Thi công tại Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Bio-Ethanol Dung Quất năm 2011

Thực hiện Quyết định số 177/2007QĐ-TTg, ngày 20/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án phát triển nhiên liệu sinh học đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025”. Từ tháng 10/2007 đến tháng 03/2009, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã đầu tư 3 dự án nhiên liệu sinh học với công suất 100.000 m3 Ethanol/năm. 3 dự án gồm các nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ (chủ đầu tư Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB), Khu kinh tế Dung Quất - tỉnh Quảng Ngãi (chủ đầu tư Công ty Cổ phần Nhiên liệu sinh học Dầu khí miền Trung - PCB) và Bình Phước (chủ đầu tư Công ty TNHH Nhiên liệu sinh học Phương Đông - OBF).

Đến thời điểm thanh tra, dự án Bình Phước và Dung Quất đã thực hiện xong, còn dự án Phú Thọ, mặc dù đầu tư sớm nhất nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành.

Các nhà thầu năng lực hạn chế, thiếu kinh nghiệm

Cụ thể là tại dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Thanh tra Chính phủ cho biết, đến thời điểm chỉ định thầu và ký hợp đồng EPC dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ, nhà thầu PVC chưa thực hiện hợp đồng EPC dự án nhiên liệu sinh học hoặc các dự án có tính chất tương tự. Do đó, PVC là nhà thầu chưa có năng lực, kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án nhiên liệu sinh học. Trong liên danh, PVC được giao thực hiện các công việc quan trọng, gồm: thiết kế, xây dựng, mua sắm, lắp đặt toàn bộ thiết bị các hạng mục phụ trợ và lắp đặt thiết bị nhà máy chính. Như vậy, việc chỉ định thầu cho Liên danh PVC/Alfa Laval/ Delta-T thực hiện gói thầu EPC, trong đó PVC thực hiện các công việc chính của dự án, khi hạn chế năng lực và chưa có kinh nghiệm là vi phạm quy định tại khoản 2, Điều 20 Luật Đầu thầu. Theo Thanh tra Chính phủ, đây là nguyên nhân chính dẫn đến trong quá trình thực hiện, nhà thầu PVC đã phải dừng thi công dự án từ tháng 11/2011, vi phạm hợp đồng EPC, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư, dự án khó tiếp tục được thực hiện.

Đối với dự án năng lượng sinh học Dung Quất, theo đánh giá của Thanh tra Chính phủ, Liên danh PTSC/Alfa Laval thực hiện gói thầu EPC dự án Dung Quất yếu về năng lực và chưa có kinh nghiệm. Cụ thể là, theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và hồ sơ năng lực của PTSC thể hiện chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, mua sắm xây dựng các dự án dầu khí, chưa thực hiện dự án năng lượng sinh học hoặc dự án có tính chất tương tự. Vì vậy, PTSC là nhà thầu chưa có kinh nghiệm với vai trò đứng đầu liên danh thực hiện dự án, trong đó PTSC chịu trách nhiệm thực hiện các công việc quan trọng của dự án, như: thiết kế xây dựng, chi tiết, mua sắm các phân xưởng phụ trợ và các hệ thống của nhà máy (trừ phần thiết bị chính của nhà máy). Theo Thanh tra Chính phủ, việc chỉ định thầu trên là vi phạm khoản 2, Điều 20 Luật Đầu thầu. Việc chỉ định thầu này đã dẫn đến thi công hạng mục xử lý nước thải không đáp ứng công suất của nhà máy; dự án chậm tiến độ 24 tháng, làm tăng chi phí cho chủ đầu tư 345 tỷ đồng.

Thua lỗ lớn

Thanh tra Chính phủ cho biết, sau khi thực hiện xong dự án, các nhà máy đi vào hoạt động đều bị thua lỗ lớn và hầu như không vận hành thương mại.

Toàn bộ vốn đầu tư vào 03 dự án với tổng số tiền đã thanh toán đến tháng 11/2014 là hơn 5.400 tỷ đồng chưa có hiệu quả.

Cụ thể, tại dự án Ethanol Dung Quất (Quảng Ngãi), tổng mức đầu tư được phê duyệt là hơn 1.800 tỷ đồng nhưng đã tăng vốn lên hơn 2.100 tỷ đồng. Năm 2014, dự án này lỗ khoảng 164 tỷ đồng.

Tại dự án Ethanol Bình Phước có tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, sau đó đã tăng vốn lên hơn 1.700 tỷ đồng. Từ tháng 04/2013 đến nay, nhà máy này hầu như không vận hành thương mại, năm 2013 và năm 2014 dự án bị lỗ khoảng 400 tỷ đồng.

Đặc biệt, dự án Ethanol Phú Thọ do Công ty Cổ phần Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) làm chủ đầu tư, nhà thầu là Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC). Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng sau đó tăng vốn lên mốc 2.500 tỷ đồng. Mặc dù dự án đã tạm dừng thi công nhưng vẫn mất hàng trăm tỷ đồng để trả lãi vay và quản lý.

Dự án Ethanol Phú Thọ bị đội vốn, thua lỗ

Chuyển hồ sơ sang cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an

Từ những sai phạm trên, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, chỉ đạo PVN kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xử lý theo quy định pháp luật.

Đồng thời, chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để điều tra, xử lý theo quy định pháp luật đối với các sai phạm trong quá trình đầu tư xây dựng dự án nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dung Quất có dấu hiệu cố ý làm trái và/hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc lựa chọn sai địa điểm xây dựng của Nhà máy Ethanol Dung Quất, trong chỉ định thầu, trong ký kết và thực hiện các hợp đồng EPC dẫn đến hậu quả nghiêm trọng./.