Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 cao nhất từ đầu năm
Cụ thể là IIP tháng 07/2015 ước tính tăng 11,3% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, IIP tháng 07 đạt mức cao nhất từ đầu năm 2015, ngoài trừ tháng 01/2015, do đây là tháng có tính đặc thù (Biểu đồ).
Trong mức tăng chung đó, đóng góp chủ yếu vẫn thuộc về 04 ngành hàng công nghiệp cấp II. Cụ thể là: ngành khai khoáng tăng 13,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,5%; sản xuất và phân phối điện tăng 12%; cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,9%.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2015, IIP tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, ngành khai khoáng tăng 9,2%, đóng góp 2 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành chế biến, chế tạo tăng 10,1%, đóng góp 7 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,5%, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 7,1%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.
Đối với một số ngành công nghiệp cấp II, lĩnh vực sản xuất xe có động cơ đạt mức cao nhất tăng 29,8%, kế tiếp là sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính và quang học tăng 27,7%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 21,8%... Qua đây có thể thấy rằng, trong tháng 07/2015, lĩnh vực sản xuất đang có dấu hiệu phục hồi. Điều này, cũng được thể hiện qua tốc độ tăng những sản phẩm, như: Ô tô tăng 57,8%; điện thoại di động tăng 56,9%; ti vi các loại tăng 40,4%; giày, dép da và thép cán cùng tăng 19% so với cũng kỳ năm 2014.
Một chỉ số khác cũng cho thấy, sản xuất công nghiệp có sự phục hồi đó đáng kể là chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo đó, tháng 6/2015, chỉ số này tăng 1,7% so với tháng trước và tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, chỉ số tiêu thụ tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó một số ngành có chỉ số tiêu thụ tăng cao: Sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 33,8%; sản xuất xe có động cơ tăng 31,9%; sản xuất kim loại tăng 26,3%; dệt tăng 11,5%.
Trong khi đó, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 01/7/2015 tăng 10,3% so với cùng thời điểm năm 2014. Trong đó, một số ngành có chỉ số tồn kho tăng thấp hơn mức tăng chung, như: Sản xuất trang phục tăng 7,3%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu tăng 6,6%... Tỷ lệ tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân 6 tháng đầu năm 2015 là 75,4%. Trong đó, một số ngành có tỷ lệ tồn kho cao: sản xuất thuốc, hoá dược và dược liệu 149,2%; sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất 118%; sản xuất chế biến thực phẩm 101,1%.
Báo cáo cũng cho thấy, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/07/2015 tăng 6,3% so với cùng thời điểm năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 0,4%; doanh nghiệp ngoài Nhà nước tăng 3,4%; doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 9,9%.
Lao động của các doanh nghiệp tại thời điểm 01/07/2015 so với cùng thời điểm năm trước của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô công nghiệp lớn, như sau: Thái Nguyên tăng 53%; Vĩnh Phúc tăng 17,9%; Hải Dương tăng 13,8%; Quảng Nam tăng 12,4%; Bình Dương tăng 8,2%; Đồng Nai tăng 6,9%; Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 5,8%; Đà Nẵng tăng 4%; thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,3%; Quảng Ninh tăng 0,7%; Hà Nội tăng 0,1%; Cần Thơ giảm 0,2%.
Tại các địa phương trên toàn quốc, IIP của Thái Nguyên tăng cao nhất với 217,7% so với cùng kỳ năm 2014. Tiếp đến là Quảng Nam tăng 31,2%; Hải Phòng tăng 15,8%; Đà Nẵng tăng 12,5%; Hải Dương tăng 9,4%; Bình Dương tăng 8,5%; Đồng Nai tăng 8%; Hà Nội tăng 7,1%...
Bình luận