Cần trấn áp mạnh tội phạm về tín dụng đen, cho vay nặng lãi…
Liên quan đến tình trạng “tín dụng đen”, trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội tại phiên họp lần thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, diễn ra hôm nay (ngày 10/8), theo Văn phòng Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, sắp tới, Bộ tiếp tục duy trì thế tấn công, trấn áp mạnh mẽ, tổ chức tốt công tác nắm tình hình, triển khai chuyên đề phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, kịp thời phát hiện những địa bàn phức tạp, các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp, cá nhân, đối tượng, băng nhóm hoạt động “tín dụng đen”.
Bộ Công an còn triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa và đấu tranh ngay từ khi mới manh nha hoạt động, không để các đối tượng mở rộng phạm vi hoạt động. Xử lý triệt để, nghiêm minh các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, nhất là các vụ án liên quan đến các cán bộ thuộc các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp tiếp tay, cung cấp vốn cho “tín dụng đen” hoạt động.
“Bộ Công an đã đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, phối hợp cùng các cấp, các ngành cải thiện điều kiện lao động, làm việc của công nhân, giảm bớt các hoạt động phức tạp của công nhân, trong đó có hoạt động ‘tín dụng đen’…”, ông Tô Lâm cho hay.
Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục tăng cường thông tin tuyên truyền về vay vốn, tiếp cận tín dụng để người dân có thể tiếp cận vốn từ các kênh chính thức (ảnh: Quốc hội) |
“Chia lửa” trả lời chất vấn với Tư lệnh ngành Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành đồng bộ quy định pháp lý về tổ chức tín dụng cho khách hàng vay vốn với các quy định rõ ràng về điều kiện vay vốn, khách hàng nêu rõ khoản vay và khả năng trả nợ, đồng thời thỏa thuận thời hạn trả nợ. Thực tế sẽ có trường hợp khách hàng không trả được nợ, thì có thể yêu cầu gia hạn nợ, có đơn đề nghị và chứng minh khả năng trả nợ theo thời hạn mới. Để trả nợ, khách hàng có thể có nhiều nguồn khác nhau, có trường hợp khách hàng vay “tín dụng đen”, thì tổ chức tín dụng khó có thể biết được nguồn trả nợ từ đâu.
“Hiện mạng lưới các chi nhánh, phòng giao dịch của các tổ chức tín dụng là rất đa dạng, bên canh đó là các công ty tài chính và tổ chức tài chính vi mô. Do đó, khi có nhu cầu vay vốn, người dân nên tiếp cận các kênh chính thức…”, bà Hồng cho hay.
Theo Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, góp phần hạn chế người dân phải tìm đến “tín dụng đen” (ảnh: Quốc hội) |
Tham gia trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhấn mạnh, giải pháp là thường xuyên tổ chức tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và hậu quả của tội phạm, nhất là tội phạm về tín dụng đen, cho vay nặng lãi trên các phương tiện thông tin đại chúng với các hình thức đa dạng, dễ tiếp cận để nhân dân biết, phòng ngừa và tham gia tố giác tội phạm. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ cho vay kinh doanh tài chính…
“Tiếp tục triển khai các cao điểm tấn công trấn áp mạnh các loại tội phạm, trong đó có tội phạm về tín dụng đen, cho vay nặng lãi, góp phần răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung...”, ông Phạm Bình Minh cho biết.
Liên quan đến các biện pháp khác, cũng theo Phó Thủ tướng Thường trực, có giải pháp ngăn chặn, xử lý tình trạng các đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng, số thuê bao điện thoại không chính chủ, tạo lập website để thực hiện các hành vi phạm tội. Triển khai ứng dụng hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành trong công tác quản lý nhà nước nói chung, quản lý số thuê bao tài khoản ngân hàng, các tài khoản mạng xã hội tại Việt Nam, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng, góp phần hạn chế người dân phải tìm đến “tín dụng đen”./.
Bình luận