10 địa phương thu hút FDI nhiều nhất trong 11 tháng năm 2024
Bắc Ninh đang là quán quân trong thu hút FDI
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, thu hút vào 10 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Nghệ An, Bắc Giang đã chiếm 79,6% số dự án mới và 69,4% số vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng.
Nguồn: Báo Đồng Nai online |
Trong 11 tháng năm 2024, Bắc Ninh đang dẫn đầu trong thu hút đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 5,04 tỷ USD, chiếm 16% tổng vốn đầu tư cả nước, gấp hơn 3 lần cùng kỳ.
Tiếp theo là Quảng Ninh với hơn 2,29 tỷ USD, chiếm 7,3% tổng vốn đầu tư đăng ký, giảm 26,3% so với cùng kỳ.
TP. Hồ Chí Minh đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,28 tỷ USD, chiếm gần 7,3% tổng vốn đầu tư cả nước.
Hà Nội là địa phương giữ vị trí thứ 4 cả nước về điểm đến của các nhà đầu tư ngoại. Theo đó, đã thu hút gần 2,02 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong bảng xếp hạng thu hút FDI, các địa phương khác trong top 10 bao gồm: Bình Dương với 1,82 tỷ USD; Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 1,71 tỷ USD; Đồng Nai với 1,67 tỷ USD; Nghệ An đạt 1,57 tỷ USD và Bắc Giang với 1,17 tỷ USD.
Hàn Quốc tiếp tục là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với tổng vốn đạt 89,11 tỷ USD, chiếm 17,9% tổng vốn đầu tư. Theo sau là Singapore với 82,3 tỷ USD, Nhật Bản đạt 77,64 tỷ USD và Đài Loan (Trung Quốc) với 40,87 tỷ USD.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu về thu hút FDI với hơn 20 tỷ USD, mặc dù giảm gần 9% so với cùng kỳ năm trước. Những con số trên phản ánh một bức tranh toàn cảnh đầy triển vọng của Việt Nam trong việc tiếp tục là điểm đến hàng đầu của các dòng vốn đầu tư quốc tế.
Nếu xét về số dự án, báo cáo cho biết, TP. Hồ Chí Minh dẫn đầu cả nước cả về số dự án mới (chiếm 42,3%), số lượt dự án điều chỉnh vốn (chiếm 14,7%) và góp vốn, mua cổ phần (chiếm 70,9%).
Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài |
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI (cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư…) như: Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Nghệ An, Bắc Giang. Riêng 10 địa phương này đã chiếm 79,6% số dự án mới và 69,4% số vốn đầu tư của cả nước trong 11 tháng.
Tính lũy kế đến tháng 11 năm 2024, cả nước có 41.720 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký gần 496,7 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài ước đạt gần 318,9 tỷ USD, bằng 64,2% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Xét theo địa bàn, các nhà đầu tư FDI đã có mặt ở tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu trong thu hút FDI với hơn 58,4 tỷ USD (chiếm 11,8% tổng vốn đầu tư); tiếp theo là Bình Dương với gần 42,4 tỷ USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư); Hà Nội với gần 42,2 tỷ USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư).
Cần cải thiện môi trường đầu tư là bí quyết giúp các địa phương "in top" 10
Nhằm tạo ra những lợi thế so sánh động, tăng khả năng cạnh tranh trong thu hút FDI, tỉnh Bắc Ninh luôn chú trọng đến công tác cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư tốt nhất cho doanh nghiệp. Công tác cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính được chính quyền tỉnh thực hiện quyết liệt, triệt để ở tất cả các cấp, các ngành.
Tỉnh đã Xây dựng Mô hình bác sĩ doanh nghiệp và thành lập Tổ công tác hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bản tỉnh; Thành lập Trung tâm Hành chính công; Xây dựng Bộ Chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh các sở, ngành và UBND cấp huyện (DDCI Bắc Ninh).
Còn tại Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh những lợi thế sẵn có về vị trí địa lý chiến lược, cơ sở hạ tầng, nhân lực có chất lượng và đông đảo, chính quyền Thành phố đã không ngừng cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, đơn giản trong cải cách hành chính, nhằm đồng hành cùng doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thu hút nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư.
Đồng thời, Thành phố luôn tích cực, chủ động triển khai những khâu quan trọng để có thể thu hút các nhà đầu tư chiến lược, không chỉ hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, mà còn tăng cường tuyên truyền, phổ biến, kêu gọi, đa dạng hóa hình thức thực hiện, như: thông qua các chương trình gặp gỡ doanh nghiệp trong và ngoài nước; Hội nghị nhà đầu tư; Hội thảo khoa học… UBND Thành phố và các cấp chính quyền địa phương đã lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp, tâm tư của các doanh nghiệp, các chuyên gia kinh tế… Hướng đến mục tiêu là thu hút nhiều hơn các dự án lớn, tầm cỡ như: dự án trong lĩnh vực bán dẫn, công nghệ mới, vật liệu mới, năng lượng sạch…
Tại Bình Dương đã bắt đầu có sự chuyển dịch sang các dự án công nghệ cao |
Còn tại Bình Dương, địa phương này cũng đã bắt đầu có sự chuyển dịch sang các dự án công nghệ cao tiêu biểu, thu hút đầu tư vào sản xuất xanh, công nghệ hiện đại, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đồng thời, tích cực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Bên cạnh việc đầu tư các cụm công nghiệp xanh, Bình Dương đang đẩy mạnh đầu tư các khu công nghiệp xanh để đón các các nhà đầu tư lớn từ các nước có công nghệ phát triển. Trong đó, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III) được coi là mô hình khu công nghiệp xanh kiểu mẫu với hạ tầng đồng bộ, thông minh, xanh, thân thiện với môi trường.
Nhờ các yếu tố phát triển xanh, bền vững, Khu công nghiệp VSIP III đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn đến đầu tư như Lego, Pandora. Đầu tháng 11/2024, Lego đã vận hành thử nghiệm hệ thống thiết bị tại nhà máy để chuẩn bị đưa vào vận hành từ đầu năm 2025.
Riêng đối với Bà Rịa – Vũng Tàu, với lợi thế cảng biển và du lịch, trong thời gian qua, tỉnh đã tập trung đẩy mạnh đầu tư hạ tầng; phát triển khu công nghiệp xanh; tận dụng lợi thế cảng biển lớn nhất nước và ban hành nhiều chính sách hấp dẫn thu hút có chọn lọc nhà đầu tư nước ngoài.
Địa phương này cũng đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống giao thông kết nối vùng và nội tỉnh, với nhiều tuyến đường đang được triển khai khẩn trương như: Đường ven biển Vũng Tàu - Bình Thuận (ĐT 994), cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An...
Cùng với đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã triển khai nhiều giải pháp phát triển hệ thống trung tâm logistics và cảng trung chuyển quốc tế tại Cái Mép - Thị Vải; triển khai Đề án phát triển các tổ hợp quy mô lớn về công nghiệp - dịch vụ - đô thị tại Phú Mỹ… Tỉnh cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao tỷ lệ lao động có tay nghề; tập trung cơ cấu lại ngành công nghiệp theo chiều sâu, tạo đột phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh… Chính những yếu tố này đã tạo ra điểm hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến với Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trong những năm tiếp theo, tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu sẽ tiếp tục thực hiện chủ trương thu hút đầu tư có chọn lọc, trong đó thu hút đầu tư mạnh mẽ vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; thu hút đầu tư công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; ưu tiên thu hút một số ngành có lợi thế của tỉnh như: Logistics, công nghiệp hỗ trợ về cơ khí chế tạo, du lịch…; thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ môi trường./.
Bình luận