Cơ chế xác định giá đất còn nhiều bất cập
“Quản lý đất đai là lĩnh vực rất phức tạp, nhạy cảm, tác động đến toàn bộ xã hội, các giai tầng, các lĩnh vực. Do vậy, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, chuẩn bị từ sớm từ xa, Ủy ban Kinh tế tổ chức Tọa đàm này nhằm tập trung góp ý các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất. Nếu xử lý, khơi thông được chính sách tài chính về đất đai và giá đất, thì những vấn đề khác của Luật Đất đai cũng sẽ được xử lý, kể cả việc thu hồi đất, bồi thường hỗ trợ tái định cư…”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, chia sẻ góc nhìn tại Tọa đàm góp ý về các quy định của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất, do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa tổ chức.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, có những biến động về bảng giá đất, nên cần có điều chỉnh để quá trình thực thi thuận lợi |
Ông Thanh mong muốn lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng đang thực hiện chính sách pháp luật về đất đai, cùng với Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu với Quốc hội, Chính phủ để hoàn thiện nội dung liên quan đến tài chính về đất đai và giá đất tại Luật Đất đai.
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học-Đào tạo, Đại học Thành Đông, thời gian qua, cơ chế xác định giá đất còn nhiều bất cập, mà nguyên nhân chủ yếu là do việc xác định giá đất cụ thể thấp hơn so với giá thị trường, gây thu thất thu ngân sách Nhà nước, nhiều tiêu cực, tham nhũng...
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, giải pháp tối ưu nhất để định giá sát với thị trường, đó là giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập tiến hành |
“Giải pháp tối ưu nhất để định giá sát với thị trường, đó là giá đất sẽ do các tổ chức, cơ quan chuyên nghiệp về định giá đất độc lập tiến hành. Các tổ chức này có nghĩa vụ tuân thủ các chuẩn mực, nguyên tắc, phương pháp định giá trong 'Tiêu chuẩn định giá Tài sản của Việt Nam', bảo đảm sự thống nhất trong việc định giá đất như phản ánh trung thực giá thị trường, nguyên tắc độc lập, khách quan của các chủ thể tư vấn, xác định giá đất, tuân thủ cơ chế kiểm tra, giám sát…”, ông Long nói.
Đề nghị cần có những quy định cụ thể hơn về tổ chức tư vấn định giá đất, trong đó nên bổ sung vào quyền hạn của tổ chức này được quyền yêu cầu cơ quan nhà nước quản lý thông tin về đất đai cung cấp những thông tin để phục vụ cho nhiệm vụ của tổ chức. |
“Vấn đề khó nhất, phức tạp nhất là chưa có hướng mở để đưa ra phương pháp xác định giá đất cụ thể trong các trường hợp để giải quyết tất cả vướng mắc, bất cập...”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế phát biểu kết luận.
Về bảng giá đất, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, có những biến động về bảng giá đất, nên cần có điều chỉnh để quá trình thực thi thuận lợi. Về hội đồng thẩm định giá đất, đề nghị phải đảm bảo tính độc lập, tính chuyên môn nghiệp vụ của hội đồng thẩm định giá đất, cơ quan định giá, cơ quan quyết định giá đất, bảo đảm trung thực, khách quan.
“Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về cơ quan chuyên môn giúp cho cấp ủy, chính quyền địa phương xử lý vấn đề này, các ý kiến băn khoăn ở chỗ chính quyền địa phương là HĐND hay UBND, cơ quan chuyên môn giúp HĐND hoặc UBND để xác định giá đất là sở tài chính hay sở tài nguyên và môi trường...”, ông Thanh nói.
Trong một diễn biến có liên quan, nhằm khắc phục thực tế tiến độ triển khai lấy ý kiến nhân dân ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn rất chậm, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Công điện số 32/CĐ-TTg, ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)./.
Bình luận