Ngành phân bón Việt Nam: Triển vọng phát triển và thách thức
ThS. Lê Quang Huy
Khoa Kỹ thuật hóa học - Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì
Tóm tắt
Trong xu thế hội nhập quốc tế, số hoá rộng khắp, ngành phân bón Việt Nam đứng trước những cơ hội và triển vọng phát triển mới, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Bài viết làm rõ những triển vọng phát triển và những khó khăn thách thức, từ đó đề xuất giải pháp góp phần hỗ trợ ngành phân bón vượt qua khó khăn, hướng tới phát triển bền vững.
Từ khóa: ngành phân bón Việt Nam, triển vọng phát triển, thách thức
Summary
In the trend of international integration and widespread digitalization, the Vietnam fertilizer industry faces new opportunities and development prospects but also many difficulties and challenges. The article clarifies the development prospects and challenges, thereby proposing solutions to help the fertilizer industry overcome challenges and move toward sustainable development.
Keywords: Vietnam fertilizer industry, development prospects, challenges
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong phát triển nền nông nghiệp Việt Nam, ngành phân bón đóng vai trò quan trọng, góp phần vào việc đảm bảo an ninh lương thực và ổn định kinh tế quốc gia. Trong bối cảnh nhu cầu nâng cao chất lượng nông sản để đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu, ngành phân bón trở thành yếu tố then chốt trong việc nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, cùng với cơ hội phát triển, mở rộng thị trường, ngành phân bón cũng đang phải đối mặt với những áp lực trong thời đại mới, cần có sự phối hợp và hỗ trợ từ nhiều phía để có thể phát triển nhanh và bền vững.
THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG PHÂN BÓN VIỆT NAM
Nhu cầu sử dụng phân bón
Nhu cầu sử dụng phân bón hiện tại ở Việt Nam là rất lớn (Việt Nam sử dụng phân bón nhiều gấp 3 lần trung bình thế giới), trong khi đó năng lực sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu. Theo Hiệp hội Phân Bón Việt Nam, hiện nay nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng trên 11 triệu tấn các loại trên năm, trong khi đó năng lực sản xuất trong nước đáp ứng khoảng 8 triệu tấn/năm (Vũ Văn Thức, 2024). Đáng lưu ý, sự mất cân đối trong cơ cấu sản xuất dẫn tới tình trạng dư cung ở nhóm phân bón này trong khi thiếu cung ở nhóm phân bón khác.
Tình hình xuất - nhập khẩu phân bón
Xuất khẩu
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu gần 1,73 triệu tấn phân bón các loại, tương đương trên 709,91 triệu USD, giá trung bình 411,1 USD/tấn, tăng 11,7% về khối lượng, tăng 9,4% về kim ngạch nhưng giảm nhẹ 2% về giá so với cùng kỳ năm 2023. Riêng tháng 12/2024, xuất khẩu 154.801 tấn phân bón các loại đạt 65,35 triệu USD, giá đạt 422,1 USD/tấn, tăng 18,4% về khối lượng, tăng 21,4% kim ngạch và tăng 2,5% về giá so với tháng 11/2024.
Hình: Cơ cấu thị trường xuất khẩu phân bón Việt Nam năm 2024
![]() |
Nguồn: Tác giả tổng hợp
Phân bón của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Campuchia, riêng thị trường này đã chiếm 34,3% trong tổng khối lượng và chiếm 33,9% tổng kim ngạch xuất khẩu phân bón của cả nước. Sau thị trường Campuchia là Hàn Quốc đạt 220.174 tấn, với hơn 89 triệu USD, giá trung bình 404,9 USD/tấn, tăng mạnh 146,6% về lượng, tăng 154,6% về kim ngạch và tăng 3,2% về giá. Xuất khẩu sang thị trường Philippines đạt 109.381 tấn, tương đương 46,35 triệu USD, giá trung bình 423,8 USD/tấn, tăng 93,3% về lượng, tăng 78,9% kim ngạch nhưng giá giảm 7,4%, chiếm 6,3% trong tổng khối lượng và chiếm 6,5% trong tổng kim ngạch (Hình).
Nhập khẩu
Cũng theo Tổng cục Hải quan, năm 2024, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt trên 5,25 triệu tấn, trị giá trên 1,71 tỷ USD, giá trung bình đạt USD/tấn, tăng 27,2% về lượng, tăng 21% kim ngạch nhưng giảm 4,9% về giá so với năm 2023.
Năm 2024, Trung Quốc vẫn đứng đầu về thị trường cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm 44,9% trong tổng lượng và chiếm 43,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước, đạt trên 2,36 triệu tấn, tương đương 739,65 triệu USD, giá trung bình 313,8 USD/tấn, tăng 15,8% về lượng và tăng 11,6% kim ngạch so với năm 2023 nhưng giảm nhẹ 3,6% về giá. Tiếp đến là thị trường Nga, chiếm 10,4% trong tổng lượng và chiếm 13,3% trong tổng kim ngạch, với 547.705 tấn, tương đương 228,6 triệu USD, giá trung bình 417,4 USD/tấn, tăng 89,7% về lượng, tăng 73% về kim ngạch nhưng giảm 8,8% về giá so với năm 2023. Nhập khẩu phân bón từ thị trường Hàn Quốc đạt 230.346 tấn, tương đương 87,39 triệu USD, giá 379,4 USD/tấn, tăng 72,8% về lượng, tăng 34,2% kim ngạch nhưng giảm 22,3% về giá so với năm 2023, chiếm 4,4% trong tổng lượng và chiếm 5,1% trong tổng kim ngạch nhập khẩu phân bón của cả nước. Nhìn chung, trong năm 2024, nhập khẩu phân bón từ đa số các thị trường tăng so với năm 2023.
Triển vọng của thị trường ngành phân bón Việt Nam
Dự kiến đưa phân bón vào diện chịu thuế giá trị gia tăng 5%
Kỳ vọng chính sách thuế sẽ có nhiều thay đổi để hỗ trợ doanh nghiệp nội địa làm giảm chi phí sản xuất và nâng cao năng lực cạnh tranh đối với các mặt hàng nhập khẩu. Việc áp thuế 5% VAT cho phép các doanh nghiệp trong nước được khấu trừ thuế đầu vào, giảm chi phí sản xuất và cạnh tranh tốt hơn với hàng nhập khẩu.
Bên cạnh đó, nhu cầu phân bón dự kiến sẽ dần phục hồi khi Việt Nam đạt mục tiêu tăng trưởng mạnh cho ngành nông nghiệp, giá phân bón giữ nguyên hoặc có xu hướng giảm sẽ giúp người dân dễ dàng chi trả hơn, từ đó thúc đẩy nhu cầu sử dụng.
Phân bón tăng giá cao nhờ giá lương thực
Ngành phân bón Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng mạnh mẽ nhờ giá lương thực. Việc giá gạo xuất khẩu của Việt Nam duy trì ở mức cao đã tạo ra một hiệu ứng lan tỏa tích cực đến ngành phân bón. Cơ hội này càng được mở rộng nhờ vào tình hình thiếu hụt lương thực tại các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Philippines, Malaysia và Indonesia. Thêm nữa, chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ do ảnh hưởng của El Nino đã đẩy giá gạo toàn cầu lên cao, tạo điều kiện thuận lợi cho gạo Việt Nam thâm nhập thị trường quốc tế. Điều này kéo theo nhu cầu về phân bón trong nước tăng mạnh để đáp ứng sản lượng xuất khẩu ngày càng lớn (VIRAC, 2024).
Nhóm cổ phiếu phân bón Việt Nam trở thành điểm sáng
DCM và DPM là hai mã cổ phiếu phân bón hàng đầu đã tăng mạnh. DPM thậm chí tăng kịch trần và có thanh khoản đột biến. Cả hai cổ phiếu này đều hưởng lợi từ thông tin tích cực về tình hình xuất khẩu của ngành.
Năm 2025, dự báo doanh thu thuần của DCM sẽ tăng trưởng 7% lên mức 14.970 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế dự kiến sẽ đạt 1.618 tỷ đồng, tăng 14,9% so với năm trước (VIRAC, 2024). Việc đánh giá tích cực về triển vọng của DCM càng củng cố niềm tin vào một năm 2025 đầy hứa hẹn, đặc biệt khi chính sách thuế VAT 5% cho phân bón có thể được thông qua, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Trong khi đó, DPM là một trong những cổ phiếu được khuyến nghị mua vào nhờ triển vọng tăng trưởng khả quan. Dự báo, doanh thu thuần của công ty sẽ đạt 14.519 tỷ đồng và 15.289 tỷ đồng trong năm 2024 và 2025, tương ứng với mức tăng trưởng 7% và 5,3%. Lợi nhuận sau thuế cũng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 793 tỷ đồng (tăng 53,2%) và 960 tỷ đồng (tăng 21%) (VIRAC, 2024).
Cơ hội đổi mới phát triển công nghệ sản xuất giúp ngành phân bón hướng tới kinh tế tuần hoàn
Cách mạng công nghiệp 4.0 đang thúc đẩy việc sử dụng phân bón chất lượng cao, giàu dinh dưỡng, tiết kiệm và không gây ô nhiễm môi trường. Nhiều công nghệ mới đã được ra đời và áp dụng trong ngành phân bón như công nghệ nano, tế bào gốc, enzyme, tháp cao, sinh học và phân tử.
Các công nghệ này giúp nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu suất sử dụng dinh dưỡng và giảm tác động đến môi trường. Theo đó, công nghệ mới cho phép tạo ra sản phẩm chất lượng hơn và sử dụng có hiệu quả nhất nguồn khoáng sản nhờ tinh chế quặng apatit, đồng thời không chỉ sản xuất phân bón DAP, mà còn tận dụng nguồn thải làm vật liệu san lấp trong xây dựng.
KHÓ KHĂN VÀ THÁCH THỨC
Ngành phân bón Việt Nam nắm giữ nhiều cơ hội lớn như nhu cầu phân bón, chính sách thuế VAT 5% sẽ được áp dụng từ ngày 01/7/2025 và sự thắt chặt nguồn cung toàn cầu mang lại động lực tăng trưởng mạnh mẽ cho ngành, tuy nhiên cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể:
- Tại Việt Nam, lượng phân bón được sử dụng hàng năm là rất lớn, điều này đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao năng suất nông sản, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, việc lạm dụng phân bón vô cơ đã dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng về môi trường và chất lượng đất, tạo ra những thách thức lớn cho sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp. Sự phụ thuộc vào phân bón vô cơ đã làm gia tăng chi phí sản xuất, gây ra tình trạng thoái hóa đất và ô nhiễm môi trường.
- Các hiện tượng thời tiết cực đoan như El Nino, La Nina và ENSO, có thể ảnh hưởng đến sản lượng nông nghiệp, từ đó tác động đến nhu cầu phân bón, đặc biệt trong ngắn hạn.
- Vấn đề nhận thức của người nông dân về việc sử dụng phân bón hiệu quả và tiết kiệm. Nhiều nông dân hiện vẫn còn thói quen sử dụng phân bón vô cơ quá mức, điều này không chỉ lãng phí tài nguyên mà còn gây hại cho môi trường.
- Áp lực từ thị trường: Sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài có lợi thế về công nghệ và giá thành, đang tạo ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp ngành phân bón trong nước. Thêm vào đó, giá nguyên liệu đầu vào biến động, đặc biệt là giá khí đốt và các loại khoáng chất, ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí sản xuất và lợi nhuận của doanh nghiệp.
- Áp lực do phải chuyển đổi sản xuất theo hướng sản xuất xanh, giảm phát thải khí nhà kính. Giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp nói chung và ngành phân bón nói riêng là nhiệm vụ quan trọng để ứng phó với biến đổi khí hậu.
- Trong quá trình chuyển đổi xanh, các doanh nghiệp phân bón gặp khó khăn về tiếp cận nguồn vốn. Việc đầu tư vào công nghệ mới, nghiên cứu và phát triển sản phẩm mới đòi hỏi một lượng vốn lớn, trong khi đó, các doanh nghiệp lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay từ ngân hàng và các tổ chức tài chính.
KHUYẾN NGHỊ GIẢI PHÁP
Qua nghiên cứu thực trạng, tác giả đưa ra một số khuyến nghị nhằm góp phần giúp ngành phân bón vượt qua thách thức và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới:
Thứ nhất, việc chuyển đổi phân bón vô cơ sang phân bón hữu cơ đang trở thành xu hướng tất yếu toàn cầu, đồng thời là giải pháp quan trọng để cải thiện sức khỏe đất đai, tăng cường sức đề kháng của cây trồng trước những biến động của khí hậu. Để đạt được mục tiêu này, các doanh nghiệp trong ngành cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, ứng dụng công nghệ tiê n tiến và tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế trong quy trình sản xuất phân bón. Sự cân bằng giữa phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ không chỉ giúp cải thiện hiệu quả sản xuất mà còn bảo vệ môi trường và đảm bảo sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp nước nhà.
Thứ hai, ngành phân bón cần phải chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu bằng cách cải thiện chất lượng sản phẩm, từ đó đóng góp vào việc xây dựng một hệ thống canh tác nông nghiệp bền vững, có khả năng chống chịu với các điều kiện khí hậu ngày càng khắc nghiệt.
Thứ ba, triển khai các chương trình tập huấn và tuyên truyền về cách sử dụng phân bón tiết kiệm và cân đối là cần thiết để nâng cao ý thức và kiến thức của người nông dân.
Thứ tư, để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung phân bón nhập khẩu, ngành phân bón cần đẩy mạnh đổi mới, nâng cao năng lực sản xuất trong nước, tăng cường nghiên cứu và phát triển các sản phẩm phân bón có nguồn gốc tự nhiên, thân thiện với môi trường, đồng thời cải tiến công nghệ sản xuất để giảm phát thải, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái. Ngành phân bón cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm và áp dụng công nghệ tiên tiến để cạnh tranh với phân bón nhập khẩu. Việc phát triển phân bón hữu cơ cần được đẩy mạnh hơn nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu của người nông dân và thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, về lâu dài, các doanh nghiệp phân bón cần tiết giảm chi phí, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tối ưu hóa quy trình, giữ vững thị trường cũ và tìm thêm các thị trường xuất khẩu mới. Tiếp tục nghiên cứu các loại phân bón có chất lượng cao, quan tâm đến phát triển bền vững, hóa học xanh trong sản xuất để đáp ứng yêu cầu cạnh tranh của thị trường.
Thứ năm, Nhà nước cần hoàn thiện các chính sách bắt kịp đón đầu xu hướng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, hỗ trợ tốt cho doanh nghiệp phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn và công nghệ mới. Bản thân doanh nghiệp cũng phải chủ động đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển các sản phẩm mới và bền vững, phát triển bền vững theo hướng “xanh hóa”. Cùng với đó, người nông dân cần sử dụng phân bón hợp lý, lựa chọn các sản phẩm chính hãng, an toàn và thân thiện với môi trường để vừa đạt hiệu quả canh tác, vừa bảo vệ tài nguyên đất vì mục tiêu lâu dài./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Diễm My (2024), Ngành phân bón Việt Nam: Cơ hội và thách thức, truy cập từ https://nongnghiephuuco.vn/nganh-phan-bon-viet-nam-co-hoi-va-thach-thuc-2529.html
2. Đức Hiệp (2024), Giúp doanh nghiệp ngành phân bón phát triển theo hướng “xanh hóa”, truy cập từ https://daibieunhandan.vn/giup-doanh-nghiep-nganh-phan-bon-phat-trien-theo-huong-xanh-hoa-post381926.html
3. Mỹ Anh (2025), Xuất khẩu phân bón mang về gần 710 triệu USD trong năm 2024, truy cập từ https://thesaigontimes.vn/xuat-khau-phan-bon-mang-ve-gan-710-trieu-do-la-trong-nam-2024/
4. Kiều Trang (2024), Triển vọng sáng với cổ phiếu phân bón, truy cập từ https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/trien-vong-sang-voi-co-phieu-phan-bon-post351840.html
5. Lê Hồng Nhung (2024), Xuất nhập khẩu phân bón 11 tháng tăng cả lượng và giá, truy cập từ https://mekongasean.vn/xuat-nhap-khau-phan-bon-11-thang-tang-ca-luong-va-gia-36736.html
6. Thu Minh (2024), Giá Ure hồi phục, lợi nhuận nhóm phân bón dự báo tăng mạnh trong năm 2024, cổ phiếu "thơm" trở lại?, truy cập từ https://vneconomy.vn/gia-ure-hoi-phuc-loi-nhuan-nhom-phan-bon-du-bao-tang-manh-trong-nam-2024-co-phieu-thom-tro-lai.htm
7. Tổng cục Hải quan (2024), Tình hình xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2024.
8. Vũ Long (2024), Việt Nam sử dụng phân bón gấp 3 lần thế giới, truy cập từ https://laodong.vn/kinh-doanh/viet-nam-su-dung-phan-bon-gap-3-lan-trung-binh-the-gioi-1374751.ldo
9. Vũ Văn Thức (2024), Báo cáo thị trường phân bón Việt Nam 2024, truy cập từ https://kirincapital.vn/wp-content/uploads/2024/11/BAO-CAO-NGANH-PHAN-BON-2024.pdf
10. VFS (2024), Báo cáo cập nhật ngành phân bón, truy cập từ https://static1.vietstock.vn/edocs/Files/2024/10/07/bao-cao-cap-nhat-nganh-phan-bon_20241007152340.pdf
11. VIRAC (2024), Ngành phân bón Việt Nam quý 3/2024 chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, truy cập từ https://viracresearch.com/nganh-phan-bon-quy-3-2024-phat-trien-manh-me/.
Ngày nhận bài: 05/01/2025; Ngày phản biện: 12/02/2025; Ngày duyệt đăng: 26/02/2025 |
Bình luận