Căt giảm ĐKKD: Cuộc chiến kéo dài từ năm 2000 đến nay vẫn... chưa kết thúc!
Đó là những nhận xét được đưa ra tại hội thảo “Đánh giá chất lượng cắt giảm điều kiện kinh doanh: Kết quả, vấn đề và kiến nghị” do Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức ngày 14/11.
Tình trạng lạm dụng các điều kiện kinh doanh vẫn khá phổ biến
Phát biểu tại hội thảo, Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung cho biết, điều kiện kinh doanh là một loại rào cản lớn đến gia nhập thị trường, hạn chế cạnh tranh, hạn chế sáng tạo và tác động bất lợi đến doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Vì thế, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành rà soát và đề xuất cắt giảm 50% số điều kiện kinh doanh; hoàn thành và trình Chính phủ ký ban hành trước ngày 31/10/2018.
Tuy nhiên, đến nay, việc cắt giảm vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Tình trạng “cắt chỗ này, mọc chỗ khác” vẫn khá phổ biến.
Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho biết, bên cạnh một số điều kiện kinh doanh được cắt giảm có tác động lớn đến thị trường, như một số điều kiện kinh doanh về gas trong Nghị định 87/2018, hay một số điều kiện kinh doanh đã quy định về số lượng nhân sự của ngành nghề đã rút cực gọn, thì vẫn có những sự cắt giảm điều kiện kinh doanh chẳng mang lại tác động gì.
Đặc biệt, có những quy định được bổ sung điều kiện kinh doanh lại gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Điển hình như Nghị định về điều kiện để doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được cấp Giấy phép kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan đến mua bán hàng hóa tại Việt
“Nếu khi chưa sửa đổi Nghị định 23/2007 quy định về vấn đề này có 1 quy định duy nhất với 5 điều kiện (hồ sơ) doanh nghiệp phải thực hiện thì sau khi thay đổi chính là Nghị định thay thế 09/2018 thì tăng lên tới 4 quy định với 12 điều kiện, chưa kể ở mỗi điều kiện còn có những nội dung chi tiết nữa mà doanh nghiệp phải hoàn thiện trong hồ sơ”, ông Hiếu dẫn chứng.
Cùng quan điểm với ông Hiếu, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh (CIEM) nhận định, không ít điều kiện kinh doanh được bãi bỏ chỉ theo hình thức chuyển từ “dạng này sang dạng khác”.
Bà Nguyễn Thị Minh Thảo dẫn chứng, có những điều kiện kinh doanh về hình thức là được bãi bỏ nhưng nội dung bãi bỏ đó lại lồng ghép vào các quy chuẩn kỹ thuật (QCVN) hay tiêu chuẩn kỹ thuật (TCVN) buộc doanh nghiệp phải thực hiện. Hoặc chỉ thay đổi về mặt diễn đạt câu chữ. Thậm chí là cắt giảm số lượng điều kiện nhưng lại đẩy hồ sơ lên nhiều hơn trong mỗi điều kiện.
“Có những điều kiện kinh doanh được sửa đổi, song việc sửa đổi đó chỉ mang mục đích tránh gây sự chú ý chứ hoàn toàn thực chất không có sự thay đổi hoặc bãi bỏ nào”, bà Thảo chỉ rõ.
Cụ thể như điều 6 về Điều kiện đối với tổ chức thực hiện khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật trong Nghị định 66/2017/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định: “Người quản lý, điều hành… có Giấy chứng nhận tập huấn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật do cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cấp”. Sau khi sửa đổi là: “Người trực tiếp quản lý, điều hành… có Giấy chứng nhận tập huấn khảo nghiệm thuốc bảo vệ thực vật”. Như vậy về cơ bản giữa nội dung trước và sau khi điều chỉnh không có gì khác nhau.
Đã vậy, có những điều kiện kinh doanh sửa đổi gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp; hoặc quy định không rõ ràng, khó tiên liệu, tiềm ẩn rủi ro cho doanh nghiệp; chứng chỉ hành nghề chỉ do các cơ quan quản lý nhà nước cấp tồn tại ở hầu hết các lĩnh vực (nhất là trong lĩnh vực xây dựng)…
Trên thực tế, tình trạng lạm dụng các điều kiện kinh doanh, đặt ra các yêu cầu không cần thiết hoặc vượt quá mục tiêu kiểm soát rủi ro, diễn ra khá phổ biến.
“Điều này dẫn tới hệ quả hoạt động kinh doanh bị cản trở, bị can thiệp quá mức, việc gia nhập thị trường và cạnh tranh trên thị trường bị bóp méo, trong khi các lợi ích công cộng vẫn không được bảo vệ”, bà Thảo thẳng thắn.
Trên thực tế, tình trạng lạm dụng các điều kiện kinh doanh, đặt ra các yêu cầu không cần thiết hoặc vượt quá mục tiêu kiểm soát rủi ro, diễn ra khá phổ biến
Thực chất tỷ lệ điều kiện kinh doanh được cắt bỏ chỉ đạt 30%
Đánh giá sơ bộ về kết quả rà soát việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho hay, các điều kiện kinh doanh thực sự được bãi bỏ chỉ là 771, trong khi đó có 29 điều kiện kinh doanh phát sinh.
Nếu tính tổng số các điều kiện kinh doanh hiện hành, thì việc cắt giảm là không đạt 50% như yêu cầu của Chính phủ.
Với hình thức cắt giảm, bãi bỏ điều kiện kinh doanh như hiện nay, theo bà Nguyễn Thị Minh Thảo, thực chất tỷ lệ điều kiện kinh doanh được cắt bỏ, chỉnh sửa, tạo thuận doanh nghiệp chỉ đạt 30% thay vì 50% như số lượng đã tính.
Còn TS. Nguyễn Đình Cung khẳng định, chỉ khoảng 1/3 trong số đó là thực chất, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động đầu tư, kinh doanh. Còn lại 2/3 vẫn là hình thức, không thay đổi một cách thực chất.
“Nhưng tôi muốn nói thêm rằng, trong số 1/3 điều kiện kinh doanh thay đổi thực chất mà tôi vừa nói, thì số cắt giảm, bãi bỏ điều kiện cũng không nhiều. Hầu hết chỉ dừng ở việc cắt giảm về thời gian, số lượng hồ sơ, thay đổi về yêu cầu, tài sản, chất lượng của nhận sự... ”, ông Nguyễn Đình Cung nói.
Dựa trên số liệu khảo sát tại 5 Bộ gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin – Truyền thông và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, CIEM đã đưa ra bảng phân tích và chỉ ra, những điều kiện kinh doanh cắt bỏ và sửa đổi thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đạt được tỷ lệ chưa cao.
Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nếu có 80 điều kiện kinh doanh được cắt và sửa thì tỷ lệ những điều kiện kinh doanh được ghi nhận thực sự tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chỉ được 6,7%. Bộ Xây dựng có 158 điều kiện kinh doanh được cắt, sửa nhưng chỉ được 22,3% điều kiện kinh doanh cắt sửa thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp…
"Cắt giảm ĐKKD là cuộc chiến đấu lâu dài gian khổ, khẩn cấp và cần thiết"
TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM chỉ rõ hiện tượng: "Nhiều khi chỉ sai một dấu phẩy đủ khiến doanh nghiệp mất đi chi phí, cơ hội kinh doanh, kéo giảm sức cạnh tranh so với các doanh nghiệp nước ngoài”.
Ông Doanh cũng khẳng định, nhiều điều kiện kinh doanh hiện nay hoàn toàn lạc hậu so với Cách mạng công nghiệp 4.0.
Thế nhưng… "Cắt giảm điều kiện kinh doanh là cuộc chiến đấu lâu dài gian khổ, khẩn cấp và cần thiết. Cuộc chiến đấu mà chúng tôi đã làm từ 2000 đến giờ vẫn chưa kết thúc", ông Doanh chua xót nhận định.
Trong thời gian tới, ông Doanh cho rằng, cần có một "bộ lọc" các văn bản pháp luật. Việc này nhằm tránh tình trạng lồng ghép thêm điều kiện kinh doanh trong các văn bản mới ban hành. Đồng thời cũng giúp các bộ ngành nâng cao trách nhiệm giải trình của mình đối với văn bản do cơ quan đó đề xuất.
TS. Nguyễn Đình Cung cũng thừa nhận: "Bao nhiêu đợt cải cách đã qua, nhưng tôi đến nay sắp về hưu, vẫn cảm thấy không thành công, những nỗ lực kiến nghị của mình vẫn đạt được kết quả rất thấp. Cải cách phải liên tục, nhất quán, có áp lực bên ngoài thì mới làm được".
Vì thế, theo ông Cung, điều kiện kinh doanh hiện nay mặc dù đã cắt bỏ, thay đổi, nhưng với thực tế thiếu chất lượng như vậy, thì tới đây cần tiếp tục phải thay đổi và cắt bỏ tiếp.
“Nhu cầu thiết lập một "bộ lọc" đối với văn bản pháp luật là chính đáng, nhưng nhiều năm nay vẫn chưa làm được”, người đứng đầu CIEM chia sẻ. “Bộ lọc này là tập hợp gồm nhiều cơ quan, trong đó có một cơ quan trực tiếp trực thuộc Chính phủ. Cơ quan này đóng vai trò độc lập, thẩm định tất cả các văn bản pháp luật và không chịu chi phối bởi bất kỳ bộ ngành quản lý nhà nước nào, không điều hành doanh nghiệp, không cấp phép kinh doanh. Để cơ quan này hoàn thành tốt nhiệm vụ, cần có sự tham gia của các luật sư, chuyên gia độc lập và huy động được nguồn lực bên ngoài cũng tham gia thẩm định luật”.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt
Bình luận