Thực trạng điều hành giai đoạn 2011-2015

CSTT của NHNN trong 5 năm qua về cơ bản có thể được khái quát ở những mặt sau:

Điều hành lãi suất linh hoạt, bám sát mục tiêu bao trùm của CSTT, đảm bảo là công cụ để neo kỳ vọng lạm phát, ổn định tỷ giá và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Một số thay đổi trong điều hành lãi suất những năm qua luôn tuân thủ nguyên tắc không gây ra những cú sốc thị trường, đảm bảo tính ổn định và thực hiện các mục tiêu kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế. NHNN đã có những đánh giá, nhận diện khá chính xác tình hình để có được hướng điều hành hợp lý nhất. Khi mặt bằng lãi suất cho vay ở mức rất cao, có thời điểm đã vượt 20%/năm, NHNN đã quyết định phải ổn định lại mặt bằng lãi suất thông qua áp dụng cơ chế kiểm soát lãi suất trực tiếp (quy định trần lãi suất huy động và trần lãi suất cho vay). Việc áp dụng trần lãi suất huy động đã giúp giảm động cơ cạnh tranh không lành mạnh giữa các TCTD, hỗ trợ siết chặt kỷ luật thị trường. Trong khi đó, việc quy định trần lãi suất cho vay, đặc biệt đối với lĩnh vực ưu tiên, góp phần gia tăng cơ hội tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp.

Bên cạnh những ứng biến linh hoạt trong việc sử dụng công cụ trần lãi suất, các mức lãi suất chính sách cũng có những bước chuyển biến căn bản theo hướng chủ động, dẫn dắt thị trường và được điều chỉnh linh hoạt trên cơ sở bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ trong từng thời kỳ. Điều này đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện thành công nhiệm vụ giảm mặt bằng lãi suất để tháo gỡ khó khăn về chi phí vay vốn cho doanh nghiệp, nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát được lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ.

Điều hành tỷ giá ổn định, hỗ trợ tích cực cho công tác kiểm soát, kiềm chế lạm phát

Hàng năm, NHNN đã chủ động công bố định hướng điều hành tỷ giá giao động trong khoảng 1%-3% mỗi năm (mức điều chỉnh không quá 1% trong các tháng cuối năm 2011, không quá 2%-3% trong năm 2012 và 2013; không quá 1%-2% trong năm 2014, không quá 2% trong năm 2015) nhằm tăng cường tính minh bạch, định hướng thị trường, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh. Tần suất điều chỉnh tỷ giá cũng giảm dần so với giai đoạn trước. Sau lần điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng 9,3%/năm vào giữa tháng 2/2011 (trong bối cảnh thị trường ngoại tệ căng thẳng kéo dài do tác động của giá vàng thế giới và lạm phát tăng cao), mỗi năm tiếp theo tỷ giá được điều chỉnh tăng nhẹ qua các năm (1%-2%/năm), ngoại trừ năm 2015 sau sự kiện phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc và kỳ vọng điều chỉnh tăng lãi suất điều hành của Fed.

Trong quá trình điều hành, bên cạnh các biện pháp trực tiếp như công bố tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng, các kỹ thuật can thiệp thị trường, NHNN đã chủ động phối hợp đồng bộ với các công cụ điều tiết tiền tệ để hạn chế tối đa các áp lực tác động đến ổn định của tỷ giá. Theo đó, NHNN đã chú trọng điều hành công cụ lãi suất, gồm cả lãi suất nội tệ và lãi suất ngoại tệ phù hợp với diễn biến của kinh tế vĩ mô, đảm bảo lợi ích nắm giữ đồng nội tệ, khuyến khích công chúng chuyển từ nắm giữ USD sang VND.

Ngoài ra, NHNN cũng tích cực sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở (OMO) trong việc điều tiết mức cung tiền một cách nhịp nhàng để hỗ trợ và đảm bảo thanh khoản hợp lý, nhằm hạn chế sự dịch chuyển của dòng tiền, đặc biệt vào thời điểm tỷ giá có biến động và thanh khoản hệ thống dư thừa.

Tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động kinh doanh và đầu tư vàng, tạo điều kiện cho thị trường hoạt động thông suốt

NHNN đã nỗ lực trong việc hoàn thiện hành lang pháp lý điều tiết hoạt động kinh doanh và đầu tư vàng, trong đó ghi dấu ấn quan trọng nhất là việc tham mưu cho Chính phủ ban hành khuôn khổ pháp lý mới về quản lý hoạt động kinh doanh vàng (Nghị định 24/2012/NĐ-CP, ngày 03/04/2012 để thay thế Nghị định 174 về quản lý thị trường vàng). Nghị định 24 đã tạo lập khuôn khổ pháp lý mới nhằm tổ chức, sắp xếp lại thị trường vàng, giao cho NHNN cấp phép đối với hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng; tổ chức sản xuất vàng miếng; tổ chức xuất khẩu vàng nguyên liệu, nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và tổ chức huy động và mua, bán vàng miếng.

Những thay đổi về mặt pháp lý như trên đã đáp ứng sự thay đổi của thực tiễn, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, hạn chế tác động bất lợi của hoạt động kinh doanh vàng đến CSTT, tỷ giá, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và đó cũng chính là bước tiến quan trọng trong lộ trình chống vàng hóa trong nền kinh tế.

Trên cơ sở pháp lý mới ban hành, NHNN cũng đẩy nhanh việc chuyển quan hệ huy động-cho vay vàng sang quan hệ mua, bán vàng trên thị trường, đấu thầu vàng thông qua việc chỉ đạo đẩy nhanh việc tất toán số dư huy động vàng và giảm số dư cho vay vốn bằng vàng; giám sát chặt chẽ việc TCTD thực hiện lộ trình tất toán số dư cho vay vốn bằng vàng. Nhờ vậy, thị trường vàng ngày càng đi vào ổn định, tự điều tiết theo quy luật cung cầu; không còn các “cơn sốt” vàng gây bất ổn kinh tế ngay cả khi giá vàng thế giới có biến động, tình trạng “vàng hóa” từng bước được ngăn chặn, qua đó góp phần ổn định thị trường ngoại hối và kinh tế vĩ mô.

Đến tháng 4/2015, các TCTD đã giảm dần số dư cho vay bằng vàng, dư nợ cho vay vàng của toàn hệ thống (giảm 90% so với ngày 30/4/2012). Điều đó đã loại bỏ toàn bộ rủi ro liên quan đến sự biến động giá vàng và chấm dứt tình trạng vàng hóa trong hệ thống TCTD.

Chính sách tín dụng theo hướng tháo gỡ khó khăn cho khu vực sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ đắc lực chuyển dịch cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Trong vòng 2 năm 2010, 2011, trước hai thách thức lớn của nền kinh tế là lạm phát cao và khu vực sản xuất gặp nhiều khó khăn, NHNN đã mạnh dạn áp dụng cơ chế điều hành mới là xây dựng và công bố chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hàng năm thay cho việc các TCTD sẽ tự quyết trong giai đoạn trước. Cơ chế quản lý này đã góp phần kiểm soát mức tăng trưởng tín dụng phù hợp với quản lý kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tích cực cho mục tiêu kiềm chế và kiểm soát lạm phát. Đồng thời, chính sách này cũng phù hợp với năng lực của từng TCTD để vừa có thể đảm bảo an toàn của hệ thống các TCTD, vừa từng bước tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong nền kinh tế.

Để có thể tập trung vốn cho những khu vực quan trọng, hạn chế vốn chảy vào các khu vực “bong bóng”, NHNN đã thay đổi và có cách tiếp cận mới đối với thị trường tín dụng. Cụ thể, NHNN đã quy định rõ những lĩnh vực không khuyến khích và các lĩnh vực ưu tiên để các TCTD chủ động kế hoạch cung ứng vốn cho phù hợp. Đó là việc đưa lĩnh vực bất động sản và cho vay tiêu dùng ra khỏi danh mục của nhóm lĩnh vực không khuyến khích. Điều này tạo cơ sở quan trọng để phục hồi thị trường bất động sản, là “phao cứu trợ” cho các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất liên quan đến bất động sản và làm hồi sinh trở lại dòng vốn của ngân hàng vào khu vực này.

Ngoài ra, NHNN cũng định hướng các TCTD xây dựng chính sách phải hướng tới khách hàng của mình nhiều hơn, phải có các chính sách tín dụng mang tính tổng thể, phù hợp với từng lĩnh vực ngành nghề sản xuất. Chính vì thế, giai đoạn vừa qua đã chứng kiến sự ra đời của nhiều chính sách tín dụng mang tính đặc thù, như “gói” tín dụng cho vay hỗ trợ nhà ở theo Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ; chính sách tín dụng đặc thù đối với các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực của nền kinh tế hoặc có liên quan đến đời sống của người dân (chương trình cho vay tạm trữ lúa gạo, chương trình cho vay theo vụ mùa, chương trình tín dụng dành cho cá tra, tôm, cho vay tái canh cây cà phê giai đoạn 2014–2020; cho vay đóng mới và nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ,…); triển khai chương trình thí điểm cho vay đối với mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp...

Ngoài ra, để tháo gỡ khó khăn cho khu vực sản xuất kinh doanh, NHNN đã chỉ đạo các TCTD xem xét cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất cho khách hàng, tiếp tục cho vay mới để có vốn tiếp tục sản xuất, vượt qua khó khăn. Đây là những hỗ trợ hết sức cần thiết và kịp thời để giúp doanh nghiệp giảm áp lực trả nợ và có nguồn lực tài chính cho chu kỳ sản xuất mới.

Và những tác động đến nền kinh tế

Với các giải pháp điều hành tiền tệ thận trọng, linh hoạt và có nhiều đổi mới sáng tạo, chính sách của NHNN đã truyền dẫn hiệu quả đến nền kinh tế. Kết quả đó được thể hiện rõ nét qua từng năm với những dấu ấn đáng ghi nhận, cụ thể:

Tỷ lệ lạm phát được kiềm chế, giảm đều và hiện đang ở mức thấp

Tỷ lệ lạm phát sau khi tăng cao trong nửa đầu năm 2011 đã giảm xuống và diễn biến ổn định cho tới nay. Cụ thể, từ mức đỉnh 18,13% năm 2011 xuống còn 6,81% năm 2012, 6,04% năm 2013 và dưới 2% giai đoạn 2014-2015. Ngoài ra, tăng trưởng cung tiền và tín dụng kể từ năm 2012 đến nay không tạo áp lực tăng lạm phát như những thời kỳ trước đó do đã được tập trung hướng vào các lĩnh vực sản xuất trọng tâm của nền kinh tế.

Lãi suất nhanh chóng hạ nhiệt, hỗ trợ hợp lý cho khu vực sản xuất

Tính cho đến thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn bằng khoảng 47% so với cuối năm 2011 và tương đương mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006 (giai đoạn kinh tế phát triển ổn định), góp phần hỗ trợ giảm chi phí vốn vay của doanh nghiệp và hộ dân. Với những nỗ lực trong công tác điều hành lãi suất, chỉ trong thời gian ngắn, lãi suất cho vay đã giảm hơn một nửa, từ 20%/năm (thậm chí 24%/năm) xuống chỉ còn 9%-11% và còn khoảng 6,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh các khoản vay mới với lãi suất thấp, NHNN cũng yêu cầu các TCTD đưa lãi suất của các khoản vay cũ về mức 15%/năm và sau đó là 13%/năm, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tạo điều kiện giải phóng kênh tín dụng.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay USD cũng được điều hành giảm ổn định theo hướng không để tồn tại khoảng cách chênh lệch đáng kể với lãi suất cho vay VND, hiện lãi suất cho vay USD ngắn hạn ở mức 3%-5,5% và dài hạn từ 5,5%-6,7%.

Có thể nói, với mặt bằng lãi suất hiện nay đã góp phần làm giảm giá thành sản phẩm, tăng thêm khả năng cạnh tranh cho sản phẩm của doanh nghiệp trên thị trường và bước đầu đã tháo gỡ hàng tồn kho để chuẩn bị chu kỳ sản xuất mới.

Tăng trưởng tín dụng hợp lý, đạt được mục tiêu điều hành, phù hợp với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm.

Nếu như trong năm 2011, NHNN phải nhanh chóng áp dụng các chính sách chặt chẽ để kiềm chế tốc độ tăng trưởng tín dụng ở mức cao trên 30% xuống còn trên 14% để hỗ trợ công tác kiểm soát lạm phát, thì ngay trong năm 2012 khi tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu "ngưng trệ" ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, NHNN đã nhanh chóng thay đổi mục tiêu điều hành theo hướng tăng trưởng tín dụng nhưng thận trọng. Điều này nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, song phải theo nguyên tắc đảm bảo chất lượng tín dụng, hạn chế phân bổ vốn vào khu vực không khuyến khích có nguy cơ gây ra lạm phát cao và tăng trưởng thiếu bền vững trong tương lai. Nhờ đó, tăng trưởng tín dụng đã có sự phục hồi qua các năm, cụ thể: năm 2012 là 8,85%; năm 2013 là 12,51%; năm 2014 là 14,16%; 6 tháng đầu năm 2015 tăng 7,83%. Trong giai đoạn này, tín dụng tăng bình quân khoảng 13%/năm, thấp hơn so với mức tăng bình quân 33,3%/năm giai đoạn 2006-2010, nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn đạt mức hợp lý.

Ngoài ra, cơ cấu tín dụng có sự chuyển hướng tích cực sang các lĩnh vực ưu tiên theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng tín dụng trong các lĩnh vực ưu tiên trong giai đoạn 2012–2015 nhìn chung cao hơn so với tốc độ tăng trưởng chung của toàn ngành, như: nông nghiệp nông thôn có tốc độ tăng trưởng bình quân tín dụng giai đoạn 2011–2014 đạt 15%/năm; Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng trên 20%/năm; Công nghiệp ưu tiên phát triển tốc độ, tăng xấp xỉ 12%. Sự chuyển hướng tích cực của cơ cấu tín dụng như vậy đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế .

Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định góp phần cải thiện cán cân thanh toán tổng thể, tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, nâng cao vị thế đồng tiền Việt Nam, hỗ trợ tích cực cho lộ trình chống đô la hóa

Nhu cầu ngoại tệ hợp lý, hợp pháp của doanh nghiệp và cá nhân được các TCTD đáp ứng đầy đủ do các nguồn ngoại tệ được tập trung vào hệ thống các TCTD. Nếu như trước đây tỷ giá thường xuyên biến động, ảnh hưởng không tốt đến tâm lý của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thì từ cuối năm 2011 đến nay, điều hành tỷ giá đã luôn nằm trong định hướng chỉ đạo của NHNN. Chênh lệch tỷ giá của thị chính thức và thị trường tự do thu hẹp đáng kể. Trong diễn biến của thị trường, những xáo trộn xuất hiện chủ yếu do yếu tố tâm lý và đã nhanh chóng ổn định sau các biện pháp đồng bộ của NHNN, vị thế và lòng tin vào đồng Việt Nam ngày càng được củng cố.

Đáng kể là tình trạng đô la hóa đã giảm mạnh, tỷ lệ giữa tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán giảm từ trên 30% trong những năm 1990 xuống 15,8% cuối năm 2011, đến nay còn khoảng 12%; Cán cân thanh toán tổng thể, đặc biệt là các cân thương mại đã thặng dư trở lại sau nhiều năm nhập siêu; Lượng kiều hối gia tăng mạnh trở lại từ cuối năm 2011; Dự trữ ngoại hối nhà nước gia tăng; NHNN đã mua được một lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, góp phần tăng tiềm lực tài chính và uy tín của quốc gia trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, diễn biến lạm phát có xu hướng giảm tốc đã giúp ổn định tâm lý thị trường, kỳ vọng về sự giảm giá VND được hạn chế, khắc phục phần nào hiện tượng găm giữ đầu cơ ngoại tệ trong giai đoạn trước.

Một số giải pháp giai đoạn tới

Những kết quả từ điều hành của NHNN trong 5 năm qua là rất tích cực. Song trong giai đoạn tới, diễn biến của kinh tế quốc tế và trong nước còn chưa ổn định, được dự báo sẽ phức tạp hơn và rất khó lường. Để có thể bảo vệ được các thành quả đã tạo dựng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững phù hợp các mục tiêu vĩ mô đề ra trong giai đoạn 2016-2020, NHNN nên tập trung vào một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới và hoàn thiện điều hành CSTT. Cần linh hoạt và kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT, sử dụng có hiệu quả các công cụ điều hành gián tiếp, phù hợp với sự phát triển của thị trường; hoàn thiện chính sách lãi suất, điều hành hiệu quả lãi suất thị trường hướng tới thực hiện mục tiêu của CSTT. Tăng cường phối hợp chặt chẽ CSTT với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác, điều phối có hiệu quả các dòng luân chuyển tiền tệ phục vụ đắc lực cho mọi hoạt động trong nền kinh tế.

Thứ hai, điều hành linh hoạt tỷ giá, ổn định thị trường ngoại hối, thị trường vàng. Tỷ giá cần tiếp tục duy trì điều hành theo hướng chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách lãi suất, theo sát tín hiệu thị trường, phù hợp với cung-cầu ngoại tệ và diễn biến kinh tế vĩ mô nhằm nâng cao vị thế đồng Việt Nam, tăng dự trữ ngoại hối, cải thiện cán cân thanh toán. Thu hẹp phạm vi sử dụng ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam và giảm dần tình trạng đô la hóa, tiến tới thực hiện nguyên tắc trên lãnh thổ Việt Nam chỉ sử dụng đồng Việt Nam. Tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh vàng, tiếp tục triển khai các giải pháp thực hiện lộ trình chống vàng hóa trong nền kinh tế, tiến tới huy động nguồn lực vàng trong dân để phục vụ cho phát triển kinh tế.

Thứ ba, duy trì mức tăng trưởng tín dụng hợp lý để góp phần thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng, nâng cao chất lượng tín dụng và giảm nợ xấu. Tiếp tục triển khai các giải pháp tín dụng theo hướng tháo gỡ khó khăn, đảm bảo cung ứng vốn cho những ngành quan trọng. Khuyến khích phát triển đa dạng các hình thức huy động vốn và các sản phẩm tín dụng, tạo môi trường thuận lợi để các TCTD phát triển các dịch vụ mới, các công cụ phòng ngừa rủi ro, hỗ trợ các doanh nghiệp mở rộng hoạt động.

Thứ tư, hoàn thiện thể chế về tiền tệ và hoạt động ngân hàng, đảm bảo cho NHNN thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về tiền tệ, hoạt động ngân hàng để hỗ trợ tái cơ cấu, xử lý nợ xấu và tạo cơ sở cho TCTD hoạt động lành mạnh; hoàn thiện quy định pháp lý đối với hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng; hoàn thiện khung pháp lý về an toàn của các TCTD...

Thứ năm, nâng cao chất lượng của hệ thống thông tin thống kê và dự báo. Đây là giải pháp quan trọng phục vụ đắc lực hơn cho công tác điều hành CSTT, hoạt động ngân hàng của NHNN và công tác quản lý của các NHTM, dần bắt kịp với sự tiến bộ của hệ thống ngân hàng của các nước trong khu vực châu Á./.

Tài liệu tham khảo:

1. Ngân hàng Nhà nước (2011, 2012, 2013, 2014). Báo cáo thường niên của Ngân hàng Nhà nước các năm

2. Viện Chiến lược ngân hàng (2013). Tuyển tập bài viết về tiền tệ-ngân hàng Việt Nam, Nxb Văn hóa - Thông tin

3. Viện Chiến lược ngân hàng (2014). Tuyển tập bài viết về tiền tệ-ngân hàng Việt Nam, Nxb Hà Nội

4. Trần Thọ Đạt (chủ biên) (2015). Thực tiễn công tác quản lý và điều hành của NHNN Việt Nam giai đoạn 2011-2015, Nxb Đại học Kinh tế Quốc dân

5. Thường trực Hội đồng Khoa học và Công nghệ Ngân hàng (2012, 2013, 2014). Kỷ yếu các công trình nghiên cứu khoa học ngành ngân hàng năm 2012, 2013, 2014

GS, TS. Trần Thọ Đạt
PGS, TS. Đặng Ngọc Đức
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân
Tập thể tác giả xin cảm ơn Viện Chiến lược Ngân hàng, NHNN đã cung cấp một số tài liệu và dữ liệu cho bài viết

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 3/2016)