Cần có giải pháp nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về quy hoạch trên địa bàn Hà Nội
Tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 26, hôm nay (ngày 20/9), Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).
Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi), nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đặt ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, chất lượng |
Theo ông Tùng, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã thể hiện tương đối đầy đủ, toàn diện 9 nhóm chính sách mà Chính phủ trình Quốc hội khi lập đề nghị xây dựng Luật. Dự thảo Luật có nhiều nội dung mang tính đột phá, đặc thù, nhiều nội dung thể hiện sự kế thừa, bổ sung và phát triển hơn so với Luật Thủ đô hiện hành mà qua tổng kết thực tiễn thấy rằng vẫn tiếp tục phát huy giá trị.
Về quy hoạch và quản lý đô thị, cơ bản tán thành với các quy định như dự thảo Luật, tuy nhiên để bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định khác của pháp luật có liên quan, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý một số nội dung như: cần có các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về quy hoạch trên địa bàn; bổ sung quy định về nguồn vốn lập quy hoạch và việc lựa chọn đơn vị tư vấn trong công tác lập quy hoạch; cụ thể hóa nguyên tắc quản lý và sử dụng không gian ngầm phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, gắn với công tác phòng thủ dân sự...
Liên quan đến tổ chức chính quyền tại Thủ đô, ông Tùng cho rằng, việc củng cố, nâng cao năng lực của HĐND thành phố Hà Nội thông qua việc tăng số lượng đại biểu HĐND Thành phố, tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách và tăng số Phó Chủ tịch HĐND Thành phố là cần thiết, bảo đảm khả năng đảm đương thêm các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền theo luật và phù hợp với yêu cầu tổ chức chính quyền đô thị. Tuy nhiên, đây là vấn đề quan trọng, liên quan đến việc thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị, nên cần được báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trước khi quy định trong dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Đối với các chính sách tài chính, ngân sách và huy động nguồn lực phát triển Thủ đô, Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, quy định cụ thể hơn một số nội dung để bảo đảm tính khả thi. Chẳng hạn như xác định tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố Hà Nội được hưởng theo phân cấp (khoản 4 Điều 35); nghiên cứu để có các quy định phù hợp với điều kiện thực tế của Hà Nội trong phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) (Điều 39); thực hiện mô hình thử nghiệm có kiểm soát (Điều 41) và quản lý tài sản công (Điều 42); các chính sách ưu đãi về thuế, chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư chiến lược (Điều 45)…
Cũng theo ông Tùng, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành cần thiết có các quy định về cơ chế liên kết, phát triển vùng Thủ đô trong dự thảo Luật, nhưng về nội dung, nội hàm của việc liên kết vùng, thì cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để bảo đảm thiết thực, khả thi, xử lý được những vướng mắc, bất cập hiện nay…/.
Bình luận