Cần đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu
Tham dự Hội nghị có lãnh đạo một số bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố trên cả nước tại các đầu cầu truyền hình trực tuyến.
Tuy nhiên, sản lượng một số cây công nghiệp, cây ăn trái, rau có thị trường tiêu thụ tốt vẫn tăng khá: cà phê sản lượng đạt 1.458,5 nghìn tấn (tăng 5,5 nghìn tấn); cao su đạt 1.013 nghìn tấn (tăng 726 tấn) mặc dù diện tích giảm 4 nghìn ha; hồ tiêu đạt 192,9 nghìn tấn (tăng 16,1 nghìn tấn) chủ yếu do diện tích tăng 8,6 nghìn ha; chè đạt 1.025 nghìn tấn (tăng 12,3 nghìn tấn), thanh long tăng 15,6%, bơ tăng 13,15%, cam, quýt tăng 5,2%), ổi (+16,3%), dừa (+2,3%),... rau tăng 650 nghìn tấn;
Chăn nuôi duy trì được tốc độ tăng khá cao (5,4%) do dịch bệnh được khống chế tốt, tình trạng sử dụng chất cấm và buôn lậu qua biên giới được quản lý chặt, xử lý nghiêm; đã có sự chuyển biến rõ nét về tổ chức sản xuất, chăn nuôi trang trại, tập trung, quy mô lớn liên kết theo chuỗi khép kín, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến.
Bên cạnh đó, nhờ các chính sách hỗ trợ được thực hiện kịp thời, nghiêm túc, nên sản xuất thủy sản cả khai thác và nuôi trồng được duy trì, sản lượng đạt 6,7 triệu tấn, tăng 2,5%, riêng tôm nước lợ đạt 650 ngàn tấn (9,1% so với năm 2015). Giá trị sản xuất thủy sản cả năm dự kiến tăng 2,91% so với năm 2015.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt khoảng 32,1 tỷ USD, tăng 5,4% (tương đương 1,7 tỷ) USD so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao như cà phê (+25,5%), hạt điều (+18,3%), hạt tiêu (+12,7%), thủy sản (+6,3%).., đặc biệt là mặt hàng rau quả đã đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015; vẫn duy trì được 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1,0 tỷ USD trở lên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị Thủ tướng ghi nhận những kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp. Theo Thủ tướng, điều đáng mừng là năm 2016, mô hình nông nghiệp công nghệ cao xuất hiện ở nhiều tỉnh, thành phố; tái cơ cấu nông nghiệp bước đầu đạt kết quả với nhiều cách làm tốt như ở Đồng Tháp, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Thái Bình…đời sống người nông dân được cải thiện một bước. Tuy nhiên, thiên tai xảy ra nhiều và nặng nề làm cho nước ta thiệt hại khoảng 1,7 tỷ USD (gần 1% GDP). Riêng đợt lũ lụt vừa qua ở 9 tỉnh miền Trung và Tây Nguyên làm thiệt hại khoảng 4.000 tỷ đồng.
Thủ tướng cũng chỉ ra các mặt tồn tại, bất cập của nông nghiệp, nông thôn hiện nay, cần khắc phục thời gian tới. Đó là hạn điền, “sản xuất li ti trong nông nghiệp còn phổ biến”. Doanh nghiệp trong nông nghiệp, hợp tác xã còn nhiều yếu kém. Khoa học công nghệ trong nông nghiệp còn nhiều vấn đề. Lao động nông thôn còn quá lớn, năng suất lao động thấp. Tình trạng an toàn thực phẩm, đầu vào trong nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, giống còn bất cập, chưa quản lý tốt. Hệ thống thủy lợi, nhất là các kênh dẫn, hồ chứa xuống cấp, nguy hiểm và lãng phí nước…
Đề cập đến tình trạng phá rừng còn phổ biến, Thủ tướng nhắc lại chủ trương kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên và yêu cầu mở đợt tấn công liên tục vào hành vi phá hoại rừng, xử lý nghiêm vi phạm.
Đề cập đến những định hướng lớn của nền nông nghiệp nước nhà trong năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nông nghiệp cùng với công nghệ thông tin, du lịch vẫn là thế mạnh của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4, là lợi thế so sánh của nền kinh tế. Do đó, sản xuất nông nghiệp cần chú trọng giá trị hơn sản lượng thô và cũng chính bởi vậy, yêu cầu xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp là vấn đề cấp bách hiện nay.
Về các giải pháp, nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng cho rằng, trước tiên phải khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai, nhất là kết cấu hạ tầng thiết yếu, quan trọng. Thủ tướng yêu cầu tổ chức một vụ Đông Xuân đặc biệt ở vùng bị thiên tai, địa phương phải vào cuộc quyết liệt để bảo đảm vụ Đông Xuân muộn này giành thắng lợi. Bên cạnh đó, phải lo Tết cho vùng thiên tai, không được để người dân đứt bữa, đói cơm.
Thủ tướng nhấn mạnh phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao chất lượng và giá trị, không chạy theo sản lượng và số lượng. “Vừa phải lắng nghe người nông dân, vừa phải nghiên cứu xu hướng của thời đại trong phát triển nông nghiệp”, Thủ tướng chia sẻ. Đối với các địa phương, ngay sau hội nghị này, phải xây dựng kế hoạch cụ thể về tổ chức triển khai quyết liệt tái cơ cấu nông nghiệp với yêu cầu “không được tái cơ cấu trên giấy, tái cơ cấu nửa vời”.
Thủ tướng yêu cầu phải tiếp tục tổ chức lại sản xuất theo các hình thức phù hợp. Phát triển mạnh công nghệ chế biến, nâng cao giá trị. Khai thác mạnh hơn những cơ hội từ hội nhập quốc tế. Tiếp tục đầu tư hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt nâng cao năng lực phòng chống, chống chịu với thiên tai. Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, bảo đảm môi trường sống cho người dân ở nông thôn./.
Bình luận