Qua thanh tra nhận thấy bên cạnh những kết quả đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, vẫn còn có những DNNN hoạt động thiếu hiệu quả, làm thất thoát vốn, tài sản của nhà nước; Việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản còn yếu kém, nhiều trường hợp để xảy ra sai phạm, thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Theo cơ quan thanh tra, các tồn tại, hạn chế chủ yếu là: Hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của DNNN còn kém, chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ trong so sánh tương quan với khối doanh nghiệp tư nhân và khu vực FDI; Cơ chế quản trị còn chậm đổi mới, tính công khai, minh bạch còn hạn chế; việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản còn yếu kém, nhiều trường hợp để xảy ra sai phạm, thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm; Cơ chế quản lý, giám sát hoạt động thiếu hiệu quả, chưa theo kịp yêu cầu của thực tiễn, dẫn đến nhiều trường hợp không ngăn ngừa và cảnh báo được các nguy cơ làm doanh nghiệp bị thua lỗ, mất vốn nhà nước;

Đặc biệt, việc tái cơ cấu, cổ phần hóa chậm so với kế hoạch và yêu cầu của Chính phủ. Quá trình thực hiện có nhiều sai phạm, trong đó có sai phạm rất nghiêm trọng, làm thất thoát, thiệt hại số lượng lớn vốn và tài sản của nhà nước; Việc đầu tư, cơ cấu lại vốn nhà nước tại doanh nghiệp; việc thực hiện quyền và trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước còn nhiều bất cập.

Thanh tra 27 cuộc tại DNNN, phát hiện sai phạm trên 46 nghìn tỷ đồng
Một số nội dung sai phạm phức tạp đã phát sinh từ rất lâu, cơ chế, chính sách có nhiều thay đổi nên rất khó khăn thực hiện xử lý khắc phục

Qua kết luận 27 cuộc thanh tra thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm với số tiền trên 46 nghìn tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính nhiều tập thể, cá nhân, chuyển cơ quan điều tra tiếp tục xem xét, xử lý theo quy định pháp luật hình sự 30 vụ việc, trong đó có vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, như: Vụ việc Mobifone mua 95% cổ phần của AVG; Việc cổ phần hoá Cảng Quy Nhơn; Các dự án, gói thầu liên quan đến Công ty Thái Sơn Bộ Q.P; Dự án mở rộng nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn II; Dự án đầu tư cải tạo, mở rộng Nhà máy phân đạm Hà Bắc; Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình.

Về công tác thực hiện các kết luận thanh tra, trong thời gian qua, các DNNN, các cơ quan, đơn vị đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị xử lý của Thanh tra Chính phủ. Tuy nhiên, qua công tác theo dõi, đôn đốc xử lý sau thanh tra, Thanh tra Chính phủ cho biết việc thực hiện các kết luận thanh tra nói chung, đối với DNNN nói riêng còn gặp khó khăn, vướng mắc, liên quan đến các dự án đầu tư, đất đai.

Cụ thể một số nội dung sai phạm phức tạp đã phát sinh từ rất lâu, cơ chế, chính sách có nhiều thay đổi nên rất khó khăn thực hiện xử lý khắc phục; Chủ thể sai phạm liên quan đến các dự án đầu tư, đất đai theo kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án, đến nay đã chuyển đổi nhiều lần thông qua hoạt động chuyển nhượng, mua bán, liên doanh, liên kết đầu tư nên rất khó khăn cho việc thực hiện kết luận thanh tra; Đối tượng thực hiện kết luận thanh tra là nhà đầu tư nước ngoài, việc xử lý kiến nghị thanh tra gặp khó khăn do phải thực hiện thỏa thuận và điều ước quốc tế.

Để thực hiện nghiêm các kiến nghị xử lý theo kết luận thanh tra, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho DNNN ổn định và phát triển, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ khẳng định đã và đang thực hiện nhiều giải pháp đổi mới theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thực hiện có Kế hoạch thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp, giảm thiểu phiền hà cho doanh nghiệp, trong đó chú trọng phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán nhà nước xử lý chồng chéo ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, đến tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm toán.

Công tác thanh tra tiếp tục chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, đáp ứng yêu cầu “thực hiện mục tiêu kép”; trong đó áp dụng những cách làm mới, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn hoạt động khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; Đồng thời, tăng cường hơn nữa công tác phối hợp, tạo sự đồng thuận, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đáng chú ý, để giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra tại một số tỉnh, thành phố nhằm giải phóng nguồn lực, nhất là đất đai cho đầu tư phát triển, trong đó có liên quan đến các DNNN, hiện nay, Thanh tra Chính phủ đang triển khai thực hiện Nghị quyết 127 của Chính phủ.

Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ cũng cho biết đến nay, Thanh tra Chính phủ đã thành lập 4 Đoàn kiểm tra liên ngành và đang tiến hành kiểm tra, rà soát cơ bản xong tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa. Thực hiện Quyết định số 153 của Thủ tướng Chính phủ thành lập Tổ công tác của Thủ tướng về kiểm tra, rà soát, giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố; Thanh tra Chính phủ với vai trò là cơ quan thường trực Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp để tham mưu giúp Tổ công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng đã giao.

Theo kế hoạch hoạt động, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ sẽ hoàn thành công việc kiểm tra, rà soát và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án trước mắt tại 4 tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa để báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 6 tới đây, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương, doanh nghiệp phát triển./.