Cần làm rõ vấn đề giá và dịch vụ khám chữa bệnh…
Cần bổ sung nhiều nội dung
Tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 8, hôm nay (ngày 17/2), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, theo Văn phòng Quốc hội. Thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật.
“Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của UBTVQH và hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, trong đó làm rõ hơn quan điểm lấy người bệnh làm trung tâm thông qua các giải pháp nhằm nâng cao quản lý chất lượng người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật đã được hoàn thiện theo ý kiến của UBTVQH, Chính phủ đề nghị UBTVQH xem xét, bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022)…”, ông Long cho biết.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật. Ảnh: QH |
Thẩm tra đề nghị bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, để bảo đảm chất lượng chuẩn bị dự án Luật, nhiều ý kiến của các thành viên Ủy ban Pháp luật và các cơ quan của Quốc hội đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hồ sơ như: Bổ sung ý kiến của Bộ Tài chính, nhất là về vấn đề quy định giá đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; làm rõ lý do của việc thu gọn, bổ sung một số chính sách mới; rà soát để bảo đảm sự thống nhất giữa nội dung đánh giá tác động của chính sách với phạm vi áp dụng của chính sách…
Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Xã hội và các cơ quan đề nghị làm rõ lý do của việc phải có giấy phép hành nghề đối với 6 nhóm chức danh (bao gồm: bác sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật y, lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền) mà không áp dụng đối với những đối tượng khác cũng trực tiếp thực hiện công tác khám chữa bệnh (như y sĩ, cử nhân trị liệu tâm lý, cử nhân phục hồi chức năng...).
Ủng hộ xây dựng bổ sung dự án Luật
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật còn chung chung, đề nghị đánh giá kỹ hơn dự kiến nguồn lực để thực hiện Luật này như đánh giá về nguồn lực của Nhà nước, nguồn lực của xã hội… Vấn đề tài chính - ngân sách, trang thiết bị y tế cho công tác khám chữa bệnh thời gian qua có nhiều vụ việc nổi cộm liên quan đến vấn đề này, do vậy việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh lần này phải đảm bảo tính minh bạch, công khai…
Về cơ chế giá dịch vụ của các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để đồng bộ với Luật Giá thì xác định như thế nào, ai được quyết định vấn đề này? Đề nghị nghiên cứu kỹ về cơ cấu của giá dịch vụ khám, chữa bệnh cùng với Bộ Tài chính. |
“Cần phải làm rõ một số vấn đề: giữa y tế dự phòng và khám, chữa bệnh; sự khác nhau trong việc điều chỉnh pháp luật giữa thực phẩm chức năng với thuốc chữa bệnh. Cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo cần rà soát lại kỹ lưỡng các vấn đề này…”, ông Vương Đình Huệ gợi mở.
“Hiện nay chúng ta chưa có cơ chế để quy định giá đối với cơ sở khám, chữa bệnh trong trường hợp liên doanh, liên kết, mà mới có giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu. Vậy chúng ta quy định như thế nào vấn đề này trong dự án Luật? Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ được hoàn toàn, thì cơ cấu giá dịch vụ có được tính khấu hao hay không, cần tính toán thêm…”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc đề nghị làm rõ vấn đề giữa y tế dự phòng và khám, chữa bệnh. Ảnh: QH |
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc đề nghị làm rõ một số vấn đề: các nội dung về sử dụng ngân sách nhà nước trong khám bệnh, chữa bệnh và trong y tế dự phòng; các tiêu chí cơ sở khám, chữa bệnh hoạt động phi lợi nhuận, y tế công lập, các đơn vị tự chủ, các hình thức cơ sở cổ phần; các vấn đề về giá và dịch vụ khám chữa bệnh đồng bộ với Luật Giá và các văn bản liên quan; các nguyên tắc và tiêu chí chung để xác định chi phí khám chữa bệnh, quản lý thiết bị y tế, mua sắm từ các nguồn ngân sách khác nhau và tài trợ xã hội…, để có tầm nhìn khái quát, có tính dài hạn.
“Đề nghị làm rõ những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các cơ quan, trong đó cần tham khảo kinh nghiệm quốc tế, ý kiến của chuyên gia làm sao đưa ra được các quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam, phù hợp với thông lệ quốc tế, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đề nghị Chính phủ, các bộ và cơ quan chủ trì, cơ quan thẩm tra khẩn trương phối hợp để hoàn chỉnh sớm hồ sơ, tài liệu để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua…”, ông Định lưu ý.
Kết thúc nội dung thảo luận, UBTVQH đã thông qua Nghị quyết bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022./.
Bình luận