Chính thức khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp Phát triển bền vững Việt Nam 2023
Xuyên suốt Phiên chuyên đề được tổ chức vào buổi sáng và Phiên toàn thể vào buổi chiều, cùng với hàng nghìn lượt theo dõi trên các nền tảng trực tuyến của VBCSD, Diễn đàn VCSF đã thu hút hơn 300 đại biểu tham dự trực tiếp và gần 30 diễn giả tham gia thảo luận sôi nổi về các vấn đề thời sự trọng tâm hiện nay như: đẩy mạnh triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, phát thải thấp; xây dựng chuỗi cung ứng xanh; bảo tồn đa dạng sinh học; chuyển dịch năng lượng bền vững; phát triển kinh tế biển xanh; thực hành khung đánh giá Môi trường – Xã hội – Quản trị (ESG) trong doanh nghiệp (DN) hướng tới tăng trưởng xanh.
Tháng 9/2023, Hội nghị thượng đỉnh SDG của Liên hợp quốc sẽ diễn ra tại New York, Mỹ, để rà soát lại một nửa chặng đường đã qua trong tiến trình thực hiện Chương trình nghị sự 2030, đồng thời vạch ra kế hoạch tăng tốc hành động hướng tới 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG). Tại cột mốc này, có thể thấy, thế giới vẫn đang đối mặt với ngày càng nhiều thách thức đến từ biến đổi khí hậu, khủng hoảng an ninh lương thực, an ninh năng lượng, bệnh dịch, suy giảm kinh tế toàn cầu, bất ổn địa chính trị… Đặc biệt trong đó, sự suy giảm đa dạng sinh học, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu tạo ra những sức ép nặng nề hơn cả cho nhân loại. Điều đó cũng có nghĩa giải quyết được bài toán môi trường, biến đổi khí hậu sẽ đóng góp đáng kể vào việc đảm bảo tương lai bền vững mà nhân loại mong muốn. Từ góc độ này, các mô hình kinh doanh “vị” tự nhiên – kinh doanh tạo tác động tích cực đến môi trường là một trong những giải pháp tối ưu nhất cho mục tiêu phát triển bền vững (PTBV) doanh nghiệp, qua đó đóng góp vào sự thịnh vượng, phồn vinh của mỗi quốc gia, dân tộc. Đây cũng chính là thông điệp được truyền tải xuyên suốt qua những chủ đề được trình bày và thảo luận tại VCSF 2023.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại Diễn đàn |
Phát biểu chỉ đạo tại Phiên toàn thể của Diễn đàn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, phát triển bền vững phải gắn với phát triển bao trùm trên cả 3 trụ cột: Phát triển bền vững kinh tế; Phát triển bền vững xã hội, văn hoá và con người; Phát triển bền vững môi trường. Tất cả doanh nghiệp, dù ở quy mô nào, trong lĩnh vực nào cũng đều có cơ hội, vị thế, tiềm năng và hứa hẹn có nhiều đóng góp trong Cuộc đua xanh toàn cầu phát triển bền vững hiện nay.
Phó Thủ tướng đánh giá cao sáng kiến Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững (CSI) của VBCSD-VCCI đã, đang được áp dụng rộng rãi trong cộng đồng doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả các mục tiêu PTBV trên tất cả các lĩnh vực, trong đó tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thực hành các giải pháp PTBV. Các hành động và chính sách tích cực với tự nhiên sẽ được tiếp tục lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch, chính sách đầu tư trong từng ngành, lĩnh vực kinh tế xã hội.
Để hiện thực hoá các SDG và các cam kết của Việt Nam, các hành động và chính sách tích cực với tự nhiên cần được lồng ghép vào các chiến lược, kế hoạch và thực tiễn kinh doanh của doanh nghiệp; cần đầu tư vào các giải pháp dựa vào thiên nhiên để tăng cường các dịch vụ hệ sinh thái, giảm phát thải khí nhà kính, tăng khả năng phục hồi trước biến đổi khí hậu và tạo cơ hội mới cho đổi mới và tăng trưởng.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng lưu ý cộng đồng doanh nghiệp rằng, việc thực hiện PTBV không chỉ dành riêng cho các DN lớn, các DNNVV - xương sống của nền kinh tế, cũng cần phải tích cực và chủ động tham gia vào cuộc đua xanh này.
Phó Thủ tướng chỉ ra một số định hướng mà cộng đồng DN nước nhà cần ưu tiên thực hiện để thúc đẩy PTBV của DN và của quốc gia.
Thứ nhất, các DN cần nghiên cứu, áp dụng và thực hành những quy định, tiêu chí về PTBV, trong đó có Bộ chỉ số CSI do VBCSD-VCCI chủ trì xây dựng; cùng với đó là thúc đẩy thực hành ESG trong quản trị DN.
Thứ hai, các DN cần nỗ lực đóng góp vào công tác bảo vệ tự nhiên, bảo vệ sự đa dạng sinh thái.
Thứ ba, để có thêm các giải pháp trong PTBV, các DN cần tận dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, thúc đẩy chuyển đổi số.
Trong phát biểu khai mạc Phiên toàn thể Diễn đàn, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công đã đưa ra thông tin rất đáng lưu ý, đó là theo ước tính của các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu về biến đổi khí hậu Mercator – Cộng hòa Liên bang Đức, nếu chúng ta không có những hành động mạnh mẽ, quyết liệt để giảm mức phát thải các-bon đi-ô-xít (CO2), thì chỉ còn có “5 năm 333 ngày” nữa (ngày 23/7/2029), nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng thêm 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Ngưỡng tăng được gọi là “điểm không thể quay lại” và là mức tăng nhiệt tối đa của mục tiêu chung mà Liên hợp quốc đã xác định. Khi đó, tác động của biến đổi khí hậu sẽ rất khó lường. Uớc tính sẽ có hơn 1,7 tỷ người (1/5 dân số toàn cầu) sẽ phải đối mặt với nguy cơ đói, nghèo, đe dọa đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, hệ sinh thái và sự đa dạng sinh học sẽ bị suy giảm nghiêm trọng, dẫn tới những nguy cơ khủng hoảng, dịch bệnh và có thể là cả chiến tranh, xung đột vũ trang… Trước các thách thức biến đổi khí hậu đáng lo ngại này, giờ đây xây dựng tương lai xanh, phát triển bền vững đã trở thành trào lưu, xu thế toàn cầu, có ý nghĩa sống còn đối với hành tinh, nhân loại.
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công phát biểu khai mạc Diễn đàn |
Là một quốc gia đang phát triển nằm ở thềm lục địa, có bờ biển dài và chịu nhiều tác động do biến đổi khí hậu gây ra, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã sớm đề ra những quyết sách lớn trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường…
Cách đây 10 năm, ngày 3/6/2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI đã ban hành Nghị quyết số 24-NQ/TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Nghị quyết xác định ứng phó với biến đổi khí hậu phải được đặt trong mối quan hệ toàn cầu; không chỉ là thách thức, mà còn tạo cơ hội thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng PTBV. Phải tiến hành đồng thời thích ứng và giảm nhẹ, trong đó thích ứng với biến đổi khí hậu, chủ động phòng, tránh thiên tai là trọng tâm.
Tiếp theo đó Chính phủ đã ban hành các nghị quyết, chiến lược, chương trình hành động theo lộ trình… để thực hiện các chủ trương, chính sách, cam kết của Việt Nam về thúc đẩy mô hình tăng trưởng bền vững, đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào vào năm 2050 (cam kết tại COP 26 - năm 2021).
Với trách nhiệm quốc tế, Việt Nam cam kết không tăng trưởng bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng. Việt Nam đang nỗ lực, khẩn trương chuyển đổi, thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh, bền vững, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, kinh tế các-bon thấp, thực hành sản xuất kinh doanh xanh, sạch, chuyển đổi sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch…, duy trì và bảo vệ tài nguyên, sự đa dạng sinh học, đảm bảo công bằng, tiến bộ xã hội vì sự phát triển nhân văn, bao trùm, bền vững.
Khẳng định vai trò cốt yếu của cộng đồng DN trong hành động thực tiễn để hiện thực hóa mục tiêu PTBV. Ônng Nguyễn Tấn Công cho rằng, trong thực hiện phát triển xanh, DN giữ vai trò hết sức quan trọng, hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ có thể quyết định mức phát thải khí nhà kính. DN vừa là chủ thể. vừa là tác nhân tác động tới biến đổi khí hậu.
“Hơn lúc nào hết, các DN cần phải tăng tốc hành động hướng tới mô hình sản xuất kinh doanh có trách nhiệm và bền vững. Chính vì những lý do cấp bách nêu trên, mà VCCI đã lựa chọn chủ đề của VCSF năm nay là “Cuộc đua xanh toàn cầu: Từ chiến lược đến thực hành kinh doanh bền vững”, đồng thời VCCI cũng thúc đẩy tư duy “kinh doanh vị tự nhiên” trong cộng đồng DN. Toàn nhân loại thực sự đang trong một cuộc đua, cuộc đua xanh giảm phát thải khí nhà kính, cuộc đua xanh để đưa trái đất từ “quả cầu Xám” trở lại thành “quả cầu Xanh”. Cuộc đua này không phải để người này vượt người kia, quốc gia này vượt quốc gia nọ, dân tộc này thắng dân tộc khác…, mà đó phải là cuộc đua với thời gian để mong hãm lại hoặc đảo ngược được sự tăng nhiệt của hành tinh, sự biến đổi gây tác động nguy hại của khí hậu…”, Chủ tịch VCCI Nguyễn Tấn Công nhấn mạnh.
Cũng theo Chủ tịch VCCI, với vai trò là tổ chức quốc gia đại diện và tập hợp cộng đồng DN, cộng đồng kinh doanh tại Việt Nam, VCCI đã luôn tiên phong, bền bỉ trong nỗ lực hỗ trợ, thúc đẩy DN chuyển đổi, thực hành sản xuất, kinh doanh trách nhiệm, bền vững. Diễn đàn VCSF năm nay là năm thứ 10 được VCCI chủ trì tổ chức. Trải qua một thập kỷ với những biến đổi khó lường của tình hình thế giới, Diễn đàn luôn là dịp để Đảng, Nhà nước và các cơ quan quản lý trao đổi với cộng đồng DN về những xu thế, định hướng, chiến lược hướng tới phát triển bền vững đất nước và DN được chia sẻ những khó khăn, thách thức, những sáng kiến, những thực tiễn tốt về sản xuất, kinh doanh bền vững… để cùng nhau xác định, đề ra những mục tiêu trong giai đoạn kế tiếp.
Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD Nguyễn Quang Vinh đã mang đến Diễn đàn những thông tin cập nhật về các xu hướng kinh doanh bền vững toàn cầu hiện nay |
Đại diện cho VBCSD, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD Nguyễn Quang Vinh đã mang đến Diễn đàn những thông tin cập nhật về các xu hướng kinh doanh bền vững toàn cầu hiện nay, như: chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn, lồng ghép vấn đề tự nhiên và đa dạng sinh học vào các mục tiêu về khí hậu; củng cố nguồn vốn con người; xây dựng văn hóa đa dạng, bao trùm và bình đẳng trong DN; thẩm thấu tư duy quản trị theo định hướng ESG từ ban lãnh đạo DN; và công bố minh bạch thông tin thông qua lập báo cáo bền vững.
Theo ông Vinh, đứng trước các yêu cầu về PTBV, cộng đồng DN cần định nghĩa lại thành công của DN không chỉ nằm ở các con số tài chính, mà giờ đây, còn bao gồm khả năng thích ứng, chống chịu và phục hồi trước những thách thức chưa từng có trong tiền lệ, hay DN cần gắn kết thành công, tăng trưởng dài hạn của mình với lợi ích bền vững của cộng đồng, xã hội và môi trường.
“Khi đã chuyển đổi về tư duy, các DN cũng cần tập trung cho một số ưu tiên hành động, đó là: chuyển đổi chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng của DN theo hướng bền vững hơn; thúc đẩy trách nhiệm giải trình trong DN và thúc đẩy chuyển đổi kép (chuyển đổi số song hành cùng chuyển đổi xanh)”, Chủ tịch VBCSD Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.
Cũng tại Phiên toàn thể của Diễn đàn, các đại biểu đã được chia sẻ nhiều thông tin cập nhật từ đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường về các nội dung liên quan đến “Định hướng hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh”, “Hiện thực hóa Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030: Thách thức và cơ hội” và “Xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam: Các công cụ chính sách hiện nay, khoảng cách giữa Việt Nam và thế giới và khuyến nghị cho doanh nghiệp”.
Từ phía các cơ quan, tổ chức, đối tác quốc tế, đại diện Ngân hàng Thế giới, Cộng hòa Seychelles mang đến Diễn đàn những phân tích cập nhật, thông lệ quốc tế tốt và các khuyến nghị hữu ích để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững hướng tới nền kinh tế cácbon thấp và phát triển mô hình kinh tế biển xanh để tối ưu hóa tăng trưởng kinh tế đi kèm với bảo vệ tài nguyên biển…
Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam (NVL), đồng Chủ tịch VBCSD đã chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến thúc đẩy nỗ lực PTBV thông qua đổi mới sáng tạo nhằm tạo tác động tích cực đến môi trường |
Trong bài trình bày về “Sáng tạo và Phát triển bền vững: Thúc đẩy chuyển đổi kép trong doanh nghiệp”, ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Nestlé Việt Nam (NVL), đồng Chủ tịch VBCSD đã chia sẻ kinh nghiệm, sáng kiến thúc đẩy nỗ lực PTBV thông qua đổi mới sáng tạo nhằm tạo tác động tích cực đến môi trường và xã hội, qua đó đưa ra những khuyến nghị thiết thực, khả thi cho các DN Việt Nam tham khảo triển khai. Thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững là hai yếu tố cần song hành để đạt được các mục tiêu kinh doanh đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội.
Đặc biệt, Tổng Giám đốc NVL đã đưa ra mục tiêu và tiến trình “chuyển đổi kép” của DN với 2 yếu tố song hành là đổi mới sáng tạo và PTBV nhằm thúc đẩy tiến trình này. Theo đó, ông Binu cho rằng, vai trò của DN không chỉ là đem đến lợi ích cho cổ đông, mà còn tạo ra tác động cho xã hội. DN phát triển tốt nhờ đem đến những giá trị tốt đẹp.
“Hiện thực hóa tiến trình này, Nestle xác định giải quyết các vấn đề xã hội là mục tiêu trọng tâm. Theo đó, việc tạo giá trị cho xã hội chính là động lực để tập đoàn phát triển. Tại Việt Nam, Nestlé đang thực hiện nhiều sáng kiến bền vững, nhằm tạo tác động tích cực đến môi trường và xã hội, với các ưu tiên gồm: Phát triển thể chất và dinh dưỡng cho trẻ em, thu mua có trách nhiệm, hành động chống biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước, nâng cao quyền năng phụ nữ, phát triển bao bì bền vững. Các SÁNG KIẾN BỀN VỮNG của tập đoàn tại Việt Nam đang tạo ra các tác động tích cực đến Môi trường và Xã hội”, ông Binu Jacob nhấn mạnh.
Ghi nhận sự đóng góp và nỗ lực bền bỉ để thúc đẩy đối thoại giữa Chính phủ và DN trong PTBV, nhân dịp kỷ niệm 10 năm sáng kiến Diễn đàn VCSF, Phó Thủ tướng đã tặng hoa chúc mừng cho đại diện lãnh đạo VCCI, VBCSD và các đối tác đã có nhiều đóng góp cho sự thành công của VCSF trong 10 năm qua.
VCSF 2023 có sự đồng hành của Công ty TNHH Nestlé Việt Nam; Công ty TNHH Nước Giải Khát Coca-Cola Việt Nam; Công ty British American Tobacco Việt Nam; Dự án Bảo vệ Động vật Hoang dã Nguy cấp do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), chủ dự án là Ban quản lý các dự án Lâm nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đơn vị thực hiện là tổ chức WWF; và nhiều đối tác, thành viên VBCSD khác./.
Bình luận