Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 10 tháng đầu năm 2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút trên 16,4 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng vốn. Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là ngành thu hút vốn FDI lớn nhất trong tổng số 18 ngành kinh tế có vốn FDI.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục hút vốn FDI
Công nghiệp chế biến, chế tạo hiện đang là ngành thu hút vốn FDI lớn nhất trong tổng số 18 ngành kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Ngành quán quân trong thu hút FDI

Nhìn lại thì trong năm 2023, chỉ riêng công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút được trên 23,5 tỷ USD vốn FDI, chiếm 64,2% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam và tăng 39,3% so với kết quả năm 2022. Kết quả này đưa công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành thu hút vốn FDI lớn nhất trong tổng số 18 ngành kinh tế có vốn FDI.

Bước vào năm 2024, Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, thu hút thêm nhiều dự án FDI, trong đó có những dự án công nghiệp chất lượng cao thuộc lĩnh vực mũi nhọn. Đơn cử là Dự án xây dựng Nhà máy Goodway Việt Nam của Đài Loan (Trung Quốc) tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái (tỉnh Thái Bình), sản xuất thiết bị kết nối, thiết bị ngoại vi của máy vi tính, với tổng vốn đầu tư 45 triệu USD.

Nhiều địa phương đang chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến nhằm tăng cường thu hút FDI theo hướng thiết thực, hiệu quả hơn. Đơn cử, tỉnh Bắc Giang xác định không chỉ tiếp xúc, mời gọi doanh nghiệp nước ngoài mà còn đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ thông qua việc chăm sóc các dự án đã cấp phép, kiến tạo môi trường sản xuất, kinh doanh tốt nhất cho doanh nghiệp FDI. Từ đó, họ sẽ giới thiệu với nhà đầu tư khác đến đầu tư, hoạt động ở Bắc Giang. Trong khi đó, tỉnh Nghệ An nhất quán quan điểm sẵn sàng tạo điều kiện tối đa cho nhà đầu tư, đưa tỉnh trở thành địa bàn “thuận lợi, tin cậy và hiệu quả” của nhà đầu tư nước ngoài.

Đặc biệt, trong những sự kiện ngoại giao, đối thoại mới đây giữa Chính phủ với một số tập đoàn lớn của thế giới như Google, Siemens, Qualcomn, Ericsson…, các doanh nghiệp đều đánh giá cao những thành tựu kinh tế của Việt Nam và mong muốn Chính phủ Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện để đầu tư phát triển lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo, sản xuất chip bán dẫn… Từ quý III/2023 đến nay, các tổ chức kinh tế quốc tế cũng nhận định, Việt Nam sẽ từng bước trở thành địa bàn quan trọng của lĩnh vực chế tạo bán dẫn mang tầm vóc khu vực và quốc tế thông qua việc tiếp nhận những dự án FDI quy mô lớn, công nghệ tiên tiến.

10 tháng đầu năm 2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút trên 16,4 tỷ USD, chiếm gần 70% tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng vốn. Sự tập trung dòng vốn FDI vào lĩnh vực này đang thu hút các đối tác công nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới đến Việt Nam khi hiện có trên 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn hoạt động tại Việt Nam với các tên tuổi hàng đầu thế giới như Intel, Amkor, Hana Ampere.

Trên thực tế, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã có sức hấp dẫn đối với những tập đoàn công nghiệp lớn, có tầm ảnh hưởng trên thế giới như Samsung, LG, Amkor, Honda, Intel… Đây cũng là những tên tuổi thể hiện mong muốn mở rộng quy mô đầu tư trong thời gian tới. Kết quả là đến nay, khu vực kinh tế có vốn FDI thường xuyên đóng góp trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước bên cạnh việc tạo ra hàng triệu việc làm, đóng góp vào ngân sách cũng như tham gia đào tạo nguồn nhân lực và chuyển giao công nghệ tại Việt Nam.

Không chỉ thu hút luôn chiếm tỷ trọng cao (gần 70%) mà việc giải ngân nguồn vốn vào lĩnh vực này cũng rất khả quan khi 10 tháng qua đạt 15,8 tỷ USD, chiếm gần 81% tổng vốn FDI thực hiện. Điều này cho thấy khả năng phục hồi và sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.

Ông Lê Trung Kiên - Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế Hải Phòng chia sẻ: "Đã có các doanh nghiệp đầu tư sản xuất chip, bán dẫn nhỏ tại Hải Phòng. Và hiện nay có nhiều doanh nghiệp đang đến Thành phố tìm hiểu và đặt vấn đề có thể sẽ đầu tư những nhà máy lớn hơn, những công đoạn lớn hơn trong vấn đề đóng gói sản xuất chip và chất bán dẫn".

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục hút vốn FDI
Việc thu hút FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp cũng giúp lan toả đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước

Sức hấp dẫn nguồn vốn FDI với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo Việt Nam

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khẳng định, kết quả này có được khi Việt Nam luôn quan tâm, chủ động cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Việt Nam tập trung kêu gọi, chọn lọc những dự án ứng dụng công nghệ hiện đại, có sức lan tỏa và tác động tích cực tới quá trình chuyển dịch cơ cấu, hiện đại hóa nền kinh tế, qua đó, hiện thực hóa mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lĩnh vực FDI tại Việt Nam.

Các chuyên gia cũng nhận định, một trong những nguyên nhân lớn tạo nên sự thu hút dòng vốn FDI đổ vào công nghiệp chế biến, chế tạo là Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động đông đảo và chất lượng, kết hợp cùng chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, thị trường thông thoáng, an toàn…

Đánh giá về sức hấp dẫn nguồn vốn FDI với ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài cho rằng: Việt Nam có sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Thực tế, cũng có nhiều dự án FDI lớn của những tập đoàn toàn cầu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam.

“Đây là một tín hiệu tốt, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp của Việt Nam, đồng thời hiện thực hoá mục tiêu trở thành thành nước có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hàng Trung ương Đảng khoá XIII xác định” – ông Nguyễn Văn Toàn cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư nước ngoài, việc thu hút FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp cũng giúp lan toả đến cộng đồng doanh nghiệp trong nước, tạo cơ hội cho Việt Nam phát triển nguồn lao động chất lượng cao liên quan đến công nghiệp.

Tuy nhiên, bên cạnh số lượng đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần chú ý nhiều hơn đến chất lượng các dự án đầu tư vào lĩnh vực này, làm sao để thu hút được những dự án có chất lượng. Và đặt ra câu hỏi, dự án đó có mang lại giá trị gia tăng cho Việt Nam hay không?

Theo đó, để dòng vốn FDI vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo thực sự phát huy hiệu quả, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam cần khắt khe hơn trong lựa chọn dòng vốn FDI, tập trung thu hút các dự án FDI có chất lượng, có sức lan tỏa, hạn chế các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là mục tiêu được Bộ Chính trị đưa ra tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030 là: Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.../.