“Coi nhẹ văn hóa thì đất nước không phát triển bền vững được”
Hội nghị tổng kết công tác năm 2016 và triển khai nhiệm vụ năm 2017
của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vào sáng ngày 12/01/2017
2016: Năm “bội thu” của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, ông Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong năm 2016, ngành Văn hóa, thể thao, du lịch đã rất nỗ lực phấn đấu thi đua, triển khai có hiệu quả kế hoạch công tác đề ra, hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển ngành, đạt nhiều kết quả nổi bật.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện, trong năm 2016, hồ sơ "Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt" đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã nâng tổng số di sản được UNESCO ghi danh là 25 di sản.
Bên cạnh đó, ngành thể thao đã có những thành tích nổi bật với 482 HCV, 385 HCB, 345 HCĐ ở các giải khu vực, châu lục và thế giới. Lần đầu tiên trong lịch sử Thể thao Việt
Trong khi đó, năm 2016, du lịch Việt Nam lần đầu tiên đã đón được hơn 10 triệu khách quốc tế, tăng 25,4% so với năm 2015; tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 400.000 tỷ đồng, tăng 18,6% so với năm 2015. Ngoài ra, du lịch Việt Nam cũng phục vụ được 62 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ du lịch đạt 400.000 tỷ đồng.
Bên cạnh dấu mốc 10 triệu lượt khách quốc tế, ngành du lịch còn đạt mức tăng trưởng tuyệt đối trong một năm nhiều nhất so với cùng kỳ năm trước (trên 2 triệu lượt khách so với năm 2015).
Năm 2016 cũng là một năm diễn ra nhiều sự kiện quan trọng đối với ngành du lịch khi lần đầu tiên Chính phủ tổ chức Hội nghị toàn quốc về phát triển du lịch tại Thành phố Hội An, Chính phủ tiếp tục chính sách miễn visa cho 5 nước Tây Âu (Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha).
Đề cập đến những con số khả quan của du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện kỳ vọng du lịch Việt Nam đến năm 2018 có thể đuổi kịp du lịch của Indonesia và nhiều năm sau nữa có thể đuổi kịp Thái Lan.
Theo người đứng đầu ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bên cạnh những thành tích vượt bậc của ngành thì còn đó nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ huấn luyện và tổ chức thi đấu ở cả Trung ương và địa phương. Công tác quản lý, quy hoạch, bảo tồn và phát huy giá trị di tích tu bổ di tích được các địa phương quan tâm, tuy nhiên chưa được triển khai đồng bộ, một số nơi còn để xảy ra hiện tượng cháy nổ, mất cắp hiện vật... Riêng trong lĩnh vực du lịch, lãnh đạo Bộ này khẳng định, năng lực cạnh tranh ngành du lịch của nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực, sản phẩm du lịch của nước ta chưa thật sự hấp dẫn.
Còn tồn tại thứ văn hóa không nhúc nhích
Sau khi nghe báo cáo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm nay là năm gặt hái nhiều thành công trên các lĩnh vực mà ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch được Đảng, Nhà nước giao cho một cách toàn diện.
Nhìn nhận thể thao Việt Nam đạt nhiều thành tích nổi bật trong các giải đấu khu vực và thế giới, Thủ tướng chia sẻ, ông luôn theo dõi từng bước chân của các cầu thủ Việt Nam, vận động viên của Việt Nam trên các đấu trường và có hôm trời lạnh, Thủ tướng cũng đã đến sân cổ vũ cho đội tuyển bóng đá Việt Nam. Thủ tướng cũng cho biết nhiều khi “muốn viết thư khen, động viên anh em, nhưng chỉ sợ mọi người hồi hộp, không thi đấu được”.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ băn khoăn về tình trạng “thấp bé nhẹ cân” trong thanh niên, Thủ tướng yêu cầu nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục thể chất, nhất là giáo dục thể chất trong nhà trường và hoạt động thể thao quần chúng, nâng cao sức khỏe cho mọi người".
“Hôm qua, tôi có đọc một bài báo nói rằng tuyển đấu kiếm Việt Nam cả năm không được mua kiếm mới hay cách đây không lâu là tin nhiều vận động viên bắn súng mà không có đạn để luyện tập”, Thủ tướng cho biết và yêu cầu khắc phục tình trạng này.
Bên cạnh đó, nói đến những khó khăn, bất cập của du lịch, Thủ tướng cũng đề nghị ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch có biện pháp để trả lời 5 câu hỏi, đó là: Làm thế nào để du khách ngày càng tìm đến các địa điểm du lịch của Việt Nam đông hơn? Làm thế nào để khách ở lâu hơn thay vì phải rời đi sớm? Làm thế nào để khách tiêu tiền nhiều hơn thay vì không có gì để chi tiêu? Làm thế nào để khách kể lại những câu chuyện du lịch thú vị với người thân, bạn bè một cách đầy hứng khởi chứ không phải kể xấu hay chê bai về Việt
Thủ tướng cũng yêu cầu khắc phục ngay những việc là nỗi lo sợ của du khách, như: chèo kéo, chặt chém… Ông cũng lưu ý, cần gắn văn hóa, du lịch, thể thao với APEC 2017.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ lo ngại khi môi trường văn hóa còn tồn tại những biểu hiện thiếu lành mạnh, lệch lạc, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục, thể hiện những thói hư tật xấu, xuống cấp trong đạo đức, lối sống, chuộng hư danh.
“Ở Việt Nam, còn có thứ văn hóa không nhúc nhích, như: bàng quan, thờ ơ, vô cảm trước nhân dân, đặc biệt là trước những vấn đề của đất nước, của xã hội”, Thủ tướng nói và lấy ví dụ như nhìn thấy người bị tai nạn giao thông mà không giúp đỡ, thấy hiện tượng tiêu cực mà không đấu tranh…
Đề cập đến tình trạng nghèo nàn đơn điệu về đời sống văn hóa ở nhiều nơi, Thủ tướng nhấn mạnh việc thiếu các thiết chế văn hóa ở các khu công nghiệp.
“Tôi nói tồn tại này để các địa phương cùng với ngành văn hóa phải lo cái này tốt hơn. Công nhân đi làm từ sớm tới khuya, 8-9h tối mới về, chỗ ăn không có, chỗ tập không có, chỗ xem không có. Nhà ở không có phải đi thuê. Có phải khuyết điểm này là của chúng ta hay không? Tôi với anh Vũ Đức Đam (Phó Thủ tướng Chính phủ) cũng trăn trở cái này nhiều lắm. Chúng tôi đang cố gắng làm điều gì đó để đáp ứng lời nói và hành động này”, Thủ tướng bày tỏ.
Cần đẩy mạnh phát triển văn hóa trên cơ sở bền vững, hài hòa
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhất trí với 14 nhiệm vụ và giải pháp trong năm 2017 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và có những đề nghị để ngành văn hóa ngày càng phát triển.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ chung tay với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển bằng các biện pháp, như: chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ vốn cho đầu tư vào lĩnh vực văn hóa nghệ thuật; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa; cơ chế khuyến khích đầu tư, hỗ trợ sáng tạo, quảng bá văn học nghệ thuật...
" Nhắc lại lời nói của Bác Hồ: Văn hóa soi đường quốc dân đi, Thủ tướng nêu vấn đề: “Vậy soi thế nào, tỏa sáng thế nào để mọi người dễ đi, dễ tiến lên, lan tỏa bằng thần thái của văn hóa, văn nghệ, bằng những tác phẩm xuất sắc phục vụ nhân dân”.
Bên cạnh đó, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần coi trọng nhân tài, phải đầu tư chiến lược, đầu tư chiều sâu để tạo nên các tác phẩm. Vấn đề chiêu hiền đãi sĩ không chỉ ở ngành khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo mà cả trong ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bên cạnh việc phát triển toàn diện nhân cách đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật… thì phải kiên quyết đấu tranh phê phán, đẩy lùi cái xấu, cái lạc hậu, những tệ nạn xã hội, thói thờ ơ, vô cảm, cũng như những quan điểm, hành vi sai trái, tiêu cực ảnh hưởng tới văn hóa con người Việt Nam.
Chính vì vậy, ngày nay, ngành văn hóa phải làm sao tạo ra những hình tượng con người mới, hình ảnh đất nước con người Việt Nam vươn lên phát triển mạnh mẽ trong hội nhập quốc tế.
Theo người đứng đầu Chính phủ, “chúng ta cần đặt văn hóa ngang hàng với các lĩnh vực trọng yếu trong việc phát triển đất nước. Cần đẩy mạnh phát triển văn hóa trên cơ sở bền vững, hài hòa. Gắn ghép giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, thực hiện công bằng xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, tiếp thu chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân dân để giữ gìn và nâng cao phẩm chất văn hóa trong nhân dân. Văn hóa không thể đi sau mà phải đi ngang với phát triển kinh tế. Tôi cũng đã từng nói lãnh đạo văn hóa còn khó hơn kinh tế. Vì kinh tế còn có quy luật riêng, còn văn hóa thì rất khó", Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo.
Tiếp thu ý kiến chỉ đạo, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện khẳng định: "Chúng tôi nhận thức sâu sắc rằng, chỉ đạo của Thủ tướng hôm nay chính là phương châm hành động, là quyết tâm chính trị của toàn ngành trong việc hoàn thành trọng trách được Đảng và Nhà nước giao cho"./.
Bình luận