Theo chân các “thổ địa” của Đà Lạt, chúng tôi đến thăm một số vườn dâu tây nổi tiếng nơi đây. Mỗi vườn dâu mang một vẻ, nhưng đều có đặc điểm chung là khiến du khách không khỏi say mê khi tham quan và quyến luyến không muốn rời đi.

Thời gian gần đây, giới trẻ Đà Lạt rộ lên phong trào tham quan du lịch tại các vườn dâu tây. Chiều lòng du khách cũng như kịp thời nắm bắt nhu cầu giới trẻ, vườn dâu tây New Zealand - DL nature’s của anh Phan Tuấn Linh ở Phường 11, TP. Đà Lạt mở cửa tới 20h để chào đón du khách đến tham quan, trải nghiệm và thưởng thức trà dưới khung cảnh thơ mộng của xứ lạnh mù sương này.


Cổng chính vào DL Nature’s

Đi vào hoạt động từ ngày 20/11/2015, hàng ngày vườn dâu tây DL Nature’s đón hàng chục lượt khách tới tham quan, chụp hình lưu niệm và thưởng thức dâu tây, uống trà Atiso. Đợt cao điểm của mùa du lịch có đến hàng trăm lượt khách mỗi ngày.


Khách tham quan tại vườn dâu

Để phục vụ du khách, DL Nature’s cũng mở cửa hàng bán các đặc sản của Đà Lạt, ngoài các sản phẩm về trà thì có gần 300 loại đặc sản được bày bán tại đây.


Anh Phúc( Quản lý của DL Nature’s) giới thiệu về đặc sản Đà Lạt

Nếu có nhu cầu mua dâu tây tươi, du khách có thể tự do lựa chọn những trái ưng ý để hái và mua về với giá từ 250.000 đồng/kg


Khách tới tham quan và hái dâu tại vườn

Vườn dâu tây DL Nature’s rộng hơn 1000 m2, đây là nơi du khách có thể tham quan mô hình trồng dâu sạch công nghệ cao. Để đủ lượng dâu tây cung cấp cho khách hàng, DL Nature’s cũng có trang trại khác với diện tích 4000m2 tại Phường 11, Tp.Đà Lạt.


Lối vào vườn dâu được trồng rất nhiều hoa

Ban đêm, giới trẻ thích thú với trải nghiệm tại vườn dâu tây đầy lạ lẫm. Khói sương bảng lảng dưới ánh đèn rực rỡ được trang bị khắp vườn khiến bạn trẻ say sưa chụp ảnh lưu niệm.


Giới trẻ thích thú với trải nghiệm tại vườn dâu tây đầy lạ lẫm (Nguồn: Internet)

Dâu tây có tên khoa học là Fragaria còn được gọi là dâu đất vì có nguồn gốc từ nước ngoài nên người ta gọi đơn giản là dâu tây. Ngày trước, người trồng dâu tây ở Đà Lạt hầu như đều trồng dâu theo luống dưới đất như đậu, rau nhưng ngày nay, áp dụng các phương pháp mới người dân trồng dâu trên giàn cách mặt đất cả mét và được gọi là vườn dâu treo trồng theo phương pháp thủy canh. Phương pháp này đã làm cho dâu tây Đà Lạt thêm chất lượng, tăng sản lượng và tránh được khá nhiều bệnh, phá hại của chuột so với trồng luống.

Từ điều kiện thổ nhưỡng khí hậu khá phù hợp cho dâu tây phát triển, nghề trồng dâu tây ở phố núi từ lâu đã trở thành một trong những công việc chính bên cạnh việc canh tác rau củ, cây trái khác. Nói về dâu tây dường như người Đà Lạt sẽ có rất nhiều câu chuyện để kể từ việc canh tác đến các món ăn thức uống chế biến từ dâu. Xứ lạnh Đà Lạt có khí hậu khá đặc biệt nên người Pháp ngày xưa đã đưa khá nhiều giống cây trồng phù hợp vào trồng, không chỉ có dâu mà còn có sú kẹp nách hay củ phê nôn…