Cần rõ “địa chỉ” lãng phí ngân sách nhà nước
Nhiều kết quả tích cực
Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo trước Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020, diễn ra chiều nay (ngày 24/7), theo Văn phòng Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện quyết liệt các nội dung thuộc chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Điển hình như, công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử tiếp tục đạt được nhiều kết quả tốt, giúp tiết kiệm thời gian, chi phí (khoảng 18 triệu ngày công/năm, tương đương hơn 6.300 tỷ đồng/năm).
Trong đầu tư công, quản lý tài sản công, năm 2020 đã kiên quyết điều chuyển vốn từ bộ, cơ quan, địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp sang các đơn vị có nhu cầu về vốn và có tỷ lệ giải ngân cao, góp phần vào kết quả giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 đạt 86,7% kế hoạch, cao hơn năm 2019 và cao nhất trong giai đoạn 2011-2020; giảm chi thường xuyên xuống còn 63,85%...
Theo Bộ trường Hồ Đức Phớc, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện quyết liệt các nội dung thuộc chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ảnh: QH |
Tuy nhiên, theo ông Hồ Đức Phớc, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn những hạn chế như: Một số bộ, ngành, địa phương chậm báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 so với thời hạn quy định; hệ thống pháp luật còn thiếu đồng bộ; tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục...
Để khắc phục hạn chế trên, trong năm nay Chính phủ tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cho từng lĩnh vực, gắn với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức. Triển khai thực hiện có hiệu quả pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gắn với công tác phòng chống tham nhũng. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện nghiêm việc công khai các hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...
Cần rõ “địa chỉ” lãng phí
Trình bày Báo cáo thẩm tra về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 trước Quốc hội chiều nay, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường cho biết, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực như: Chính phủ đã tích cực đẩy mạnh cơ cấu lại ngân sách Nhà nước; tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu; thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm chi thường xuyên, giảm thiểu tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước...
Cùng với tình trạng quản lý chi phí đầu tư xây dựng còn bất cập, việc cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn, khi thủ tục vẫn còn hiện tượng kéo dài thời gian giải quyết. Việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả... |
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra những hạn chế như: Tình trạng chậm ban hành chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn xảy ra; một số báo cáo còn hình thức, đánh giá còn chung chung, không cụ thể số liệu, chưa đánh giá, so sánh với chỉ tiêu đề ra năm 2019. Những địa phương, bộ, ngành chưa thực tốt thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chưa được chỉ rõ để nghiêm khắc phê bình, chấn chỉnh.
Cùng với cơ bản tán thành với các giải pháp của Chính phủ, để khắc phục những hạn chế trên, cơ quan thẩm tra đề xuất, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm cần rà soát, đối chiếu với quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí do Chính phủ ban hành để đánh giá, làm rõ kết quả đạt được, yếu kém; các nhận định, đánh giá phải được thể hiện qua các số liệu, dẫn chứng cụ thể, phải nêu rõ các bộ, ngành, địa phương thực hiện chưa tốt để chấn chỉnh, khắc phục...
“Cần nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương trong việc không gửi, chậm gửi Chương trình, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...”, ông Cường cho hay.
Cùng với đề xuất xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân chậm triển khai quá trình cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội còn đề nghị cần có giải pháp hiệu quả để khắc phục việc giao vốn, giải ngân vốn đầu tư công chậm; tăng cường thanh tra, kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức thực thi công vụ... Cùng với tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, cơ quan nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập, cần ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý hành chính, giảm thủ tục phiền hà, tiết kiệm và mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.../.
Bình luận