Thông qua nhiều quy định chưa có tiền lệ

“Gần một năm qua, Quốc hội Khóa XV đã không ngừng nỗ lực, cố gắng, quyết tâm đổi mới, phát huy dân chủ, tăng tính pháp quyền, chủ động từ sớm, từ xa, thích ứng linh hoạt với điều kiện thực tế, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan, gần dân và sát thực tiễn hơn, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao…”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Ba của Quốc hội diễn ra sáng nay (ngày 23/5).

Chủ tịch Quốc hội lưu ý đánh giá sát bất ổn của thị trường chứng khoán, bất động sản…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ Ba (Ảnh: Quốc hội)

Thời gian qua, theo ông Vương Đình Huệ, Quốc hội đã tiến hành có chất lượng 2 kỳ họp thường lệ và Kỳ họp bất thường, với những đổi mới cả tư duy và phương thức hoạt động; xem xét, thông qua 3 luật, 45 nghị quyết, chất lượng được nâng cao, có nhiều quy định chưa có tiền lệ nhằm tiếp tục chia sẻ khó khăn với người dân, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội… Tuy còn nhiều khó khăn, thách thức, có mặt còn yếu kém, nhưng những kết quả quan trọng đã đạt được đã củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước…

“Sau Kỳ họp thứ Hai và Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức 5 phiên họp thường kỳ, các cơ quan Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội đã làm việc ngày, đêm để tập trung chuẩn bị nội dung cho Kỳ họp thứ Ba…”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.

Không xem xét quyết toán ngân sách theo kiểu… “việc đã rồi”

Theo Người đứng đầu Quốc hội, tại phiên họp trù bị, 100% đại biểu Quốc hội đã nhất trí thông qua nội dung, thời gian, chương trình và phương thức tiến hành kỳ họp. Theo đó, dự kiến trong 19 ngày làm việc (từ ngày 23/5 đến ngày 16/6), Quốc hội sẽ xem xét, quyết định những nội dung quan trọng sau.

Ông Vương Đình Huệ cho biết, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, đúng và trúng những vấn đề nhân dân và cử tri quan tâm; tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng...

Thứ nhất, về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo của Chính phủ về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020…

“Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội phân tích, đánh giá khách quan, toàn diện, thực chất về các báo cáo, tờ trình của Chính phủ...”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đối với tình hình những tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho những tháng còn lại của năm 2022, ông Vương Đình Huệ đề nghị Quốc hội bám sát các yêu cầu, mục tiêu, giải pháp tại các Nghị quyết của Quốc hội về phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống dịch Covid - 19 năm 2022, về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội…; đồng thời lưu ý những tác động và khó khăn mới phát sinh do diễn biến phức tạp của tình hình thế giới; bất ổn của thị trường tiền tệ, tài chính, chứng khoán, trái phiếu, bất động sản cả ở trong và ngoài nước, để đánh giá sát, đúng những kết quả quan trọng đã đạt được, những bất cập, yếu kém, hiến kế, đề xuất những giải pháp thiết thực, hiệu quả để hoàn thành cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách năm 2022...

Chủ tịch Quốc hội lưu ý đánh giá sát bất ổn của thị trường chứng khoán, bất động sản…
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội sẽ xem xét kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Hai của Quốc hội (Ảnh: Quốc hội)

Chủ tịch Quốc hội cho biết, theo quy định của pháp luật hiện hành, Quốc hội xem xét, quyết định thông qua quyết toán ngân sách nhà nước sau khoảng 18 tháng sau khi năm ngân sách kết thúc. Đề nghị các đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, không coi đây là “việc đã rồi”, tập trung thảo luận, đánh giá thực chất tình hình dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước, phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của những bất cập, tồn tại kéo dài nhiều năm qua như: ước thu khác xa so với thực tế, lập dự toán thu thấp; sai phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước còn nhiều, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các cơ quan Kiểm toán nhà nước, Thanh tra … chưa nghiêm, từ đó tập trung đóng góp ý kiến để siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm giải trình và xử lý vi phạm về tài chính, ngân sách nhà nước...

Thứ hai, về công tác lập pháp, ngoài sẽ xem xét, thông qua 5 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu 6 dự án luật.

Thứ ba, về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ Ba của Quốc hội; xem xét báo cáo về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021; kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Hai của Quốc hội...

“Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng, đúng và trúng những vấn đề nhân dân và cử tri quan tâm; tranh luận thẳng thắn, mang tính xây dựng, làm rõ thực trạng vấn đề, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động chất vấn, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong các ngành, lĩnh vực được chất vấn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước…”, ông Vương Đình Huệ lưu ý.

Thứ tư, về xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, cùng với sẽ xem xét, quyết định chủ trương đầu tư 5 dự án hạ tầng giao thông quan trọng, Quốc hội sẽ xem xét: việc kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết số 42/2017/QH14 ngày 21/6/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng; (ii) việc tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 66/2013/QH13 ngày 29/11/2013 về điều chỉnh một số nội dung và giải pháp, nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng Dự án đường Hồ Chí Minh.../.