmetics market worth $21 billion by 2027, retrieved from https://www.veganfoodandliving.com/news/report-global-vegan-cosmetics-market-21-billion/.
15. VnEconomy (2023a), Ngành làm đẹp: Nhiều tiềm năng tăng trưởng, truy cập từ https://vneconomy.vn/nganh-lam-dep-nhieu-tiem-nang-tang-truong.htm.
16. VnEconomy (2023b), Mỹ phẩm Trung Quốc mạnh tay khai thác thị trường Việt Nam, truy cập từ https://vneconomy.vn/my-pham-trung-quoc-manh-tay-khai-thacthi-truong-viet-nam.htm.
Ngày nhận bài: 18/01/2025; Ngày phản biện: 15/02/2025; Ngày duyệt đăng: 26/02/2025 |
Bình luận