Các yếu tố ảnh hưởng đến thái độ và ý định sử dụng ví điện tử của sinh viên Hà Nội
Nguyễn Thị Mai Anh
Viện Kinh tế và Quản lý - Đại học Bách Khoa Hà Nội
Email: anh.nguyenthimai@hust.edu.vn
Tóm tắt
Ví điện tử dần trở thành một sản phẩm thay thế cho các công cụ thanh toán truyền thống của các ngân hàng và đang chứng minh sức cạnh tranh lớn với các ngân hàng hiện nay. Do đó, việc tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng ví điện tử có ý nghĩa thiết thực với các ngân hàng và các công ty kinh doanh ví điện tử. Nghiên cứu khảo sát 232 sinh viên trên địa bàn Hà Nội, sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện có xét đến các biến về nhân khẩu. Các công cụ phân tích được dùng bao gồm: thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha và phân tích hồi quy đa biến. Kết quả chỉ ra rằng, “Nỗ lực kỳ vọng”, “Hiệu quả kỳ vọng”, “Điều kiện thuận lợi” tác động đáng kể đến ý định sử dụng ví điện tử của sinh viên tại Hà Nội. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để các nhà marketing ra quyết định trong việc lựa chọn chiến lược marketing phù hợp để gia tăng ý định tiếp tục sử dụng hoặc có kế hoạch sử dụng ví điện tử trong tương lai.
Từ khóa: ví điện tử, sinh viên, Hà Nội, thái độ sử dụng, ý định sử dụng
Summary
E-wallet is gradually becoming a replacement payment method for traditional payment tools of banks and is proving to be highly competitive with banking industry today. Therefore, understanding factors impacting the intention of using e-wallets is important to for banks and companies developing E-wallet service. The research conducts a survey among 232 students in Hanoi, employing a convenient sampling approach that takes into account demographic variables. Analytical tools employed include descriptive statistics, reliability testing using Cronbach’s Alpha, and multivariate regression analysis. The findings reveal that "Effort Expectation", "Effectiveness Expectation", "Favorable Conditions" and "Social Influence" all have a positive and significant impact on Attitude to use e-wallets. However, only "Expected effort", "Expected effectiveness", "Favorable conditions" significantly impact the intention to use e-wallets of students in Hanoi. The findings of the study will provide valuable guidance to marketers in choosing appropriate marketing strategies to increase the intention of their customers in using or having plan to use e-wallets in the future.
Keywords: e-wallet, students, Hanoi, attitude to use, intention to use
GIỚI THIỆU
Việc chuyển đổi trao đổi vật lý sang thương mại điện tử, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid-19 đã dẫn đến sự bùng nổ của các hình thức thanh toán điện tử. Theo đó, ví điện tử là một trong những hình thức thanh toán điện tử với loại hình công nghệ cao hơn trong lĩnh vực tài chính (Wulantika và Zein, 2020). Bansal (2020) cho rằng, tiền điện tử và sự xuất hiện của ví điện tử đã tạo nên ảnh hưởng lớn đến các dịch vụ tài chính. Ví điện tử đang đóng vai trò quan trọng trong thương mại hiện đại bằng cách thay thế tiền mặt và ví vật lý thông qua phiên bản số, thông tin cá nhân được lưu trữ bằng thẻ thanh toán trên thiết bị di động, nhưng mang lại nhiều giá trị hữu ích cho người dùng như: tiết kiệm chi phí, giao dịch nhanh, bảo mật, tiện lợi (Kolandaisamy và Subaramaniam, 2020).
Tại Việt Nam, các nghiên cứu về ví điện tử hầu hết còn rời rạc và hiện còn ít các nghiên cứu tìm hiểu các nhân tố có ảnh hưởng đến ý định sử dụng ví điện tử, đặc biệt là đối tượng sinh viên. Đây là những người có xu hướng tiêu thụ mới, sáng tạo và bắt đầu bước vào độ tuổi lao động chính của xã hội, là một phân khúc quan trọng trong khách hàng mục tiêu của nhiều doanh nghiệp và được các nhà làm thị trường chú trọng. Họ là những cá nhân đầy năng động và sáng tạo luôn có xu hướng khám phá các sản phẩm/dịch vụ mới. Với tính cách này, họ đã, đang và có tiềm năng đóng góp rất lớn vào sự phát triển của nền kinh tế hiện đại (Nguyễn Thị Mai Anh và cộng sự, 2024).
Vì vậy, mục tiêu của nghiên cứu là xác định và đánh giá mức độ ảnh hưởng của các yếu tố đến ý định sử dụng dịch vụ ví điện tử của sinh viên tại Hà Nội. Kết quả nghiên cứu sẽ là cơ sở để các nhà marketing ra quyết định trong việc lựa chọn công cụ marketing phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng ví điện tử trong tương lai.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Ví điện tử
Theo Nghị định số 80/2016/NĐ-CP, ngày 01/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ ví điện tử được định nghĩa là “dịch vụ cung cấp cho khách hàng một tài khoản điện tử định danh được tạo ra bởi các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán, sử dụng trên các thiết bị như chip điện tử, sim điện thoại di động, máy tính..., cho phép lưu giữ một giá trị tiền tệ được bảo đảm bằng giá trị tiền gửi tương đương từ tài khoản thanh toán của khách hàng tại ngân hàng vào tài khoản đảm bảo thanh toán của tổ chức cung cấp dịch vụ ví điện tử theo tỷ lệ 1:1”.
Ví điện tử cũng có thể được xem là một hình thức của ngân hàng trực tuyến, khi nó thực hiện một loạt các nhiệm vụ như: thanh toán cho hàng hóa hoặc dịch vụ trực tiếp từ tài khoản ngân hàng, chuyển tiền, cung cấp séc điện tử, tiền điện tử, đặt hàng và thanh toán điện tử. Điều này đồng nghĩa rằng, ví điện tử hoạt động như một công cụ thanh toán của dịch vụ ngân hàng (Uddin và Akhi, 2014).
Thái độ sử dụng
Thái độ là “cảm nhận tích cực hay tiêu cực của một cá nhân về việc thực hiện hành vi mục tiêu” (Davis, 1989). Yang và cộng sự (2021) cho rằng, thái độ đối với sử dụng sản phẩm là cảm giác vui sướng, phấn khởi, hài lòng/không hài lòng, thất vọng hay sự chán ghét của một cá nhân với một hành động cụ thể. Mahran và Enaba (2013) khẳng định, thái độ đối với sản phẩm có tác động trực tiếp đến ý định hành vi và ý định hành vi được cấu thành bởi thái độ của một người.
Ý định sử dụng dịch vụ
Ajzen (1988) định nghĩa, ý định hành vi là khả năng chủ quan của con người trong việc dự định đạt được một mục tiêu cụ thể trong một khoảng thời gian nhất định. Tirtiroglu và Elbeck (2008) mô tả ý định sử dụng như sự sẵn lòng của khách hàng để tận dụng một sản phẩm cụ thể. Ajzen và cộng sự (1975) nhấn mạnh rằng, ý định hành vi là sự đo lường dự định của một cá nhân thực hiện một hành vi cụ thể, hoặc là những cảm xúc tích cực hay tiêu cực liên quan đến hành vi mục tiêu. Nghiên cứu của Pena và cộng sự (2020) chỉ ra rằng, ý định hành vi có ảnh hưởng tích cực đến việc sử dụng công nghệ. Trong nghiên cứu này, ý định sử dụng được hiểu là ý định tiếp tục sử dụng ví điện tử hoặc ý định có kế hoạch sử dụng ví điện tử của sinh viên tại Hà Nội trong tương lai.
Mô hình và giả thuyết nghiên cứu
Venkatesh và cộng sự (2003) đề xuất mô hình lý thuyết về hợp nhất chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT) với sự kết hợp của các yếu tố từ nhiều mô hình khác nhau. Cụ thể, hiệu quả kỳ vọng là sự kết hợp của các yếu tố: cảm nhận về tính hữu ích, động lực bên ngoài, sự phù hợp với công việc, lợi thế tương đối và kết quả kỳ vọng. Nỗ lực kỳ vọng bao gồm cảm nhận về độ phức tạp và độ dễ sử dụng. Ảnh hưởng xã hội được hình thành từ yếu tố chuẩn mực xã hội từ bạn bè, gia đình và đồng nghiệp. Điều kiện thuận lợi bao gồm: cảm nhận về kiểm soát hành vi, điều kiện thuận lợi và tính tương thích.
Trên cơ sở đó, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu và các giả thuyết nghiên cứu tại Hình. Sáu yếu tố được lựa chọn tác động đến ý định (YD) sử dụng ví điện tử gồm: Hiệu quả kỳ vọng (HQ), Nỗ lực kỳ vọng (NL), Ảnh hưởng xã hội (AH), Điều kiện thuận lợi (DK), Nhận thức uy tín (NT) và Thái độ đối với sản phẩm (TD).
Hình: Mô hình nghiên cứu
Nguồn: Tác giả đề xuất |
Hiệu quả kỳ vọng (HQ)
Theo Venkatesh và cộng sự (2003), hiệu quả kỳ vọng được định nghĩa là "mức độ mà một cá nhân tin rằng, việc sử dụng một hệ thống sẽ giúp họ đạt được hiệu suất làm việc tốt hơn". Công nghệ ví điện tử cung cấp cho người dùng một loạt các dịch vụ giao dịch, tạo ra sự thuận tiện hơn đối với họ so với việc phải đến trực tiếp cửa hàng và đợi để thanh toán. Bên cạnh đó, nhiều ưu đãi khác nhau được áp dụng cho người dùng, như: chuyển tiền miễn phí, chiết khấu khi nạp tiền online và các ưu đãi giảm giá khi mua hàng từ các thương hiệu khác nhau, mà lại tiết kiệm chi phí. Việc tận dụng các tiện ích của ví điện tử, như tốc độ và sự thuận tiện, đã giúp người dùng hoàn thành công việc của họ mà không cần phải tiêu tốn nhiều nỗ lực. Với khả năng lưu trữ các giao dịch, người dùng có thể dễ dàng quản lý và theo dõi các chi tiêu của mình. Nghiên cứu dự báo rằng, nếu người dùng nhận ra được các lợi ích mà ví điện tử mang lại, họ sẽ có thái độ tích cực hơn đối với việc sử dụng nó. Nghiên cứu của Giao và cộng sự (2020), Widyanto và cộng sự (2020) đều chứng minh rằng, hiệu quả kỳ vọng có tác động tích cực đến thái độ và ý định sử dụng. Vì vậy, các giả thuyết được đề xuất như sau:
H1-1: Hiệu quả kỳ vọng có tác động tích cực đến Thái độ sử dụng ví điện tử.
H1-2: Hiệu quả kỳ vọng có tác động tích cực đến Ý định sử dụng ví điện tử.
Nỗ lực kỳ vọng (NL)
Nỗ lực kỳ vọng là mức độ mà việc sử dụng một hệ thống được đánh giá là dễ dàng hoặc khó khăn (Venkatesh và cộng sự, 2003). Khi một người mới bắt đầu tiếp xúc và học cách sử dụng một hệ thống, nỗ lực kỳ vọng là mức độ mà họ có khả năng dễ dàng học được cách thao tác với hệ thống đó. Sau khi họ đã nắm được cách sử dụng, họ có thể dễ dàng nhớ và trở nên thành thạo trong việc sử dụng hệ thống. Nghiên cứu cho thấy rằng, khi người dùng cảm thấy việc sử dụng hệ thống dễ dàng, họ sẽ có thái độ tích cực hơn và tăng ý định sử dụng hệ thống. Do đó, các giả thuyết được đề xuất như sau:
H2-1: Nỗ lực kỳ vọng có tác động tích cực đến Thái độ sử dụng ví điện tử.
H2-2: Nỗ lực kỳ vọng có tác động tích cực đến Ý định sử dụng ví điện tử.
Ảnh hưởng xã hội (AH)
Theo mô hình lý thuyết về UTAUT, ảnh hưởng xã hội là mức độ một cá nhân cảm nhận những người quan trọng với họ cho rằng, họ nên sử dụng hệ thống (Venkatesh và cộng sự, 2003). Những nhân tố có khả năng ảnh hưởng đến sự chấp nhận công nghệ của người tiêu dùng bao gồm: thành viên trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và hàng xóm. Sarika và Vasantha (2019), Bagozzi và Dholakia (2002) đề cập thêm, ngoài những đối tượng đó, môi trường và cộng đồng trực tuyến tạo thuận lợi cho thái độ tích cực của người dùng đối với sản phẩm. Chaouali và cộng sự (2016) khẳng định, xã hội ảnh hưởng đến cách tư duy của từng cả thể trong việc quyết định sử dụng một sản phẩm hoặc dịch vụ mới. Các nghiên cứu khác của Jiwasiddi và cộng sự (2019), Yang và cộng sự (2021) cho rằng, ảnh hưởng xã hội có ảnh hưởng đến thái độ sử dụng và ý định sử dụng. Các giả thuyết được đề xuất gồm:
H3-1: Ảnh hưởng xã hội có tác động tích cực đến Thái độ sử dụng ví điện tử.
H3-2: Ảnh hưởng xã hội có tác động tích cực đến Ý định sử dụng ví điện tử.
Điều kiện thuận lợi (DK)
Điều kiện thuận lợi được định nghĩa là mức độ mà một cá nhân tin rằng, họ nhận được sự hỗ trợ từ cơ sở hạ tầng kỹ thuật và tổ chức để sử dụng công nghệ (Venkatesh và cộng sự, 2003). Chawla và Joshi (2020) đề cập đến việc bổ sung đào tạo về sử dụng công nghệ hoặc tính tương thích của công nghệ vào định nghĩa của điều kiện thuận lợi. Các nghiên cứu của Mahran và Enaba (2013), Hossain và cộng sự (2017), Vuong và cộng sự (2020) đều kết luận rằng, điều kiện thuận lợi ảnh hưởng đến cả thái độ sử dụng và ý định sử dụng. Yang và cộng sự (2021) cũng đã chỉ ra rằng, điều kiện thuận lợi ảnh hưởng đến ý định sử dụng ví điện tử. Do đó, các giả thuyết sau được đề xuất:
H4-1: Điều kiện thuận lợi có tác động tích cực đến Thái độ sử dụng ví điện tử.
H4-2: Điều kiện thuận lợi có tác động tích cực đến Ý định sử dụng ví điện tử.
Nhận thức uy tín (NT)
Nhận thức uy tín là mức độ mà một cá nhân tin rằng, việc sử dụng một hệ thống công nghệ được đảm bảo tính đáng tin cậy và an toàn (Vuong và cộng sự, 2020). Một hệ thống công nghệ đáng tin cậy và an toàn, độ bảo mật cao sẽ làm cho người dùng cảm thấy an tâm hơn khi sử dụng. Bên cạnh đó, nhận thức uy tín còn bao gồm việc cung cấp các biện pháp bảo mật tin cậy để ngăn chặn xâm nhập. Ngoài ra, các hình thức hỗ trợ cho người dùng trong việc khôi phục tài khoản sau khi bị xâm nhập cũng là một phần của nhận thức này. Nếu người dùng có thể tin tưởng vào tính bảo mật và biết rằng có biện pháp xử lý khi tài khoản của họ bị đe dọa, họ sẽ có thái độ tích cực hơn và ý định mạnh mẽ hơn trong việc sử dụng hệ thống đó. Nghiên cứu của Vuong và cộng sự (2020) chỉ ra mối quan hệ tích cực giữa nhận thức uy tín đến thái độ và ý định của người dùng đối với việc sử dụng công nghệ. Các giả thuyết được đề xuất như sau:
H5-1: Nhận thức uy tín có tác động tích cực đến Thái độ sử dụng ví điện tử.
H5-2: Nhận thức uy tín có tác động tích cực đến Ý định sử dụng ví điện tử.
Thái độ sử dụng và ý định sử dụng
Rất nhiều nghiên cứu trong nhiều lĩnh vực khác nhau, sản phẩm khác nhau và ở những thời gian khác nhau đều khẳng định, thái độ sử dụng có tác động trực tiếp đến ý định sử dụng (Mahran và Enaba, 2013; Nguyễn Thị Mai Anh và cộng sự, 2024). Vì vậy, tác giả đưa ra giả thuyết:
H6: Thái độ sử dụng có tác động tích cực đến Thái độ sử dụng ví điện tử.
Phương pháp nghiên cứu
Thu thập dữ liệu
Theo Nguyễn Đình Thọ (2011), số biến tối thiểu cần gấp 5 lần số lượng biến độc lập. Trong nghiên cứu này, số lượng biến độc lập là 28 biến và như vậy số mẫu tối thiểu cần có là 140. Để đạt được mục tiêu nghiên cứu, tác giả đã tiến hành thu thập được ý kiến của 232 (lớn hơn nhiều so với số lượng mẫu tối thiểu) sinh viên tại Hà Nội từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024. Tác giả sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện có xét đến giới tính, trường, chuyên ngành, tình hình làm thêm, thu nhập và tần suất sử dụng ví điện tử. Phiếu điều tra được thiết kế sử dụng các câu hỏi thang đồng ý 5 cấp độ, trong đó 1 là hoàn toàn phản đối, 2 là phản đối, 3 là không đồng ý, không phản đối, 4 là đồng ý và 5 là hoàn toàn đồng ý.
Tỷ lệ người trả lời là nữ chiếm 54,3%, trong khi tỷ lệ người trả lời là nam giới chiếu 45,7%. Tỷ lệ sinh viên năm thứ 2 chiếm 38,4%, sinh viên năm thứ nhất chiếm 18,5%, sinh viên năm thứ tư chiếm 17,2%, sinh viên năm ba và năm thứ năm chiếm lần lượt 14,7% và 11,2%. Tỷ lệ sinh viên theo học ngành kinh tế là 40,9%, tiếp đến là ngành kỹ thuật chiếm 12,9%, sinh viên ngành luật chiếu 13,4%, sinh viên ngành ngôn ngữ học chiếm 12,1% và sinh viên các ngành khác chiếm 20,6%. Trong số các sinh viên tham gia trả lời bảng hỏi, 50,4% sinh viên hiện tại đang đi làm thêm và 49,6% sinh viên không làm thêm, vì vậy 49,6% sinh viên không có thu nhập ngoài từ việc làm thêm. Tỷ lệ sinh viên có mức thu nhập nhỏ hơn 3 triệu chiếm 16,4%, thu nhập từ 3-5 triệu chiếm 12,9%, từ 5-9 triệu chiếm 13,5% và lớn hơn 9 triệu chiếm 8,6%. Tỷ lệ sinh viên sử dụng ví điện tử 1 lần/tuần chiến 18,1%, từ 2-10 lần/tuần chiếm 32,3% và lớn hơn 10 lần/tuần chiếu 49,6%. Giá trị của mỗi lần sử dụng ví điện tử nhỏ hơn 100.000 đồng chiếm tỷ lệ cao nhất là 35,3%, tiếp đến là từ 100-500 nghin đồng với tỷ lệ 33,6%, trong khi có tới 31,1% sinh viên tiêu dùng với mức lớn hơn 500.000 đồng/lần.
Xử lý dữ liệu
Để phân tích các dữ liệu thu thập được, tác giả đã sử dụng phần mềm phân tích dữ liệu thống kê SPSS phiên bản 26. Các kỹ thuật phân tích cụ thể được sử dụng bao gồm: thống kê mô tả, kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha cùng phân tích hồi quy đa biến. Trong đó, thống kê mô tả được sử dụng để phân tích mẫu (tần suất) và phân tích đánh giá của người tiêu dùng trẻ Hà Nội đối với các nhân tố liên quan đến người nổi tiếng tác động đến ý định mua của họ. Các giá trị được tính toán trong phân tích mô tả bao gồm: giá trị trung bình, độ lệch chuẩn và tần suất cũng như tỷ lệ phần trăm. Kiểm định độ tin cậy thang đo Cronbach’s Alpha được sử dụng để đánh giá mức độ đồng nhất của các câu hỏi trong các thang đo, giúp xác định độ tin cậy của các thang đo đo lường đối với các khái niệm nghiên cứu. Phân tích hồi quy đa biến được sử dụng để xác định mối quan hệ cùng lúc giữa các biến độc lập và biến phụ thuộc trong mô hình.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
Phân tích độ tin cậy thang đo
Giá trị của hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,7, thì thang đo được đánh giá là phù hợp và đáng tin cậy để dùng cho nghiên cứu (Nguyễn Đình Thọ, 2011). Dữ liệu thu thập được cho thấy, giá trị hệ số Cronbach’s Alpha của tất cả 7 khái niệm nghiên cứu trong bài nghiên cứu dao động thấp nhất từ 0,768 (Ảnh hưởng xã hội) đến 0,882 (Nhận thức uy tín) và tất cả đều lớn hơn 0,7 (Bảng 1), điều này khẳng định thang đo dùng trong nghiên cứu là tốt và đáng tin cậy.
Bảng 1: Độ tin cậy của các khái niệm nghiên cứu - Cronbach’s Alpha
Khái niệm nghiên cứu | Cronbach’s Alpha | Số lượng biến |
Hiệu quả kỳ vọng (HQ) | 0,852 | 5 |
Nỗ lực kỳ vọng (NL) | 0,862 | 5 |
Ảnh hưởng xã hội (AH) | 0,768 | 3 |
Điều kiện thuận lợi (DK) | 0,785 | 3 |
Nhận thức uy tín (NT) | 0,882 | 5 |
Thái độ sử dụng (TD) | 0,837 | 3 |
Ý định sử dung (YD) | 0.841 | 3 |
Nguồn: Kết quả điều tra và xử lý của tác giả
Phân tích hồi quy
Các yếu tố ảnh hưởng đến thái độ sử dụng ví điện tử của sinh viên tại Hà Nội
Để đánh giá mối quan hệ giữa các yếu tố ảnh hưởng đến Thái độ sử dụng của sinh viên tại Hà Nội, tác giả đã tiến hành phân tích hồi quy đa biến giữa 5 yếu tố ảnh hưởng. Kết quả được trình bày trong Bảng 2.
Giá trị R = 0,833 cho thấy, mô hình đề xuất hoàn toàn phù hợp với dữ liệu thu thập. R2 hiệu chỉnh = 0,688, điều này có nghĩa là 5 yếu tố đưa vào mô hình giải thích được 68,8% sự biến thiên của Thái độ sử dụng. Giá trị F = 102,78 và Sig., = 0,000 chỉ ra rằng, sự kết hợp của các yếu tố ảnh hưởng này giải thích tốt được sự thay đổi của Thái độ sử dụng và mô hình hồi quy tổng thể là ý nghĩa.
Trong số 5 yếu tố đề xuất, có 4 yếu tố có ảnh hưởng đáng kể đến Thái độ sử dụng. Đó là Nỗ lực kỳ vọng (Sig. = 0,001); Hiệu quả kỳ vọng (Sig. = 0,004); Điều kiện thuận lợi (Sig. = 0,001) và Ảnh hưởng xã hội (Sig. = 0,007). Yếu tố Nhận thức uy tín có Sig. = 0,123 > 0,05 nên không tác động đáng kể đến Thái độ sử dụng ví điện tử của sinh viên tại Hà Nội. Vậy các giả thuyết được chấp nhận gồm: H1-1, H2-1, H3-1, H4-1. Giả thuyết H5-1 bị bác bỏ.
Phương trình dưới đây thể hiện các yếu tố ảnh hưởng đến Thái độ sử dụng ví điện tử của sinh viên tại Hà Nội:
TD =0,260+0,258NL + 0,225HQ+0,224DK+ 0,167AH + ε
Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng ví điện tử của sinh viên Hà Nội
Để đánh giá mối quan hệ giữa các yếu tố ảnh hưởng đến Ý định sử dụng ví điện tử của sinh viên tại Hà Nội, tác giả tiến hành phân tích hồi quy đa biến giữa 5 yếu tố ảnh hưởng. Kết quả Bảng 3 cho thấy, giá trị R = 0,815, chứng tỏ mô hình đề xuất hoàn toàn phù hợp với dữ liệu thu thập. R2 hiệu chỉnh = 0,657, điều này có nghĩa là 5 yếu tố đưa vào mô hình giải thích được 65,7% sự biến thiên của Ý định sử dụng. Giá trị F = 89,355 và Sig. = 0,000 chỉ ra rằng, sự kết hợp của các yếu tố ảnh hưởng này giải thích tốt được sự thay đổi của Thái độ sử dụng và mô hình hồi quy tổng thể là ý nghĩa.
Trong số 5 yếu tố đề xuất, thì có 3 yếu tố có ảnh hưởng đáng kể đến Ý định sử dụng. Đó là Hiệu quả kỳ vọng (Sig. = 0,000), Điều kiện thuận lợi (Sig. = 0,000) và Nỗ lực kỳ vọng (Sig. = 0,005). 2 yếu tố: Ảnh hưởng xã hội và Nhận thức uy tín có Sig. > 0,05 nên không có tác động đáng kể đến Ý định sử dụng ví điện tử của sinh viên tại Hà Nội. Vậy các giải thuyết được chấp nhận gồm: H1-2, H2-2, H4-2. Giả thuyết H3-2 và H5-2 bị bác bỏ.
Phương trình thể hiện các yếu tố ảnh hưởng đến Ý định sử dụng ví điện tử của sinh viên tại Hà Nội như sau:
YD =0,350+0,290HQ + 0,290DK+0,235NL+ ε
Bảng 2: Kết quả hồi quy đa và đơn biến
Biến phụ thuộc | Biến độc lập | Hệ số chưa chuẩn hóa | Hệ số chuẩn hóa | t | Sig. | |
B | Sai số chuẩn | Beta | ||||
Thái độ sử dụng (TD) | Biến phụ thuộc: Thái độ sử dụng - TD Biến độc lập: Hiệu quả kỳ vọng (HQ), Nỗ lực kỳ vọng (NL), Ảnh hưởng xã hội (AH), Điều kiện thuận lợi (DK), Nhận thức uy tín (NT) | |||||
(Tham số/Constant) | 0,260 | 0,170 |
| 1,534 | 0,127 | |
Hiệu quả (HQ) | 0,225 | 0,077 | 0,211 | 2,908 | 0,004 | |
Nỗ lực (NL) | 0,258 | 0,079 | 0,241 | 3,263 | 0,001 | |
Ảnh hưởng (AH) | 0,167 | 0,061 | 0,159 | 2,740 | 0,007 | |
Điều kiện (DK) | 0,224 | 0,068 | 0,223 | 3,298 | 0,001 | |
Nhận thức (NT) | 0,100 | 0,064 | 0,095 | 1,548 | 0,123 | |
R = 0,833; R2 = 0,695; R2 điều chỉnh = 0,688; F= 102,777; Sig.= 0,000 | ||||||
Ý định sử dụng (YD) | Biến phụ thuộc: Ý định sử dụng - YD Biến độc lập: Hiệu quả kỳ vọng (HQ), Nỗ lực kỳ vọng (NL), Ảnh hưởng xã hội (AH), Điều kiện thuận lợi (DK), Nhận thức uy tín (NT) | |||||
(Tham số/Constant) | 0,350 | 0,177 |
| 1,979 | 0,049 | |
Hiệu quả (HQ) | 0,290 | 0,081 | 0,273 | 3,588 | 0,000 | |
Nỗ lực (NL) | 0,235 | 0,083 | 0,220 | 2,842 | 0,005 | |
Ảnh hưởng (AH) | 0,027 | 0,064 | 0,026 | 0,428 | 0,669 | |
Điều kiện (DK) | 0,290 | 0,071 | 0,290 | 4,095 | 0,000 | |
Nhận thức (NT) | 0,085 | 0,067 | 0,082 | 1,272 | 0,205 | |
R = 0,815; R2 = 0,664; R2 điều chỉnh = 0,657; F= 89,355; Sig.= 0,000 | ||||||
Ý định sử dụng (YD) | Biến phụ thuộc: Ý định sử dụng - YD Biến độc lập: Thái độ sử dụng (TD) | |||||
(Tham số/Constant) | 0,661 | 0,153 |
| 4,304 | 0,000 | |
Thái độ sử dụng (TD) | 0,821 | 0,039 | 0,813 | 21,199 | 0,000 | |
R = 0,813; R2 = 0,661; R2 điều chỉnh = 0,570; F= 449,409; Sig.= 0,000 |
Nguồn: Kết quả điều tra và xử lý của tác giả
Ảnh hưởng của Thái độ sử dụng đến Ý định sử dụng ví điện tử của sinh viên Hà Nội
Để đánh giá tác động của Thái độ sử dụng đến Ý định sử dụng, tác giả đã tiến hành chạy hồi quy đơn biến và kết quả được trình bày trong Bảng 2.
Giá trị R = 0,813 cho thấy, mô hình đề xuất hoàn toàn phù hợp với dữ liệu thu thập. R2 hiệu chỉnh = 0,570, điều này có nghĩa là Thái độ sử dụng ví điện tử giải thích được 57,0% sự biến thiên của Ý định sử dụng ví điện tử. Giá trị F = 449,409 và mức ý nghĩa p = 0,000 chỉ ra rằng, Thái độ sử dụng giải thích tốt sự thay đổi của Ý định sử dụng và mô hình hồi quy tổng thể là là ý nghĩa. Hệ số Beta của Thái độ sử dụng là 0,821 và Sig. = 0,000, điều đó có nghĩa là Thái độ sử dụng có tác động đáng kể đến Ý định sử dụng và giả thuyết H6 được chứng minh.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 4 yếu tố tác động tích cực đến Thái độ sử dụng ví điện tử của sinh viên tại Hà Nội, trong đó tác động mạnh nhất là Nỗ lực kỳ vọng, sau đó đến Hiệu quả kỳ vọng, Điều kiện thuận lợi. Yếu tố Ảnh hưởng xã hội có tác động thấp nhất. Trong khi đó, Ý định sử dụng ví điện tử của sinh viên tại Hà Nội chỉ chịu tác động đáng kể từ 3 yếu tố: Hiệu quả kỳ vọng, Điều kiện thuận lợi, Nỗ lực kỳ vọng. Ngoài ra, Thái độ sử dụng có ảnh hưởng tích cực đến Ý định sử dụng ví điện tử của sinh viên Hà Nội.
Từ kết quả trên, để nâng cao ý định sử dụng ví điện tử của sinh viên tại Hà Nội, nhà quản trị marketing cần:
Thứ nhất, cải thiện hiệu quả kỳ vọng thông qua việc tối ưu hóa giao diện với người dùng. Đảm bảo ứng dụng ví điện tử dễ sử dụng, thân thiện với người dùng và có thể truy cập trên nhiều thiết bị khác nhau. Tăng cường các tính năng như: thanh toán nhanh chóng, lưu trữ thông tin thanh toán an toàn và khả năng quản lý tài chính cá nhân. Liên tục thu thập phản hồi từ người dùng và sử dụng dữ liệu này để cải thiện hiệu suất và hiệu quả của ví điện tử.
Thứ hai, tăng cường nỗ lực kỳ vọng. Cụ thể, các nhà quản trị cần cung cấp các video hướng dẫn, bài viết và dịch vụ hỗ trợ trực tuyến để giúp người dùng dễ dàng học cách sử dụng ví điện tử. Cân nhắc việc áp dụng các công cụ marketing cần thiết để củng cố thêm sự hiểu biết và nhận thức của khách hàng về những tiện ích của ví điện tử.
Thứ ba, phát triển các điều kiện thuận lợi. Các nhà cung cấp cần đầu tư vào hạ tầng công nghệ để đảm bảo hạ tầng công nghệ của ví điện tử hoạt động ổn định, không bị gián đoạn và có khả năng xử lý lượng giao dịch lớn. Tạo mối quan hệ đối tác với các ngân hàng, doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ để mở rộng mạng lưới sử dụng và tăng tính tiện lợi cho người dùng.
Thứ tư, khuyến khích ảnh hưởng xã hội. Các nhà cung cấp cần chạy các chiến dịch marketing sáng tạo. Sử dụng các kênh truyền thông xã hội, influencer marketing và chương trình khuyến mãi để tăng nhận diện thương hiệu và khuyến khích người dùng mới tham gia. Ngoài ra, cung cấp các chương trình thưởng cho người dùng hiện tại khi họ giới thiệu ví điện tử cho bạn bè và người thân./.
Tài liệu tham khảo
1. Ajzen, I. (1988), Attitudes, Personality, and Behaviour, UK: McGraw-Hill Education.
2. Ajzen, I., Fishbein, M., Hill, R. J. (1975), Belief, Attitude, Intention and Behavior: An Introduction to Theory and Research, Reading, MA: Addison-Wesley.
3. Alaeddin, O., Rana, A., Zaimudin, Z., Kamarudin, F. (2018), From physical to digital: Investigating consumer behaviour of switching to mobile wallet, Polish Journal of Management Studies, 17(2), 18-30.
4. Bansal, N. (2020), E-wallets and Digitization, retrieved from https://www.researchgate.net/publication/3414 52663_E-wallets_and_Digitization.
5. Bagozzi, R. P., Dholakia, U. M. (2002), Intentional social action in virtual communities, Journal of Interactive Marketing, 16(2), 2-21.
6. Chaouali, W., Yahia, I. B., Souiden, N. (2016), The interplay of counter-conformity motivation, social influence, and trust in customers' intention to adopt Internet banking services: The case of an emerging country, Journal of Retailing and Consumer Services, 28(1), 209-218.
7. Chawla, D., Joshi, H. (2020), Role of Mediator in Examining the Influence of Antecedents of Mobile Wallet Adoption on Attitude and Intention, Global Business Review, 22(2), 1-17.
8. Chính phủ (2016), Nghị định số 80/2016/NĐ-CP, ngày 01/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 101/2012/NĐ-CP, ngày 22/11/2012 của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt.
9. Davis, F. D. (1989), Perceived usefulness, perceived ease of use, and user acceptance of information technology, MIS Quarterly, 13(3), 319-340.
10. Hossain, M. A., Hasan, M. I., Chan, C., Ahmed, J. U. (2017), Predicting user acceptance and continuance behaviour towards location‐based services: The moderating effect of facilitating conditions on behavioural intention and actual use, Australian Journal of Information Systems, 21(6), 1-22.
11. Jiwasiddi, A., Adhikara, C., Adam, M., Triana, I. (2019), Attitude toward using fintech among Millennials, Paper presented at the Conference: Proceedings of the 1st Workshop Multimedia Education, Learning, Assessment and its Implementation in Game and Gamification, Medan Indonesia, 26th.
12. Kolandaisamy, R., Subaramaniam, K. (2020), The impact of e-wallets for current generation, Journal of Advanced Research in Dynamical and Control Systems, 12(1), 751-759.
13. Mahran, A., Enaba, H. (2013), Exploring determinants influencing the intention to use mobile payment service, International Journal of Customer Relationship Marketing and Management, 2(4), 17-37.
14. Nguyễn Đình Thọ (2011), Phương pháp nghiên cứu trong kinh doanh, Nxb Lao động Xã hội.
15. Nguyễn Thị Mai Anh và Nguyễn Thị Phương Dung (2024), Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định mua thực phẩm hữu cơ của người tiêu dùng trẻ Hà Nội, Tạp chí Kinh tế và Phát triển, 322, 92-100.
16. Pena García, N., Gil-Saura, I., Rodríguez-Orejuela, A., Siqueira-Junior, J.R. (2020), Dataset Purchase Intention and Purchase Behavior Online: A Cross-Cultural Approach, Heliyon, 6.
17. Sarika, P., Vasantha, S. (2019), Impact of mobile wallets on cashless transaction, International Journal of Recent Technology, 7(6), 1164-1171.
18. Tirtiroglu, E., Elbeck, M. (2008), Qualifying purchase intentions using queueing theory, Journal of applied quantitative methods, 3(2), 167-178.
19. Uddin, M. S., Akhi, A. Y. (2014), E-wallet system for Bangladesh an electronic payment system, International Journal of Modeling and Optimization, 4(3), 216-219.
20. Venkatesh, V., Morris, M. G., Davis, G. B., Davis, F. D. (2003), User acceptance of information technology: Toward a unified view, MIS Quarterly, 27(3), 425-478
21. Vuong, B. N., Giao, H. N. K. (2020), The impact of perceived brand globalness on consumers’ purchase intention and the moderating role of consumer ethnocentrism: An evidence from Vietnam, Journal of International Consumer Marketing, 32(1), 47-68.
22. Widyanto, H. A., Kusumawardani, K., Septyawanda, A. (2020), Encouraging behavioral intention to use mobile payment: An extension of UTAUT2, Jurnal Muara Ilmu Ekonomi dan Bisnis, 4(1), 87-97.
23. Wulantika, L., Zein, S. R. (2020), E-wallet effects on community behavior, Institute of Physics Conference, 879(1), 1-7.
24. Yang, M., Mamun, A. A., Mohiuddin, M., Nawi, N. C., Zainol, N. R. (2021), Cashless transactions: A study on intention and adoption of e-wallets, Sustainability, 13(2), 1-18.
Ngày nhận bài: 02/5/2024; Ngày phản biện: 02/6/2024; Ngày duyệt đăng: 25/6/2024 |
Bình luận