Tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, ngày 21/5/2018, thừa ủy quyền của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Báo cáo quyết toán NSNN 2016.

Năm 2016, thu tăng 9,2% so với dự toán

Báo cáo cho biết, trong năm 2016, số thu đạt 1.107.381 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa từ sản xuất, kinh doanh (không kể thu từ dầu thô và thu về nhà, đất quyết toán 762.998 tỷ đồng, tăng 5,6% so với dự toán.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giải trình, khoản tăng này chủ yếu nhờ tiếp tục thực hiện chế độ thu lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và thị trường ô tô tăng trưởng cao; thị trường bất động sản khởi sắc.

Trong khi đó, thu từ dầu thô quyết toán 40.186 tỷ đồng, đạt 73,7%, giảm 14.314 tỷ đồng so với dự toán do giá dầu thanh toán giảm theo giá dầu thế giới. Thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu quyết toán 172.026 tỷ đồng, vượt 26 tỷ đồng so với dự toán.

Chi trả nợ và viện trợ tăng 20.684 tỷ đồng so với dự toán

Về chi NSNN, quyết toán đạt 1.295.061 tỷ đồng, tăng 1,7% so với dự toán, phần lớn tăng chi đầu tư phát triển (41.501 tỷ đồng) từ nguồn tăng thu tiền sử dụng đất và nguồn năm trước chuyển sang theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, trong số chi, chi đầu tư phát triển 296.451 tỷ đồng, tăng 16,3% so với dự toán, chiếm 22,9% tổng chi NSNN.

Điều đáng lưu ý là chi trả nợ và viện trợ 175.784 tỷ đồng, tăng 20.684 tỷ đồng so với dự toán; chi phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hóa, xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh; quản lý hành chính 822.343 tỷ đồng, bằng 98,2% so với dự toán, chiếm 63,5% tổng chi NSNN.

Một số nhiệm vụ chi quan trọng vẫn được tăng để bổ sung kinh phí phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai; tăng kinh phí bảo đảm nhiệm vụ an ninh, quốc phòng và thực hiện chế độ, chính sách an sinh xã hội theo quy định.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán số bội chi là 248.728 tỷ đồng, giảm 5.505 tỷ đồng so với dự toán Quốc hội quyết định (vốn trong nước giảm 835 tỷ đồng; vốn ngoài nước giảm 4.670 tỷ đồng theo tinh thần tiết kiệm của Nghị quyết Quốc hội và Nghị quyết số 89/NQ-CP của Chính phủ tháng 9/2016); bằng 5,52% GDP thực hiện.

Trên cơ sở thực hiện tiếp thu, xử lý những kiến nghị của Ủy ban Tài chính ngân sách và Kiểm toán Nhà nước, Chính phủ trình Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán thu, chi NSNN năm 2016 như sau: Tổng số thu cân đối NSNN 1.407.572 tỷ đồng; tổng số chi cân đối NSNN là 1.574.448 tỷ đồng; bội chi NSNN 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% GDP.

Cần làm rõ một số điểm trong kết quả kiểm toán quyết toán NSNN 2016

Báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thừa nhận, tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị.

Cũng đồng tình với sự thẳng thắn của Chính phủ, song, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc chỉ ra một số điểm cần phải làm rõ hơn trong kết quả kiểm toán quyết toán NSNN 2016.

Trước hết, trong thu NSNN, mặc dù vượt dự toán, nhưng tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất và lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Một số bộ, ngành, địa phương lập, giao dự toán thu chưa đúng quy định; dự kiến chưa đầy đủ, bao quát hết nguồn thu trên địa bàn; chưa đảm bảo mức phấn đấu tăng thu bình quân tối thiểu 15% theo quy định...

Trong chi NSNN năm 2016, các sai sót trong chấp hành trình tự đầu tư đã được Kiểm toán nhà nước phát hiện và kiến nghị trong những năm vừa qua vẫn xảy ra tại không ít các dự án được kiểm toán, như: Phê duyệt dự án đầu tư không đúng trình tự, không phù hợp với quy hoạch vùng; xác định tổng mức đầu tư còn sai sót, thiếu chính xác; phê duyệt dự toán vượt tổng mức đầu tư; áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu không đúng quy định; giám sát thi công tại một số dự án không chặt chẽ; chất lượng thi công một số hạng mục chưa đảm bảo, có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng; tiến độ thực hiện còn chậm; nghiệm thu, thanh toán tại hầu hết các dự án còn sai sót.

Qua kiểm toán 1.497 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 10.125 tỷ đồng.

Tương tự với báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, Báo cáo thẩm tra nội dung quyết toán NSNN năm 2016 của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải chỉ ra: Tình trạng chi sai chế độ, sử dụng sai nguồn kinh phí ở các đơn vị sử dụng ngân sách, các chủ đầu tư và cả trong điều hành ngân sách vẫn tái diễn.

Tại các bộ ngành, địa phương còn sử dụng sai nguồn kinh phí 1.952 tỷ đồng; sử dụng nguồn cải cách tiền lương cho mục đích khác 804,8 tỷ đồng; nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương quyết toán một số khoản chi thường xuyên không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức.

Về chi đầu tư vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư như phân bổ vốn chậm, bố trí kinh phí dàn trải, tình trạng phải điều chuyển vốn giữa các dự án, kéo dài thời gian giải ngân vốn vẫn diễn ra,... Bên cạnh đó, kết quả giám sát cho thấy, nợ đọng xây dựng cơ bản có xu hướng giảm dần song trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nhiều địa phương chưa bố trí đủ nguồn để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản phát sinh trước 31/12/2014.

Một số bộ, ngành, địa phương tỷ lệ nợ đọng lớn so với tổng chi đầu tư phát triển; còn để phát sinh nợ đọng mới 14.614 tỷ đồng; có địa phương chưa xây dựng phương án, lộ trình xử lý nợ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Các dự án được kiểm toán hầu hết đều có sai sót trong nghiệm thu, thanh toán, nên qua kiểm toán 1.497 dự án Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 10.125 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Tài chính ngân sách thống nhất trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2016 như sau: Tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 1.407.572 tỷ đồng (bao gồm cả chuyển nguồn từ năm 2015 sang năm 2016, thu kết dư ngân sách địa phương năm 2015, thu huy động đầu tư của ngân sách địa phương và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước); tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 1.574.448 tỷ đồng; bội chi NSNN là 248.728 tỷ đồng, bằng 5,52% GDP (không bao gồm 81.852 tỷ đồng kết dư ngân sách địa phương)./.