Cần lắm sự quan tâm của Nhà nước và sự sẻ chia của cộng đồng
Trung tâm ra đời nhằm mục đích cải thiện cơ hội đến trường và nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục tiểu học, đặc biệt đối với trẻ em khuyết tật. Đồng thời tăng cường khả năng tiếp cận gia đình và cộng đồng, giảm số trẻ em khó khăn không đi học và đang bỏ học; nâng cao tỷ lệ trẻ em hoàn thành chương trình các bậc học; nâng cao chất lượng đầu ra của tiểu học, góp phần thực hiện công tác phổ cập giáo dục trung học cơ sở cho các trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt này.
Chính vì thế, toàn thể các thầy cô giáo của Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Tiền Giang đã không ngại khó khăn, giúp đỡ những trẻ em không may mắn như những đứa trẻ khác, chịu nhiều thiệt thòi cả về thể chất lẫn trí tuệ từ khi sinh ra. Các thầy cô giáo phải là những người yêu nghề, có tình yêu thương vô bờ bến, phải thật sự kiên trì, nhẫn nại giáo dục, chăm sóc thì mới có thể tận tâm, tận tụy mang đến cho các trẻ em thiệt thòi những kiến thức cũng như những kỹ năng sống để các em hòa nhập được với cộng đồng.
Thầy Võ Văn Lê - Giám đốc Trung tâm tham gia giảng dạy
Từ lúc thành lập đến nay, Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Tiền Giang đã có những đóng góp nhất định trong việc hỗ trợ phát triển giáo dục trẻ khuyết tật hòa nhập với cộng cồng. Theo số liệu do trung tâm cung cấp, trong toàn tỉnh Tiền Giang có 169 trường mầm non, 227 trường tiểu học có hơn 180.000 học sinh đang học. Trong đó có gần 2000 trẻ khuyết tật tham gia học hòa nhập. Nhiệm vụ của Trung tâm là tham gia hỗ trợ các trường khác về xác định tật của học sinh, hỗ trợ xây dựng kế hoạch giáo dục cá nhân, điều chỉnh phương pháp giảng dạy, cách sử dụng ngôn ngữ kí hiệu chữ cái ngón tay, chữ nổi…
Sinh hoạt nhóm hàng tuần
Hàng năm, cán bộ giáo viên trung tâm đã thực hiện công tác hỗ trợ cho nhiều lượt trẻ tại các gia đình và các trường Mầm Non, Tiểu học về công tác giáo dục hòa nhập trong tỉnh.
Và đã có những thành tích đáng kể đạt được: Năm học 2012-2013 có 1364 trẻ khuyết tật ra lớp. Năm học 2013-2014, toàn tỉnh có 1454 học sinh khuyết tật học hòa nhập, trong đó: 1382 học sinh Tiểu học; 72 học sinh Mầm non. Năm học 2014-2015, toàn tỉnh có 1.443/1.746 học sinh khuyết tật học hòa nhậpcác bậc học Mầm non và Tiểu học. Năm học 2015-2016, có 1.851 học sinh khuyết tật học hòa nhập các bậc học Mầm non, Tiểu học, THCS.
Can thiệp và phục hồi chức năng sớm cho trẻ bại não
Có được kết quả như hiện nay là một sự cố gắng không ngừng nghỉ của toàn thể các thầy cô giáo trong trung tâm trong suốt thời gian dài. Tuy nhiên, hiện nay trung tâm còn gặp những khó khăn nhất định, công việc dạy dỗ tưởng như đơn giản nhưng lại vô cùng khó khăn. Bởi thực tế không phải bất cứ người khuyết tật nào cũng có đủ lòng kiên nhẫn để theo đuổi đến cùng việc học tại trung tâm. Đã có không ít các em nản chí, bỏ cuộc giữa chừng. Hầu hết các trẻ em khuyết tật đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, người thân của các em phải lo bươn chải kiếm sống nên không đủ thời gian để giúp đỡ các em tập luyện ngay cả ở nhà chứ chưa nói gì đến việc phải đưa đến trung tâm. Mặc dù vậy, các thầy cô vẫn quyết tâm tiếp xúc với gia đình, vận động và giải thích cặn kẽ để nhận được sự hợp tác của họ. Ngoài ra còn nhiều những khó khăn khác như: nhân sự của trung tâm còn thiếu, năng lực quản lý và năng lực chuyên môn của cán bộ, giáo viên trung tâm chưa đáp ứng được yêu cầu để thực hiện chức năng, nhiệm vụ của trung tâm; phương tiện dạy và học cho trẻ khuyết tật chưa đáp ứng đủ; cơ sở vật chất còn yếu kém. Hiện trung tâm chưa có phòng cho công tác dạy nghề và chưa đủ phòng học, phòng làm việc cho giáo viên.
Lớp tập huấn và phục hồi chức năng
Để giúp cho Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Giáo dục Hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh Tiền Giang làm tốt hơn nhiệm vụ của mình, trung tâm rất cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước về nhận sự, cơ sở vật chất và các công trình phục vụ cho việc dạy và học của trẻ khuyết tật cũng như rất cần sự chung tay góp sức của cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp, các nhà mạnh thường quân trong việc chia sẻ gánh nặng của trung tâm cả về vật chất lẫn tinh thần./.
Bình luận