Cơ hội tiếp cận nguồn vốn cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp
Các đối tượng ưu tiên của Dự án sẽ là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nằm trong các lĩnh vực như: công nghệ sạch (cleantech), tài chính (fintech), nông nghiệp (agritech), sức khỏe y tế (healthtech). Bên cạnh việc hỗ trợ vốn, Dự án ADB Ventures sẽ hỗ trợ các kỹ năng cần thiết khác cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.
NIC được thành lập vào tháng 10/2019, có nhiệm vụ kết nối và thúc đẩy các nỗ lực đổi mới sáng tạo tại Việt Nam |
Trước đó, ngày 01/10/2021, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã công bố hoạt động “Nguồn nhân lực cho đổi mới sáng tạo - Hệ sinh thái khởi nghiệp” (USAID WISE). Hoạt động sẽ được thực hiện trong 2 năm do USAID tài trợ, với mục tiêu hỗ trợ các mô hình có thể mở rộng, theo định hướng thị trường và bền vững, nhằm xây dựng nguồn nhân lực của Việt Nam sẵn sàng cho cuộc CMCN 4.0 thông qua các quan hệ đối tác với khu vực tư nhân.
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC cho biết, dự án USAID WISE tập trung đào tạo và đào tạo lại nguồn nhân lực tại Việt Nam nhằm nâng cao, định hướng lại nghề nghiệp cho người lao động, giúp họ thích ứng, hòa nhịp với các công việc trong nền kinh tế hiện đại. Cũng theo ông Huy, việc đào tạo nguồn nhân lực của Dự án sẽ dựa vào nhu cầu thực tế từ thị trường. Dự án không dừng ở mô hình truyền thống như trường học, mà được tổ chức với mô hình mở, rất linh hoạt, để đáp ứng tốt nhu cầu của các doanh nghiệp cũng như người lao động.
Cũng liên quan đến các doanh nghiệp khởi nghiệp, nghiên cứu của PGS. TS Đỗ Phú Trần Tình cho biết, yếu tố đầu tiên doanh nghiệp khởi nghiệp cần có là năng lực sáng tạo. Bởi chỉ có sự sáng tạo mới làm nên sự khác biệt giữa mình và đối thủ, tìm ra những nhu cầu chưa được đáp ứng, từ đó đưa ra kế hoạch kinh doanh. Yếu tố quan trọng thứ hai là vốn kinh doanh khởi nghiệp. Đây là nguồn nuôi dưỡng cho kế hoạch kinh doanh và là một đòn bẩy cho sự thành công của các ý tưởng sáng tạo.
Cùng với đó, kiến thức nền tảng cơ bản cũng quyết định rất lớn đến khả năng thành công. PGS. TS Đỗ Phú Trần Tình cho biết, bất cứ một việc gì trong bất cứ một ngành nghề nào cũng cần phải có kiến thức phù hợp để thực hiện. Việc hiểu biết các kiến thức cơ bản, chuyên môn trong lĩnh vực mình hoạt động hay nhiều khía cạnh khác nhau trong doanh nghiệp như sản phẩm, nhân lực, công nghệ, thị trường, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan là một bước đệm quan trọng giúp các nhân sự mong muốn khởi nghiệp tránh khỏi sự thất bại trong việc thiếu chuyên môn và những lí do ngoài ý muốn.
Chia sẻ thực tế của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân cho thấy, điều họ cần nhất trong quá trình tìm cơ hội trên thương trường là cần được hỗ trợ về vốn và đào tạo nguồn nhân lực. Theo đó, hai dự án được NIC và các đối tác quốc tế đồng thời công bố vào tháng 10/2021 được kỳ vọng sẽ giúp nhiều doanh nghiệp, nhiều người lao động được hỗ trợ và đào tạo để tăng cơ hội vươn lên trong môi trường kinh doanh mới./.
Bình luận