Cần hướng dẫn người dân sản xuất những sản phẩm đảm bảo ATVSTP
Đây là ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại Hội nghị tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2015 và triển khai kế hoạch năm 2016 của Tổng Cục Thủy sản, ngày 25/12, tại Hà Nội.
Tại Hội nghị, Tổng cục Thủy sản cho biết, ước cả năm 2015, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 6,56 triệu tấn, bao gồm sản lượng khai thác 3,03 triệu tấn, sản lượng nuôi trồng 3,53 triệu tấn; diện tích nuôi trồng 1,28 triệu ha. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 6,72 tỷ USD.
Giai đoạn 5 năm 2011-2015, ngành thủy sản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch 5 năm của cả giai đoạn 2011-2015. Tổng sản lượng thủy sản đạt mức tăng trung bình 3,8%/năm, cao hơn 9,3% so với kế hoạch. Trong đó, sản lượng khai thác tăng trung bình 4,7%/năm, tăng 28,8% kế hoạch. Sản lượng nuôi trồng tăng trung bình 3%/năm; kim ngạch xuất khẩu thủy sản tăng trung bình 2,4%/năm.
Về kết quả triển khai mục tiêu tái cơ cấu ngành thủy sản, năm 2015 trong nuôi trồng thủy sản, bệnh trên đối tượng nuôi được kiểm soát, xử lý nên không xảy ra dịch trên diện rộng, năng suất trên đơn vị diện tích có xu hướng tăng. Cơ cấu đối tượng nuôi thay đổi tương đối rõ nét đối với tôm chân trắng, cá rô phi và sự thay đổi của tôm thẻ chân trắng thâm canh, bán thâm canh, nuôi tôm vụ 3 ở vùng có điều kiện; tiếp tục đa dạng hóa đối tượng và phương pháp nuôi để khai thác cơ hội thị trường. Khuyến khích nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao, quy trình thực hành nuôi tốt (GAP) phù hợp với quy chuẩn quốc tế, ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng nuôi thâm canh ở Đồng bằng sông Cửu Long, các khu vực ven biển Trung bộ.
Trong khai thác thủy sản, số lượng tàu cá công suất nhỏ giảm, tăng tàu công suất lớn tham gia khai thác xa bờ, phát triển đội tàu hậu cần dịch vụ theo quy định hướng quy hoạch đến năm 2020. Các hoạt động khai thác hải sản trên biển được theo dõi, quản lý, kịp thời ứng phó với diễn biến trên biển. Hoạt động thanh tra, tuần tra, kiểm soát trên biển được duy trì, đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật về khai thác thủy sản, bảo vệ ngư dân, tìm kiếm cứu nạn; duy trì hoạt động sản xuất góp phần tạo bảo vệ an ninh, chủ quyền vùng biển và hải đảo của Tổ quốc.
Mặc dù vâỵ, trong sản xuất thủy sản vẫn còn nhiều bất cập, như: mối liên kết theo chuỗi trong sản xuất thủy sản mới chỉ được tổ chức ở phạm vi hẹp, trên một số đối tượng thủy sản, việc tham gia của các thành phần, nhất là ngư dân, người nuôi trồng chưa nhiều. Đồng thời, chất lượng sản phẩm thủy sản trong khai thác và nuôi trồng chưa ổn định, tồn dư kháng sinh còn cao, nhất là trong tôm nuôi nước lợ chưa được kiểm soát tốt, nguy cơ bị rào cản thị trường xuất khẩu gia tăng.
Tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, để giảm tổn thất sau thu hoạch đối với khai thác, đánh bắt hải sản cần tăng cường ứng dụng các công nghệ cao trong khâu bảo quản thông qua việc tăng cường sử dụng các hầm bảo quản hiện đại và các tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Cần nhân rộng các mô hình nuôi tôm - lúa đã triển khai thành công ở một số địa phương, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại vào thị trường các nước xuất khẩu thủy sản. Bên cạnh đó, hướng dẫn và dạy người nuôi áp dụng cách nuôi trồng sạch đảm bảo giảm giá thành và vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm; triển khai các hội nghị về khoa học công nghệ nhằm giới thiệu cho người dân, nhà sản xuất biết về những kỹ thuật sản xuất, khai thác có lợi.
Về kế hoạch trong năm 2016, theo Tổng cục Thủy sản, ngành sẽ triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng. Cụ thể, triển khai nhiệm vụ về phát triển nuôi trồng thủy sản trong chiến lược phát triển ngành, trong đó có 8 dự án giống giai đoạn 2016-2020; xây dựng và triển khai hiệu quả Đề án tôm – lúa. Tiếp tục rà soát các quy hoạch, kế hoạch, quy định về nuôi trồng thủy sản, kiểm tra phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh, quản lý giống thủy sản, quản lý cá tra, thức ăn, chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường. Tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp các cảng cá, bến cá, khu neo đậu, tránh trú bão theo quy hoạch hệ thống cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; triển khai thực hiện quy hoạch phát triển khai thác xa bờ toàn quốc đến năm 2020, định hướng 2030.
Chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát nhấn mạnh, ngành thủy sản cần tiếp tục tăng cường triển khai những giải pháp phù hợp, đối phó với những khó khăn đặt ra, đặc biệt đối phó với tình hình thời tiết bất lợi cũng như những khó khăn về thị trường xuất khẩu. Tăng cường thực hiện các giải pháp mang tính nòng cốt nhằm tạo sự chuyển biến mạnh trong toàn ngành, đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản.
Mặt khác, ngành cần chú trọng đến các giải pháp bảo vệ môi trường thủy sản khi môi trường ngành đang tiếp tục suy giảm, không chỉ vùng ven bờ mà còn vùng ven biển. Với những khó khăn về hội nhập quốc tế, hàng rào kỹ thuật, ngành cần hướng dẫn người dân sản xuất những sản phẩm vừa chất lượng vừa giảm giá thành và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đó là nhiệm vụ mấu chốt của ngành thủy sản trong thời gian tới./.
Bình luận