Có sự “đứt gãy” giữa nội dung chương trình cũ ở cấp học dưới và chương trình mới ở cấp học trên
“Một điểm mới quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông mới là chuyển từ truyền tải kiến thức sang phát triển năng lực. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ việc chuyển đổi phương thức thi, kiểm tra đánh giá năng lực theo quan điểm này, để đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục theo đúng định hướng đề ra…”, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh đề xuất.
Ý kiến trên được đưa ra khi Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn - Trưởng Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” vừa chủ trì Phiên họp thứ hai của Đoàn giám sát.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm rõ các giải pháp để giúp học sinh bổ trợ kiến thức, đồng thời giúp các giáo viên có phương pháp giảng dạy phù hợp để tháo gỡ vướng mắc này |
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết, hiện nay các trường học đang triển khai việc chuyển đổi chương trình cũ sang chương trình mới theo trình tự cuốn chiếu, gây ra sự đứt gãy giữa nội dung chương trình cũ ở cấp học dưới và chương trình mới ở cấp học trên, gây khó khăn cho các em học sinh phải học một chương trình mới khi lên cấp.
Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Đỗ Chí Nghĩa, qua khảo sát thực tế, hiện nay các địa phương đang có những cách hiểu khác nhau trong việc sử dụng sách giáo khoa, do vậy, cần đẩy mạnh về công tác thông tin, truyền thông để thống nhất cách hiểu, tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với vấn đề này. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo rà soát để cung cấp số liệu đầy đủ hơn về việc chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho các bộ môn tích hợp trên phạm vi cả nước…
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, Tổ giúp việc tổng hợp, tiếp thu đầy đủ các ý kiến phát biểu tại phiên họp để hoàn thiện các văn bản |
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý về lịch trình đi các tỉnh/thành phố để giám sát, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Tổ giúp việc, rà soát kỹ tiêu chí lựa chọn các cơ sở giáo dục nơi Đoàn đến làm việc, bảo đảm đủ các loại hình, tiêu chí. Chương trình giám sát chi tiết và các hoạt động cụ thể cần sắp xếp khoa học, hợp lý, bảo đảm tiết kiệm thời gian, hiệu quả và cần thông báo sớm để tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên Đoàn giám sát tham gia đầy đủ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị, các cơ quan phối hợp gồm Ban Tuyên giáo Trung ương, Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi báo cáo tổng hợp các nội dung liên quan đến chuyên đề giám sát theo yêu cầu của Đoàn giám sát bảo đảm đúng tiến độ. Tổ giúp việc tiếp tục theo dõi, đôn đốc các địa phương, cơ quan chưa gửi báo cáo khẩn trương hoàn thiện báo cáo kết quả giám sát gửi Đoàn giám sát bảo đảm đúng tiến độ.
“Yêu cầu của Đoàn giám sát đặt ra là phải hoàn thành việc tổng hợp báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành trung ương và 63 tỉnh, thành phố phục vụ cho việc xây dựng Báo cáo giám sát và chuẩn bị dự kiến các nội dung làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương vào ngày 28/3/2023; tài liệu gửi đến các thành viên Đoàn giám sát trước ngày 20/3/2023…”, ông Mẫn nhấn mạnh./.
Bình luận