Chỉ thị 15, 16: Bộ Y tế cùng các bộ, ngành đang tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên tại cuộc họp báo Chính phủ tháng 9

Không đóng cửa doanh nghiệp nếu có F0 ở 1 phân xưởng

Tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 02/10, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh rằng, trong tình hình mới là chúng ta thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong công tác phòng chống dịch, mở cửa phát triển kinh tế với điều kiện có lộ trình và đảm bảo an toàn trong sản xuất và phòng chống dịch.

“Chúng ta thực hiện nguyên tắc 5K, vaccine, thuốc, công nghệ thông tin và ý thức của người dân. Cách ly, xét nghiệm an toàn, hiêu quả, điều trị sớm, từ xa, hạn chế tử vong. Bộ Y tế đã có hướng dẫn và đang xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương, Ban Chỉ đạo quốc gia để sớm ban hành trong thời gian tới”, lãnh đạo Bộ Y tế cho biết.

Khẳng định rằng, đã nhiều lần cùng với lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp và làm việc với hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI, ông lưu ý: “Đối với các doanh nghiệp có một trường hợp F0 ở một phân xưởng, thì chúng tôi hướng dẫn không phải đóng cửa cả nhà máy, mà chúng ta khoanh vùng phân xưởng, đưa trường hợp F0 đi cách ly điều trị y tế. Tiến hành sàng lọc đưa các trường hợp F1 đi cách ly, tiến hành khử khuẩn phân xưởng. Sau 24 giờ có thể đưa lực lượng mới, được kiểm soát, quay trở lại làm việc. Đồng thời tiến hành tiêm chủng mở rộng ở phân xưởng đó để doanh nghiệp tiếp tục ổn định và phát triển”.

Ông cũng nêu ví dụ điển hình là Bộ Y tế đã triển khai tại Bắc Ninh và đã thực hiện tốt.

Sớm trình văn bản sửa đổi hoặc thay thế Chỉ thị 15, 16

Đối với Chỉ thị 15, 16, Thứ trưởng cho biết, Bộ Y tế cùng các bộ, ngành Trung ương đang tiến hành rà soát, đánh giá lại.

“Với tình hình dịch bệnh hiện nay trong điều kiện mới, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu và tham mưu để có báo cáo cụ thể trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét có thể sửa đổi, bổ sung hoặc có Chỉ thị mới thay thế Chỉ thị 15, 16”, Thứ trưởng cung cấp thêm thông tin.

Về việc người dân ở TP. Hồ Chí Minh và một số địa phương khác tự phát trở về địa phương, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia cũng như Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương như TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố đang thực hiện Chỉ thị 15.

“Đó là có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương có công dân của mình cùng với TP. Hồ Chí Minh để công dân đăng ký về tỉnh nào thì tỉnh đó sẽ cử người đón công dân về địa phương, thực hiện cách ly, giám sát y tế nhằm bảo đảm công tác phòng chống dịch, tránh lây lan trong cộng đồng. Trong thời gian qua một số tỉnh tổ chức triển khai việc này rất tốt”, Thứ trưởng nêu rõ.

Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị cung cấp sinh phẩm xét nghiệm hằng tuần cập nhật công khai giá

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, về xét nghiệm, ngay từ đầu và cuối đợt dịch 2, 3, Bộ Y tế đã có các văn bản hướng dẫn, đối với mẫu xét nghiệm RT-PCR có thể xét nghiệm gộp 5, gộp 10, có thể gộp 15 mẫu; đối với xét nghiệm nhanh có thể xét nghiệm gộp từ 3-5 mẫu trong một ống xét nghiệm để đạt hiệu quả xét nghiệm nhanh hơn.

Về giá test kit xét nghiệm, trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn về xét nghiệm để các đơn vị đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm cho người dân cũng như công nhân trong các doanh nghiệp.

“Trong đó hướng dẫn rất cụ thể đối tượng nào trong doanh nghiệp được ưu tiên xét nghiệm sàng lọc và có văn bản hướng dẫn gộp mẫu xét nghiệm như ban đầu chúng tôi đã báo cáo”, Thứ trưởng nói.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã yêu cầu các đơn vị cung ứng xét nghiệm đảm bảo tính công khai, minh bạch; tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký đảm bảo tính cạnh tranh về giá cả.

Thứ trưởng cho biết, đến nay Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 test xét nghiệm, trong đó có 35 test xét nghiệm PCR và 39 test xét nghiệm kháng nguyên để đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh trong vấn đề cung ứng test COVID-19 phục vụ các doanh nghiệp và địa phương.

“Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp sinh phẩm xét nghiệm hằng tuần cập nhật công khai giá trên Cổng thông tin giá của Bộ Y tế để đảm bảo tính công khai minh bạch, tạo điều kiện cho các đơn vị đăng ký, tạo ra sự lành mạnh”, Thứ trưởng cung cấp thêm thông tin.

Trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế, đồng chí Bộ trưởng đã có rất nhiều công điện, văn bản chỉ đạo nghiêm cấm các hành vi tiêu cực trong việc mua sắm sinh phẩm xét nghiệm, lợi ích nhóm trong vấn đề này.

Bộ Y tế cũng đề nghị UBND các tỉnh chỉ đạo Sở Y tế, Thanh tra tỉnh tích cực kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc đấu thầu, mua sắm trang thiết bị; thanh tra, kiểm tra các cơ sở cung cấp dịch vụ xét nghiệm để xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

“Bộ Y tế cũng đã thành lập Đoàn kiểm tra do Thanh tra Bộ làm trưởng đoàn đi kiểm tra các tỉnh mà chúng tôi cho rằng cần thanh tra trước để xem xét, chấn chỉnh như thông tin vừa rồi báo chí đã đưa”, Thứ trưởng cho hay.

Nói thêm về kiểm soát giá sinh phẩm xét nghiệm, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Trần Văn Sơn cho biết, Bộ Y tế đang tiến hành thanh tra, kiểm tra. “Tuy nhiên, giá các loại test xét nghiệm nhanh phụ thuộc vào chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc, chất lượng, số lượng mua, thời điểm, diễn biến của dịch bệnh tại thời điểm mua”, Bộ trưởng chia sẻ./.