Từ khóa: chuyển đổi số, phát triển du lịch, doanh nghiệp du lịch

Summary

Digital transformation is an inevitable need of Vietnamese tourism businesses after the Covid-19 pandemic. Currently, when the demands and habits of tourists have changed, the choice for digital transformation will determine the survival and development of tourism businesses. However, the digital transformation process in tourism enterprises itself also has many problems, which need more synchronous solutions to solve in the coming time.

Keywords: digital transformation, tourism development, tourism business

THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ Ở CÁC DN DU LỊCH

Kết quả đạt được

Chính sách và các chủ trương thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch

Chuyển đổi số là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước ta trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã nêu rõ nhiệm vụ cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh ở Việt Nam.

Đồng thời, chuyển đổi số được coi là giải pháp đột phá giúp ngành du lịch thích ứng linh hoạt với những thay đổi sâu sắc sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, mở ra hướng đi mới bền vững hơn.

Theo các chuyên gia trong ngành du lịch, chuyển đổi số là nhu cầu tất yếu của các DN du lịch Việt Nam sau dịch Covid-19. Hiện nay, khi nhu cầu, thói quen của khách du lịch đã thay đổi, thì việc chuyển đổi số hay không sẽ quyết định sự tồn tại và phát triển của các DN du lịch. Để triển khai chuyển đổi số của ngành du lịch, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1671/QÐ-TTg, ngày 30/11/2018 phê duyệt "Ðề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025", trong đó, nhấn mạnh ưu tiên phát triển du lịch số, du lịch thông minh, xem đây là một trong những lĩnh vực có mức độ sẵn sàng cao.

Năm 2022, bước vào giai đoạn đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân, DN làm trung tâm, toàn dân và toàn diện với Quyết định số 411/QĐ-TTg, ngày 31/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, Chương trình thúc đẩy chiến lược nền tảng số quốc gia sẽ cung cấp đầy đủ thông tin và trải nghiệm trực tuyến cho khách du lịch.

Theo đó, ngành du lịch đã tập trung triển khai các chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số, từng bước hình thành hệ sinh thái du lịch thông minh thông qua các hoạt động như: xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số ngành du lịch Việt Nam; thiết lập kết nối liên thông hệ thống thông tin giữa cơ quan quản lý, địa phương và doanh nghiêp... Trên thực tế, thời gian qua, những tập đoàn công nghệ lớn như: VNPT, Mobifone, FPT… cũng thường xuyên phối hợp Tổng cục Du lịch để thực hiện công tác chuyển đổi số tại các điểm du lịch, từng bước triển khai các hệ sinh thái du lịch.

Các năm 2020-2021, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, xác định được tầm quan trọng cũng như xu hướng tất yếu của chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã tiến hành xây dựng hệ thống các sản phẩm ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đây chính là nền tảng hình thành hệ sinh thái chuyển đổi số du lịch, giúp cho các chủ thể dễ dàng tiếp cận và thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn. Trong đó, Thẻ Du lịch thông minh, ứng dụng Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel, ứng dụng Nền tảng Quản trị và Kinh doanh du lịch, Trang vàng Du lịch Việt Nam, hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam... được xem là những sản phẩm cốt lõi hỗ trợ thiết thực cho khách du lịch, chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch, hướng dẫn viên, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch.

Đặc biệt, app "Du lịch Việt Nam an toàn" - một nền tảng tích hợp đa tiện ích quan trọng như bản đồ số du lịch an toàn, liên thông dữ liệu y tế về tình hình dịch bệnh ở các địa phương, cung cấp thông tin các cơ sở dịch vụ du lịch an toàn... Cùng với đó, nhiều sản phẩm thông minh và tiện ích giúp đáp ứng tối ưu nhu cầu của người dùng, tiêu biểu, như: hệ thống quản lý phòng tại các cơ sở lưu trú, hệ thống vé điện tử, hệ thống kiểm soát ra vào tự động, bãi đỗ xe thông minh, máy bán nước tự động…

Đầu năm 2023, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cũng chính thức ra mắt phiên bản mới tài liệu Hướng dẫn Chuyển đổi số trong ngành Du lịch "Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động" gồm các giải pháp tổng thể và bước đi cụ thể để triển khai chuyển đổi số. Đây là nhiệm vụ thực hiện chỉ đạo của Tổng cục Du lịch nhằm hình thành một bộ tài liệu hướng dẫn chung trong toàn ngành về chuyển đổi số. Tài liệu Hướng dẫn chuyển đổi số trong ngành du lịch "Chuyển đổi nhận thức và thống nhất hành động" sẽ là khung hướng dẫn để triển khai chuyển đổi số một cách thống nhất, đồng bộ trong ngành du lịch, giúp tối ưu hóa kết quả, tiết kiệm nguồn lực và tăng cường tính liên kết trong toàn ngành.

Chuyển đổi số ở các DN du lịch

Đối với DN, ngành du lịch chuyển đổi số không chỉ là một chiến lược tùy chọn, mà dần trở thành một thông lệ tất yếu phải được thực hiện để có đủ năng lực cạnh tranh và đáp ứng sự phát triển không ngừng trong nhu cầu của khách hàng. Chuyển đổi số cũng đòi hỏi DN cần có chiến lược lâu dài và quá trình này gần như sẽ tác động lên toàn bộ DN từ tổ chức, con người cho tới mô hình kinh doanh.

Thích ứng với tình hình trong giai đoạn dịch Covid-19, các DN kinh doanh dịch vụ - du lịch cũng đã có những thay đổi. Trong đó, việc ứng dụng công nghệ để vừa phòng dịch, vừa mang lại sự tiện lợi cho khách đang được các DN du lịch triển khai mạnh mẽ. Trong số các giải pháp công nghệ đang phát triển với tốc độ nhanh chóng, có thể kể đến một số xu hướng, như: ứng dụng mobile, trí tuệ nhân tạo (AI) và Chatbots, điểm đánh giá của khách hàng (Rating và Review), thực tế ảo (Virtual Reality)...

Nhờ áp dụng công nghệ, các DN du lịch có thể tiếp cận đối tượng khách hàng tiềm năng, thử sức với các dịch vụ mới liên quan và giải đáp bài toán về nhân lực, chi phí vận hành, tiết kiệm thời gian.

Thực tế cho thấy, nhiều DN du lịch đã đạt được thành công số hóa 100% quy trình hoạt động công ty, tất cả cán bộ, nhân viên làm việc trên hệ thống các phần mềm; hoàn thiện các ứng dụng AI nâng cao trải nghiệm người dùng, cải tiến nâng cấp hệ thống chatbot, vận hành hệ thống bigdata trong phân tích và xử lý dữ liệu lớn; nâng cấp các công nghệ trong thanh toán, nhận diện khách hàng, quản lý tài sản..

Điển hình như, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist là một trong những đơn vị lữ hành hàng đầu Việt Nam đã sớm xác định chuyển đổi số toàn diện là giải pháp tốt nhất để giữ vững vị trí. Với chủ trương chuyển đổi số toàn diện và mạnh mẽ mảng kinh doanh thương mại điện tử, DN cũng làm mới ứng dụng Saigontourist Travel và hệ thống thẻ khách hàng thân thiết (Mỹ Phương, 2021). Khách hàng của Lữ hành Saigontourist hiện nay không chỉ có nhiều lựa chọn sản phẩm dịch vụ, mà còn mua tour nhanh chóng, tiện lợi, cũng như được hưởng nhiều ưu đãi riêng. Đây là những nỗ lực không ngừng mà Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist mang đến cho khách hàng nhằm sẵn sàng đón đầu khi ngành du lịch phục hồi. Mặt khác, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist còn triển khai đa dạng chương trình huấn luyện nhân sự cho Công ty, ngoài ra, mảng kinh doanh trực tuyến và chăm sóc khách hàng được nâng cấp toàn diện.

Có thể thấy, chuyển đổi số trong ngành du lịch với định hướng, chính sách từ Nhà nước, các cơ quan quản lý cùng sự nỗ lực của các DN làm du lịch, lữ hành, các cơ sở lưu trú… đã góp phần nâng cao vị thế cũng như giá trị, hiệu quả ngành kinh tế này. Sự kết hợp giữa thương mại điện tử và du lịch không chỉ đem lại nhiều tiện ích cho ngành du lịch cũng như du khách mà còn tạo điều kiện cần thiết để hướng tới một ngành kinh tế thông minh.

Một số khó khăn, hạn chế

Trên thực tế, các DN du lịch lớn, các khách sạn và resort cao cấp đều áp dụng chuyển đổi số, trong khi phần lớn các DN quy mô vừa và nhỏ lại gặp nhiều khó khăn bởi nhiều nguyên nhân, như: nguồn vốn cạn kiệt, công nghệ thông tin còn yếu. "Bức tranh" chuyển đổi số trong ngành du lịch hiện vẫn đơn lẻ theo kiểu mạnh ai nấy làm và chưa có sự thống nhất. Hiểu được tầm quan trọng sống còn của việc chuyển đổi số, nhưng nhiều DN du lịch vẫn đang loay hoay chưa biết bắt đầu từ đâu và làm như thế nào.

Nhìn chung, quá trình chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch hiện còn chưa đồng bộ và thống nhất. Những hoạt động số hóa trong ngành còn rời rạc và chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ để kết nối và đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành và đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, cũng tương tự như những lĩnh vực khác, việc chuyển đổi số của ngành du lịch cũng đang đối mặt với không ít khó khăn. Điển hình là, nhiều DN du lịch đối diện với sự thiếu hụt nguồn lực, bao gồm cả nguồn lực tài chính, nguồn lực công nghệ hoặc nhân lực. Các DN tiến hành chuyển đổi số sẽ phải áp dụng công nghệ mới dẫn đến vấn đề chi phí đầu tư bước đầu khá lớn. Chi phí đó bao gồm chi phí cho máy móc công nghệ, thay đổi hệ thống quản lý, con người, hệ thống đào tạo. Việc thiếu hụt các dữ liệu cần thiết như: báo cáo, phân tích thông tin… hay năng lực quản lý còn quá hạn chế, việc ứng dụng công nghệ cũng trở thành những thách thức vô cùng lớn với nhiều DN du lịch. Với nhiều DN du lịch có quy mô vừa và nhỏ, đại dịch Covid-19 cùng với những khoản đầu tư lớn về công nghệ dẫn tới trở ngại về tài chính là chi phí đầu tư bước đầu quá lớn.

Bên cạnh đó là rào cản trong văn hóa DN; thiếu hụt dữ liệu (bao gồm các báo cáo, phân tích thông tin); tầm nhìn người lãnh đạo; tâm lý trong việc tiếp cận và ứng dụng… Đối với DN đang hoạt động khi tiến hành chuyển đổi số sẽ phải áp dụng công nghệ mới dẫn đến vấn đề chi phí đầu tư bước đầu khá lớn.

Ngoài ra, việc dùng quá nhiều phần mềm với các tính năng quản lý riêng biệt sẽ khiến dữ liệu không được đồng bộ. Chi phí bảo trì, nâng cấp tốn kém, mỗi phòng ban dùng một phần mềm sẽ khiến hoạt động nội bộ DN hạn chế, khó phát triển, duy trì trong thời gian dài.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm thúc đẩy chuyển đổi số ở các DN du lịch, hướng tới phát triển bền vững ngành du lịch, theo nhóm tác giả, cần tập trung vào một số vấn đề sau:

Một là, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát huy vai trò của cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương; các tổ chức, cá nhân, DN hoạt động du lịch và du khách giúp liên kết, hợp tác thuận lợi trong quá trình triển khai chuyển đổi số.

Hai là, xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động nhằm định hướng tư duy đúng và cách thức triển khai phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương, từ đó đạt được sự thống nhất và đồng bộ hệ thống.

Ba là, tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa các đơn vị trong ngành du lịch và ngành công nghệ thông tin để thiết kế giải pháp, mô hình công nghệ đáp ứng nhu cầu quản lý, kinh doanh du lịch.

Bốn là, tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu du lịch Việt Nam gồm các cơ sở dữ liệu thành phần về DN lữ hành, hướng dẫn viên, cơ sở lưu trú du lịch, khu - điểm du lịch, nhà hàng, điểm mua sắm đạt chuẩn, vui chơi giải trí…

Năm là, ngành du lịch cần tập trung hỗ trợ DN Việt Nam liên thông với các cơ quan quản lý nhà nước, từ đó cùng chia sẻ lên để du khách và DN có thể cùng sử dụng được.

Sáu là, để phát triển chuyển đổi số trong du lịch có hiệu quả, các DN, nhất là các DN nhỏ và vừa cần chú trọng xây dựng hệ thống quản trị, vận hành trên nền tảng công nghệ; tận dụng nguồn dữ liệu lớn để phân tích, thấu hiểu khách hàng; tăng cường quảng bá trên các nền tảng số.

Bảy là, DN du lịch phải nhanh chóng cấu trúc lại hệ thống bán hàng bằng giải pháp phát triển nhiều hơn vào bộ sản phẩm dịch vụ, trong đó, đẩy mạnh phương thức mua sắm trực tuyến giúp khách hàng có thể lựa chọn sản phẩm, dịch vụ du lịch mọi lúc và mọi nơi, với thanh toán trực tuyến 24/7.

Đặc biệt, cùng với dịch vụ sẵn có, DN cần tạo điều kiện cho khách hàng có thể chủ động tự lên kế hoạch và thiết kế chuyến đi phù hợp với bản thân, gia đình và trên hết là đảm bảo tất cả tiêu chí du lịch an toàn./.

ThS. Khuất Hương Giang, TS. Bùi Thị Hồng Nhung

Trường Đại học Lao động - Xã hội

(Theo Tạp chí Kinh tế và Dự báo, số 14, tháng 5/2023)


Tài liệu tham khảo

1. Hồ Thị Bảo Nhung (2022), Chuyển đổi số ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Tạp chí Tài chính, kỳ 2, tháng 3/2022.

2. Mỹ Phương (2021), Nâng tầm du lịch nội địa: Bài toán điểm đến an toàn, tiện lợi, truy cập từ https://www.vietnamplus.vn/nang-tam-du-lich-noi-dia-bai-toan-diem-den-an-toan-tien-loi/700609.vnp.

3. Thủ tướng Chính phủ (2018), Quyết định số 1671/QÐ-TTg, ngày 30/11/2018 phê duyệt "Ðề án tổng thể ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025".