Chất vấn trước Quốc hội, đề nghị các vị bộ trưởng nêu cao tinh thần trách nhiệm...
Dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sáng nay, ngày 6/6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn (kéo dài 2,5 ngày).
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tại phiên bế mạc, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn để làm căn cứ cho các cơ quan tổ chức triển khai, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện |
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, nội dung chất vấn tập trung vào 4 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của các Bộ: Lao động - Thương binh và Xã hội, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải và Ủy ban Dân tộc. Cuối phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái sẽ thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình, làm rõ hơn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.
Theo quy định tại Điều 19 của Nội quy kỳ họp Quốc hội, Chủ tọa có quyền yêu cầu đại biểu Quốc hội dừng chất vấn hoặc tranh luận, yêu cầu người bị chất vấn dừng trả lời chất vấn nếu quá thời gian; chất vấn, tranh luận không đúng nội dung hoặc trả lời chất vấn không đúng trọng tâm. |
"Kỳ họp thứ 5 là kỳ họp đầu tiên thực hiện Nội quy kỳ họp Quốc hội mới (có hiệu lực từ ngày 15/3/2023), ghi nhận những cải tiến đã được thử nghiệm và phát huy hiệu quả tại các kỳ họp gần đây về phương thức tiến hành phiên chất vấn…", Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Theo đó, việc đặt và trả lời câu hỏi chất vấn được tiến hành theo cách thức hỏi nhanh, đáp gọn: Đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi không quá 1 phút; tranh luận mỗi lần không quá 2 phút; người được chất vấn trả lời không quá 3 phút đối với mỗi câu hỏi. Các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành liên quan tham gia giải trình theo điều hành của Chủ tọa, để làm rõ hơn những vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội hoặc trả lời trực tiếp các câu hỏi thuộc nhóm vấn đề chất vấn.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị đại biểu Quốc hội cân nhắc, lựa chọn, mỗi lần chất vấn chỉ nêu 1 hoặc vài vấn đề mà đại biểu tâm đắc nhất; nêu câu hỏi gọn, rõ ràng để các vị bộ trưởng, trưởng ngành có thể nghe được, lĩnh hội được nhanh nhất. Các vị đại biểu Quốc hội chỉ tranh luận với người bị chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đang được chất vấn, không sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận với đại biểu Quốc hội đã chất vấn trước đó. Khi có nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký tranh luận về cùng vấn đề, thì người đã nêu chất vấn về vấn đề đó được ưu tiên tranh luận trước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự phiên chất vấn sáng nay |
"Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội, trên cơ sở sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, với thực tiễn phong phú trong ngành, lĩnh vực công tác và kinh nghiệm đã tích lũy trong quá trình họạt động tại Quốc hội, tiếp tục phát huy tinh thần “Tận tâm - Tận lực - Tích cực - Tâm huyết - Trách nhiệm” trong hoạt động chất vấn…", ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các vị bộ trưởng, trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Quốc hội, trước cử tri và nhân dân cả nước, giải trình rõ ràng về nguyên nhân, trách nhiệm và biện pháp khắc phục, để phiên chất vấn thực sự hiệu quả, thực chất, có chiều sâu, mang tính xây dựng cao; không chỉ góp phần giải quyết kịp thời những vấn đề thời sự, cấp bách, mà còn nhận diện và đề xuất giải pháp cho những vấn đề căn cơ, lâu dài, tạo chuyển biến thực chất trong từng lĩnh vực được chất vấn.../.
Bình luận