Cần xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai
Toàn cảnh Hội nghị |
Việt Nam là 1 trong 5 nước bị thiên tai đe dọa nhiều nhất
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, Hội nghị rất quan trọng với sự tham gia rất đông của lãnh đạo các địa phương, bộ, ngành, tổ chức trong và ngoài nước, các nhà khoa học, chuyên gia để bàn những biện pháp sát thực, sáng tạo. Chính phủ sẽ lắng nghe, tiếp thu tối đa, từ đó hình thành Nghị quyết của Chính phủ về công tác phòng chống thiên tai.
“Việt Nam là 1 trong 5 nước bị thiên tai đe dọa nhiều nhất. Chúng ta đã nỗ lực nhưng thiệt hại còn rất lớn, khoảng 1-1,5% GDP. Với 16 cơn bão, 4 áp thấp nhiệt đới năm 2017, thiệt hại lên tới 60.000 tỷ đồng. Thủ tướng nêu rõ, phải nhận thức được thiên tai không theo quy luật nào, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống an lành của người dân. Nếu để người dân lâm vào cảnh đói, rét, màn trời chiếu đất do công tác phòng chống, nhận thức kém thì đó là trách nhiệm của chúng ta”, Thủ tướng nói.
Vì vậy, Thủ tướng quán triệt “tinh thần lớn nhất, quan điểm chỉ đạo bao trùm nhất là xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai”. Theo đó, phòng chống thiên tai phải là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Phòng chống thiên tai thực hiện theo hướng quản lý rủi ro. Phải quan tâm đầy đủ đến công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả, lấy phòng ngừa là chính, quan tâm đầu tư phòng ngừa (chứ không chỉ quan tâm đến ứng phó, khắc phục), thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”.
Đê giảm thiểu ảnh hướng của thiên tai, Thủ tướng yêu cầu các giải pháp phải được quản lý tổng hợp, đồng bộ theo hệ thống, lưu vực, liên vùng, liên ngành; ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ kết hợp với kế thừa những kinh nghiệm truyền thống.
Bên cạnh đó, nội dung phòng, chống thiên tai phải được đưa vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, của các ngành để giảm thiểu rủi ro do thiên tai; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phòng chống thiên tai theo hình thức đối tác công - tư bằng các cơ chế, chính sách phù hợp.
Phải kết hợp giải pháp công trình và phi công trình, kết hợp giữa khôi phục và nâng cấp sau thiên tai với yêu cầu xây dựng lại tốt hơn. Đầu tư xây dựng công trình phòng, chống thiên tai phải kết hợp đa mục tiêu.
Bảo đảm thực thi các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, tuân thủ quy định của luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Từ các quan điểm trên, Thủ tướng cho rằng, phải có tổ chức bộ máy, thể chế tốt hơn nữa cho công tác phòng chống thiên tai với tinh thần “gọn mà tinh, cán bộ phải giỏi, trách nhiệm phải cao, gắn trách nhiệm với quyền lợi của người dân, hướng về người dân”. Thủ tướng nhất trí với phát biểu của ông Lê Huy Ngọ, nguyên Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, gọi điện thoại cũng tốt nhưng đến vùng bão trước khi bão đến, đi sát dân, có biện pháp chủ động di dời thì tốt hơn. Làm công tác này thì cán bộ càng phải có trách nhiệm cao với người dân.
Vì thế, “Hội nghị này là hội nghị quán triệt tinh thần trách nhiệm đối với chính quyền, hệ thống phòng chống thiên tai cả nước để lo cho dân. Có tâm huyết thì mới sáng tạo được, chứ thờ ơ trước bão lũ thì không thể được”, Thủ tướng nói.
Cùng với đó, Thủ tướng nhấn mạnh, cần nâng cao năng lực điều hành. Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ban Chỉ đạo các cấp phải hoạt động liên tục, hiệu lực, hiệu quả, chủ động, chứ không phải đến mùa mưa lũ mới hoạt động.
Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nhất là vào theo dõi, quan trắc, dự báo, Thủ tướng lưu ý không để tái diễn sạt lở núi gây chết nhiều người như năm ngoái. Bên cạnh đó, kỷ luật, kỷ cương phải nghiêm, “đã họp phòng chống bão lụt, thiên tai phải có đầy đủ những người có trách nhiệm để ra quyết định”. Truyền thông về phòng chống thiên tai phải được ưu tiên hàng đầu vì liên quan đến tính mạng, tài sản của nhân dân. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống thiên tai, nhất là đội ngũ cán bộ cơ sở.
Thủ tướng đánh giá công tác nghiên cứu khoa học công nghệ trong phòng chống thiên tai |
Về thể chế, chính sách, Thủ tướng cho biết, sẽ tiếp tục hoàn thiện, trong đó có chính sách về tài chính để hỗ trợ cho công tác này, thúc đẩy xã hội hóa, tạo điều kiện cho hợp tác công - tư…
Gợi mở những giải pháp cụ thể đối với các vùng miền, Thủ tướng nêu rõ, đối với khu vực miền núi bao gồm phía Bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên, sạt lở đất, lũ quét, an toàn hồ đập, di dời dân là những vấn đề cần lưu ý nhiều trong chỉ đạo. Phải làm rõ quy trình vận hành liên hồ.
Đối với vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, phải bảo đảm an toàn các công trình phòng chống thiên tai, trong đó có hệ thống đê, “đừng để tình trạng ổ mối to như cái trống ở đê mà không biết, khi mưa rồi bục ra rồi chạy không kịp”. Không để “mất bò mới lo làm chuồng” trong công tác bảo vệ đê điều. Phải bảo đảm an toàn cho toàn vùng, đặc biệt là Thủ đô Hà Nội.
Đối với vùng duyên hải miền Trung, Tây Nguyên, có độ dốc lớn, do đó vấn đề an toàn hồ đập, quy trình liên hồ, xả lũ, khu vực neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản cần chú ý.
Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cần triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ với tinh thần “thuận thiên” trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Đối với trên biển và ven biển, không được chủ quan, quy trình tàu vào-ra phải kiểm soát chặt chẽ, kết hợp giữa biên phòng và lực lượng phòng chống bão lụt ở địa phương, “đừng để tình trạng gọi mãi mà tàu không về”. Cần có phương án ứng phó trong tình huống xảy ra siêu bão.
Đối với các đô thị lớn, phải rà soát tiêu chuẩn, khả năng tiêu thoát nước, đặc biệt, hạn chế tối đa việc san lấp hồ để tạo mặt bằng xây dựng, giảm không gian chứa nước. Quan tâm việc chăm sóc cây xanh trong thành phố, không để tình trạng cây xanh đổ gây chết người./.
Bình luận