4 trưởng ngành bắt đầu trả lời chất vấn trước Quốc hội
“Hỏi nhanh, đáp gọn”
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng ngày 4/6, Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành.
Phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, theo Chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, bắt đầu từ sáng hôm nay, Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn, thời gian trong 2,5 ngày. Ngay từ đầu tháng 4/2024, trước khi triệu tập Kỳ họp thứ 7, để có cơ sở lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản đề nghị các Đoàn đại biểu Quốc hội đề xuất nội dung, lĩnh vực chất vấn. Căn cứ vào đề xuất của các Đoàn đại biểu Quốc hội, Báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội, tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 7; Tổng Thư ký Quốc hội đã tổng hợp, lựa chọn kỹ lưỡng 7 nhóm vấn đề gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Trên cơ sở đó, UBTVQH lựa chọn 5 nhóm vấn đề để xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội quyết định 4 nhóm vấn đề để Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn thuộc trách nhiệm của 4 Bộ trưởng, Trưởng ngành gồm: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT); Bộ trưởng Bộ Công Thương; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng Kiểm toán Nhà nước. Người đứng đầu 4 lĩnh vực này sẽ chịu trách nhiệm trả lời chất vấn; cùng tham gia giải trình có các Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, Trưởng ngành có liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian mỗi lần tranh luận không quá 2 phút; thời gian trả lời không quá 3 phút cho mỗi câu hỏi |
“Chính phủ đã phân công Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vào cuối phiên chất vấn. Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua Nghị quyết về hoạt động chất vấn vào cuối Kỳ họp, đây là cơ sở để các cơ quan triển khai thực hiện và cũng là cơ sở để Quốc hội, UBTVQH, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội giám sát.”, ông Trần Thanh Mẫn cho biết.
Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, thực hiện quy định tại Nội quy kỳ họp Quốc hội, phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 tiếp tục tiến hành theo cách thức “hỏi nhanh, đáp gọn”. Theo đó, người trả lời chất vấn có thời gian không quá 5 phút phát biểu về vấn đề thuộc lĩnh vực chất vấn trước khi Quốc hội tiến hành chất vấn; mỗi lượt Chủ tọa phiên họp sẽ mời 3 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, mong đại biểu nói chậm, nói rõ, mỗi đại biểu Quốc hội nêu chất vấn không quá 1 phút và trân trọng kiến nghị mỗi đại biểu chỉ nên tập trung vào 1 đến 2 vấn đề tâm đắc và trong phạm vi nội dung chất vấn tại kỳ này; nếu mỗi lần phát biểu, đại biểu nêu 1 vấn đề thì tốt nhất để có nhiều đại biểu được chất vấn và tạo điều kiện cho các Bộ trưởng, Trưởng ngành thuận lợi trong việc theo dõi, ghi chép, tổng hợp và trả lời đúng, trả lời đầy đủ các vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Quốc hội được tranh luận với người trả lời chất vấn để làm rõ hơn vấn đề đang được chất vấn; người hỏi không sử dụng quyền tranh luận để nêu câu hỏi chất vấn hoặc tranh luận với đại biểu Quốc hội đã chất vấn trước đó; thời gian mỗi lần tranh luận không quá 2 phút; thời gian trả lời không quá 3 phút cho mỗi câu hỏi. Các thành viên Chính phủ, các trưởng ngành liên quan sẽ tham gia giải trình theo sự điều hành của Chủ tọa phiên họp để làm rõ hơn những vấn đề chất vấn của đại biểu Quốc hội.
“Theo dõi, ghi chép tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội ngày 29/5 vừa qua, tôi thấy đại biểu Quốc hội có nêu 7 vấn đề thuộc lĩnh vực TN-MT; 4 vấn đề thuộc lĩnh vực Công Thương; 2 vấn đề thuộc lĩnh vực Văn hóa, Thể thao và Du lịch; các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng đã trả lời một số nội dung; trân trọng đề nghị đại biểu Quốc hội, để tránh trùng lắp nội dung chất vấn, nếu thấy thật cần thiết thì mới trao đổi lại.”, ông Trần Thanh Mẫn cho biết.
Các chủ dự án mỏ đã sai phạm về vi phạm công suất cho phép, khai thác ra ngoài ranh giới
Ngay trong sáng nay, Quốc hội bắt đầu tiến hành chất vấn và trả lời đối với Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực TN-MT, trong đó tập trung vào việc quản lý, khai thác, bảo vệ tài nguyên biển quốc gia; tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an ninh nguồn nước; giải pháp phòng, chống tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu, suy giảm, ô nhiễm nguồn nước; giải pháp nghiên cứu, thăm dò, khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tài nguyên, khoáng sản quý hiếm. Bộ trưởng Bộ TN-MT Đặng Quốc Khánh là người trả lời chính. Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) chất vấn Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh |
Đặt câu hỏi chất vấn, Đại biểu Quốc hội Lý Văn Huấn (Thái Nguyên) cho biết, công tác thanh tra, kiểm tra là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu, hạn chế tình trạng khai thác tài nguyên trái phép cũng như gây ô nhiễm môi trường. Những điều này cũng được thể chế hóa tại Điều 227 Bộ Luật Hình sự quy định về tội vi phạm các quy định về khai thác tài nguyên trái phép. Vậy qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng có kiến nghị xử lý những vụ việc vi phạm như thế nào?, đặc biệt là đối với kiến nghị xử lý đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự. Giải pháp của Bộ trưởng trong thời gian tới để tăng cường công tác thanh tra để xử lý những hành vi vi phạm này?
Giải đáp mối quan tâm trên, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, theo Luật Khoáng sản năm 2010 và Nghị định hướng dẫn của các bộ ngành, hoạt động khai thác khoáng sản được phân cấp quản lý mạnh ở địa phương, đặc biệt là vật liệu xây dựng. Bộ phân luồng ktra cùng các bộ ngành và địa phương. Thời gian qua, Bộ TN-MT và các bộ ngành liên quan đã tăng cường kiểm tra, giám sát cùng các địa phương. Qua 5 năm, Bộ đã có 12 cuộc thanh tra và 40 cuộc kiểm tra chấp hành về khoáng sản với tổng số 933 lượt giấy phép, phát hiện 258 tổ chức, cá nhân vi phạm, đã ban hành 258 quyết định xử lý vi phạm hành chính với tổng số tiền 30 tỷ đồng.
Bộ trưởng cho biết, Bộ TN-MT sẽ tăng cường đội ngũ thanh tra, kiểm tra, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành và địa phương, thanh tra, xử lý để phát hiện sớm, xử lý sớm việc khai thác khoáng sản, đảm bảo không thất thoát, khai thác trái phép nguồn tài nguyên này |
Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhận thấy, các chủ dự án mỏ đã sai phạm về vi phạm công suất cho phép, khai thác ra ngoài ranh giới, hoặc khai thác nhưng không đảm bảo điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường. Bộ sẽ xử lý nghiêm các sai phạm này, nhất là sai phạm có tính liên tục, nối tiếp, sau đó sẽ chuyển sang cơ quan chức năng điều tra để xử lý nghiêm các vi phạm này. Thời gian tới, dự thảo Luật Địa chất, khoáng sản sẽ phân cấp mạnh hơn nữa cho các địa phương.
Về câu hỏi của Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Hằng Nga (Trà Vinh) liên quan đến đầu tư hệ thống xử lý chất thải y tế, Bộ trưởng đồng tình với quan điểm rất cần thiét quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống này tại các bệnh viện y tế tuyến huyện như đại biểu nêu.
Đối với tranh luận của đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé, Bộ trưởng cũng thống nhất với vấn đề đại biểu nêu, trong đó cần tăng cường công tác dự báo. Bộ cũng chỉ đạo cơ quan trực thuộc nâng cấp trang thiết bị, phối hợp với các tổ chức quốc tế tăng cường năng lực dự báo và hiện đã tiếp cận với trình độ quốc tế. Điển hình như công tác dự báo hạn mặn được triển khai hiệu quả, cung cấp các bản tin thủy văn, cung cấp các bản tin cảnh báo thường xuyên theo chu kỳ 10 ngày, 1 tháng và theo mùa. Thời gian tới, Bộ TN-MT sẽ tập trung đầu tư hơn nữa cho công tác này để có thể dự báo sớm, cảnh báo sớm và ngăn chặn các rủi ro của biến đổi khí hậu gây ra./.
Bình luận