Cần xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững,
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong năm 2016, hầu hết các loại nông sản (trừ lúa) đều tăng cả về năng suất, sản lượng và chất lượng được cải thiện. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản ước đạt 32,1 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2015; thặng dư thương mại đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Nhiều mặt hàng có kim ngạch tăng cao, đặc biệt là mặt hàng rau quả đã đạt 2,46 tỷ USD, tăng 33,4%. Bên cạnh đó, chúng ta vẫn duy trì được 10 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên.
Đến hết năm 2016, cả nước đã có 2.235 (25,07%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; còn 261 xã đạt dưới 5 tiêu chí (3,36%). Số tiêu chí đạt chuẩn bình quân của cả nước là 13,45 tiêu chí/xã; 30 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn.
Bên cạnh đó, các địa phương nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới đã chủ động xử lý. Cụ thể, 17/25 địa phương có số nợ lớn đã giảm được 5.624 tỷ đồng, chiếm 36,8% tổng số nợ. Đến tháng 12/2016, số nợ còn khoảng 9.654 tỷ đồng (tại thời điểm 31/1/2016 là 15.277 tỷ đồng).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ đã xây dựng kế hoạch tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới. Theo đó, ngành sẽ thực hiện hiệu quả ba đột phá chiến lược. Đó là hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, trọng tâm là đổi mới và hoàn thiện chính sách đất đai, tín dụng, thương mại, thuế và chính sách thu hút nguồn lực xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Huy động các nguồn lực để phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tiếp tục đầu tư nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ công và tăng cường năng lực, hiệu lực quản lý nhà nước, năng lực cho lực lượng kiểm lâm, kiểm ngư, nâng cao hiệu quả đào tạo lao động nông nghiệp, chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của lao động, doanh nghiệp, thị trường.
Ngành nông nghiệp cũng sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh, xây dựng nền nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, bền vững, tiến tới một nền nông nghiệp hữu cơ…
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhìn nhận, trong năm 2016, ngành nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do thiên tai, tình hình thị trường có nhiều biến động…dẫn đến tăng trưởng âm của ngành trong 6 tháng đầu năm. Dù vậy, ngành nông nghiệp đã vượt qua khó khăn, thách thức, có bước phát triển tích cực trong những tháng cuối năm 2016.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thời gian tới ngành nông nghiệp cần thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng cương quyết, kiên trì, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp xanh, hữu cơ, bền vững và không chấp nhận việc sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh thiếu kiểm soát .
Đồng thời, ngành nông nghiệp phải tổ chức lại sản xuất, cơ giới hóa, hiện đại hóa hướng tới sản xuất tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; gắn kết sản xuất với tiêu thụ, giữa người sản xuất và người tiêu dùng theo mô hình khép kín. Đây cũng là cách để tạo được sản phẩm nông nghiệp an toàn.
Trước tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp được dự báo là tác động xấu đến sản xuất nông nghiệp, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải giữ được nguồn nước, phân phối điều hòa nguồn nước từ sông hồ đến công trình thủy lợi, mạng lưới tưới tiêu… Như vậy, phải giữ được rừng đầu nguồn, để người dân sống được dưới tán rừng. Đơn vị sử dụng nguồn nước phải trả phí cho người giữ rừng./.
Bình luận