Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), trung bình trong 5 năm qua có khoảng 170 triệu tấn đường được sản xuất mỗi năm. Tiêu thụ mía đường toàn cầu niên vụ 2015/16 dự báo đạt mức kỷ lục 173,4 triệu tấn (giá trị thô), cân bằng với sản lượng với dự báo giảm trong năm thứ 3 liên tiếp, ước đạt 173.405.000 tấn (giảm so với mức 174.308.000 tấn ở niên vụ 2014/15). Sản lượng mía đường năm tới ước giảm 900.000 tấn do mức giảm sản lượng tại EU, Ấn Độ và Ucraina nhiều hơn so với mức tăng sản lượng tại Thái Lan, Pakistan, Brazil và Nga.

Nhóm 5 nước sản xuất mía đường hàng đầu thế giới từ năm 2012 bao gồm Brazil, Ấn Độ, EU, Trung Quốc và Thái Lan. Mỹ là nước sản xuất mía đường lớn thứ 6 thế giới. Brazil hiện nay là nước xuất khẩu mía đường lớn nhất thế giới. Do thị trường mía đường toàn cầu rất lớn, thị trường đường tương lai cũng phát triển đáng kể trong thời gian qua.

Hợp đồng Đường số 11 (SB) trên sàn ICE - Nguồn: Barchart

Hợp đồng Đường số 11 là hợp đồng chuẩn thế giới cho giao dịch đường thô. Hợp đồng đường tương lai được giao dịch trên sàn ICE (mã SB) và sàn NYMEX (mã YO). Phân tích dưới đây nêu bật những yếu tố hàng đầu tác động đến xu hướng giá mía đường trên thế giới.

Tồn kho mía đường toàn cầu

Thị trường mía đường thế giới bắt đầu xu thế giảm giá kể từ cuối năm 2011. Xu thế giảm giá này là kết quả của tình trạng dư thừa nguồn cung mía đường thế giới. Do đó, nhìn chung sản lượng mía đường toàn cầu tăng lên thường khiến giá mía đường giảm do cung vượt cầu hoặc ngược lại.

Chẳng hạn, Tổ chức Mía đường Quốc tế (ISO) báo cáo vào ngày 26/8/2014 đà phục hồi của thị trường mía đường không thể xảy ra do dư cung trong thị trường mía đường vẫn lớn, dù hạ dự báo dư cung sản lượng mía đường niên vụ 2014/15 xuống 3,99 triệu tấn.

Vấn đề đặt ra ở đây là để đạt được lợi nhuận từ giá mía đường, quan trọng là cần theo dõi xu thế sản lượng mía đường toàn cầu vì đây là yếu tố tác động lớn nhất về ngắn hạn và dài hạn đối với giá mía đường.

Triển vọng tiêu thụ

Triển vọng tiêu thụ đường toàn cầu là một thông số tác động lớn tới giá mía đường. Nếu triển vọng tiêu thụ mía đường trở nên tích cực thì sẽ có cơ hội giá mía đường tăng lên hoặc ngược lại.

Tuy nhiên, vì một số lý do, không thể chắc chắn rằng sức tiêu thụ mía đường sẽ dẫn đến đà tăng giá đáng kể ở tương lai gần.

Ảnh hưởng tình hình Brazil và Trung Quốc

Các thông tin từ Brazil và Trung Quốc có ảnh hưởng nhất định đến thị trường mía đường do Brazil là nước sản xuất mía đường lớn nhất thế giới và Trung Quốc là nước sản xuất mía đường lớn thứ ba thế giới. Thực tế, Trung Quốc có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và có dân số đông nhất thế giới.

Nhà đầu tư sẽ theo dõi các thông tin liên quan như quy định của chính phủ, diễn biến kinh tế - xã hội, các đợt khủng hoảng nếu có, các thông tin thời tiết, mùa vụ... tại các nước này để xem có tác động như thế nào đến sản xuất mía đường.

Lấy ví dụ, Barrons báo cáo ngày 09/8/2014 giá mía đường có thể tăng do hạn hán chưa từng thấy tại Brazil vào đầu năm. Kỳ vọng hạn hán có thể ảnh hưởng xấu đến sản lượng mía đường, từ đó có thể làm giảm tồn kho mía đường toàn cầu đang có khuynh hướng gia tăng.

Mặc dù là nước trồng mía nhiều hàng đầu thế giới nhưng Trung Quốc cũng là nước nhập khẩu đường lớn nên các thông tin về nhập khẩu đường vào Trung Quốc tác động mạnh tới giá mía đường.

Trong tháng 9/2015, Trung Quốc nhập 656.000 tấn đường, mức kỷ lục cao nhất kể từ năm 2013, tăng 80% và tính chung cho cả 9 tháng đầu năm 2015, mức tăng đạt bình quân 55%. Sở dĩ mức nhập khẩu tăng là do giá mía cao gây sức ép đến các nhà máy sản xuất đường. Thực tế, giá đường trong nước Trung Quốc tăng gấp đôi so với giá thị trường thế giới nên khuyến khích nhập khẩu.

Việc nhập khẩu đường vào Trung Quốc hiện đang được quản lý rất chặt, không phải tất cả lượng đường nhập khẩu được đưa ra thẳng ngoài thị trường.

Theo dự báo của Ngân hàng Commerzbank, sản lượng đường của Trung Quốc niên vụ 2015/16 dự kiến vẫn tiếp tục giảm, ước đạt khoảng 9,5 - 10,5 triệu tấn.

Lạm phát

Mía đường về lịch sử cho thấy mối tương quan đáng kể đối với tỷ lệ lạm phát. Do vậy mía đường được xem là công cụ phòng ngừa lạm phát. Biểu đồ dưới đây cho thấy dịch chuyển của giá mía đường nhìn chung tương quan đối với tỷ lệ lạm phát tại Mỹ.

Điều này có nghĩa trong môi trường lạm phát, có thể kỳ vọng giá mía đường dao động tốt hơn so với các thị trường hàng hóa nông nghiệp khác.

Tuy nhiên, cần chú ý rằng không có mối quan hệ 1:1 giữa tỷ lệ lạm phát và giá mía đường. Nói cách khác, chắc chắn có sự chênh lệch vào những thời điểm nhất định.

Thời tiết

Đường, hầu như được sản xuất từ cây mía cho nên thị trường này rất nhạy cảm với yếu tố thời tiết. Cần có điều kiện khí hậu không có sương giá với đủ lượng mưa trong mùa trồng mía. Do đó, bất kỳ điều kiện thời tiết khác thường làm cản trở sản xuất mía đường thì sẽ khiến giá mía đường tăng lên.

Trong quá khứ, các đợt hạn hán nghiêm trọng tại Brazil được xem là yếu tố ảnh hưởng lớn đến sản lượng mía đường, do đó giá mía đường thường tăng mạnh.

Do đó, người tham gia thị trường mía đường cần theo dõi triển vọng thời tiết tại các nước sản xuất mía đường lớn trên thế giới, từ đó ước đoán mức độ sản lượng mía đường năm tới.

Ảnh hưởng giá ethanol

Ảnh hưởng của giá ethanol lên thị trường mía đường hiện nay không lớn. Tuy nhiên khi nhu cầu dùng ethanol sạch tăng lên thì giá mía đường có thể tăng vì lý do các phụ phẩm mía đường được sử dụng để tạo ra ethanol.

Hơn nữa, ngày càng có mối liên hệ giữa giá dầu và giá mía đường. Khi giá dầu tăng, triển vọng nhu cầu sử dụng nhiên liệu thay thế như ethanol trở nên lạc quan hơn, từ đó thúc đẩy giá ethanol tăng lên. Do mía đường được sử dụng trong ngành công nghiệp sản xuất ethanol cho nên giá mía đường trở nên nhạy cảm với các yếu tố thúc đẩy giá dầu.

Các quy định về y tế

Đây là một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn đối với sức tiêu thụ mía đường toàn cầu.

Các nhà nghiên cứu xác định rằng tiêu thụ mía đường có liên quan đến bệnh tiểu đường, béo phì và sâu răng. Do đó, các chính phủ trên toàn thế giới cố gắng giải quyết những vấn đề sức khỏe cộng đồng, từ đó có thể dẫn đến các quy định bỏ sử dụng mía đường hoặc tăng cường sử dụng các chất làm ngọt thay thế nên có thể làm sức tiêu thụ mía đường giảm./.